Tổ chức Thông tấn châu Á – Thái Bình Dương (OANA)
Mục tiêu: Tạo lập mạng lưới trao đổi tin tức giữa các hãng thông tấn trong khu vực nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối về thông tin và cải thiện luồng thông tin giữa các nước phát triển và đang phát triển. Hoạt động dựa vào kinh phí do các nước thành viên đóng góp, tiền trợ cấp hoặc quyên góp từ các nguồn khác. Tất cả các hãng thông tấn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đều có quyền tham gia.

Cơ quan quyền lực cao nhất: Đại hội đồng (Hội nghị Cấp cao) các hãng thông tấn thành viên, họp 3 năm một lần. Ban Chấp hành do Đại hội đồng bầu ra, họp 1 năm một lần.

Gần đây nhất, Hội nghị Ban chấp hành (EBM) lần thứ 31 và Cuộc họp Nhóm biên tập-kỹ thuật (ETGM) lần thứ 25 Tổ chức Thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA) đã được diễn ra tại thủ đô Tehran của Iran từ ngày 13-17/11/2009 với chủ đề "Tìm kiếm bình đẳng thông tin toàn cầu". Đại diện 14 hãng thông tấn trong Ban chấp hành OANA cùng 3 hãng thông tấn là khách mời đặc biệt đã tham dự hội nghị. Đoàn đại biểu Thông tấn xã Việt Nam - thành viên Ban chấp hành OANA - do ông Ngô Hà Thái, Phó Tổng giám đốc, làm Trưởng đoàn.

Nội dung Hội nghị là đánh giá những tiến bộ đạt được cũng như những hoạt động được triển khai theo tinh thần Hội nghị Đại hội đồng OANA lần thứ 13 được tổ chức tháng 12/2007 tại Jakarta (Indonesia), và thông qua biên bản của Hội nghị EBM lần thứ 30 ở Baku (Azerbaijan) tháng 9/2008.

Các đại biểu cũng trao đổi và đề xuất những kế hoạch hành động từ nay cho đến Hội nghị Đại hội đồng OANA diễn ra tại Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm tới.

Tại hội nghị, đại diện các hãng thông tấn thành viên đều nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cũng như các luồng thông tin khổng lồ và đa dạng trên toàn cầu không chỉ tạo ra cơ hội và thách thức cho các hãng thông tấn, mà còn đem đến cho người sử dụng cả những thông tin thiếu trung thực, không khách quan và thậm chí không chính xác.

Trong bối cảnh đó, vai trò của các hãng thông tấn của các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng trở nên quan trọng và việc tìm kiếm một sự bình đẳng về thông tin trở thành nhiệm vụ cấp thiết của tổ chức này trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, các hãng thông tấn trong tổ chức này sẽ hướng tới việc xây dựng lợi thế cạnh tranh bằng cách chú trọng bảo đảm thông tin trung thực, đa dạng hóa sản phẩm thông tin nhằm phục vụ nhiều loại khách hàng có những nhu cầu thông tin khác nhau, đầu tư một cách khôn ngoan vào các loại hình thông tin mới thông qua việc tạo dựng những liên minh chiến lược trong lĩnh vực thông tin.

Hội nghị Đại hội đồng OANA lần thứ 14 và EBM lần thứ 32 dự kiến sẽ diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳtrong năm 2010.

Thông tấn xã Việt Nam là một thành viên tích cực và nhiều năm nay được bầu làm uỷ viên Ban Chấp hành của Tổ chức Thông tấn châu Á-Thái Bình Dương .

Ngày 15/9/1945 được chính thức lấy làm ngày thành lập Thông tấn xã Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam, một binh chủng thông tin mới, một cơ quan thông tấn Nhà nước ra đời, phục vụ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, nước ta không có hãng thông tấn. Tin tức chủ yếu do các hãng tin của Pháp và phương Tây phát ra, thông qua Sở Tuyên truyền báo chí của Pháp. Tiền thân của Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam là Nha Thông tin Việt Nam thuộc Bộ Tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời được thành lập ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Nha Thông tin Việt Nam đã tiếp quản phòng thu tin ở số 6 phố Pierre pasquier (nay là nhà số 6 phố Điện Biên Phủ) thuộc Sở Tuyên truyền báo chí Pháp và đài phát sóng Bạch Mai. Ngày 23/8/1945 là ngày làm việc đầu tiên của Việt Nam Thông tấn xã bằng việc thu và khai thác tin của AFP ở Sài Gòn và Pari.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, do yêu cầu của cách mạng và được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, ngày 12/10/1960, bộ phận biệt phái của Việt Nam Thông tấn xã ở Nam Bộ đã đứng ra thành lập Thông tấn xã Giải phóng - cơ quan thông tin chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Từ chiến khu Dương Minh Châu, bản tin chính thức đầu tiên của Thông tấn xã Giải phóng được phát đi khắp trong nước và thế giới.

Sau ngày đất nước thống nhất, Thông tấn xã Giải phóng hợp nhất với Việt Nam Thông tấn xã. Ngày 12/5/1977, Việt Nam Thông tấn xã được đổi tên thành Thông tấn xã Việt Nam theo Nghị quyết số 84 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Chính phủ quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Thông tấn xã Việt Nam xác định: "Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ thực hiện chức năng thông tấn Nhà nước trong việc phát hành tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước, cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; thu thập thông tin, phổ biến thông tin bằng các loại hình báo chí phục vụ các đối tượng có nhu cầu trong và ngoài nước; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Thông tấn xã Việt Nam theo quy định của pháp luật".

Là cơ quan thông tấn duy nhất của Việt Nam, trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, ngày nay Thông tấn xã Việt Nam đã trở thành một tổ hợp thông tin lớn mạnh, hiện đại, có uy tín ở trong nước, khu vực và trên thế giới với đội ngũ hơn 2.000 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật làm việc tại Tổng xã ở Hà Nội, 64 phân xã tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và 25 phân xã ngoài nước được bố trí khắp 5 châu lục. Thông tấn xã Việt Nam là "ngân hàng tin-ảnh" quốc gia, đáp ứng yêu cầu thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng, cung cấp tin tham khảo (Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan báo chí duy nhất của Việt Nam được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin tham khảo) phục vụ các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và phục vụ công tác nghiên cứu, công tác đối ngoại, và thông tin trực tiếp cho độc giả trong nước và nước ngoài.

TTXVN hiện có quan hệ hợp tác song phương và đa phương với 42 hãng thông tấn và tổ chức báo chí quốc tế, là thành viên Tổ chức Thông tấn xã các nước Không liên kết (NANAP), thành viên Tổ chức các thông tấn xã châu Á, Thái Bình Dương (OANA) và là Ủy viên Ban Chấp hành OANA, thành viên Tổ chức các hãng thông tấn thế giới .

Trải qua hơn sáu thập kỷ hành trình cùng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày nay TTXVN đã trở thành một trung tâm thông tin quốc gia tin cậy của Đảng và Nhà nước, một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực, hướng tới xây dựng thành tập đoàn truyền thông.

TTXVN đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập Hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Thành đồng Tổ quốc hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và nước ngoài. TTXVN là cơ quan báo chí duy nhất ở Việt Nam được phong tặng hai danh hiệu Anh hùng: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến cứu quốc./.

              (BVK (tổng hợp)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website