Một bước tiến, hai bước lùi

I- Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm 

Năm 1898, Đại hội lần thứ nhất của Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga tuyên bố thành lập Đảng nhưng trên thực tế chưa hình thành, vì lúc này Đảng chưa có cương lĩnh, điều lệ. Trung ương Đảng bị bắt, Đảng lâm vào tình trạng lộn xộn về tư tưởng, phân tán về tổ chức. 

Về tư tưởng: Phái “kinh tế” phủ nhận vai trò của lý luận cách mạng, phủ nhận vai trò của Đảng, sùng bái tính tự phát của phong trào công nhân, coi đấu tranh kinh tế là tất cả. 

Về tổ chức: Đảng bao gồm nhiều nhóm riêng biệt, phân tán ở các địa phương, không liên hệ về mặt tổ chức và thiếu một cơ quan lãnh đạo tập trung thống nhất. 

Trong điều kiện đó, Lênin viết tác phẩm “Làm gì” để đấu tranh về mặt lý luận chống lại phái “kinh tế” tạo ra sự thống nhất về lý luận, cương lĩnh, sách lược trong Đảng. 

Sau khi những quan điểm cơ hội chủ nghĩa của phái “kinh tế” trong Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga bị đánh bại, Đại hội II của Đảng được triệu tập Đại hội họp vào tháng 7 năm 1903. 

Nhiệm vụ chính của Đại hội là: “Thành lập một đảng chân chính trên các nguyên tắc và cơ sở tổ chức do báo “Tia lửa” đã nêu lên và thảo ra...”. Dự Đại hội có 26 tổ chức, có mặt tại Đại hội là 43 đại biểu. Mỗi ban cấp ủy được cử 2 đại biểu, nhưng nhiều ban cấp ủy chỉ cử một đại biểu. Do vậy, chỉ có 43 đại biểu mà có 51 phiếu có quyền quyết định. 

1. Sự phân định các phái trong Đại hội II Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga 

Đại hội gồm nhiều nhóm, nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau. Từ đầu, Đại hội đã hình thành 3 nhóm với 3 khuynh hướng chính trị: 

Một là, nhóm “Tia lửa”, đại biểu là Lê nin. 

Hai là, nhóm chống “Tia lửa”, gồm đại biểu của phái Bun, họ phản đối chế độ tập trung, chủ trương thành lập Đảng theo dân tộc và dựa trên cơ sở lãnh thổ. Đại biểu phái này gồm có Libe, Bơruke, Gadơbilét, v.v… 

Trong nhóm chống “Tia lửa” còn có cả đại biểu của phái sự nghiệp công nhân. Họ chống lại nguyên tắc của báo “Tia lửa” cả về mặt cương lĩnh, sách lược và tổ chức. Đại biểu của phái này gồm Máctưnốp, Akimốp... 

Ba là, nhóm lừng chừng ngả nghiêng, gồm đại biểu của nhóm công nhân miền Nam, nhóm này ngoài miệng thì thừa nhận báo “Tia lửa”, nhưng đồng thời lại có kế hoạch riêng, họ không vững vàng về nguyên tắc. Ngoài nhóm này ra còn có một số nhóm nhỏ khác phụ thuộc vào nhóm công nhân miền Nam do đó cùng chung lập trường cơ hội. Đại biểu nhóm này gồm Egơrốp, Makhốp, Lvốp, v.v… 

Nhóm “Tia lửa” có 33 người chiếm đa số nhưng trong quá trình đấu tranh ở Đại hội đã phân hóa thành hai phái là phái thiểu số và phái đa số. Phái đa số (còn gọi là phái Bốnsêvích) chiếm 24 người do Lênin đứng đầu và phái thiểu số (còn gọi là phái Mensêvích) chiếm 9 người do Máctốp đứng đầu. 

Sự tồn tại từ đầu các nhóm với các khuynh hướng chính trị khác nhau là nguồn gốc của cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng: khuynh hướng cách mạng và khuynh hướng cơ hội trong suốt quá trình Đại hội và sau Đại hội trên tất cả các vấn đề về cương lĩnh, sách lược và điều lệ. 

