Hoa Kỳ (America)

Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (United States of America)

Mã vùng điện thoại: 1               Tên miền Internet: .us

 

    Quốc kỳ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Vị trí địa lý: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có 50 bang, gồm ba bộ phận lãnh thổ, cách biệt nhau khá xa. Bộ phận lớn nhất gồm 48 bang, nằm giữa lục địa Bắc Mỹ; giáp Ca-na-đa, Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Mê-hi-cô. Bộ phận thứ hai là bang Alaska nằm ở Tây Bắc lục địa Bắc Mỹ, giáp Ca-na-đa, biển Bô-xpho và biển Bê-rinh. Bộ phận thứ ba là đảo Hawaii nằm giữa Thái Bình Dương cách thành phố San Francisco khoảng 3.900 km đường biển. Là nước có diện tích lớn thứ 4 trên thế giới (sau Nga, Ca-na-đa và Trung Quốc).

Diện tích: 9.631.418 km2

Thủ đô: Oa-sinh-tơn (Washington, D.C.)

Các thành phố lớn: New York, Los Angeles, Chicago, Philadelphia, San Francisco, Detroit, Dallas, Houston, Boston...

Lịch sử: Nước Mỹ trước kia là nơi sinh sống của các bộ lạc người In-di-an cho đến khi bị người châu Âu xâm nhập vào thế kỷ XV, XVI. Đầu thế kỷ XVII, Anh, Pháp, Tây Ban Nha đưa nô lệ da đen từ châu Phi tới Mỹ để khai thác tài nguyên. Đến giữa thế kỷ XVIII, Anh đã thiết lập được sự thống trị ở Đông Bắc Mỹ. Ngày 19/4/1775, những cuộc đấu tranh cách mạng đầu tiên ở Mỹ nổ ra ở Bô-xtơn. Ngày 4/7/1776, 13 bang thuộc địa của Anh đã thống nhất lại thành Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (Mỹ) và tuyên bố độc lập. Cuộc nội chiến ở Mỹ (1861 - 1865) đã dẫn đến việc thủ tiêu chế độ nô lệ ở Mỹ. Sau đó, Mỹ trở thành nước tư bản chủ nghĩa phát triển nhất thế giới. Ngày 6/4/1917, Mỹ tuyên chiến với Đức, tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ngày 7/12/1941, sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, Mỹ tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngày 6 và 9/8/1945, Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hi-rô-si-ma và Na-ga-xa-ki (Nhật Bản). Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ trở thành nước đế quốc hùng mạnh nhất. Từ năm 1950 đến nay, Mỹ đã tham gia những cuộc chiến tranh lớn: Triều Tiên, Việt Nam, vùng Vịnh, v.v.. Sau chiến tranh lạnh, Mỹ tìm mọi cách để xây dựng trật tự thế giới mới phù hợp với thế và lực của nước Mỹ.

Quốc khánh: 4/7 (1776)

Tổ chức nhà nước:

Chính thể: Cộng hòa liên bang.

Các khu vực hành chính: 50 bang và quận: Alabama, Alaska, Arizona, Arkansas, California, Colorado, Connecticut, Delaware, District of Columbia, Florida, Georgia, Hawaii, Idaho, Illinois, Indiana, Iowa, Kansasa, Kentucky, Louisiana, Maine, Maryland, Massachusetts, Michigan, Minnesota, Mississippi, Missouri, Montana, Nebraska, Nevada, New Hampshire, New Jersey, New Mexico, New York, North Carolina, North Dakota, Ohio, Oklahoma, Oregon, Pennsylvania, Rhode Island, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Texas, Utah, Vermont, Virginia, Washington, West virginia, Wisconsin, Wyoming.

Các vùng phụ thuộc (đảo quốc, lãnh thổ hải ngoại): Samoa, Đảo Baker, Guam, Đảo Howland, Đảo Jarvis, Quần đảo san hô Johnston, Kingman Reef, Quần đảo Midway, Đảo Navassa, Quần đảo Bắc Mariana, Đảo san hô Palmyra, Puerto Rico, Quần đảo Virgin, Đảo san hô Wake.

Hiến pháp: Thông qua ngày 17/9/1787, có hiệu lực từ ngày 4/3/1789.

Cơ quan hành pháp:

Đứng đầu Nhà nước và Chính phủ: Tổng thống.

Bầu cử: Tổng thống và Phó Tổng thống được bầu bằng cùng một lá phiếu của những người đại diện (đại cử tri), những người này được lựa chọn trực tiếp từ từng bang; Tổng thống và Phó Tổng thống có nhiệm kỳ 4 năm.

Cơ quan lập pháp: Quốc hội gồm hai viện: Thượng viện (100 ghế, 1/3 được bầu lại hai năm một lần; mỗi bang có 2 thành viên được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 6 năm) và Hạ viện (435 ghế, được bầu trực tiếp theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 2 năm).

