Những nội dung cơ bản về quốc phòng, an ninh Trung tướng, TS Võ Tiến Trung

Những năm qua, cùng với những thành tựu vượt bậc của công cuộc đổi mới đất nước, lĩnh vực quốc phòng, an ninh nước ta luôn được Ðảng, Nhà nước, nhân dân chăm lo xây dựng, củng cố. Vì vậy, tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, công tác giáo dục quốc phòng ngày càng được tăng cường, củng cố. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân tiếp tục được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại, thật sự xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ðối với nước ta, quốc phòng là công cuộc giữ nước của quốc gia độc lập có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, là hoạt động của cả nước, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt nhằm giữ vững hòa bình, răn đe, ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động chống phá của kẻ thù, đồng thời sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức, quy mô. Vì thế, xây dựng và đấu tranh quốc phòng luôn thể hiện sự thống nhất biện chứng giữa tính giai cấp-nhân dân-dân tộc; mang đậm dấu ấn của cuộc đấu tranh giai cấp trong điều kiện mới, hoàn cảnh mới; phong phú về nội dung, linh hoạt, sáng tạo về hình thức và phương pháp; tập trung, thống nhất về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Quốc phòng toàn dân là quan điểm cơ bản của Ðảng, Nhà nước ta trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, xây dựng nền quốc phòng của đất nước. Xác định đúng vị trí, vai trò quốc phòng phản ánh tầm nhìn chiến lược của Ðảng về sự cần thiết phải tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng, đồng thời chỉ rõ mối quan hệ không thể tách rời giữa quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế...

Văn kiện đại hội XI của Ðảng đã xác định một trong nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Ðảng, Nhà nước và toàn dân là tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Luận điểm ấy vừa nêu bật vị trí nổi trội, vai trò, tầm quan trọng của quốc phòng, đồng thời khẳng định ý thức trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của mọi công dân, mọi tổ chức phải đóng góp tài năng và trí tuệ vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Vị trí, vai trò nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của lĩnh vực quốc phòng có nguồn gốc từ mối quan hệ biện chứng giữa quốc phòng, an ninh đối ngoại với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội; giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nếu quốc phòng được giữ vững và tăng cường, tất yếu sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo lập, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định đất nước, phát triển kinh tế-xã hội, chủ động hội nhập kinh tế và mở rộng quan hệ đối ngoại... tạo nền tảng vững chắc thực hiện khát vọng của nhân dân, sự lựa chọn đúng đắn của Ðảng ta vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Về mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng trong thời kỳ mới, Văn kiện Ðại hội XI của Ðảng tiếp tục bổ sung, phát triển, làm rõ hơn nội hàm của nó phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, giai đoạn cách mạng mới. Bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, quốc phòng cũng phải hướng đích bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn,  làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Ðể có những bảo đảm chính trị cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong xu thế hiện nay, cần đặc biệt coi trọng giữ vững ổn định chính trị-xã hội, tăng cường quốc phòng-an ninh-đối ngoại. Tính chất quốc phòng Việt Nam là hòa bình, tự vệ. Ðiều đó, thể hiện giá trị nhân đạo, truyền thống nhân văn của một dân tộc luôn khát vọng và vươn tới độc lập, tự do; bản chất hòa bình, tiến bộ, văn minh của chế độ xã hội chủ nghĩa; phù hợp với lịch sử tiến hóa nhân loại; thể hiện tinh thần tích cực, chủ động sáng tạo, sẵn sàng và kiên quyết đấu tranh, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các  thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam. 

Nền quốc phòng của ta là quốc phòng toàn dân, xây dựng và phát triển theo phương hướng 'Toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại'. Vì vậy, quốc phòng phải được xây dựng trên 'hai trụ cột' vững chắc: lực lượng và thế trận. Lực lượng quốc phòng là lực lượng toàn dân, được xây dựng và huy động toàn diện, đủ sức mạnh ngăn ngừa và đối phó hiệu quả với mọi tình huống, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa trong thời bình và chuyển hóa thành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện để đập tan các cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù. Thế trận quốc phòng toàn dân phải quy tụ và kết hợp chặt chẽ các lực lượng, thống nhất theo ý định chiến lược, tạo thành tổng hợp lực to lớn, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh quốc phòng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân là cơ sở để gắn kết 'thế' và 'lực' trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, trong phát triển kinh tế-xã hội và củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Do vậy, nếu lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh sẽ là chỗ dựa vững chắc để các ngành, các lĩnh vực xây dựng kế hoạch, quy hoạch, chính sách giải quyết mối quan hệ giữa phát triển nhanh và bền vững.

