Đảng của những người cộng sản Mônđôva

Sau khi Liên Xô tan rã (1991), Cộng hoà Mônđôva tuyên bố độc lập, chính quyền của các lực lượng "dân chủ" cánh hữu ở nước này chủ trương đi với phương Tây, thực hiện cải cách về chính trị và kinh tế theo hướng tư bản chủ nghĩa, chống cộng sản, thủ tiêu những thành quả của chế độ XHCN (cấm Đảng Cộng sản hoạt động, tư nhân hoá ồ ạt các cơ sở kinh tế của nhà nước, coi nhẹ mối quan hệ truyền thống với Nga và các nước thuộc Liên Xô trước đây...).

Một bộ phận dân chúng theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan đưa yêu sách đòi tách Mônđôva ra khỏi Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) để sáp nhập vào Rumani; không sử dụng tiếng Nga, khôi phục tiếng Rumani, dẫn đến cuộc xung đột nǎm 1992 với bộ phận người nói tiếng Xlavơ (người Ba Lan và chủ yếu là người Nga) ở vùng Priđơnhestrôvia. Nhờ có sự can thiệp của Nga (Quân đoàn 14 của quân đội Nga đóng ở Mônđôa) nên cuộc xung đột không bùng nổ thành cuộc nội chiến.

Khi Mônđô-va tuyên bố độc lập, nước cộng hoà này đã lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện, sâu sắc. Trong bối cảnh đó, Đảng của những người cộng sản Mônđôva là Đảng kế thừa Đảng Cộng sản Mônđôva trong thành phần Đảng Cộng sản Liên Xô trước đây vẫn khẳng định trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đảng khắc phục mọi khó khǎn, thử thách, từng bước khôi phục các tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở, đấu tranh bảo vệ lợi ích của người lao động, tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng. Đảng tự coi mình là Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là đại diện cho lợi ích của người lao động; bác bỏ kiến nghị của một số người muốn thay đổi bản chất và tên gọi của Đảng.

Nǎm 1994, Đảng của những người cộng sản Mônđôva phục hồi và đǎng ký hoạt động hợp pháp. Đảng nhận thức trong chính trị không có "khoảng trống" về tư tưởng, nếu Đảng không đưa được hệ tư tưởng của mình đến với quần chúng, nhất là ở cơ sở thì các lực lượng chính trị khác sẽ làm việc đó, nếu thiếu sự ủng hộ của quần chúng ở nông thôn thì Đảng sẽ không giành được thắng lợi. Đảng kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời tiếp thu những nhân tố mới để phát triển học thuyết và thực tiễn của mình; Đảng chủ trương khuyến khích hình thức đa sở hữu trong kinh tế trên cơ sở mang lại lợi ích kinh tế cao; không phản đối việc tư nhân hoá nhưng phải thực hiện theo pháp luật. Đảng phê phán chính sách kinh tế tư nhân hoá ồ ạt và áp đặt; cương quyết chống lại nạn tham nhũng, lãng phí của chính quyền; yêu cầu chính quyền phải tuân theo pháp luật, hoạt động dưới sự kiểm tra, giám sát của pháp luật. Đảng chủ trương bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ của Mônđôva, hoà nhập vùng Priđơnhestrôvia vào Mônđôva (vùng này tuyên bố tự trị sau cuộc xung đột 1992), phát triển quan hệ với các nước thuộc SNG. Đảng lên án chính sách của các nước phương Tây, các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế áp đặt cho Mônđôva những điều kiện rất khắc nghiệt làm cho hệ thống công nghiệp chủ chốt của đất nước bị tê liệt, mức sống của nhân dân thấp hơn thời kỳ trước chiến tranh thế giới thứ hai.

