Tuyên ngôn độc lập năm 1945 - những giá trị truyền thống và đương đại

Có một truyền thống Việt Nam 

Ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã đi vào lịch sử dân tộc với tính cách là ngày Quốc khánh Việt Nam. Sự lựa chọn thật thích đáng. Đó là ngày ra đời của Tuyên ngôn độc lập do lãnh tụ tối cao Hồ Chí Minh tuyên đọc, chính thức khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. 

Sự ra đời của Tuyên ngôn độc lập năm 1945 phải được xem là một sự kiện hoàn toàn tự nhiên. Dân tộc Việt Nam, sau gan 100 năm chịu ách đô hộ, thống trị tàn bạo của nước ngoài đã bằng cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất, chấp nhận những hy sinh, mất mát to lớn giành lại được giang sơn gấm vóc, giành lại được độc lập, tự do. 

Sự kiện trọng đại đó được đánh đấu bằng một bản Tuyên ngôn độc lập long trọng tuyên bố với thế giới về quyền được sống trong độc lập, tự do của “một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay”...; “và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”. 

Tuy nhiên, trong cái hoàn toàn tự nhiên đó, có cái thể hiện tính đặc thù truyền thống rất Việt Nam mà không phải bao giờ cũng lặp lại ở những hoàn cảnh khác, ở những đất nước khác. 

Trên bình diện so sánh có thể thấy, với sự kết thúc chiến tranh thế giới chống phát xít Đức - Nhật hàng loạt dân tộc thuộc địa, sau nhiều thập kỷ, có khi là hàng thập kỷ cũng đã chịu ách đô hộ, thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc cũng đã vùng dậy giành được quyền độc lập, tự chủ, nhưng không phải ở đâu cũng đi kèm theo các bản Tuyên ngôn độc lập. 

Xét theo chiều dài lịch sử mấy ngàn năm tồn tại, dân tộc Việt Nam ta không phải chỉ một lần mất nước, một lần rơi vào cảnh bị thống trị... Do vị trí địa lý - chính trị đặc thù, sự tồn tại và sự tự khẳng định mình của dân tộc Việt Nam đã không phải một lần đối đầu với những thử thách thật khốc liệt mà hậu quả là sự lựa chọn: hoặc “thà hy sinh tất cả thứ nhất quyết không chịu làm nô lệ”, hoặc là chịu sự đồng hoá, nô dịch, diệt vong. Cuộc đấu tranh giành và giữ vững quyền sống, quyền tự do của cả cộng đồng dân tộc luôn luôn làm xuất hiện những anh hùng hào kiệt, không chỉ đại diện cho tinh thần ngoan cường, bất khuất mà còn đại diện cho cả ý chí, khát vọng được sống trong độc lập, tự do, và vì vậy họ trở thành người phát ngôn của cả một dân tộc, về những quyền sống, quyền độc lập, tự chủ thiêng liêng không ai được xâm phạm. 

Ngược dòng thời gian, lịch sử Việt Nam ghi nhận: trước Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam còn có Bình Ngô đại cáo thế kỷ XV của Lê Lợi - Nguyễn Trãi sau khi đánh đổ ách thống trị của triều Minh; có “Nam quốc sơn hà...” của Lý Thường Kiệt thế kỷ XI trong chiến thắng xâm lược Tống. Lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận quyết tâm “biến nợ nước, trả thù nhà” của Hai Bà Trưng trong những năm đầu Công nguyên, khi trên đàn thề trước ba quân dấy nghĩa, Hai Bà Trưng nguyện: “Một xin rửa sạch nước thù, hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng” trước khi bước vào cuộc đấu tranh hoàn toàn không cân sức đánh đổ chính quyền đô hộ Đông Hán. Hay trong Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn thế kỷ XIII: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa...” trước hoạ xâm lăng của giặc Nguyên Mông; rồi lời truyền của Quang Trung - Nguyễn Huệ trong lễ duyệt binh trước khi tiến quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh xâm lược: “Trong khoảng vũ trụ, trời nào sao nấy, đều đã phân biệt rõ ràng...” và ông cổ vũ ba quân: “phải đánh cho nó phiến giáp bất hoàn, đánh cho sử trí Nam quốc anh hùng chi hữu chủ...”. 

