Đảng Cộng sản Ấn Độ Mácxít

Ngay từ khi thành lập, Đảng đặt mục tiêu cơ bản của mình là đấu tranh vì độc lập hoàn toàn của đất nước, vì sự cải biến một cách căn bản chế độ chính trị - xã hội Ấn Độ. Đảng lấy những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam cho hoạt động, phấn đấu để thiết lập trên đất nước Ấn Độ một chế độ xã hội XHCN, CSCN không có bóc lột, áp bức giai cấp. Trung thành với chủ nghĩa quốc tế vô sản, ĐCS Ấn Độ ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân các nước chống đế quốc vì độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH. Những người cộng sản Ấn Độ tập trung trí tuệ, sức lực của mình để tập hợp các lực lượng chính trị - xã hội, giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức, sinh viên học sinh. Đảng đứng ra thành lập các tổ chức chính trị - xã hội: Đại hội Liên hiệp Công đoàn toàn Ấn, Hội Nông dân toàn Ấn, Liên hiệp Sinh viên toàn Ấn, Hiệp hội Văn nghệ sỹ tiến bộ Ấn Độ và Hiệp hội Sân khấu nhân dân Ấn Độ, hướng hoạt động của các tổ chức này vào mục tiêu đấu tranh của Đảng là giành độc lập hoàn toàn cho đất nước, tiến hành cải cách dân chủ để đi tới thiết lập chế độ xã hội mới.

 Tại Đại hội lần thứ VII của Đảng Cộng sản (ĐCS) Ấn Độ (từ 31-10 đến 7-11-1964) đã diễn ra cuộc đấu tranh quan điểm giữa hai phái trong nội bộ. Trên thực tế, sự tranh luận, cọ xát quan điểm về tương lai, con đường phát triển tiếp theo của đất nước Ấn Độ sau khi giành được độc lập, về việc áp dụng những nguyên lý cơ bản của học thuyết Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Ấn Độ đã nhen nhóm từ giữa những năm 50 của thế kỷ XX. Cuối thập niên 50 đầu thập niên 60, cuộc tranh luận này lại bị tác động tiêu cực bởi tình trạng bất đồng trong nội bộ Phong trào Cộng sản quốc tế. Hậu quả là những người cộng sản theo quan điểm truyền thống tách ra thành lập Đảng Cộng sản Ấn Độ Mácxít. Phái còn lại tiếp tục duy trì tên gọi ĐCS Ấn Độ. Giai đoạn đầu, quan hệ giữa hai đảng khá căng thẳng. Họ thường công khai chỉ trích, bất hợp tác với nhau. Tuy nhiên, về sau, nhất là từ thập niên 90 (thế kỷ XX) đến nay, quan hệ giữa hai đảng đã có bước cải thiện đáng kể. Sự hợp tác giữa hai đảng tăng lên trong cuộc đấu tranh nhằm thực hiện những cải cách dân chủ, bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp nhân dân lao động, nhằm củng cố, nâng cao vai trò, vị thế, ảnh hưởng của cánh tả trong đời sống chính trị xã hội của đất nước. Trong Cương lĩnh sửa đổi, ĐCS Ấn Độ Mácxít tuyên bố sẵn sàng hợp tác cùng ĐCS Ấn Độ trong khuôn khổ các lực lượng cánh tả. Từ khi tách ra thành một đảng độc lập đến nay, ĐCS Ấn Độ Mácxít luôn phát huy những truyền thống tốt đẹp trong cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, các lực lượng, phong trào yêu nước Ấn Độ chống lại sự xâm lược, ách đô hộ của các thế lực đế quốc, vì độc lập tự do, chủ quyền quốc gia và sự thống nhất của đất nước, cũng như trong hoạt động đấu tranh cách mạng của những người cộng sản Ấn Độ. Suốt bốn thập niên tồn tại và hoạt động bền bỉ, ĐCS Ấn Độ Mácxít luôn tiên phong trong cuộc đấu tranh của các lực lượng, phong trào cánh tả Ấn Độ. Thực tế phát triển của xã hội Ấn Độ cho thấy, cùng với ĐCS Ấn Độ, ĐCS Ấn Độ Mácxít ngày càng có vai trò, vị thế quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước. 