Sức mạnh quốc phòng của ta là sức mạnh tổng hợp, vì thế phải phát huy được mọi nguồn lực của quốc gia, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Ðảng, thống nhất quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Ðể tạo được sức mạnh tổng hợp to lớn của nền quốc phòng toàn dân, trước hết phải tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng con người trong mối quan hệ giữa định hướng phát triển văn hóa và phát triển con người. Phải tăng cường giáo dục quốc phòng, nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia. Trên cơ sở nâng cao nhận thức mà thống nhất ý chí và hành động, từ đó khai thác, phát huy tối đa mọi nguồn lực tạo được 'lực' mới, 'thế' mới phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng, tăng cường quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên. Song, phải đặt nhiệm vụ này trong mối quan hệ biện chứng với nhiệm vụ trung tâm là, phát triển kinh tế và nhiệm vụ then chốt là xây dựng Ðảng. Do vậy, tăng cường sức mạnh quốc phòng cũng có nghĩa là tập trung phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng thế trận lòng dân, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế - quốc phòng - an ninh trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, làm giàu về tiềm năng, mạnh về thực lực và lực lượng, vững chắc về thế trận. Ðặc biệt ở những nơi xung yếu về quốc phòng, an ninh như vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phải có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo bước đột phá trong xây dựng tiềm năng và thực lực, lực lượng và thế trận, cân đối, đồng bộ và bền vững.

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện nay, tất yếu phải tăng cường đối ngoại về quốc phòng, nhằm tuyên truyền về quốc phòng của ta, tạo niềm tin cho bạn bè, đập tan âm mưu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, thêm bạn, bớt thù, đồng thời trao đổi những kinh nghiệm xây dựng quốc phòng; đấu tranh ngăn chặn và giải quyết nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống; hợp tác phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ quốc phòng, quân y, phòng chống thảm họa; kiên trì đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Gắn chặt hợp tác quốc phòng với hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, tạo động lực thúc đẩy nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện của đất nước.

Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong việc tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân phải tiếp tục xây dựng vững mạnh toàn diện, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, với chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao. Lực lượng dự bị động viên phải được phát triển hùng hậu, dân quân tự vệ được xây dựng rộng khắp, chất lượng chính trị ngày càng cao, khả năng chiến đấu đa dạng.

Công nghiệp quốc phòng, an ninh phải được đẩy mạnh cùng với sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, bảo đảm các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại. Khoa học công nghệ phải được tăng cường đầu tư chiều sâu, tạo bước đột phá trong hiện đại hóa lực lượng vũ trang, nâng cao sức mạnh chiến đấu tổng hợp, đủ sức hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa quy định bản chất, quy luật vận động, phát triển quốc phòng nước ta. Vì vậy, tăng cường quốc phòng gắn liền với tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng đối với Quân đội nhân dân và công an nhân dân; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng. Các chiến lược quốc phòng, an ninh và hệ thống cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh phải được hoàn thiện trong điều kiện mới. Hệ thống văn bản pháp luật, các quy chế phối hợp quân đội, công an và các tổ chức chính trị - xã hội... phải luôn được bổ sung, hoàn thiện. Do đó cần phải tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, tăng cường tổng kết thực tiễn về xây dựng lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân; về các mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh đối ngoại;  giữa đối tượng, đối tác với phân biệt rõ bạn, thù; giữa hoạt động chống phá của các thế lực thù địch với những sai lầm, yếu kém của ta để không rơi vào chủ quan, hoặc mơ hồ, ảo tưởng.

Quan điểm tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta, trong đó Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt, cần được quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, nhất quán, đồng bộ, hiệu quả trong toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, phải kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện thiếu nghiêm túc, đơn giản trong nhận thức về quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân; chậm trễ, máy móc, chủ quan, ỷ lại, lúng túng  trong triển khai và xử lý tình huống phức tạp nảy sinh về quốc phòng, an ninh; buông lỏng, mất cảnh giác, kém hiệu quả trong việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, đặc biệt là tại các vùng chiến lược, biển đảo; bất cập, tụt hậu về phát triển nguồn lực con người và hòa nhập với công nghiệp quốc gia trong phát triển công nghiệp quốc phòng; mất cảnh giác trước âm mưu 'diễn biến hòa bình' của các thế lực thù địch, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong nội bộ.

Hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành, nghiêm túc nghiên cứu, quán triệt, chủ động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, biến quan điểm của Ðảng, Nhà nước, ý chí, nguyện vọng và sức mạnh to lớn của nhân dân ta về quốc phòng, an ninh thành hiện thực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng toàn quốc lần thứ XI.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website