Điểm qua lịch sử, có thể thấy Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thế kỷ XX hoàn toàn không phải là sự kiện đột biến, cá biệt trong lịch sử vốn phải tính bằng thiên niên kỷ của dân tộc Việt Nam. Sự ra đời của Tuyên ngôn độc lập trong thế kỷ đương đại càng chứng tỏ, dù bọn người có của nhiều, súng lắm, có một trình độ văn minh cao hơn nhiều và lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái từ phương Tây tới, trong gần 100 năm với những pháp luật dã man, nhà tù nhiều hơn trường học, với chính sách ngu dân, ràng buộc dư luận, với rượu cồn, thuốc phiện, hòng làm cho nòi giống Việt Nam suy nhược; dù chúng tắm các cuộc khởi nghĩa trong bể máu, bóc lột dân ta đến tận xương tuỷ, khiến dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, đất nước xơ xác tiêu điều, thì tinh thần quật cường, ý chí giành lại độc lập, tự do của nhân dân ta vẫn không hề bị thui chột mà chỉ càng được tôi luyện thêm mạnh mẽ. 

Với Tuyên ngôn độc lập ở thế kỷ XX có thể thấy một truyền thống Việt Nam xuyên suốt lịch sử nhiều thế kỷ, phản ánh một tính cách, một tâm linh rất đặc thù Việt Nam, thể hiện bản lĩnh của cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn luôn đoàn kết, đồng tâm nhất trí, vươn tới sự tự khẳng định với tính cách là một quốc gia, một dân tộc với một lòng tự tôn, tự hào dân tộc chính đáng. Và một khi đã thành truyền thống, nó là một thứ giá trị tinh thần làm nên sức mạnh vật chất có sức cổ vũ, nuôi dưỡng tâm linh các thế hệ người Việt Nam là không bao giờ và dù trong hoàn cảnh nào cũng không chịu tự đánh mất mình với tính cách là một dân tộc. 

Sự kết tinh của những phẩm giá dân tộc 

Thời điểm và hoàn cảnh ra đời của Tuyên ngôn độc lập những năm giữa thế kỷ XX càng tô đậm thêm tính truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Có một cái rất chung và cốt lõi xuyên suốt các tuyên ngôn chính thức và không chính thức của các vĩ nhân trong lịch sử Việt Nam là tiếng nói của họ cũng chính là tiếng nói của cả dân tộc. Bằng tiếng nói của mình, các vĩ nhân thể hiện thành lời những khát vọng của dân tộc về các quyền cơ bản, trong đó có quyền cơ bản nhất: quyền sống trong độc lập, tự chủ, tự do, quyền tồn tại với tính cách là một dân tộc, một quốc gia độc lập. Dù cách diễn đạt có thể khác nhau, thì về nội dung, ý tưởng vẫn chỉ là một, và đó là điều thống nhất nhất quán dù khoảng cách về thời gian giữa các vị có khi phải đo bằng thiên niên kỷ; dân tộc Việt Nam đang tồn tại với tính cách là một quốc gia độc lập và đó là quyền cơ bản, thiêng liêng, không ai được xâm phạm. Dân tộc Việt Nam có đủ quyết tâm và lực lượng, trí lực và sự kiên trì để bảo vệ quyền thiêng liêng không ai có thể xâm phạm đó. 

Trong thế giới ngày nay, mỗi dân tộc hiện đang tồn tại dưới hình thức là một quốc gia đều đã phải đi và vượt qua những con đường hoàn toàn không dễ dàng và chắc chắn ít lặp lại ở những dân tộc khác, để tự khẳng định mình. Khát vọng tồn tại và nguy cơ diệt vong luôn luôn là động lực và cũng là thách thức thường xuyên được đặt ra trong quá trình tồn tại và phát triển, phát triển và tồn tại. Sự biến mất của các cộng đồng người trên bản đồ chính trị thế giới chứng tỏ không ít dân tộc, do nhiều nguyên nhân, đã không vượt qua được sự thách thức đó. 

Trên khung cảnh chung của lịch sử dân tộc, phải chăng có thể nói đến những giá trị cao quý nhất đó là bản lĩnh và phẩm giá của cả một dân tộc biết dựng và biết giữ, đã dựng và giữ một cách thành công sự tồn tại của cả cộng đồng với tính cách là một dân tộc. Quốc gia dân tộc Việt Nam xứng đáng được đứng vào hàng ngũ các dân tộc như vậy. Xét trên bình diện đó, sự thành lập quốc gia dân tộc Việt Nam với một tổ chức Nhà nước riêng một biên thuỳ chính là thành quả cao quý nhất của cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, và đó chính là thước đo sự trưởng thành của ý thức, tinh thần dân tộc, bản lĩnh, phẩm giá cao quý của một cộng đồng dân tộc. 