 Theo quy định của Điều lệ ĐCS Ấn Độ Mácxít, được thông qua năm 1964, Đại hội Đảng được tổ chức thường kỳ 3 năm một lần. Khi có vấn đề khẩn cấp cần đến sự quyết định của toàn Đảng, Ban Chấp hành Trung ương có thể triệu tập đại hội bất thường. Đại hội là cơ quan ra quyết định cao nhất của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan có thẩm quyền cao nhất giữa hai kỳ đại hội, trực tiếp lãnh đạo toàn Đảng thực hiện nghị quyết, quyết định được thông qua tại các đại hội đảng. Đảng có tổ chức cơ sở ở 26 bang và tỉnh, thành. Nhiều năm liên tục Đảng Cộng sản Ấn Độ Mácxít và ĐCS Ấn Độ nắm chính quyền ở các bang: Tây Bengan, Pungiáp, Kerala, Mađrát, Anđra Prađét, Tripura. Tại đây, Đảng Cộng sản Ấn Độ Mácxít đã tiến hành triển khai thực hiện đường lối, chính sách vì lợi ích của các tầng lớp nhân dân lao động. Chẳng hạn, trong thẩm quyền của mình, chính quyền bang do những người cộng sản đứng đầu đã tiến hành cải cách ruộng đất, theo đó chế độ đại địa chủ bị xoá bỏ và người nông dân được nhận ruộng đất để canh tác. Hệ thống tổ chức của Đảng gồm ba cấp: Ban lãnh đạo toàn quốc (các cơ quan Trung ương), Uỷ ban lãnh đạo ở các bang và tổ chức đảng cơ sở. Tổ chức đảng cơ sở (cấp quận, huyện, khu, vùng, địa phương) chịu sự lãnh đạo và điều hành trực tiếp của các uỷ ban cấp bang. 

 Đảng Cộng sản Ấn Độ Mácxít áp dụng một cách sáng tạo những nguyên lý cơ bản của học thuyết Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Ấn Độ, hình thành và không ngừng hoàn thiện đường lối chiến lược của cuộc cách mạng dân chủ nhân dân với mục tiêu xoá bỏ chế độ bóc lột chế độ phân biệt địa vị xã hội, áp bức mang tính đẳng cấp. 

 Vào những thập niên cuối thế kỷ XX, trước sự khủng hoảng, thoái trào của Phong trào cộng sản quốc tế, trước những khó khăn tưởng như không thể vượt qua nổi của CNXH, ĐCS Ấn Độ Mácxít kiên trì đường lối cách mạng, trung thành và bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong giai đoạn đầy sóng gió, thử thách như vậy, ĐCS Ấn Độ Mácxít đã có những biện pháp củng cố được sự thống nhất về tư tưởng, chính trị và tổ chức, củng cố lòng tin vào lý tưởng, tương lai, đường lối chiến lược, sách lược của Đảng, vào chủ nghĩa Mác - Lênin. Đại hội lần thứ XIV của Đảng (1991) đã tập trung phân tích, đánh giá những biến động của tình hình thế giới, tình hình trong nước và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế. Nghị quyết của Đại hội xác định nhiệm vụ hàng đầu trong công tác tư tưởng của Đảng là duy trì sự thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng, làm cho quần chúng, đảng viên nhận thức, đúng đắn về những biến động trên thế giới và trong nước, đặc biệt là tình trạng khủng hoảng của CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu. Nghị quyết Đại hội XIV đánh dấu bước khởi đầu cho những đánh giá mới, về quá khứ, rút ra những bài học kinh nghiệm lịch sử, tạo cơ sở, nền tảng để Đảng đổi mới đường lối chiến lược, sách lược, đối mặt kịp thời và hiệu quả hơn trước những thách thức, biến chuyển của thời cuộc. Đại hội đề ra nhiệm vụ điều chỉnh, sửa đổi Cương lĩnh của Đảng. Đại hội xác định, Cương lĩnh sửa đổi phải phản ánh được những thay đổi, biến chuyển cơ bản của tình hình trong và ngoài nước từ năm 1964 (khi Cương lĩnh đầu tiên của ĐCS Ấn Độ Mácxít được thông qua) đến nay. Từ đó khẳng định mục tiêu lý tưởng của Đảng, bổ sung những nhận thức, nhiệm vụ mới của Đảng trong tình hình hiện nay. Triển khai thực hiện nghị quyết của Đại hội XIV, Đảng đã tiến hành soạn thảo Cương lĩnh sửa đổi, lấy ý kiến của quần chúng, đảng viên. Hội nghị Trung ương đặc biệt (10-2000) đã thảo luận, thông qua Cương lĩnh này. 

 Đại hội lần thứ XVII của Đảng được tiến hành từ ngày 19 đến 23 tháng 3 năm 2002. Đại hội thông qua nghị quyết cụ thể hoá những tư tưởng chỉ đạo, được ghi nhận trong Cương lĩnh sửa đổi của Đảng. Với việc thông qua Cương lĩnh sửa đổi, một văn kiện được đánh giá như là chương trình hành động của những người cộng sản Ấn Độ trong thế kỷ XXI, đã thể hiện quyết tâm phấn đấu để duy trì, củng cố, không ngừng nâng cao vị thế, ảnh hưởng của mình trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước, xứng đáng là người đại diện cho lợi ích của các tầng lớp nhân dân lao động, cho xu hướng phát triển tiến bộ trên đất nước Ấn Độ. 

 

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website