Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) - Mekong River Commission (MRC)
Các quốc gia thành viên của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế gồm Vương quốc Cămpuchia, Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, Vương quốc Thái Lan và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hai quốc gia thượng lưu sông Mê Công là Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và Liên bang Myanmar tham gia là đối tác đối thoại của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế.

Uỷ hội sông Mê Công quốc tế đã có lịch sử hợp tác từ năm 1957 với việc thành lập Uỷ ban Điều phối Hạ lưu vực sông Mê Công (gọi tắt là Uỷ ban Mê Công).

Hiệp định Mê Công năm 1995

Hiệp định gồm6 chương, 42 điều. Trong đó, Chương I: Mở đầu; Chương II: Ðịnh nghĩa và các thuật ngữ; Chương III: Mục tiêu và các nguyên tắc hợp tác, gồm mười điều quy định lĩnh vực, đối tượng, phạm vi và các nguyên tắc hợp tác; Chương IV: Khuôn khổ về thể chế, gồm 23 điều quy định cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động của tổ chức hợp tác (MRC); Chương V: Giải quyết khác biệt và bất đồng, gồm hai điều hướng dẫn về cơ chế giải quyết bất đồng nảy sinh giữa các nước khi thực hiện và Chương VI: Ðiều khoản cuối cùng.

Theo Hiệp định, nguyên tắc cơ bản trong hợp tác giữa các quốc gia thành viên MRC là đồng thuận, bình đẳng và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ. Các vấn đề liên quan hợp tác Mê Công luôn được xem xét và giải quyết bằng các quá trình tư vấn rộng rãi ở nhiều cấp. Nguyên tắc sử dụng nước công bằng và hợp lý của quốc tế cũng được áp dụng.

Hiệp định Mê Công 1995 và sự ra đời của MRC đã ghi nhận những nhận thức mới của cả4 quốc gia thành viên trước những biến đổi về chính trị, kinh tế và xã hội trong khu vực. Trong khuôn khổ hợp tác mới, MRC đã đưa các quốc gia ven sông nói chung và Việt Nam nói riêng vào một trang mới trong hợp tác khai thác, phát triển, quản lý và bảo vệ nguồn nước và các tài nguyên liên quan khác trong khu vực sông Mê Công. Hiệp định là căn cứ pháp lý quan trọng, quy định các nguyên tắc cơ bản và khung hợp tác chung cho các quốc gia thành viên trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn nước và các tài nguyên liên quan khác trong vùng hạ lưu sông Mê Công, nhằm đạt được phát triển bền vững, góp phần thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế và các chương trình trọng điểm các quốc gia thành viên trong vùng hạ lưu sông Mê Công, đồng thời góp phần thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc và thực hiện các Công ước quốc tế khác liên quan quản lý, khai thác, phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong các khuôn khổ hợp tác vùng hiện nay trong lưu vực sông Mê Công, MRC là tổ chức có lịch sử hợp tác lâu dài nhất, có mạng lưới giám sát, hỗ trợ kỹ thuật ổn định, bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan, đồng thời là tổ chức có chức năng xây dựng các khung pháp lý vùng, bao gồm những quy chế có tính ràng buộc cao đối với các quốc gia thành viên về chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước và cùng nhau bảo vệ môi trường sinh thái lưu vực sông bên cạnh chức năng thúc đẩy các dự án phát triển chung.

Trong 15 năm qua, MRC đã đạt được những thành quả nổi bật: Xây dựng khung pháp lý sử dụng tài nguyên nước và tăng cường đối thoại về phát triển tài nguyên nước trong vùng, đặc biệt thúc đẩy quá trình quy hoạch toàn lưu vực có tính điều phối thông qua quản lý tổng hợp tài nguyên nước; nghiên cứu thủy sản và đa dạng sinh học thủy sinh, đưa ra hỗ trợ quyết định môi trường; mở rộng và tăng cường mạng giám sát, xây dựng cơ sở dữ liệu, thúc đẩy quản lý và giảm nhẹ tác động của lũ lụt và hạn hán; giúp các quốc gia thành viên mở rộng các cơ hội thương mại quốc tế thông qua phương tiện giao thông thủy an toàn, hiệu quả hơn và các khuôn khổ pháp lý cho giao thông thủy xuyên biên giới, xác định sự cân bằng giữa các cơ hội và nguy cơ của các dự án thủy điện đang được kiến nghị, khởi động quá trình giúp đỡ người dân trong lưu vực để thích ứng với biến đổi khí hậu; mở rộng hợp tác giữa MRC với các đối tác khu vực, vùng và quốc tế, bao gồm, các đối tác đối thoại (Trung Quốc và Mianma) và các đối tác phát triển khác. MRC đang bước vào năm cuối cùng của Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2006 - 2010 và chuẩn bị xây dựng Kế hoạch chiến lược giai đoạn năm năm tiếp theo, từ 2011 đến 2015.

