Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn trên thế giới một thế kỷ qua

Một số điểm cần thống nhất về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội 

Nói đến con đường lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) một cách khoa học, hợp quy luật, thì phải đề cập tới thời kỳ quá độ (TKQĐ) từ chủ nghĩa tư bản (CNTB) lên CNXH. Nói đến TKQĐ ở Việt Nam một cách phù hợp, hiệu quả, thì phải đề cập tới TKQĐ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa (TBCN) - TKQĐ gián tiếp. Nói đến các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), hay CNXH hiện thực trên thế giới một thế kỷ qua, kể cả Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây, Trung Quốc hiện nay theo đúng lý luận Mác - Lê-nin, thì phải thấy đó đều là các xã hội ở TKQĐ gián tiếp với những trình độ khác nhau.

Ở đây cần thống nhất một số điểm. 

Một là, cho đến nay TKQĐ trình độ cao trực tiếp lên CNXH từ CNTB phát triển tột bậc mà C. Mác nói đến, chưa từng diễn ra. Nhưng cũng theo đúng lý luận Mác - Lênin, các nước XHCN trên thế giới một thế kỷ qua, xét về tương quan kinh tế - kỹ thuật so với các nước phương Tây, đều là những xã hội ở TKQĐ trình độ thấp, tức là gián tiếp từ xã hội TBCN chưa phát triển, hoặc xã hội tiền TBCN. Chính vì vậy, các nước này, một mặt, đã đi vào con đường XHCN; mặt khác, trong thời gian đầu trình độ kinh tế - kỹ thuật đương nhiên vẫn thấp hơn so với các nước phương Tây. 

Hai là, CNTB ở phương Tây đã phát triển đến giới hạn định tính tổng quát vĩ mô của nó, dù có thể còn tiếp tục tăng trưởng về mặt quy mô định lượng cụ thể. Cả thực tế xã hội khách quan lẫn tư duy biện chứng cho thấy rõ, CNTB từ năm 1825 đã lâm vào khủng hoảng kinh tế chu kỳ không thể nào tránh khỏi. Từ cuối thế kỷ XIX nó chuyển thành chủ nghĩa đế quốc (CNĐQ), CNTB độc quyền, CNTB độc quyền nhà nước, và từ giữa thế kỷ XX thành CNTB độc quyền xuyên quốc gia, siêu quốc gia. Qua đó, khủng hoảng tuy được hạn chế phần nào, nhưng không thể bị loại trừ. Và khi bùng nổ, thì nó trở nên dữ dội, khốc liệt hơn gấp bội, thậm chí còn kéo theo chiến tranh tư bản đế quốc lớn, như hai cuộc đại chiến thế giới thứ nhất và thứ hai. Tức là từ khoảng 150 năm nay, CNTB thực tế đã bước vào một giai đoạn tiến triển mới dù có thể sẽ không ngắn, nhưng với xu hướng rõ rệt là tất yếu sẽ bị thay thế bằng một chế độ xã hội phát triển cao hơn. Trong giai đoạn đó, mâu thuẫn cơ bản giữa đại tư hữu và xã hội hóa cao độ sản xuất sẽ được chuẩn bị giải quyết, khủng hoảng được khắc phục triệt để, lực lượng sản xuất (LLSX) được giải phóng hoàn toàn.

Ba là, ở Việt Nam hơn 30 năm qua đường lối đổi mới của Đảng ta đã và đang đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đường lối này dựa trên sự vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng, đường lối của V. I. Lênin về TKQĐ gián tiếp lên CNXH. Thời kỳ đó có một nội dung quan trọng, cơ bản là phát triển kinh tế TBCN dưới chế độ chính trị XHCN. Nhờ thế, TKQĐ này tuy lâu dài, khó khăn hơn TKQĐ trực tiếp lên CNXH từ CNTB đã phát triển cao, nhưng rút ngắn đáng kể toàn bộ quá trình phát triển thông thường, với đầy máu và nước mắt của CNTB. Đường lối về TKQĐ gián tiếp được V. I. Lê-nin triển khai trong thực tiễn ở nước Nga Xôviết những năm 1921 - 1924, được tiếp tục thực hiện đến năm 1928 dưới thời G. V. Xtalin. Tuy tồn tại không lâu, nhưng nó đã đạt được những thành tựu tích cực rõ rệt, mang tính phổ biến và có ý nghĩa lịch sử. Trong khi đó, CNXH mô hình Xô-viết được xây dựng sau đó ngày càng xa rời đường lối này của V. I. Lê-nin, nên sau 63 năm tồn tại cuối cùng đã bị sụp đổ. 