2. Cuộc đấu tranh trong và sau Đại hội 

Cuộc đấu tranh chống các phần tử cơ hội chủ nghĩa gồm hai thời kỳ lớn. Thời kỳ trong Đại hội II và thời kỳ sau Đại hội. Riêng thời kỳ trong Đại hội, cuộc đấu tranh chia ra làm hai giai đoạn: 

1. Giai đoạn 1: Cuộc đấu tranh diễn ra giữa phái “Tia lửa” với đại biểu của phái Bun, nhóm sự nghiệp công nhân và nhóm công nhân miền Nam trên các vấn đề chủ yếu: 

- Vấn đề thành phần Đại hội. 

- Vấn đề vị trí của phái Bun. 

- Vấn đề cương lĩnh ruộng đất. 

- Vấn đề quyền bình đẳng về ngôn ngữ. 

- Cuộc thảo luận về chế độ tập trung trước khi có sự chia rẽ trong Đảng, v.v… 

Trong các cuộc đấu tranh này đã thể hiện rõ các khuynh hướng chính trị của các nhóm đại biểu và sự giao động ngả nghiêng của một số đại biểu trong phái “Tia lửa”. Tuy nhiên, nửa đầu của Đại hội, trên các vấn đề cơ bản về cương lĩnh và sách lược mặc dù có những ý kiến khác nhau, song đều được dàn xếp ổn thỏa với các đại biểu, trong phái “Tia lửa” vẫn nhất trí với nhau, bảo đảm một đa số cố kết trong Đại hội. 

2. Giai đoạn 2: Trong giai đoạn này, cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt giữa phái đa số và phái thiểu số trong nhóm “Tia lửa” cùng với những phần tử cơ hội chủ nghĩa cuộc đấu tranh xoay quanh các vấn đề thảo luận về Điều 1 trong Điều lệ dự thảo. Khi bàn về việc tiến hành bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Đảng sự bất đồng ý kiến trong phái “Tia lửa” đã bộc lộ hoàn toàn, phe thiểu số tách khỏi phe đa số và liên minh chặt chẽ với những phần tử cơ hội chủ nghĩa. 

Sau Đại hội, cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng cách mạng và cơ hội chủ nghĩa trên các vấn đề tổ chức càng trở nên đặc biệt gay gắt. Máctốp và đồng bọn bị thất bại trong các cuộc bầu vào các cơ quan Trung ương tìm cách phá hoại Đảng, Đảng Bônsêvích. Chúng lén lút lập các tổ chức bè phái tách khỏi Đảng. 

Lênin và những người lêninnit khác đã cố gắng giải quyết cuộc khủng trong đảng, nhưng những người Mensêvích vẫn khăng khăng từ chối. Plêkhanốp lúc này trở nên dao động, đã nhân nhượng vô nguyên tắc với Máctốp để giữ hòa bình trong Đảng. Những sai lầm cơ hội chủ nghĩa từ trước tới nay của Plêkhanốp đã đẩy ông nghiêng về phái Mensêvích. Từ địa vị hòa giải với Mensêvích, không bao lâu chính ông cũng trở thành đảng viên Mensêvích. 

Trong hoàn cảnh lịch sử trên, tháng 5 năm 1904, Lênin cho ra mắt tác phẩm “Một bước tiến, hai bước lùi” nhằm đấu tranh chống lại chủ nghĩa cơ hội về mặt tổ chức của phái Mensêvích. 

II- Nội dung của tác phẩm 

1. Sơ lược nội đung các phần trong tác phẩm 

Tác phẩm có một lời tựa và 18 đề mục nhỏ. Trong lời tựa, Lênin nêu rõ hai vấn đề chính trị, cơ bản quyết định nội dung cuốn sách. 