Ðối với Việt Nam, Hiệp định Mê Công 1995 là cơ sở pháp lý quan trọng (và cho tới nay là duy nhất về tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mê Công) để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Việt Nam luôn gương mẫu, thực hiện nghiêm túc Hiệp định Mê Công, tích cực tham gia giải quyết các mâu thuẫn trong Ủy hội, đóng góp tích cực nhất cho các chương trình hoạt động của Ủy hội cả về kinh phí, chuyên gia và thông tin số liệu.

Hiệp định Mê Công 1995 còn có ý nghĩa quan trọng trong tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công và các quốc gia khác trong khu vực.

Cơ cấu của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế

Uỷ hội sông Mê Công quốc tế gồm ba cơ quan thường trực: Hội đồng, Uỷ ban Liên hợp và Ban Thư ký.

Hội đồng gồm một thành viên ở cấp bộ và trong nội các (không thấp hơn cấp thứ trưởng) của mỗi quốc gia ven sông tham gia Hiệp định và là người có thẩm quyền ra quyết định thay mặt Chính phủ mình. Hội đồng triệu tập họp thường kỳ ít nhất mỗi năm một lần hoặc có thể triệu tập bất cứ khi nào thấy cần thiết.

Uỷ ban Liên hợp gồm một thành viên ở mỗi quốc gia tham gia, cấp không thấp hơn lãnh đạo cục/vụ. Uỷ ban Liên hợp sẽ triệu tập ít nhất mỗi năm hai phiên họp thường kỳ và có thể triệu tập bất cứ khi nào thấy cần thiết.

Ban Thư ký cung cấp các dịch vụ hành chính và kỹ thuật cho Hội đồng và Uỷ ban Liên hợp vàBan Thư ký được đặt dưới sự chỉ đạo của Thư ký Chấp hành do Hội đồng bổ nhiệm. Trụ sở Ban Thư ký đặt tại Phnôm Pênh, Cămpuchia và được chuyển về Viêng Chăn, Lào tháng 6 năm 2004.

Trợ lý của Thư ký Chấp hành là người có cùng quốc tịch với Chủ tịch Uỷ ban Liên hợp và cónhiệm kỳ một năm.

Kinh phí hoạt động của Uỷ hội sông Mê Công Quốc tế gồm đóng góp từ các quốc gia thành viên và cộng đồng tài trợ. Thảo luận chính thức với cộng đồng tài trợ được thực hiện thông qua Phiên họp tư vấn tài trợ hàng năm.

Uỷ ban sông Mê Công quốc gia hoạt động như là cơ quan chính của Uỷ hội ở mỗi quốc gia thành viên. Ban Thư ký Uỷ ban sông Mê Công quốc gia giúp việc cho các Uỷ ban sông Mê Công quốc gia.

Các lĩnh vực hợp tác

Các nước thành viên Uỷ hội sông Mê Công thống nhất hợp tác trong tất cả các lĩnh vực phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liênquan của lưu vực sông Mê Công, bao gồm không chỉ trong lĩnh vực tưới tiêu, thuỷ điện, giao thông thuỷ, phòng lũ, thủy sản, thả bè, giải trí và du lịch.

Tầm nhìn của lưu vực sông Mê Công

Hướng tới một lưu vực sông Mê Công có kinh tế thịnh vượng, xã hội công bằng và môi trường lành mạnh.