Cơ quan tư pháp: Tòa án Tối cao (1 chánh án và 8 thẩm phán được Tổng thống bổ nhiệm, Thượng viện phê chuẩn).

Chế độ bầu cử: Từ 18 tuổi trở lên, phổ thông đầu phiếu.

Các đảng phái chính: Đảng Cộng hòa, Đảng Dân chủ.

Khí hậu: Ôn hòa, ôn đới hải dương và ôn đới lục địa, nhiệt đới ở Hawaii và Florida, hàn đới ở Alaska, bán khô cằn ở phần lớn các đồng cỏ phía tây sông Mississippi, khô cằn ở vùng Hồ Lớn phía Tây Nam.

Địa hình: Đồng cỏ rộng lớn ở vùng trung tâm; núi ở phía Tây; đồi và núi thấp ở phía Đông; núi và các thung lũng ở Alaska; địa hình lởm chởm có núi lửa ở Hawaii.

Tài nguyên thiên nhiên: Than đá, đồng, chì, molipden, phốt phát, uranium, bôxit, vàng, sắt, thủy ngân, bạc, vônfram, thiếc, dầu mỏ, khí tự nhiên, gỗ, v.v..

Dân số: 316.128.800 người (ước tính năm 2013)

Các dân tộc: Người da trắng (83,5%); da đen (12,4%); châu Á (3,3%); da đỏ (0,8%).

Ngôn ngữ chính: Tiếng Anh; có một bộ phận nói tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp,...

Tôn giáo: Đạo Tin lành (56%), đạo Thiên chúa (28%), đạo Do Thái (2%), v.v..

Kinh tế:

Tổng quan: Hoa Kỳ có một nền kinh tế hỗn hợp tư bản chủ nghĩa được kích thích bởi tài nguyên thiên nhiên phong phú, một cơ sở hạ tầng phát triển tốt, và hiệu suất cao. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tổng sản phẩm nội địa của Hoa Kỳ hơn 13 ngàn tỉ đô la chiếm 20 phần trăm tổng sản phẩm thế giới. Đây là tổng sản phẩm nội địa lớn nhất thế giới, lớn hơn một chút so với tổng sản phẩm nội địa kết hợp của Liên hiệp châu Âu ở sức mua tương đương. Hoa Kỳ đứng hạng 8 thế giới về tổng sản lượng nội địa trên đầu người và hạng tư về tổng sản phẩm nội địa trên đầu người theo sức mua tương đương. Hoa Kỳ là nước nhập khẩu hàng hóa lớn nhất và là nước xuất khẩu đứng hạng nhì. Ca-na-đa, Trung Quốc, Mê-hi-cô, Nhật Bản, và Đức là các bạn hàng lớn nhất của Hoa Kỳ. Hàng xuất khẩu hàng đầu là máy móc điện, trong khi xe hơi chiếm vị trí hàng đầu về nhập khẩu. Nợ quốc gia của Hoa Kỳ lớn nhất trên thế giới, chiếm hơn 20% tổng số nợ toàn thế giới. Tính theo phần trăm tổng sản phẩm nội địa, nợ của Hoa Kỳ xếp thứ 30 trong số 120 quốc gia. 

Ngày nay, Hoa Kỳ chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực với rất nhiều nước trên thế giới. Cùng với xu thế toàn cầu hóa, những chính sách của Hoa Kỳ ảnh hưởng tương đối lớn tới an ninh chính trị, kinh tế của từng khu vực. Gần đây, một số nhà nghiên cứu lý giải về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ gắn với lý thuyết về toàn cầu hóa.

Hoa Kỳ là nước đứng đầu thế giới về sản xuất vũ khí và xuất khẩu vũ khí. Chính nhờ công nghiệp sản xuất vũ khí và mức chi tiêu ngân sách cho quốc phòng rất lớn đã làm cho quân đội Mỹ có sức mạnh hàng đầu thế giới. Hoa Kỳ tự cho mình có vai trò giữ ổn định trật tự bảo vệ thế giới nên đã và đang can dự hoặc có liên quan vào rất nhiều cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang, bất ổn chính trị trên khắp thế giới. 

Sản phẩm công nghiệp: Dầu mỏ, thép, phương tiện giao thông, thiết bị nghiên cứu, phương tiện truyền thông, hóa chất, máy bay, hàng điện tử, thực phẩm, hàng tiêu dùng, gỗ, v.v...

Sản phẩm nông nghiệp: Lúa mì, ngũ cốc, ngô, hoa quả, rau, bông; thịt gia súc, gia cầm; các sản phẩm sữa; cá, v.v..