+ Vấn đề thứ nhất là ý nghĩa chính trị của việc phân chia trong Đảng thành hai phái: phái đa số và phái thiểu số tại Đại hội II của Đảng. Đó là vấn đề xuất phát, là nguồn gốc của các cuộc đấu tranh giữa những khuynh hướng chính trị khác nhau trong Đại hội. 

+ Vấn đề thứ hai là lập trường cơ hội chủ nghĩa của tờ “Tia lửa” mới về mặt tổ chức. Từ sự phân tích vấn đề trên để đi tới kết luận: phái đa số là cách mạng và phái thiểu số là cơ hội chủ nghĩa trong Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga. 

Phần chính của tác phẩm chia làm 4 phần nhỏ: 

+ Phần thứ nhất: Gồm mục a và mục b. 

Phần này đề cập đến việc chuẩn bị Đại hội và ý nghĩa của việc phân chia phe phái tại Đại hội. Vạch trần những luận điệu của phái Mensêvích trong việc phủ nhận đại hội: “Đại hội không phải là thần thánh và nghị quyết của đại hội không phải là thiêng liêng”; vạch trần luận điệu cho rằng, việc phân các nhóm chính trị trong Đại hội là “mánh khóe chính trị có tính chất tiểu tổ” của những người theo phái đa số. 

Lênin khẳng định: Sự tồn tại các phe phái là nguồn gốc của cuộc đấu tranh trong Đại hội và có phân rõ phái đa số và phái thiểu số mới có thể hiểu rõ được các sắc thái chính trị của mỗi phái. 

Lênin cũng vạch rõ thái độ lật lọng, không kiên định của phái Mensêvích vì khi thất bại trong Đại hội thì những người Mensêvích quay lại phủ nhận Nghị quyết Đại hội, phủ nhận điều mà chính họ thống nhất từ lúc chuẩn bị Đại hội đó là: Các Nghị quyết của Đại hội phải được các tổ chức tuân theo. 

+ Phần thứ hai: Từ mục c đến mục n. 

Trong các mục này, Lênin thông qua các cuộc đấu tranh trong Đại hội để phân tích rõ sắc thái chính trị của các phe phái trong Đại hội, Lênin chỉ ra 4 nhóm đại biểu cho 4 khuynh hướng chính trị trong Đại hội: 

. Nhóm đa số của phái “Tia lửa”. 

. Nhóm thiểu số của phái “Tia lửa”. 

. Nhóm phái “giữa”. 

. Nhóm chống “Tia lửa”. 

Lênin chứng minh rằng, mặc dù trong các cuộc biểu quyết có hiện tượng xen kẽ nhưng nó không phủ nhận sự phân hóa phe phái. Trong phần đầu Đại hội khi nêu một số vấn đề chung thì phái “giữa” đi với phái “Tia lửa” chống lại phái chống “Tia lửa”. Nhưng phần sau Đại hội, đối với những vấn đề có tính nguyên tắc thì phái “giữa” lại đi với phái chống “Tia lửa” để chống lại phái “Tia lửa”. Như vậy, thực tế phái “giữa” là phái ngả theo cánh cơ hội chủ nghĩa. Phần sau Đại hội, phái thiểu số hướng về cánh cơ hội chủ nghĩa. Họ là những phần tử kém ổn định về mặt lý luận, kém triệt để về mặt nguyên tắc tổ chức. Đây là sự phân hóa tất nhiên giữa lực lượng cách mạng và cánh cơ hội chủ nghĩa trong Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga và cả phạm vi quốc tế. Lênin cũng đã đập tan luận điệu của Máctốp khi y cho rằng bị buộc tội oan là cơ hội chủ nghĩa. 

+ Phần thứ ba: Từ mục o đến mục q 

Phần này, Lênin vạch trần những hành động của phái thiểu số sau Đại hội, những quan điểm cơ hội chủ nghĩa về mặt tổ chức, phê phán thái độ nhân nhượng thiếu nguyên tắc của Plêkhanốp. 