Bốn là, từ sau năm 1945 đến khoảng giữa những năm 70 của thế kỷ XX, hầu hết các nước thuộc địa, phụ thuộc lạc hậu trên thế giới đã giành được độc lập, xây dựng nhà nước dân tộc và hầu hết đều đi vào con đường TBCN. Cho đến nay, phần lớn các nước đó vẫn ở trình độ đang, hoặc chậm phát triển, phụ thuộc trở lại phương Tây trước hết về kinh tế. Chỉ có một số rất ít nước trở thành quốc gia phát triển, như các “con rồng”, “con hổ” ở Đông Á. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa của những trường hợp này không nhỏ. 

Quá độ của chủ nghĩa tư bản 

Theo C. Mác, trong giai đoạn phát triển của CNTB, đại công nghiệp, tư hữu lớn, cạnh tranh tự do thúc đẩy nhau cùng gia tăng. Chúng phủ định sở hữu cá nhân của người sản xuất nhỏ. Khi đạt đến mức độ cao vào giữa thế kỷ XIX, tư hữu lớn và cạnh tranh tự do trở thành xiềng xích trói buộc đại công nghiệp. Chúng sẽ bị phủ định bởi công hữu và quản lý mang tính kế hoạch của toàn xã hội. Lúc này CNTB chuyển sang giai đoạn quá độ để thực hiện “phủ định cái phủ định” có tính biện chứng cách mạng đối với tư hữu lớn TBCN, “khôi phục lại sở hữu cá nhân”, xác lập công hữu toàn xã hội... 

Theo V. I. Lênin, từ những năm 1860 - 1873 đến những năm 1900 - 1903, CNTB bắt đầu “một thời kỳ quá độ từ CNTB sang một chế độ kinh tế - xã hội cao hơn”, tức CNXH. Lúc này CNTB thực hiện “bước quá độ từ chỗ hoàn toàn tự do cạnh tranh đến chỗ hoàn toàn xã hội hóa”... Xu hướng quá độ biểu hiện tập trung ở các cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ bắt đầu từ năm 1825, trở nên ngày càng trầm trọng, kéo theo khủng hoảng chính trị, xã hội gay gắt, nổi bật là Công xã Pari năm 1871. Những cuộc khủng hoảng kinh tế trong các thế kỷ XIX, XX và cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu nổ ra đầu thế kỷ XXI cho thấy, tiến trình này vẫn tiếp diễn.

Hòng ngăn chặn xu hướng quá độ, giai cấp tư sản thực hiện những biện pháp mà chính C. Mác đã từng đề cập đến. Nhưng, như ông khi ấy đã nhận định, chúng vẫn là vô hiệu trong cả ngày nay: không có một sự cải tiến máy móc nào, không có một sự áp dụng khoa học nào, không có việc mở rộng thị trường nào lại có thể xóa bỏ được tình cảnh nghèo khó của quần chúng lao động; bất kỳ sự phát triển nào của sức sản xuất cũng đều khoét sâu thêm những đối kháng trong xã hội.

Thời kỳ quá độ trực tiếp 

Theo C. Mác, quá độ chính trị của CNTB không phải chỉ là sự thể hiện ra ở một, hay một số cuộc cách mạng chính trị. Đây là cả một thời kỳ quá độ chính trị lâu dài và khó khăn, từ CNTB phát triển cao trực tiếp lên CNXH. Đây là một quá trình cách mạng không ngừng thực hiện không chỉ một điểm quá độ, mà là một giai đoạn quá độ tất yếu. Trong đó, chính trị (chuyên chính vô sản- CCVS) là điều kiện tiên quyết để thực hiện quá độ trong mọi lĩnh vực khác của xã hội.