 

Tầm nhìn của Uỷ hội sông Mê Công

Một tổ chức lưu vực sông quốc tế có tầm cỡ trên thế giới, tự chủ về tài chính, phục vụ cho các quốc gia Mê Công đạt được tầm nhìn của lưu vực

Nhiệm vụ cốt yếu của Uỷ hội sông Mê Công

Thúc đẩy và điều phối sự quản lý và phát triển bền vững nguồn nước và các tài nguyên liên quan khác vì lợi ích chung của các quốc gia và các dân tộc sinh sống trong lưu vực bằng cách tiến hành các hoạt động và các chương trình chiến lược và cung cấp các thông tin khoa học và các chỉ dẫn về chính sách

Chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam

- Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý hoạt động hợp tác với Uỷ hội sông Mê Công quốc tế nhằm phát triển, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên khác liên quan trên toàn lưu vực sông Mê Công nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên thuộc lưu vực sông Mê Công nói riêng.

- Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam được sử dụng con dấu hình quốc huy và có tài khoản riêng.

- Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam có trụ sở tại số 23 Hàng Tre, thành phố Hà Nội và Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh.

Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

- Trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược hoạt động của Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam; các dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các hoạt động hợp tác với Ủy hội sông Mê Công quốc tế; các chương trình, dự án về phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và tài nguyên thiên nhiên khác liên quan trên phạm vi lưu vực sông Mê Công.

- Làm đầu mối hợp tác với các quốc gia thành viên để cụ thể hoá và tổ chức thực hiện Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công.

- Phối hợp theo dõi, giám sát các hoạt động sử dụng, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước và tài nguyên thiên nhiên khác liên quan của lưu vực sông Mê Công; bảo vệ quyền lợi của Việt Nam thông qua quy hoạch tổng thể và các dự án hợp tác Mê Công toàn lưu vực, đặc biệt là các dự án trên dòng chính; tổ chức tuyên truyền về phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và tài nguyên thiên nhiên khác liên quan của lưu vực sông Mê Công.

- Làm đầu mối hợp tác với các quốc gia trong lưu vực, các nước, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và phối hợp với các Bộ ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan đề xuất các dự án hợp tác quốc tế trên phạm vi lưu vực sông Mê Công nhằm bảo vệ và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan của các nước thành viên và Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế quy định quy chế quản lý và thực hiện các dự án Mê Công quốc tế; tham gia các cuộc họp của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết luận các cuộc họp.

- Tổ chức nghiên cứu và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia thượng nguồn tới các vùng lãnh thổ của Việt Nam có sông Mê Công chảy qua; tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong lưu vực sông Mê Công có tác động xuyên biên giới khi được Chính phủ giao.

- Tham gia hỗ trợ các địa phương thuộc lưu vực sông Mê Công quản lý tổng hợp tài nguyên nước thông qua việc tham gia lập và củng cố các tổ chức quản lý lưu vực sông trong lưu vực sông Mê Công tại các vùng này.

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan phân bổ vốn đối ứng trong các dự án Mê Công Việt Nam và các dự án toàn lưu vực mà Việt Nam tham gia; tham gia thẩm định quy hoạch và các dự án liên quan trong lưu vực sông Mê Công của các ngành và các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

- Được yêu cầu các ngành, các địa phương thông báo kết quả các cuộc họp của Tiểu vùng Mê Công mở rộng có liên quan đến công tác của Uỷ ban; tham gia thực hiện các công việc của Tiểu vùng khi được Thủ tướng Chính phủ giao.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác được giao.

Thành phần Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam

1. Chủ tịch: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Các Phó chủ tịch:

a) Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch Thường trực;

b) Thứ trưởng Bộ Ngoại giao;

c) Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

d) Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Các Ủy viên: đại diện có thẩm quyền của Bộ: Công thương, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ; của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc lưu vực sông Mê Công và Chánh Văn phòng Thường trực Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam.

Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định;

Các Uỷ viên do Chủ tịch Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam quyết định trên cơ sở đề cử của các Bộ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh nêu trên.

Chủ tịch Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam ban hành quy chế làm việc của Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam.

Văn phòng Thường trực Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam

1. Văn phòng Thường trực Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam là tổ chức giúp việc Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam, đặt tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Văn phòng Thường trực Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản theo quy định của pháp luật; có biên chế riêng và kinh phí thuộc ngân sách nhà nước cấp; làm việc theo quy chế như cấp cục thuộc Bộ; thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Chủ tịch Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam) trong lĩnh vực tài nguyên nước và các lĩnh vực liên quan.

3. Lãnh đạo Văn phòng Thường trực Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam có Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban và không quá 03 Phó Chánh Văn phòng.

4. Chủ tịch Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng.

Các từ khóa theo tin:

BVK (tổng hợp)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website