+ Phần thứ tư: Mục r và s 

Là phần kết luận tác phẩm. Lênin phác hoạ lại một cách tổng quát sự phát triển của cuộc khủng hoảng trong Đảng và những quy luật phát triển của nó. Người chỉ ra rằng: Mặc dù có sự phát triển (quanh co), mặc dù có những bước lùi lại, nhưng Đảng của giai cấp vô sản sẽ đi đến thắng lợi, sẽ lập được một Đảng chân chính cách mạng vì sự thống nhất về tư tưởng của giai cấp công nhân dựa trên cơ sở của chủ nghĩa Mác và được củng cố bằng sự thống nhất vật chất của tổ chức. 

2. Cuộc đấu tranh về Điều 1 trong bản Dự thảo Điều lệ Đảng 

Cuộc đấu tranh gay gắt nhất trong Đại hội II của Đảng công nhân dân chủ -xã hội là cuộc đấu tranh về Điều 1 trong bản Dự thảo Điều lệ Đảng nói về tư cách đảng viên giữa công thức của Lênin với công thức của Máctốp. 

Công thức của Lênin đưa ra là: Đảng viên của Đảng là người thừa nhận cương lĩnh của Đảng, ủng hộ Đảng bằng những phương tiện vật chất và tự mình tham gia một trong những tổ chức của Đảng. 

Công thức của Máctốp đưa ra là: Đảng viên Đảng công nhân dân chủ - xã hội chủ nghĩa là người thừa nhận Cương lĩnh của Đảng, ủng hộ Đảng bằng những phương tiện vật chất và tự mình giúp đỡ Đảng một cách đều đặn, dưới sự chỉ đạo của một trong những tổ chức của Đảng. 

Điểm khác nhau cơ bản giữa hai công thức đó là ở chỗ: công thức của Lênin đề cao khái niệm đảng viên không rời bỏ nguyên tắc tập trung. Người đòi hỏi mỗi đảng viên bắt buộc phải tham gia vào một tổ chức của Đảng và chịu sự kiểm soát của tổ chức Đảng. Do đó mà nâng cao danh hiệu người đảng viên, phân rõ ranh giới giữa đảng viên và quần chúng ngoài Đảng. Công thức của Máctốp không bắt buộc mỗi đảng viên phải tham gia vào một tổ chức nào của Đảng. Mọi người đều có thể tự nhận là đảng viên. Như vậy là hạ thấp sự giác ngộ và danh hiệu của người đảng viên, lẫn lộn giữa người có tổ chức và không có tổ chức, giữa đảng viên và người ngoài Đảng, giữa những phần tử tiên tiến với những phần tử lạc hậu... 

Sự khác nhau giữa hai công thức về thực chất không phải là sự khác nhau về một điều khoản riêng biệt của Điều lệ mà là phản ánh hai quan niệm khác nhau về vai trò, tính chất và nguyên tắc tổ chức của Đảng phản ánh hai quan điểm: quan điểm cách mạng và quan điểm cơ hội chủ nghĩa. 

Cuộc đấu tranh về Điều l chính là cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa cơ hội về vấn đề tổ chức của Đảng, là cuộc đấu tranh giữa tính có tổ chức và kỷ luật của giai cấp vô sản với tính vô chính phủ của những phần tử trí thức tư sản. 

Cuộc tranh luận về Điều 1 của bản Dự thảo Điều lệ đã làm lộ rõ sắc thái cơ hội chủ nghĩa của phái Mensêvích trong vấn đề tổ chức. Những quan điểm về cơ hội chủ nghĩa ấy được phái Mensêvích truyền bá trên tờ báo “Tia lửa” mới. Trên tờ báo đó, phái Mensêvích đã tuyên truyền quan điểm “cho rằng nội dung quan trọng hơn hình thức; rằng cương lĩnh và sách lược quan trọng hơn tổ chức”; rằng “một tổ chức có sức sống nhiều hay ít tùy theo quy mô và ý nghĩa của nội dung mà tổ chức sẽ mang lại cho phong trào”; rằng “chế độ tập trung không phải là một cái gì độc lập tự tại”; rằng đó không phải là thứ “bùa vạn ứng”. 