Theo V. I. Lênin, từ xã hội phong kiến lên CNTB, ngay trong giai đoạn quá độ đã hình thành cả LLSX lẫn những tổ chức kinh tế mới và những hình thức quan hệ TBCN. Đến giai đoạn quá độ chính trị (cách mạng tư sản), mới sinh thành chế độ chính trị TBCN. Nhưng ở TKQĐ lên CNXH trước hết sinh thành nhà nước XHCN, nhờ đó mới phát triển dần LLSX và quan hệ sản xuất (QHSX) XHCN. Cho nên, TKQĐ không dễ dàng, không chóng vánh. Độ dài của nó có thể được tham chiếu từ các giai đoạn nhiều trăm năm hình thành các xã hội nô lệ, phong kiến, TBCN. 

Bản chất của TKQĐ lên CNXH là sự giao thoa giữa CNTB và CNXH. Đến CNXH, CNTB chỉ còn lại “những dấu vết về mọi phương diện kinh tế, đạo đức, tinh thần”. Đây chính là “giai đoạn đầu” trưởng thành, cùng thuộc về xã hội cộng sản chủ nghĩa (CSCN) nói chung như “giai đoạn cao” “đã phát triển trên những cơ sở của chính nó”. Cho nên CNXH cũng mang bản chất CSCN.

Sau khi phân biệt rõ “giai đoạn đầu” và “giai đoạn cao” của CNCS, C. Mác nói đến TKQĐ ở “giữa xã hội TBCN và xã hội CSCN”. Tức là nó đã vượt qua giai đoạn cuối của CNTB, nhưng chưa đi vào “giai đoạn đầu” của CNCS, càng không thể tới ngay “giai đoạn cao”. Do đó, TKQĐ chỉ có thể là từ CNTB lên “giai đoạn đầu”. V. I. Lênin vào năm 1917 gọi “giai đoạn đầu” là CNXH và xác định, TKQĐ không phải là CNXH hoàn chỉnh. Chúng có bản chất khác nhau rõ rệt: TKQĐ không thể có đầy đủ thuộc tính của CSCN, nhưng CNXH đã thể hiện bản chất này nói chung và phản ánh xu hướng đi tới CNCS.

Sự phân biệt rõ ràng TKQĐ với CNXH về mặt lý luận, việc nhận thức theo đúng tư tưởng của Mác - Ăngghen - Lênin rằng, TKQĐ khác CNXH, không phải là vấn đề hàn lâm kinh viện đơn thuần, không thiết thực. Trái lại, nó có ý nghĩa thực tiễn to lớn, vừa quan trọng, cơ bản, lâu dài, vừa thường xuyên, trực tiếp, cấp bách. Mô hình Xôviết do đồng nhất TKQĐ với CNXH, hoặc ngộ nhận một xã hội ở TKQĐ là CNXH, hoặc lầm tưởng TKQĐ ở trình độ thấp (gián tiếp) là TKQĐ ở trình độ cao (trực tiếp), nên đã xác lập QHSX XHCN một cách hình thức, thiếu cơ sở kinh tế - kỹ thuật tiên tiến cần thiết, tất yếu, phù hợp tương ứng. Việc vội vã xây dựng QHSX mới vượt quá quy mô, trình độ thực tế của LLSX còn thấp, khiến cho chính ở những nơi có sự bất cập, hụt hẫng, chênh lệch ấy, QHSX này không tránh khỏi bị biến dạng, biến chất. Ở Liên Xô trước đây, sở hữu tập thể, quốc doanh đã dần bị tha hóa thành các hình thái trá hình của tư hữu. Tại những vùng có điểm xuất phát thấp, có lúc, có nơi còn tái hiện cả kiểu sở hữu nhà nước chuyên chế cổ - trung đại của phương thức sản xuất (PTSX) châu Á, phương Đông mà C. Mác từng nói đến.