Bằng thiên tài trí tuệ và nghị lực phi thường, Nguyễn Ái Quốc vượt lên trên những hạn chế của đương thời thực hiện một cuộc khảo sát lịch sử. Và bằng cách đó, Người đã rút ngắn con đường rất dài mà dân tộc phải vượt qua để tiếp cận - đến với hệ tư tưởng tiên tiến nhất thời đại - chủ nghĩa Mác - Lênin. Người dứt khoát lựa chọn con đường cách mạng vô sản để đi, và dẫn dắt cả dân tộc cùng đi đến Cách mạng tháng Tám năm 1945. Chính Người đã cổ vũ, động viên, tổ chức và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà bằng bản Tuyên ngôn độc lập, chính thức tuyên bố với nhân dân và các dân tộc trên thế giới về sự ra đời, sự hồi sinh của nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam. 

Kết thúc bản Tuyên ngôn độc lập, sau khi trịnh trọng tuyên bố với thế giới về các quyền của nước Việt Nam hưởng tự do và độc lập và hơn thế, sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Nhân danh dân tộc Việt Nam, Người long trọng khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy!”. 

Lời khẳng định thật đanh thép. Lời của lãnh tụ thể hiện quyết tâm của toàn thể dân tộc, ý thức rất rõ mối hiểm nguy, thách thức đang chờ, và vì vậy, sự sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, mất mát, có thể là rất to lớn để bảo vệ bằng được thành quả quý giá, lớn lao nhất vừa giành được: quyền độc lập, tự do, quyền tồn tại cả một quốc gia dân tộc. 

Xét trên nhiều phương diện có thể nói Tuyên ngôn độc lập đã được cả dân tộc ta viết ra bằng máu, thể hiện nghị lực, quyết tâm giành và bảo vệ bằng được quyền sống trong độc lập, tự do. Tác giả Trần Dân Tiên hoàn toàn có lý, khi viết: “Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu máu đổ, bao nhiêu tính mệnh đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường. 

Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam”. 

Như vậy, về thực chất, Tuyên ngôn độc lập và sự kết tinh của những phẩm giá của con người và dân tộc Việt Nam trong trung kỳ lịch sử đã không phải một lần vùng dậy từ kiếp đời nô lệ để giành quyền sống trong độc lập, tự do của cả dân tộc, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân. 

Những giá trị thời đại 

Tuyên ngôn độc lập đã trực tiếp khẳng định với thế giới về các quyền cơ bản mà nhân dân Việt Nam vừa giành được. Nhưng xét theo nội dung, tính chất và cả thời điểm ra đời, Bản tuyên ngôn hoàn toàn không phải là một sự kiện riêng lẻ, cá biệt mà là một xu thế tất yếu của thời đại. 

Các quyền dân tộc cơ bản được khẳng định mạnh mẽ trong Tuyên ngôn độc lập Việt Nam không phải là một cái gì chỉ riêng biệt Việt Nam. Trước và cả khi Tuyên ngôn độc lập Việt Nam được truyền đi rộng rãi đến các quốc gia trên thế giới thì các cường quốc thực dân, nhân danh những kẻ thắng trận và những kẻ tự phong cho mình “sứ mệnh” bảo vệ các dân tộc đang toan tính với nhau âm mưu đặt các nước thuộc địa cũ dưới chế độ uỷ trị quốc tế thuộc Mỹ hay tiếp tục thừa nhận chế độ bảo hộ của thực dân Pháp. Đờ Gôn lấy tư cách của nước thuộc phe Đồng Minh quyết liệt đòi quyền của kẻ chiến thắng được tiếp tục giữ trọn vẹn đất đai hải ngoại đã từng thuộc Pháp. 

Ý đồ thật độc ác. Hiểm hóc thật khó lường. Một lần nữa, trên quy mô thế giới, vận mệnh của các dân tộc đặt bao nhiêu hy vọng vào chính nghĩa Đồng Minh lại trực tiếp bị đe doạ rơi vào ách nô lệ, đoạ đày của các cường quốc thực dân. Các quyền dân tộc cơ bản: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ... của các dân tộc các quốc gia mà ngày nay được thừa nhận như hòn đá tảng của pháp luật quốc tế hiện đại, thì ngày ấy chưa ở đâu ghi nhận. Trong lúc đó, từ Quảng trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội của nước Việt Nam mới vừa giành được độc lập, tự do bằng một cuộc chiến đấu quyết liệt “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, đang vang lên đanh thép, dõng dạc bản Tuyên ngôn độc lập. 