Tóm lại, phái Mensêvich phủ nhận tính tổ chức, sự thống nhất và kỷ luật của Đảng, phủ nhận chế độ tập trung, chủ trương một Đảng lỏng lẻo, thiếu cấu kết, thiếu vững chắc và ổn định, không rõ hình thù. 

Lập trường của phái Mensêvích về vấn đề tổ chức Đảng như vậy không phản ánh tính chất và lợi ích của giai cấp vô sản, mà là phản ánh tính chất và lợi ích của tầng lớp trí thức tư sản. Lênin chỉ rõ: Trên thực tế, công thức đó phục vụ cho những lợi ích của những người trí thức tư sản sợ kỷ luật và tổ chức của những người vô sản. 

3. Những nguyên lý cơ bản về xây dựng Đảng vô sản kiểu mới của Lênin 

Trong tác phẩm này, Lênin đã trình bày những nguyên lý cơ bản về xây dựng Đảng vô sản kiểu mới. Những nguyên lý đó là: 

a) Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân 

Nguyên lý Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân đã được Mác - Ăngghen nêu ra trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” năm 1848. Lúc này, vì để chống lại quan điểm của phái Mensêvích chủ trương xóa nhòa ranh giới giữa Đảng và giai cấp, coi Đảng và giai cấp là một, Lênin phải khẳng định lại: “Đảng tức là đội tiên phong của giai cấp công nhân so với toàn bộ giai cấp”. Người chỉ rõ rằng, những người nào nghĩ rằng dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, gần hết toàn bộ giai cấp hay toàn bộ giai cấp một ngày kia sẽ đủ sức vươn mình lên đến chỗ đạt tới trình độ giác ngộ và tích cực của đội tiên phong của mình, của Đảng dân chủ - xã hội của mình thì người ấy sẽ mắc cái bệnh của Manilốp và “chủ nghĩa theo đuôi”. Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, ngay cả tổ chức công đoàn cũng không đủ sức bao hàm hết hay toàn bộ giai cấp công nhân. 

Là đội tiên phong, Đảng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp của giai cấp công nhân, có lý luận tiên phong và có tổ chức chặt chẽ. 

Đưa ra công thức về Điều 1, Lênin đã bảo vệ tính chất tiên phong của Đảng, nâng cao danh hiệu đảng viên, phòng ngừa phần tử cơ hội vào Đảng, từ đó mà bảo vệ vai trò tiên phong của Đảng về tổ chức. 

b) Đảng là bộ phận có tổ chức của giai cấp công nhân 

Trong tác phẩm “Làm gì”, Lênin đã chỉ rõ: “... chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”. Trong tác phẩm này, để chống lại phái Mensêvích với chủ trương là mọi người bãi công, mọi giáo sư và học sinh đều có thể tự tuyên bố vào Đảng, Lênin khẳng định lại: Đảng là đội tiên phong của giai cấp thì phải hết sức có tổ chức, Đảng chỉ nên thu nhận những phần tử ít nhất cũng phải chấp nhận một tính tổ chức tối thiểu. 

Lênin cho rằng Đảng là bộ phận có tổ chức, điều đó có nghĩa, Đảng là một chính thể cố kết vững chắc có kỷ luật nghiêm minh chặt chẽ, quy định rõ những mối quan hệ giữa cá nhân với tổ chức, giữa bộ phận này với bộ phận khác, giữa bộ phận với toàn bộ, v.v. 

