Công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và sự phát triển bền vững GS,TS. Nguyễn Trọng Chuẩn - Viện khoa học xã hội Việt Nam

Kể từ khi Đảng ta đề ra đường lối công nghiệp hoá và lãnh đạo việc tiến hành công cuộc công nghiệp hoá trong thực tiễn đường lối đó nhằm đưa đất nước ra khỏi tình trạng một nước nông nghiệp lạc hậu và kém phát triển về công nghiệp tính đến nay đã tròn nửa thế kỷ.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt và kéo dài không những đã làm gián đoạn công cuộc công nghiệp hoá, mà bom đạn Mỹ còn phá huỷ hầu hết những gì mà nhân dân ta đã làm được trong thời kỳ hoà bình ở miền Bắc truớc đó. Đồng thời, sau khi chiến tranh kết thúc, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan lẫn khách quan, nên đất nước đã rơi vào tình trạng khủng  hoảng nặng nề về kinh tế - xã hội. Hơn thế nữa, quan niệm cũ về công nghiệp hoá đã trở nên quá lạc hậu trước sự biến đổi mạnh mẽ của khoa học và công nghệ hiện đại.

Những thành tựu mà nhân dân ta thu được trong quá trình đổi mới, sự nhận thức mới về thời đại, về vai trò của khoa học, công nghệ và vai trò của con người trong phát triển kinh tế - xã hội đương đại, cũng như những khó khăn và cả những sai lầm khó tránh, v.v. đã được Đảng ta đúc kết thành những bài học có giá trị trong việc chỉ đạo công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Công nghiệp hoá theo hướng hiện đại được coi là nhiệm vụ trọng tâm để biến nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp trong khoảng vài chục năm. Sự đánh giá khách quan kinh nghiệm của các nước xung quanh nước ta đã công nghiệp hoá thành công đã góp phần giúp Đảng ta, qua các kỳ đại hội, đúc kết thành lý luận công nghiệp hoá đầy đủ hơn ở một đất nước kém phát triển trong điều kiện toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và kinh tế tri thức ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Từ góc nhìn lịch sử có đầy đủ cơ sở để nói rằng, sự đánh giá về tính tất yếu, vị trí, vai trò, mục tiêu, định hướng phát triển hay nói chung là tầm quan trọng của công cuộc công nghiệp hoá đối với đất nước của Đảng ta là khá nhất quán và xuyên suốt. Tuy nhiên, do chủ quan, nóng vội, duy ý chí, bất chấp quy luật khách quan, và cả do sự hạn chế về trình độ nhận thức, cho nên trong một giai đoạn khá dài chúng ta đã xác định sai bước đi, ''trên thực tế đã  chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hoá trong khi chưa có đủ các tiền đề cần thiết''1 đúng như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12-1986) khẳng định.

Tại Đại hội lần thứ III (9-1960) Đảng coi “nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ ở miền Bắc nước ta là công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, mà mấu chốt là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng''2. “Vì vậy chủ trương của Đảng ta về công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là: xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cân đối và hiện đại kết hợp công nghiệp với nông nghiệp và lấy công nghiệp nặng làm nền tảng, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, nhằm biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước có công nghiệp hiện đại và nông nghiệp hiện đại”3. Chủ trương ''ưu tiên phát triển công nghiệp nặng'' đó của đại hội đã được đôn đốc thực thi ráo riết trong thực tế suốt hàng chục năm, tuy có đạt được một số kết quả khiêm tốn, song vì quá chú trọng đến quy mô, đến mặt lượng, đến nhanh, nhiều, rẻ mà không dựa vào khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới cho nên hiệu quả không cao, năng suất thấp, lãng phí nguyên vật liệu, sản phẩm kém chất lượng, đã đẩy cả nền kinh tế và xã hội vào rất nhiều khó khăn và kéo dài.