Thời kỳ quá độ gián tiếp 

Thời kỳ quá độ bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN. Cùng với sự phát triển lịch đại của một xã hội theo chiều dọc thời gian, tuần tự trải qua các hình thái do mâu thuẫn bên trong, C. Mác còn đề cập đến sự phát triển đồng đại theo chiều ngang không gian do tương tác qua lại giữa các xã hội. Ông chú ý đến trường hợp đặc biệt là, hai xã hội thời cổ đại “tác động qua lại làm nảy sinh ra một cái gì mới, một sự tổng hợp”, “kết hợp cả hai” PTSX và cùng tiến lên một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn. Đó là trường hợp người Giécmanh từ xã hội công xã nguyên thủy bỏ qua xã hội nô lệ, cùng người La Mã đi lên xã hội phong kiến. Từ khi người Giécmanh bắt đầu lấn át người La Mã vào thế kỷ thứ II và đánh đổ chế độ nô lệ vào thế kỷ thứ V, họ chỉ mất 300 năm để từ cuối công xã nguyên thủy bỏ qua chế độ nô lệ lên chế độ phong kiến. Nếu vẫn tồn tại riêng biệt, thì để có sự phát triển đó, họ phải trải qua xã hội nô lệ hàng nghìn năm.

Từ cách tiếp cận này C. Mác cũng chỉ ra, khi một số nước TBCN ở châu Âu có trình độ công nghiệp khác nhau tác động qua lại, thì mâu thuẫn giữa LLSX và QHSX ở nước có trình độ thấp vẫn có thể gây xung đột chính trị gay gắt, khiến cho cách mạng vô sản sớm nổ ra. 

Khi quan tâm đến tình hình nước Nga Sa hoàng đương thời, C. Mác và Ph. Ăngghen cho rằng, không chỉ nước TBCN tiên tiến phương Tây có thể làm cách mạng vô sản thành công rồi bước vào TKQĐ, mà nước Nga và các nước tiền TBCN nói chung cũng có thể thực hiện điều đó. Điều kiện quan trọng ở đây là, các nước này được nước phương Tây phối hợp cùng làm cách mạng vô sản thành công, tiếp tục giúp đỡ về vật chất khi bước vào TKQĐ. Lúc ấy nước phương Tây thực hiện TKQĐ trực tiếp. Nước được giúp đỡ “không phải trải qua giai đoạn phát triển TBCN”, “rút ngắn tiến trình đi lên CNXH”, có nghĩa là rút ngắn chính lịch trình vận động, phát triển của xã hội TBCN. Nhưng nó vẫn phải thực hiện TKQĐ từ tiền đề vật chất không tự tạo ra ở bên trong, mà được giúp đỡ từ bên ngoài. Chính vì thế, TKQĐ này không hoàn toàn trực tiếp, mà chỉ là nửa trực tiếp.

Thời kỳ quá độ bỏ qua chế độ TBCN. Theo V. I. Lênin, từ cuối thế kỷ XIX, CNTB có nhiều biến chuyển quan trọng: độc quyền thay thế cạnh tranh, việc mở mang thị trường thế giới đã đạt đến giới hạn địa lý toàn cầu. Mâu thuẫn giữa các nước phương Tây trở nên gay gắt. Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Xuất hiện cơ hội cho cách mạng XHCN có thể thắng lợi ở một nước riêng biệt không phải là nước tiên tiến, và đó chính là nước Nga. Tiếp theo, nước này có thể bước vào TKQĐ gián tiếp lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN. Thời kỳ quá độ gián tiếp có một nội dung chủ yếu là, dưới sự kiểm soát, bảo đảm của nhà nước XHCN, cần sử dụng, phát triển kinh tế TBCN để xây dựng LLSX. Sau đó, tiếp tục chuyển sang thực hiện nhiệm vụ của TKQĐ trực tiếp, là xây dựng cơ sở ban đầu cho CNXH. 

Sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, V. I. Lênin cho rằng các nước lạc hậu phụ thuộc, thuộc địa ở phương Đông cũng có thể thực hiện cách mạng XHCN và TKQĐ, khi liên minh với nước Nga Xôviết. Trong tư tưởng của V. I. Lênin, đương nhiên TKQĐ này sẽ khó khăn hơn nếu diễn ra đơn độc. Nhưng dù có thực hiện được sự liên minh, thì TKQĐ ấy cũng vẫn chỉ là gián tiếp và ở trình độ thấp hơn nhiều so với TKQĐ gián tiếp ở nước Nga. Ngoài ra, phải phân biệt tư tưởng đó của V. I. Lênin với một ý kiến khác của chính ông cho rằng, nếu được giai cấp vô sản các nước tiên tiến giúp đỡ, thì các nước lạc hậu có thể đi lên CNXH “không phải trải qua giai đoạn phát triển TBCN”. Đây chính là tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăngghen về TKQĐ nửa trực tiếp, không giống TKQĐ gián tiếp mà V. I. Lênin mới nêu lên.

Ngay từ những năm 60 của thế kỷ XIX, khi xem xét tình hình thuộc địa Ailen và chính quốc Anh, C. Mác và Ph. Ăngghen đã từng nêu khả năng cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa nổ ra, kết hợp và thúc đẩy cách mạng vô sản tại chính quốc. Nhưng trong tư tưởng của các ông, TKQĐ ở Ailen là nửa trực tiếp. Bởi vì sau cách mạng vô sản, nước Anh sẽ bước vào TKQĐ trực tiếp, nên nó có đủ điều kiện để giúp đỡ các nước lạc hậu thực hiện TKQĐ nửa trực tiếp. Chính trên cơ sở những tư tưởng này của Mác - Ăngghen - Lênin, từ năm 1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ vai trò quan trọng, tích cực chủ động của cách mạng giải phóng dân tộc, gắn liền cuộc cách mạng này với cách mạng XHCN.

Thời đại quá độ

Cách mạng Tháng Mười khởi đầu TKQĐ gián tiếp ở nước Nga, đồng thời mở ra “thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới”. Từ đây, các nước trên thế giới, kể cả nước lạc hậu, với những điều kiện nhất định, đều có thể bước vào TKQĐ. Tuy nhiên, không phải là tất cả các nước sẽ đồng loạt, đồng thời tiến vào TKQĐ. Một số nước có thể thực hiện TKQĐ trước. Trong khi ấy, giai đoạn quá độ ở phương Tây có thể vẫn kéo dài. Nhiều nước TBCN trung bình, nước lạc hậu, có thể còn lâu nữa mới bước vào TKQĐ.

Sau Cách mạng Tháng Mười, CNTB, CNĐQ phương Tây thường xuyên đe dọa, rồi trực tiếp tấn công Liên Xô và các nước XHCN: cuộc chiến tranh can thiệp vào nước Nga Xô-viết (1918 - 1921); chiến tranh xâm lược Liên Xô (1941 - 1945); chiến tranh lạnh chống phe XHCN (1945 - 1991); chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ (1945 - 1975); các cuộc chiến tranh xâm lược Triều Tiên (năm 1953), Cu-ba (năm 1961). Ngoài ra, phương Tây còn tiến hành bao vây kinh tế các nước XHCN, ra sức đàn áp phong trào giải phóng dân tộc;...

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hệ thống XHCN ra đời, CNTB phương Tây thi hành hàng loạt biện pháp: từ độc quyền nhà nước chuyển thành độc quyền quốc tế; thiết lập trật tự thế giới do phương Tây dẫn dắt với các định chế kinh tế, chính trị, quân sự khu vực và toàn cầu, như NATO, IMF, WB, WTO để thống trị, chi phối thế giới; đẩy mạnh cải tiến quản lý sản xuất; chia sẻ lợi nhuận cho bộ phận công nhân quý tộc, tạo cách biệt giữa công nhân phương Tây với công nhân các nước đang phát triển để tiếp tục bóc lột các nước đó; thúc đẩy cách mạng khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất lao động, phát triển sản xuất; tấn công phe XHCN về mọi mặt bằng Chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng cục bộ, răn đe hạt nhân... 