Phê phán quan điểm của phái Mensêvích về cái gọi là nội dung quan trọng hơn hình thức, cương lĩnh quan trọng hơn tổ chức v.v. Lênin viết: “Sự thống nhất trong những vấn đề cương lĩnh và sách lược là điều kiện tất yếu, nhưng chưa đầy đủ để đảm bảo sự thống nhất của Đảng và sự tập trung hóa công tác Đảng (...) Muốn đạt được sự thống nhất trên đây, thì còn phải có sự thống nhất về tổ chức nữa, điều này không thể thực hiện được đối với một đảng vừa mới ít nhiều vượt ra khỏi khuôn khổ chật hẹp của một tiểu tổ và chưa có một bản điều lệ được chính thức quy định, chưa có nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, bộ phận phục tùng toàn bộ…” 

Lênin còn nhấn mạnh rằng, trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản, giai cấp vô sản không có vũ khí nào tốt hơn là sự tổ chức; rằng tổ chức quả là một vũ khí nhờ đó mà giai cấp vô sản sẽ tự giải phóng, rằng đối với giai cấp vô sản thì tổ chức là vũ khí đấu tranh giai cấp. 

Lênin cho rằng: “Trong cuộc đấu tranh để giành chính quyền, giai cấp vô sản không có vũ khí nào khác hơn là sự tổ chức, bị phân chia vì sự cạnh tranh vô chính phủ đang thịnh hành trong giới tư sản, bị đè nặng dưới sự lao động nô lệ cho tư bản, luôn luôn bị dìm sâu “tận đáy” của cảnh khổ cực, của sự cùng quẫn và của sự thoái hóa, nhưng giai cấp vô sản vẫn có thể trở thành - và tất nhiên sẽ trở thành - một lực lượng vô địch, chỉ là vì một lý do này: sự thống nhất tư tưởng của giai cấp vô sản dựa trên cơ sở những nguyên lý chủ nghĩa Mác được củng cố bằng sự thống nhất vật chất của tổ chức”. 

c) Đảng là hình thức tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân 

Theo Lênin, Đảng chẳng những là đội tiên phong có tổ chức mà còn là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân. Lênin viết: “Chúng ta là Đảng của giai cấp bởi vậy hầu như toàn bộ giai cấp (và trong thời kỳ chiến tranh, trong thời kỳ nội chiến thì toàn bộ giai cấp không trừ một người nào cả) cần phải hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, phải triệt để xiết chặt hàng ngũ xung quanh Đảng”. 

Sở dĩ, Đảng có trách nhiệm và khả năng lãnh đạo tất cả các tổ chức của giai cấp công nhân, hướng mọi hoạt động của tất cả các tổ chức của giai cấp công nhân vào một mục đích chung là thủ tiêu chế độ bóc lột, xây dựng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Vì Đảng bao gồm những phần tử tiên tiến giác ngộ nhất, được vũ trang lý luận khoa học và có tổ chức chặt chẽ. 

Điều 1 của Điều lệ đòi hỏi người đảng viên phải thừa nhận Cương lĩnh và Điều lệ của Đảng, tham gia một trong những tổ chức của Đảng, nhằm làm cho Đảng thực sự trở thành tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân. 

d) Đảng được tổ chức theo chế độ tập trung 

Để xứng đáng là đội tiên phong có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp thì Đảng phải được tổ chức theo chế độ tập trung. 

Chế độ tập trung đòi hỏi Đảng phải có một điều lệ thống nhất, một kỷ luật thống nhất, một cơ quan lãnh đạo thống nhất, số ít phục tùng số nhiều, cấp dưới phục tùng cấp trên, toàn Đảng phục tùng Đại hội Đảng toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương. Chỉ có như vậy mới bảo đảm cho Đảng thật sự thống nhất và do đó mới thật sự có sức mạnh. 