Đại hội lần thứ IV của Đảng (12-1976), khi đề ra đường lối để phát triển đất nước sau khi đã thống nhất, một mặt, tiếp tục khẳng định ''phải thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa'', mặt khác, đã có sự điều chỉnh nhất định, coi trọng hơn việc phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, cụ thể là ''ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ” nhưng về thực chất vẫn nặng về xây dựng và phát triển công nghiệp nặng, nghĩa là tư duy về nội dung công nghiệp hoá chưa có sự thay đổi căn bản. Cụ thể là phần lớn vốn đầu tư và viện trợ của nước ngoài đều được tập trung xây dựng các nhà máy có quy mô lớn trong khi lại lãng phí những cơ sở sản xuất sẵn có ở miền Nam trước đây với cách tổ chức, quản lý và công nghệ tiên tiến lại có cả thị trường quốc tế đã khá quen thuộc. Hơn thế nữa, trong thực tế, việc phát triển công nghiệp vẫn chưa trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ.

Đó cũng là lý do giải thích vì sao sau Đại hội lần thứ IV không những sản xuất không phát triển, lương thực, thực phẩm cùng với hàng tiêu dùng ngày càng thiếu thốn hơn mà điều đáng buồn nhất là đất nước bắt đầu rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội và ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Trước tình thế đó, Đại hội lần thứ V (3-1982) khi đề cập đến “những nội dung chính của công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa trong chặng  đường trước mắt” và những năm tiếp theo đã phải nhấn mạnh “cần tập trung phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, ra sức đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và tiếp tục xây dựng một số ngành công nghiệp nặng quan trọng; kết hợp nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp nặng trong một cơ cấu công - nông nghiệp hợp  lý''5. Như vậy, có thể nói rằng, thực tế cuộc sống đã dần dần buộc chúng ta phải điều chỉnh quan niệm và nội dung công nghiệp hoá, song vẫn khẳng định việc tiếp tục xây dựng một số ngành công nghiệp nặng quan trọng.

Nghị quyết Đại hội V, như Đại hội VI (12-1986) nhận định, đã không được thực hiện nghiêm chỉnh, ''nông nghiệp chưa thật sự được coi là mặt trận hàng đầu, không được bảo đảm những điều kiện cần thiết để phát triển... Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, kể cả tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, vẫn bị coi nhẹ về tổ chức, đầu tư, chính sách...; còn ham xây dựng nhiều công trình quy mô lớn''6. Vì vậy, Đại hội VI xác định, phải ''tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo'', nhưng trước hết ''phải tập trung sức người, sức của vào việc thực hiện cho được ba chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu'', trong đó có ''vị trí hàng đầu của nông nghiệp”7.

Đại hội lần thứ VII của Đảng (6-1991) diễn ra trong điều kiện thế giới có nhiều biến động; các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô đã lần lượt theo nhau sụp đổ; chúng ta không còn những sự viện trợ và giúp đỡ vô tư, to lớn từ các nước xã hội chủ nghĩa nữa, do vậy, cũng không thể tiến hành công nghiệp hoá theo kiểu cũ nữa. Lần đầu tiên, Đại hội xác định, ''công nghiệp hoá đất nước theo hướng hiện đạigắn liền với phát triển một nền nông nghiệp toàn diện là nhiệm vụ trung tâm nhằm từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội''8. Đặc biệt, Đại hội khẳng định rằng, quan niệm mới về công nghiệp hoá theo hướng hiện đại ''đòi hỏi có chính sách công nghệ thích hợp, tận dụng được lợi thế của nước đi sau trong điều kiện mới của cách mạng khoa học và công nghệ trên thế giới''9. Tiến hànhcông nghiệp hoá đất nước theo hướng hiện đại là quan điểm rất mới vào thời điểm đó. Quan điểm đó đã bao hàm việc không tách rời công nghiệp hoá với hiện đại hoá, đồng thời phải tận dụng được những thành tựu, những tri thức mới nhất của khoa học và công nghệ hiện đại của thế giới.

Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng (1-1994) tiếp tục coi công nghiệp hoá là nhiệm vụ trung tâm có tầm quan trọng hàng đầu, là con đường khả dĩ duy nhất có thể đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa so với các nước xung quanh, là cách thức để ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền quốc gia và định hướng phát triển xã hội chủ nghĩa. Hội nghị một lần nữa khẳng định, ''chúng ta tiến hành công nghiệp hoá không theo kiểu cũ, không lặp lại sai lầm nóng vội, chủ quan mà Đại hội VI đã phê phán. Công nghiệp hoá thực chất là xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Đó không chỉ đơn giản là tăng thêm tốc độ và tỷ trọng của sản xuất công nghiệp trong nền kinh tế, mà là quá trình chuyển dịch cơ cấu gắn với đổi mới căn bản về công nghệ, tạo nền tảng cho sự tăng trưởng nhanh, hiệu quả cao và lâu bền của toàn bộ nền kinh tế quốc dân”10.

Như vậy, khái niệm công nghiệp hoá đã được bổ sung thêm những nội dung mới, không chỉ nhằm tăng tỷ trọng và tốc độ của sản xuất công nghiệp so với các ngành sản xuất khác, mà điều quan trọng là đổi mới căn bản về công nghệ, coi những công nghệ mới, tiên tiến là nền tảng của sự tăng trưởng nhanh nhằm nâng cao hiệu quả và, đặc biệt hơn nữa là, đã gắn công nghiệp hoá theo nội dung mới ấy với sự phát triển lâu bền của toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Việc gắn công nghiệp hoá với sự phát triển lâu bền, hay phát triển bền vững, là một sự thay đổi nhận thức rất quan trọng, là một bước ngoặt, trong việc xác định quan điểm phát triển; từ chỗ chỉ chú trọng đến GDP, đến tăng trưởng kinh tế đơn thuần sang việc chú trọng đến chất lượng tăng trưởng, sang việc duy trì các điều kiện cho sự phát triển tiếp theo trong tương lai.

Đại hội lần thứ VIII (6-1996) xác định ''mục tiêu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”11, ra sức phấn đấu đến năm 2020 ''đưa nước ta cơ bản trở thành một nuớc công nghiệp''. Với 6 quan điểm và những nội dung cơ bản của công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trong đó đặc biệt coi trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn; chọn và tập trung vào một số ngành mũi nhọn đòi hỏi nhiều chất xán nhưng cần ít vốn; ưu tiên các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, chế biến lương thực - thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin; ngành khai thác và chế biến dầu - khí, du lịch12 khái niệm công nghiệp hoá đã được cụ thể hoá phù hợp với yêu cầu vừa sử dụng được thế mạnh sẵn có của nước ta, vừa đón nhận thời cơ đi vào các ngành cần được ưu tiên phát triển theo xu thế của thời đại.

Nhận thức mới, những điều kiện mới và những thành tựu thu được từ sau Đại hội VII là bước chuẩn bị, là cơ sở để Đại hội IX (4-2001) đưa ra quyết định quan trọng là ''đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá ... nhằm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”13. Dứt khoát từ bỏ quan niệm công nghiệp hoá cổ điển là điều đã được khẳng định, nhưng để thành công với công nghiệp hoá theo quan niệm mới, để có thể rút ngắn được thời gian và khoảng cách với các nước đi trước, thì cần phải có nền tảng và động lực mới. Đại hội IX một lần nữa khẳng định, phải ''coi phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá''14; đồng thời yêu cầu ''công nghiệp hoá gắn với hiện đại hoá ngay từ đầu và trong suốt các giai đoạn phát triển. Nâng cao hàm lượng tri thức trong các nhân tố phát triển kinh tế - xã hội, tùng bước phát triển kinh tế tri thức ở nước ta”15 .