Từ 1989 - 1991 đến nay, phương Tây thực hiện chiến lược đẩy mạnh toàn cầu hóa để tái cấu trúc trật tự thế giới có lợi cho mình; tiếp tục thúc đẩy cách mạng khoa học - công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động; phát triển thị trường cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, gia tăng tỷ suất và tổng lợi nhuận; tăng cường kiềm chế Nga, Trung Quốc; chiếm đoạt thị trường Đông Âu; phân hóa, chiếm lĩnh không gian hậu Xô-viết; ra sức chống phá các nước XHCN còn lại; tiếp tục khống chế, chi phối các nước đang phát triển; thúc đẩy các lực lượng phản động trỗi dậy ở một số nước theo xu hướng XHCN trước đây; tấn công xâm lược can thiệp lật đổ chính phủ một số nước dân tộc độc lập, tiến bộ... 

Đến nay phương Tây vẫn duy trì được chế độ tư hữu TBCN, phát triển kinh tế, và dồn đẩy mọi mâu thuẫn, hệ lụy, mặt trái của sự thịnh vượng ích kỷ nhờ tranh đoạt, cướp bóc các nước lạc hậu, nghèo nàn. Dù đã đạt đến lô-gíc vận động cơ bản từ lâu, nhưng đến nay CNTB vẫn tạm thời kéo dài sự tồn tại quá thời về lịch sử của nó.

Chủ nghĩa xã hội hiện thực. Từ lý luận Mác - Lênin về TKQĐ, đối chiếu với chất lượng và trình độ LLSX của CNTB, thì thấy rõ trong suốt quá trình tồn tại của mình, kể cả trong những năm 30 của thế kỷ XX, Liên Xô có tổng GDP đứng đầu châu Âu, hoặc trong những năm 1965 - 1975, tuy có GDP đạt mức 70% của Mỹ và đứng thứ hai thế giới, Liên Xô vẫn chỉ ở TKQĐ gián tiếp. Nước này chưa thể chuyển sang TKQĐ trực tiếp, càng chưa có CNXH, hoặc “CNXH phát triển”, hoặc “giai đoạn xây dựng CNCS”. Các nước XHCN khác từ trước đến nay, cũng đều như vậy.

Thời kỳ quá độ ở nước Nga Xô-viết đã được V. I. Lê-nin đích thân lãnh đạo tiến hành qua các giai đoạn sau: từ tháng 11-1917 đến tháng 4-1918: thực hiện kế hoạch đầu tiên xây dựng CNXH, trước “Chính sách kinh tế mới” (NEP) nhưng đã có tinh thần NEP là “tạm ngừng” tấn công tư bản; từ tháng 4-1918 đến tháng 3-1921: thực hiện “Chính sách cộng sản thời chiến” (CSCSTC); từ tháng 3-1921 đến tháng 3-1922: thực hiện NEP; từ tháng 3-1922 đến tháng 1-1924: điều chỉnh NEP với việc “ngừng rút lui”. 

Thời kỳ quá độ này diễn ra với những đặc điểm nổi bật như:

Khi chính trị ổn định thuận lợi, thì tiến hành NEP với nội dung cốt lõi là sử dụng kinh tế TBCN có kiểm soát, để ngăn chặn sự nảy sinh của “tính tự phát tiểu tư sản” và sự phục hồi của chế độ chính trị TBCN.

Khi xảy ra nội chiến, bị các nước đế quốc phương Tây can thiệp, xâm lược, thì tiến hành CSCSTC với nội dung chủ yếu là thiết lập sở hữu nhà nước ngay cả khi LLSX chưa xã hội hóa cao. Sở hữu này, theo C. Mác và Ph. Ăngghen (viết trong những năm 1847 - 1848), chỉ phù hợp với TKQĐ trực tiếp. Vì thế V. I. Lênin chỉ rõ năm 1923, trong TKQĐ gián tiếp, sở hữu đó phải được bảo đảm là XHCN bằng hệ thống chính trị Đảng Bônsêvích - Nhà nước Xôviết công nông - Công đoàn, với các tổ chức, thể chế, thiết chế, cơ chế nhất định. Đặc biệt, phải có cơ quan kiểm tra - thanh tra hợp nhất Đảng - Nhà nước...