Ngày nay, các nhà chính trị học, sử học, luật học, xã hội học... đang cố gắng lý giải, mỗi người theo một cách, lý do Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu bảnTuyên ngôn độc lập của mình bằng sự trích dẫn Tuyên ngôn độc lập 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp. Dù cách lý giải có thể rất khác nhau, nhưng mọi người đều thống nhất với nhau ở sự thừa nhận tính hợp lý, độc đáo, sáng tạo đầy tính nhân văn và tầm nhìn chiến lược của một nhà chính trị lỗi lạc. Cách mạng Mỹ thế kỷ XVIII đánh dấu bằng Tuyên ngôn độc lập 1776 và Cách mạng Pháp cuối thế kỷ XVIII là những cột mốc lớn trong lịch sử thế giới khẳng định những lý tưởng không hề xa lạ với dân tộc Việt Nam đang khát khao tự do, độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. 

Tuy vậy, dù có đánh giá cao ý tưởng của Tuyên ngôn độc lập của Mỹ là “bất hủ”, của Cách mạng Pháp là “những lẽ phải không ai chối cãi được”, Người vẫn không dừng lại ở đấy mà đã xa hơn, đi đến những khái quát mới: “Suy rộng ra”, lời của Tuyên ngôn độc lập Mỹ có nghĩa là: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. 

Sự “suy rộng ra” đó ở Người là một bước phát triển mới có ý nghĩa thực sự vĩ đại, nâng những lý tưởng truyền thống của thế kỷ XVIII lên ngang tầm những lý tưởng của thời đại mới: Thời đại giải phóng các dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân trên quy mô toàn thế giới, thời đại phá tan tành xiềng xích của chủ nghĩa thực dân, thời đại của các dân tộc bị áp bức, bóc lột giành lại quyền sống, quyền độc lập, tự do bước lên vũ đài thế giới sánh vai cùng các cường quốc năm châu. 

Xét theo quá trình, Tuyên ngôn độc lập năm 1945 không ra đời một cách bột phát mà có thể nói nó đã được suy ngẫm và viết ra từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Vécxây Bản yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam. Sự “suy rộng ra” sau này ở Tuyên ngôn độc lập từ lời của Tuyên ngôn độc lập Mỹ năm 1776 bao hàm một sự khám phá lớn, kết quả của một quá trình khảo nghiệm, soát xét lớn các bài học từ trong lịch sử đấu tranh của các dân tộc nguyên lý “mọi người sánh ra đều bình đẳng” có thể nhìn nhận từ vị trí của một cá nhân riêng biệt, nhưng cũng có thể và cần phải được nhìn nhận từ vị trí của cả một dân tộc. Và vấn đề rất tự nhiên được đặt ra là: Khi cả một dân tộc không có bình đẳng, độc lập, tự do thì mỗi thành viên hợp thành dân tộc đó cũng không thể có bình đẳng, tự do. Vì vậy, đối với các dân tộc bị áp bức, cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của cả dân tộc và của mỗi cá nhân quyện chặt vào nhau thành cuộc đấu tranh chung. “Một dân tộc nô lệ không thể có con người tự do” - Đó là kết luận lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra từ thực tế đấu tranh không chỉ của riêng mình mà cho cả các dân tộc. 

Đây là vấn đề, là kết luận luôn luôn được đặt ra trong thời kỳ chế độ thực dân, thuộc địa thống trị thế giới và vẫn đang được đặt ra trong thời đại ngày nay, khi những kẻ đại diện cho quyền lợi ích kỷ của các cường quốc đế quốc vẫn nhân danh quyền con người can thiệp thô bạo vào công việc của các dân tộc khác. Họ vẫn đang lên giọng đạo đức giả dạy cho các dân tộc. Từ Bản án chế độ thực dân Pháp đến Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa của những kẻ nhân danh, lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, quyền con người đi áp bức, chi phối đời sống các dân tộc. Cũng như trước đây, hiện nay hành động của họ vẫn “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Lá cờ quyền con người, xét theo thực chất, phải thuộc về tay các dân tộc đã từng bị các cường quốc đế quốc đoạ đầy, nô dịch. Đó phải chăng cũng là kết luận lớn có thể rút ra từTuyên ngôn độc lập Hồ Chí Minh không chỉ riêng cho dân tộc Việt Nam. Đây phải chăng cũng là một trong những thông điệp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Tuyên ngôn độc lập muốn gửi đến các thế hệ tương lai không chỉ người Việt Nam mà cả các dân tộc cùng chung ý tưởng. 

Theo Nguyễn Đình Lộc, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website