Đảng của những người cộng sản Mônđôva chủ trương liên minh với các lực lượng tiến bộ, Đảng Xã hội chủ nghĩa Mônđôva, Đảng Nông dân. Đồng thời Đảng đấu tranh khắc phục những hậu quả tiêu cực của các cuộc cải cách hiện nay; chấm dứt sự tư nhân hoá mang tính cướp đoạt; phục hồi tiềm nǎng kinh tế, khoa học - kỹ thuật của đất nước; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phục hồi sở hữu toàn dân trên cơ sở Nhà nước mua lại các xí nghiệp đã bị tư nhân hoá; cho phép khu vực kinh tế tư nhân trong lĩnh vực sản xuất, lưu thông, dịch vụ; phục hồi chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đến năm 2002, Đảng có trên 60.000 đảng viên, có tổ chức các cấp trên phạm vi cả nước. Đảng đã khôi phục uy tín và ảnh hưởng của Đảng trong xã hội, tǎng cường quan hệ với quần chúng, đấu tranh không khoan nhượng với chính quyền nhằm bảo vệ lợi ích cơ bản của nhân dân. Vì vậy, uy tín và ảnh hưởng của Đảng trong xã hội ngày càng cao; tỷ lệ ủng hộ Đảng trong các cuộc bầu cử Quốc hội ngày càng tǎng. Trong các cuộc vận động tranh cử, Đảng thực hiện nguyên tắc "mưa dầm, thấm lâu", gắn ứng cử viên của Đảng với từng khu vực cụ thể để tuyên truyền, vận động cử tri hiểu rõ chính sách, đường lối của Đảng. Nếu tại cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ nhất, Đảng chỉ giành được 7 ghế thì đến cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ hai (3-1998) Đảng đã giành được 40/101 ghế (chiếm 30,1% phiếu bầu). Tại cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn (25-2-2001), Đảng của những người cộng sản Mônđôva đã giành được thắng lợi áp đảo 71/101 ghế (trong khi đó Liên minh của đương kim Thủ tướng chỉ giành được 19 ghế và phái Dân chủ - Cơ đốc giáo giành được 11 ghế). Đây là lần đầu tiên sau khi Liên Xô tan rã, những người cộng sản ở một nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây đã giành được thắng lợi áp đảo bằng con đường dân chủ hợp hiến. Với 71/89 phiếu của Quốc hội, ông V. Vôrônhin - lãnh tụ của Đảng Cộng sản đã trở thành Tổng thống của Mônđôva. Thắng lợi này của những người cộng sản Mônđôva có ý nghĩa rất to lớn không chỉ ở trong nước mà còn ở khu vực các nước SNG.

Hiện tại, Đảng của những người cộng sản Mônđôva nắm vai trò chủ đạo trong Quốc hội, nhưng Đảng chủ trương không độc quyền trong lãnh đạo. Đảng bố trí cán bộ lãnh đạo không dựa vào tiêu chí đảng phái mà dựa vào nǎng lực chuyên môn; thiết lập chính quyền nhân dân với sự tham gia của các chính trị gia chuyên nghiệp, công nhân, nông dân, trí thức; xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó khu vực kinh tế XHCN giữ vai trò then chốt. Đảng tự coi mình là một bộ phận của xã hội, có trách nhiệm đoàn kết mọi tầng lớp trong xã hội, kể cả những người không bỏ phiếu cho mình. Đảng cho rằng mọi công dân đều có quyền bình đẳng như nhau. Đảng chủ trương không can thiệp sâu vào lĩnh vực ngân hàng kinh doanh.

Nhiệm vụ của Đảng là ổn định chính trị, phát triển kinh tế, nâng cao sức sản xuất, tǎng cường vai trò điều tiết chiến lược của Nhà nước; tǎng lương tối thiểu gấp hai lần cho những người hưởng lương nhà nước và những người nghỉ hưu; tǎng gấp đôi ngân sách nhà nước thông qua việc tǎng thuế các mặt hàng nhà nước độc quyền như rượu, bia, thuốc lá, ngǎn chặn buôn bán các loại sản phẩm xǎng, dầu; nhà nước kiểm soát nghiêm ngặt giá các loại nǎng lượng; tǎng cường chống tham nhũng, giảm biên chế nhà nước. Đối với vấn đề Priđơnhestrôvia, Đảng của những người cộng sản Mônđôva cho rằng, quân đội Nga đóng quân ở khu vực này chỉ là bảo vệ kho vũ khí ở đây. Vì vậy, Đảng chủ trương, trước hết phải thuyên chuyển hết lượng vũ khí ở khu vực này, sau đó những người lính đồn trú ở đây cũng phải rút đi. Bởi vì, Hiến pháp của Mônđôva không cho phép sự có mặt lực lượng vũ trang nước ngoài ở nước mình. Yêu cầu này phải được tuân thủ và quan điểm này cũng sẽ áp dụng đối với NATO.

Trong chính sách đối ngoại, hướng ưu tiên của Đảng là ngoại giao - kinh tế. Đảng khẳng định tiếp tục hợp tác cùng có lợi với phương Tây, thực hiện chính sách thực dụng với các nước láng giềng như Rumani, Ucraina và coi Nga là "đối tác chiến lược". Đảng của những người cộng sản Mônđôva đánh giá cao những thành tựu xây dựng CNXH, khẳng định chủ nghĩa cộng sản có khó khǎn, nhưng không phải đã bị tiêu vong như tuyên truyền của chủ nghĩa đế quốc. Đảng của những người cộng sản Mônđôva duy trì quan hệ với các nước XHCN, các đảng cộng sản thuộc Liên Xô trước đây và trên thế giới.

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website