Cuối những năm 20, NEP bị đình chỉ, CSCSTC được áp dụng phổ biến. Từ một chính sách cần thiết, tất yếu không mâu thuẫn mà thống nhất với NEP trong đường lối chung về TKQĐ gián tiếp, CSCSTC trở thành nội dung cơ bản duy nhất của đường lối này. Tiếp đó, nó trở thành hạt nhân của đường lối phi quá độ, xây dựng, thực hiện ngay CNXH (từ năm 1930), hoặc quá độ lên CNCS (từ năm 1939, và sau chiến tranh là từ năm 1952), hay xây dựng CNXH phát triển (từ năm 1966)... Mâu thuẫn giữa điều kiện xã hội thực tế khách quan chỉ ở TKQĐ gián tiếp với đường lối “tả khuynh” về xây dựng CNXH dần dần tích tụ và trở nên ngày càng sâu sắc. Từ đây dẫn đến tình trạng tiêu cực: công hữu bị hình thức hóa, vượt quá quy mô, trình độ xã hội hóa còn thấp của LLSX; trong sở hữu nhà nước, quyền chủ sở hữu của người lao động bị suy giảm, xói mòn; nhà nước từ chỗ đại diện cho chủ sở hữu là nhân dân lao động, trở thành chủ sở hữu thực tế; chủ sở hữu này dần dần lại quy về một số nhóm phái, cá nhân trong giới lãnh đạo, quản lý; sở hữu đó chuyển hóa dần thành phi vô sản, phi XHCN, tương đồng sở hữu nhà nước tiền TBCN châu Á, phương Đông;... 

Chủ nghĩa xã hội Xôviết sụp đổ không phải vì bản thân CSCSTC sai lầm, mà do nó bị tuyệt đối hóa, thực hiện cực đoan, kéo dài, thiếu linh hoạt, dẫn đến sự biến dạng, tha hóa, lộng quyền, lạm quyền của một bộ phận trong đại diện chủ sở hữu trực tiếp quản lý kinh tế, hành chính. 

Liên Xô cuối những năm 20 đã chuyển đường lối TKQĐ từ gián tiếp sang trực tiếp, đầu những năm 30 tiến hành đường lối xây dựng, thực hiện CNXH. Trung Quốc và các nước Đông Âu ngay từ đầu (cuối những năm 40) đã thực hiện đường lối TKQĐ trực tiếp, sau chưa đầy 10 năm (từ nửa sau những năm 50) tuyên bố bước vào CNXH. Nhưng thật ra chính V. I. Lê-nin đã sớm chỉ rõ: nước Nga Xôviết mới ở TKQĐ gián tiếp;... Việc coi Liên Xô đầu những năm 30 đã đi vào CNXH, một phần có nguyên nhân nhận thức. Lúc này CNTB lâm vào cuộc đại khủng hoảng kinh tế, nhưng Liên Xô hoàn thành công nghiệp hóa trong 10 năm, đuổi kịp Tây Âu sau 20 năm. Từ đây có sự ngộ nhận rằng, CNTB đã đạt tới giới hạn cuối cùng, rằng ở Liên Xô TKQĐ đã kết thúc, CNXH đã bắt đầu. Thật ra, theo đúng lý luận Mác - Lênin về TKQĐ, cho dù phương Tây đã đạt đến đỉnh điểm của CNTB, và Liên Xô cũng đạt mức đó, thì nước này mới chỉ bước vào TKQĐ trực tiếp. Nhưng trên thực tế, từ cuối những năm 30 đến nay phương Tây vẫn tiếp tục tăng trưởng kinh tế, tức là còn chưa đạt tới đỉnh điểm lịch sử của mình. Cho nên, Liên Xô chưa thể kết thúc TKQĐ gián tiếp. Chính Ph. Ăngghen ngay từ năm 1895 đã cho rằng, CNTB còn tiếp tục tồn tại mà chưa bị diệt vong ngay. Như vậy, do vừa đi ngược lại thực tế cuộc sống, vừa làm trái với lý luận Mác - Lênin về TKQĐ, đường lối của Liên Xô và nhiều nước XHCN về thực hiện TKQĐ trực tiếp và xây dựng chính CNXH, cuối cùng đã thất bại. Điều này chứng tỏ, lý luận Mác - Lênin vẫn bao quát, phù hợp với thực tế và về cơ bản vẫn đúng. 

Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Từ Hội nghị Trung ương 1 Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10-1930) đến Hội nghị Trung ương 9 khóa VI Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 8-1990), TKQĐ luôn được xác định là: “do được các nước XHCN giúp đỡ, nên bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN”, tức là nửa trực tiếp. Đại hội II Đảng Lao động Việt Nam (tháng 02-1951) nêu rõ: TKQĐ ở Việt Nam có điểm xuất phát thấp hơn, cho nên lâu dài, khó khăn hơn. Đại hội VI của Đảng (năm 1986) mở ra thời kỳ đổi mới, bắt đầu thực hiện đa dạng hóa sở hữu - một trong những nội dung quan trọng nhất của NEP, nhưng vẫn nêu TKQĐ ở nước ta là “bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”.

Từ Đại hội VII của Đảng (năm 1991) đến nay, đường lối thực hiện TKQĐ được xác định là “bỏ qua chế độ TBCN”, tức là TKQĐ gián tiếp, và được xây dựng, phát triển ngày càng hoàn thiện. Hội nghị Trung ương 8 khóa VII (tháng 1-1995) khẳng định: trong điều kiện không còn sự giúp đỡ của các nước XHCN, nhưng có thể tranh thủ được nguồn lực từ hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế; bỏ qua chế độ TBCN, nhưng kế thừa mọi thành tựu và kinh nghiệm của nhân loại, kể cả của CNTB. Đại hội IX của Đảng nêu rõ, bỏ qua sự thống trị của QHSX TBCN, nhưng tiếp thu thành tựu khoa học và công nghệ trong CNTB...

Hiện nay, để tiếp tục giữ vững, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn với CNXH, Việt Nam cần đẩy mạnh vận dụng sáng tạo, phát triển tư tưởng, đường lối của V. I. Lênin về TKQĐ gián tiếp với một số điểm chú ý sau:

Thực tế thành công lẫn thất bại của CNXH hiện thực trên thế giới một thế kỷ qua đều chứng minh lý luận của V. I. Lênin về TKQĐ gián tiếp là đúng đắn. Để phát triển, tiến bộ nhanh, mạnh, bền vững, mà không lặp lại những hạn chế của CNTB, các nước đang phát triển vẫn có thể và cần phải thực hiện TKQĐ này. Điều đổi mới nhận thức về TKQĐ đó là bỏ qua chính trị TBCN, mà vẫn sử dụng, khai thác kinh tế CNTB để phục vụ cho CNXH, đặc biệt là phát triển LLSX, kinh nghiệm quản lý, trình độ khoa học - công nghệ... đồng thời với vai trò của nhà nước pháp quyền XHCN sẽ điều tiết sự phát triển nhân văn hơn.

Để giữ được bản chất và định hướng XHCN trong thực hiện đường lối về TKQĐ gián tiếp, thì phải bảo đảm: một là, khi thực hiện, QHSX TBCN và giai cấp tư sản tuyệt nhiên không thể trở thành thống trị; hai là, người đại diện (nhà nước XHCN) cho chủ sở hữu (quần chúng nhân dân) không thể thay thế hoàn toàn chính người chủ sở hữu này, để trở thành một chủ sở hữu mới trên thực tế. Những điều này phụ thuộc vào việc, Đảng phải luôn kiên định và sáng tạo trong lãnh đạo thực hiện mục tiêu, con đường lên CNXH dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng lý luận, đường lối chính trị của V. I. Lênin về TKQĐ gián tiếp, cần kết hợp thống nhất, chặt chẽ, chuyển đổi linh hoạt, hợp lý hai chính sách chủ yếu trên. Đồng thời, phải đổi mới, phát triển chúng phù hợp với điều kiện trong nước./.

 

PGS, TS. Phạm Văn Chúc, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website