Đơn vị tiền tệ: Đô la Mỹ (USD)

Văn hóa: Hoa Kỳ là một quốc gia đa văn hóa, là nơi sinh sống của nhiều nhóm đa dạng chủng tộc, truyền thống, và giá trị. Nói đến văn hóa chung của đa số người Mỹ là có ý nói đến "văn hóa đại chúng Mỹ". Đó là một nền văn hóa Tây phương phần lớn là sự đúc kết từ những truyền thống của các di dân từ Tây Âu, bắt đầu là các dân định cư người Hà Lan và người Anh trước tiên; văn hóa Đức, Ireland, và Scotland cũng có nhiều ảnh hưởng. Một số truyền thống của người bản thổ Mỹ và nhiều đặc điểm văn hóa của người nô lệ phía Tây châu Phi được hấp thụ vào đại chúng người Mỹ. Sự mở rộng biên cương về phía tây đã đưa người Mỹ tiếp xúc gần đến nền văn hóa Mê-hi-cô, và sự di dân mức độ lớn trong cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX từ Nam Âu và Đông Âu đã mang đến thêm nhiều yếu tố văn hóa mới. Sự di dân gần đây hơn từ châu Á và đặc biệt là từ châu Mỹ La-tinh có nhiều ảnh hưởng rộng lớn. Kết quả sự trộn lẫn các nền văn hóa lại với nhau có ví như một cái nồi súp nấu chảy mọi thứ thành một thứ văn hóa chung mà người Mỹ thường gọi từ xưa đến nay là “melting pot”, hay là một khái niệm mới “salad bowl” có nghĩa là một tô xa-lát trộn có đủ thứ rau, gia vị mà trong đó những người di dân và con cháu của họ vẫn giữ các đặc tính văn hóa riêng biệt của mình.

Hoa Kỳ là nước có nền công nghiệp âm nhạc, điện ảnh, công nghệ giải trí phát triển hàng đầu trên thế giới. Từ đầu thế kỷ XX, công nghệ phim ảnh của Hoa Kỳ phần lớn đã có trung tâm trong và xung quanh khu Hollywood thuộc thành phố Los Angeles, California. Các phim trường chính của Hollywood là nơi chính yếu sản xuất ra các bộ phim thương mại thành công nhất trên thế giới, và các sản phẩm của Hollywood ngày nay chiếm lĩnh công nghệ điện ảnh thế giới.

Giáo dục: Giáo dục công lập Hoa Kỳ do chính quyền tiểu bang và chính quyền địa phương đảm trách. Ở hầu hết các tiểu bang, trẻ em từ 6 - 7 tuổi bắt buộc phải đi học cho đến khi được 18 tuổi. Ở Hoa Kỳ có rất nhiều trường đại học và viện đại học tư thục, công lập nổi tiếng có chính sách tuyển chọn sinh viên khắt khe, nhưng cũng có các trường đại học cộng đồng ở địa phương cho phép sinh viên tự do ghi danh vào học. Tỷ lệ biết đọc biết viết ở mức cơ bản là khoảng 99%.

Quan hệ quốc tế: Tham gia các tổ chức quốc tế AfDB, APEC, AsDB, BIS, EBRD, ESCAP, FAO, G-7, IADB, IAEA, IBRD, ICAO, IFAD, ILO, IMF, IMO, Interpol, IOC, ISO, ITU, NATO, OAS, OECD, UN, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (thường trực), UNCTAD, UNIDO, UPU, WHO, WIPO, WMO, WTrO, v.v..

Lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 12/7/1995. Hiện nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập đối tác hợp tác toàn diện. Hai bên cũng đã tích cực trao đổi đoàn cấp cao và đã tích cực hợp tác trên nhiều lĩnh vực; cùng tham gia vào nhiều tổ chức và định chế quốc tế, khu vực.

Danh lam thắng cảnh: Thành phố New York, Thủ đô Oasinhtơn D.C., Maiami, sòng bạc ở Las Vegas, San Francisco, công viên W. Disney, công viên quốc gia, đảo Hawaii, vùng băng giá người Ex-ki-mô ở Alaska, v.v..

Địa chỉ đại sứ quán:

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam:

Địa chỉ: Số 7 Láng Hạ, Hà Nội, Việt Nam

Điện thoại: 84-04-38505000

Fax: 84-04-38505010

Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ:

Địa chỉ: 1233 20th Street NW, Suite 400, Washington DC20036

Điện thoại +1-202-861 0737

Fax: +1-202-861 0917/1297

Email: info@vietnamembassy.usconsular@vietnamembassy.us

Website: http://www.vietnamembassy.us; http://www.vietnam-ustrade.org

Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Houston-Texas (Hoa Kỳ):

Địa chỉ: 5251 Westheimer Rd, Houston TX77056

Điện thoại: +1-713-8501233

Fax: +1-713-8710312

Email: tlsqhouston@mofa.gov.vn

Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Phran-xít-cô (Hoa Kỳ):

Địa chỉ: Suite 430, California street, San Francisco, CA 94109

Điện thoại: +11-1-4159221707/ +11-1-4153177051/4156915889

Fax: +11-1-4159221848/4159221757

Website: http://www.vietnamconsulate-sf.org

Email: info@vietnamconsulate-sf.org

Giờ địa phương so với Việt Nam : Mùa hè : -14 giờ; Mùa đông: -15 giờ 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website