Muốn có sự phát triển bền vững trong suốt quá trình công nghiệp hoá thì tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phải sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phải bảo vệ và cải thiện được môi trường. Cho nên, phải ''chủ động gắn kết yêu cầu cải thiện môi trường trong mỗi quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển kinh tế - xã hội, coi yêu cầu về môi trường là một tiêu chí quan trọng đánh giá các giải pháp phát triển”16. Cần lưu ý rằng, nếu như trước đây khi nói về phát triển kinh tế nói chung, xây dựng các cơ sở công nghiệp nói riêng, chúng ta cũng đã thường xuyên có nói đến việc chú ý bảo vệ môi trường nhưng dường như mới là nói về những phần việc riêng biệt, tách rời nhau thì tại đại hội này, yêu cầu gắn việc bảo vệ môi trường với quy hoạch phát triển kinh tế được coi là cơ sở, là giải pháp quan trọng để đánh giá tính đúng đắn, tính khoa học và tính khả thi của các giải pháp phát triển khi tiến hành công nghiệp hoá. Do vậy, Đại hội yêu cầu phải ''kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ và cải thiện môi trường theo hướng phát triển bền vững; tiến tới bảo đảm cho mọi người dân đều được sống trong môi trường có chất lượng tốt ...''17.

Mục tiêu đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển nêu ra tại Đại hội lần thứ IX của Đảng được Đại hội lần thứ X (4-2006) coi là mục tiêu trực tiếp với sự bổ sung nhằm rút ngắn về mặt thời gian là ''sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”18. Trong điều kiện hiện nay, muốn sớm thực hiện được mục tiêu đó thì không có cách nào khác hơn là phải ''đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức”;''phải coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hoá, hiện đại hoá''; phải ''đẩy mạnh hơn nữa công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân”19.

Đối với nước ta, trong điều kiện hiện nay, phát triển kinh tế tri thức không có nghĩa gì khác hơn là thực hiện chiến lược công nghiệp hoá rút ngắn dựa vào tri thức, áp dụng thành công những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh tế, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu bằng cách tăng hàm lượng tri thức trong các sản phẩm được sản xuất ra qua đó góp phần sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý nhất và bảo vệ môi trường có hiệu quả nhất. Nói cách khác, công nghiệp hoá dựa vào tri thức có nhiệm vụ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu gắn với đổi mới căn bản về công nghệ, tạo nền tảng cho sự tăng trưởng nhanh, hiệu quả cao và lâu bền (bền vững) của toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Tiếp thu, chắt lọc, phát triển tất cả những điểm hợp lý và quan trọng nhất của những luận điểm được các kỳ đại hội trước nêu lên, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển) được Đại hội lần thứ XI của Đảng thông qua ghi rõ: ''Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường”20. Đặc biệt, Đại hội XI đã bổ sung và làm sâu sắc thêm quan điểm phát triển bền vững, gắn phát triền bền vững với phát triển nhanh, coi phát triến bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược phát triển và trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đại hội khẳng định: ''Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội''21.

Việc Đại hội XI nhấn mạnh đến sự phát triển bền vững mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội là phù hợp với tinh thần của thời đại, với sự nhận thức chung của các quốc gia và của loài người sau một giai đoạn dài do loài người lấy sự tăng trưởng kinh tế đơn thuần làm mục tiêu duy nhất nên đã dẫn đến không chỉ sự tàn phá thiên nhiên, huỷ hoại môi trường sống của chính con người, mà còn tạo ra bất công, sự bất bình đẳng giữa các quốc gia, các dân tộc, giữa người và người, giữa các thế hệ dân cư. Ngày nay, cần phải hiểu ''phát triển bền vững là sự phát triển kinh tế - xã hội lành mạnh, dựa trên việc sử dựng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ con người hiện nay và không ảnh hưởng bất lợi đối với các thế hệ tương lai trong việc thoả mãn các nhu cầu của họ''22.