Trong và sau Đại hội, các phần tử Mensêvích cùng với các loại cơ hội khác kịch liệt chống lại chế độ tập trung trong Đảng, chúng phủ nhận mọi thứ quyền lực nhằm kéo lùi Đảng trở lại thời kỳ phân tán, tiểu tổ; chúng cho rằng, nếu theo nguyên tắc do Lênin đề ra thì có nghĩa là “thiết lập chế độ nông nô trong Đảng”, biến Đảng thành nhà máy đứng đầu là giám đốc (tức là Ban Chấp bành Trung ương), biến đảng viên thành “bánh xe và lò xo trong guồng máy”… 

Lênin đập tan quan điểm đó và khẳng định: “Trước kia, Đảng ta chưa phải là một khối chính thức có tổ chức, mà chỉ là một tổng số những nhóm riêng biệt và do đó, giữa các nhóm ấy không thể có những quan hệ nào khác, ngoài sự tác động về mặt tư tưởng. Hiện nay, chúng ta đã trở thành một Đảng có tổ chức, điều đó có ý nghĩa là chúng ta đã tạo ra một quyền lực, biến uy tín về tư tưởng thành uy tín về quyền lực, khiến cấp dưới phải phục tùng cấp trên của Đảng. 

Vạch trần khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa về mặt tổ chức của phái Mensêvích, Lênin viết: “Lẽ tự nhiên là chủ nghĩa cơ hội về mặt cương lĩnh thì gắn liền với chủ nghĩa cơ hội về mặt sách lược, và gắn liền với chủ nghĩa cơ hội trong các vấn đề tổ chức”. 

Lênin cũng khẳng định: “Bênh vực chế độ tự trị, chống lại chế độ tập trung, là một đặc điểm có tính nguyên tắc của chủ nghĩa cơ hội trong các vấn đề tổ chức”. 

Người chỉ ra biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân của những phần tử trí thức tham gia phong trào xã hội dân chủ là: “cái tâm lý của người trí thức tư sản tự cho mình là ở trong số những người được lựa chọn”, đứng trên tổ chức quần chúng và kỷ luật quần chúng”. 

Lênin cũng nhấn mạnh tập trung không có nghĩa và xem nhẹ dân chủ, tập trung phải đi đôi với dân chủ, tập trung và dân chủ là hai mặt không thể tách rời trong chế độ tổ chức của đảng mácxít. 

đ) Đảng là hiện thân của sự liên lạc giữa đội tiên phong của giai cấp công nhân và đông đảo quần chúng lao động 

Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân chứ không phải bao gồm hết toàn bộ giai cấp. Vậy đội tiên phong đó muốn tồn tại, phát triển và có đủ lực lượng, sức mạnh hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình thì phải liên hệ chặt với quần chúng, Lênin viết: “Muốn trở thành một Đảng dân chủ xã hội, thì cần phải nhận được sự ủng hộ của chính giai cấp...”. 

Mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng không phải và chủ yếu không phải do số lượng đảng viên nhiều hay ít, quyết định mà do chất lượng đội ngũ đảng viên quyết định. “Các tổ chức đảng của chúng ta bao gồm những người dân chủ - xã hội chân chính mà càng mạnh mẽ bao nhiêu, và trong nội bộ càng ít có tình trạng dao động và không kiên định bao nhiêu, thì ảnh hưởng của Đảng đối với những người trong quần chúng công nhân chung quanh Đảng và chịu sự lãnh đạo của Đảng sẽ càng rộng rãi, càng nhiều mặt, càng phong phú, càng hiệu quả bấy nhiêu”. 

Chất lượng đảng viên là do ý thức giác ngộ, lòng trung thành đối với cách mạng và ý thức tổ chức kỷ luật của từng đảng viên, do khả năng lãnh đạo tổ chức quần chúng thực hiện thắng lợi mọi đường lối chủ trương, chính sách của Đảng. Vì thế, Lênin đòi hỏi người đảng viên phải tham gia trong tổ chức của Đảng, có như vậy Đảng mới có thể giáo dục, lãnh đạo, kiểm tra, nâng cao uy tín và ảnh hưởng của đảng viên trước quần chúng. 