Phát triển bền vững đó là sự phát triển kết hợp chặt chẽ được đồng thời ba mục tiêu: phát triển kinh tế nhanh; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, lấy chỉ số phát triển con người làm thước đo cao nhất của sự phát triển; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường sống, khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên vừa nhằm thỏa mãn nhu cầu của hiện tại, vừa không làm tổn hại khả năng thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai. Nói tóm lại, phát triển bền vững là sự phát triển xã hội có sự kết hợp hài hòa ba mục tiêukinh tế, xã hội và môi trường. Cho nên, trong sự phát triển bền vững, Đảng ta yêu cầu ''tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hoà với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”23, đồng thời ''gắn mục tiêu bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội''24.

Dễ dàng nhận thấy rằng, những yêu cầu được Đại hội nêu ra nhằm đạt được sự phát triển bền vững ở tất cả các lĩnh vực trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá theo hướng hiện đại là rất trúng, khá cụ thể và khoa học. Để thực hiện được các yêu cầu đó thì trước hết chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, khắc phục những thiếu sót, những khuyết điểm, thậm chí cả những sai lầm đã mắc phải trong phát triển công nghiệp thời gian vừa qua, trong phát triển kinh tế nói chung, trong lĩnh vực khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, đồng thời không để xảy ra những sai lầm mới.

Chúng ta không thể nào sớm thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu, kém phát triển nếu như không tiến hành công nghiệp hoá theo hướng hiện đại; nếu như không chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ kinh tế nông nghiệp là chủ yếu sang kinh tế công nghiệp hiện đại và dịch vụ, đặc biệt là nếu như không từng bước chuyển sang và không mạnh dạn dựa vào nền kinh tế tri thức. Để phát triển các khu công nghiệp, dù là công nghiệp hiện đại dựa vào tri thức là chủ yếu, thì cũng không thể nào thiếu đất đai để xây dựng, nhưng đất đai lại có hạn, không thể đẻ ra được. Thế nhưng, vừa qua việc tính toán chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai ở nhiều nơi là khá tuỳ tiện, thậm chí là vô trách nhiệm, chỉ chạy theo mục tiêu kinh tế trước mắt đơn thuần, lãng phí rất lớn hoặc bị một số ngưởi lợi dụng danh nghĩa thu hút đầu tư, lợi dụng quyền lực, tranh thủ thời cơ liên kết với các nhà đầu tư để kiếm những khoản lời kếch sù bằng nhiều cách.

Chỉ tính trong vòng 5 năm, từ năm 2001 đến năm 2005, tổng diện tích đất nông nghiệp của cả nước đã bị thu hồi là vào khoảng 366.440 ha, tức là chiếm tới 3,89% tổng diện tích đất nông nghiệp hiện đang được sử dụng. Nếu tính bình quân thì mỗi năm trong khoảng thời gian 5 năm nói trên cả nước có tới 73.288 ha đất canh tác nông nghiệp bị thu hồi25, trong đó đất trồng lúa nước cũng đã giảm trong 5 năm đó là 7,6%26. Đáng tiếc là số đất nông nghiệp bị thu hồi ấy đã và đang được sử dụng khá lãng phí và không thật hiệu quả27. Nếu ai có dịp đi đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước thì sẽ thấy tình trạng đất nông nghiệp bị thu hồi được bao rào xung quanh lại rồi để đấy cho cỏ mọc um tùm trong khi người nông dân không có đất để sản xuất không phải là hiếm. Điều đáng nói là ở chỗ, số đất bị thu hồi đó lại phần nhiều (tới 80%) là đất tốt mà nhân dân ta thường gọi là ''bờ xôi, ruộng mật'' cho 2 vụ lúa/năm với cơ sở hạ tầng thuỷ lợi và giao thông rất tốt. Đó là chưa kể đến việc một số địa phương trong cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư nhằm tăng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đơn thuần cho địa phương mình nên đã ''chiều lòng'' các nhà đầu tư, đã ưu ái quá đáng cho các dự án lấy đất canh tác nông nghiệp không phải để phát triển công nghiệp mà là để xây dựng sân golf, nên có tỉnh tuy diện tích hạn hẹp nhưng đã có tới 3 sân golf! Đã có lúc quy hoạch sân golf 30 lỗ đe doạ nuôt đồng cỏ của trại bò giống Môncađa! Nếu cứ tiếp diễn tình trạng sử dụng đất canh tác với tốc độ và quy mô như những năm vừa qua cho các mục đích khác nhau ngoài mục đích nông nghiệp, mà không được tính toán một cách khoa học, cùng với sự biến động khó lường về thời tiết thì tình hình khó khăn về lương thực có lẽ không phải là điều không xảy ra. Một khi điều này trở thành sự thật thì sự ổn định xã hội sẽ bị đe doạ, mục tiêu phát triển bền vững vì vậy cũng khó lòng được đảm bảo.