Trong mối liên hệ với quần chúng, Đảng phải khắc phục khuynh hướng lệch lạc, vượt quá xa trình độ của quần chúng, xa rời quần chúng, đồng thời cũng đề phòng khuynh hướng theo đuôi, hạ thấp trình độ xuống ngang trình độ quần chúng. Lênin viết: “chúng ta sẽ chỉ tự lừa dối mình, nhắm mắt trước những nhiệm vụ bao la của chúng ta, thu hẹp những nhiệm vụ đó lại, nếu chúng ta quên mất sự khác nhau giữa đội tiền phong và tất cả số quần chúng hướng theo đội tiền phong đó; nếu chúng ta quên mất rằng đội tiền phong có nghĩa vụ thường xuyên phải nâng các tầng lớp ngày càng đông đảo đó lên trình độ tiên tiến ấy”. 

e) Phê bình và tự phê bình là quy luật phát triển của Đảng 

Theo Lênin, Đảng phải luôn luôn tự phê bình và phê bình tự vạch ra sai lầm khuyết điểm, phân tích rõ nguyên nhân và tìm cách sửa chữa. Lênin coi đây là một trong những căn cứ quan trọng để xem xét một Đảng có thật sự là Đảng mácxít chân chính hay không. 

Trong tác phẩm này, Lênin vạch mặt phái Mensêvích lợi dụng phê bình và phê bình vô nguyên tắc “ngồi lê đôi mách ở bên ngoài đại hội”. Người cho đó là hành vi vu khống, là hành động thiếu nhân cách. 

Tư tưởng phê bình và tự phê bình được Lênin phát triển thêm trong tác phẩm “Bệnh ấu trĩ “tả khuynh” trong phong trào cộng sản” và trong nhiều tác phẩm khác ở giai đoạn sau này. 

III- Ý nghĩa thực tiễn của tác phẩm 

- Tác phẩm “Một bước tiến, hai bước lùi” đã bảo vệ tính Đảng, đập tan hoàn toàn quan điểm sai trái của phái Mensêvích; vạch trần đặc điểm, thực chất và nguồn gốc chủ nghĩa cơ hội về mặt tổ chức. Tác phẩm này đã phát triển và cụ thể hóa học thuyết về Đảng của chủ nghĩa Mác, vạch ra một cách đầy đủ và hoàn chỉnh những nguyên tắc cơ bản của chính Đảng cách mạng của giai cấp vô sản. Do đó, nó là tiêu chuẩn để đánh giá tính chất giai cấp công nhân của Đảng. Một Đảng xét lại lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin tất yếu sẽ đi chệch khỏi những nguyên tắc xây dựng Đảng do Lênin vạch ra trong tác phẩm này. 

- Tác phẩm này làm rõ vị trí quan trọng của xây dựng Đảng về tổ chức, đồng thời vạch rõ mối liên hệ biện chứng giữa xây dựng Đảng về tổ chức với xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng. 

Riêng đối với công tác xây dựng Đảng về tổ chức, tác phẩm cho thấy: Trong công tác xây dựng Đảng, phải xây dựng một điều lệ thống nhất, một kỷ luật thống nhất, một cơ quan lãnh đạo thống nhất có uy tín và quyền lực. Đảng viên của Đảng phải có ý thức tổ chức kỷ luật, người đảng viên dù ở cương vị nào cũng phải tham gia một trong những tổ chức của Đảng chịu sự giáo dục, kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng. 

Tác phẩm “Một bước tiến, hai bước lùi” được viết cách đây gần một thế kỷ (1904). Nó đặt cơ sở cho sự nghiệp xây dựng Đảng Cộng sản Liên Xô (cũ) và các Đảng Cộng sản các nước. Nó đã cống hiến lớn lao cho phong trào cách mạng của giai cấp công nhân toàn thế giới. Từ đó tới nay, phong trào cách mạng thế giới đã có nhiều biến đổi, song tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị. 

Đối với Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam - tác phẩm này đã và vẫn là những chỉ dẫn có tính nguyên tắc trong quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay. 

 

 

Theo “Giới thiệu tác phẩm của C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I Lênin, Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước”, Nxb CTQG, Hà Nội, 1999.

 

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website