Vấn nạn ô nhiễm môi trường sống do hậu quả của sự kém hiểu biết, sự thiếu cân nhắc và nhất là của sự thờ ơ, sự đùn đẩy, sự vô trách nhiệm và cả vì những cái lợi riêng, cái lợi cục bộ của một nhóm người đã hiển hiện. 35 năm trước, sau khi nghiên cứu thực tế, tôi đã nhận định rằng, ''khi xây dựng nhà máy, xí nghiệp chúng ta chưa chú ý đến việc bảo vệ môi trường, còn nặng tính chất tự phát, nặng về kinh tế đơn thuần chứ chưa có quy hoạch sinh thái. Trong nhận thức, ta chưa thấy rằng môi trường sống và thiên nhiên của chúng ta không chỉ thuộc về thế hệ hôm nay mà còn thuộc về nhiều thế hệ mai sau''28. Dù đã có những tiến bộ nhất định nhưng hiện giờ vẫn đang xảy ra tình trạng thế hệ hôm nay vay mượn và tiêu dùng quá mức được phép, quá nhiều các nguồn tài nguyên của thế hệ mai sau, nghĩa là ta đang có những việc làm đi ngược lại với quan điểm phát triển bền vững. Điều này dễ thấy nhất là với các tài nguyên trong lòng đất, với tài nguyên nước.

Cách làm chắp vá, thiếu quan điểm đồng bộ và thiếu quy hoạch tổng thể đã dẫn đến việc các khu công nghiệp, các cơ sở khai thác khoáng sản (cả được phép lẫn vô phép) đang làm ô nhiễm trầm trọng không khí, đất đai, các nguồn nước mặt và cả nước ngầm, làm đảo lộn hệ thống các công trình thuỷ lợi, thậm chí cả các công trình cấp nước sinh hoạt cho dân cư của cả một vùng rộng lớn.

Do tình trạng chắp vá, do thiếu quy hoạch tổng thể và lâu dài, do sự dễ dãi nhằm thu hút đầu tư về cho địa phương, lại không thật chặt chẽ trong việc xét duyệt hệ thống kỹ thuật và công nghệ xử lý các chất thải, cũng có thể do cả sự hạn chế về trình độ cho nên hiện nay, theo những đánh giá khác nhau, trên khắp cả nước số khu công nghiệp hoàn chỉnh và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tiêu chuẩn về môi trường là rất ít29. Tương tự như vậy, chúng ta đang thiếu điện nhưng lại tiếp nhận đầu tư quá nhiều nhà máy thép, từ đó không những dẫn đến chỗ điện càng thiếu thêm, mà còn làm cho môi trường càng ô nhiễm thêm.

Vụ Công ty bột ngọt Vedan đã giết chết sông Thị Vải và các vùng đất xưa nay được nó nuôi dưỡng chỉ là một trong rất nhiều vụ việc đang diễn ra mà thôi. Liệu còn có bao nhiêu con sông, bao nhiêu vùng đất có thể đang và sẽ chết như sông Thị Vải trên khắp cả nước nếu chúng ta cứ tiếp tục vì lợi ích cục bộ và trước mắt mà hạ thấp tiêu chuẩn môi trường, nếu các cấp có thẩm quyền không đủ cương quyết và cứ tiếp tục đùn đẩy trách nhiệm cho nhau như vừa qua?

Do Luật bảo vệ rừng không được thực thi nghiêm chỉnh, do quyết định cho phép chuyển cái gọi là các khu rừng nghèo kiệt (thật ra có khu không nghèo kiệt chút nào) đã bị lợi dụng và không được kiểm tra chặt chẽ mà chúng ta đang phải đối mặt với việc nhiều khu rừng, cả rừng nguyên sinh và rừng trồng, cả rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ, bị triệt hạ vô tội vạ. Ngày càng có nhiều loại động vật và thực vật, do vậy, đã hoặc có nguy cơ bị tuyệt diệt. Cùng với nạn phá rừng, việc phát triển ồ  ạt thuỷ điện, nhất là thuỷ điện nhỏ và vừa, nhưng không có báo cáo đánh giá và thẩm định khoa học tác động môi trường đang và chắc chắn sẽ gây hậu quả lớn là hạn hán, úng ngập và lũ lụt nặng.

Tất cả những hậu quả về môi trường đó rất có thể sẽ triệt tiêu những thành quả kinh tế và xã hội mà công cuộc phát triển mang lại. Rốt cuộc, sẽ không thể có phát triển và càng không thể có phát triền bền vững.

Thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; sử dựng tiết kiệm, hợp lý, bảo vệ tốt, tài nguyên thiên nhiên và môi trường cùng với sự phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường đúng định hướng xã hội chủ nghĩa; nói cách khác, sự kết hợp hài hòa, có hiệu quả ba mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường là những đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước, cho sự thành công của công cuộc xây dựng một xã hội văn minh với các tiêu chí dân chủ, tự do, công bằng, dân giàu, nước mạnh./.

___________

1.         Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ VI. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 212.

2.         Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam. Văn kiện Đại hội, 1960, t.1, tr.182. – Tôi in đậm. NTC.

3.         Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam. Văn kiện Đại hội, 1960, t.1, tr.182 – 183.

4.         Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977, tr. 24.

5.         Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V. t.1. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1982, tr. 62-63.

6.         Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 21.

7.         Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 42, 47, 48.

8.         Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIICương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.9. – Tôi nhấn mạnh. NTC.

9.         Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 120.

10.     Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII, tr.27- Tôi nhấn mạnh. NTC.

11.     Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.80.

12.     Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.84-91.

13.     Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.89.

14.     Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.91.

15.     Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.163.

16.     Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.164.

17.     Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.301-302.

18.     Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.23.

19.     Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.28, 29.

20.     Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.72.

21.      Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.99.

22.     Dẫn theo: Lê Quý An (1992), Những quan điểm chủ yếu về môi trường và phát triển tại Hội nghị Rio-92, Tạp chí Thông tin môi trường, số 3.

23.     Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.98.

24.     Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.136.

25.     Xem: Báo cáo của chính phủ tại văn bản số 79/CP-NN, ngày 11-10-2007.

26.     Xem: Ngân Tuyến. Bảo vệ đất nông nghiệp vì an ninh lương thực. Báo An ninh Thủ đô, ngày 26-3-2008, tr.13.

27.     Điển hình là khu công nghiệp Hà Nội – Đài Tư được thành lập từ năm 1995 nhưng đến nay mới lấp đầy 18,8% diện tích; khu công nghiệp Đồ Sơn thành lập từ năm 1997 cho đến nay mới lấp đầy 24,1%; khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 thì còn thảm hại hơn vì tuy thành lập từ năm 1998 nhưng đến nay mới chỉ lấp đầy được 9,6% diện tích, v.v.. Xem: Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại văn bản số 67/BC-BTNMT, ngày 25-4-2008.

28.     Nguyễn Trọng Chuẩn. Chủ động đề phòng nạn ô nhiễm môi trường trong quá trình công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa ở nước ta. T/c Triết học, số 2 – 1977, tr.80.

29.     Chẳng hạn, Báo cáo tổng quan môi trường Việt Nam trong 5 năm 2006 – 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố ngày10-6-2011 cho thấy, chỉ có 60% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường.-Xem báo Tuổi trẻ, tr.3, ngày 11-8-2011.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website