Tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển mới của trí thức Việt NamPhan Thanh Khôi - Học viện CT-HC QG Hồ Chí Minh

Trí thức là người lao động trí óc, sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất tinh thần là chủ yếu. Do vậy, hoạt động của trí thức phụ thuộc lớn vào tồn tại xã hội, những yếu tố kinh tế, vật chất..của đời sống con người, mà có thể gọi khái quát và phổ thông là: môi trường phát triển của trí thức. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã thông qua các văn kiện quan trọng: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng... Đại hội đã tạo ra những môi trường thuận lợi cho sự phát triển mới của dân tộc, trong đó có trí thức Việt Nam.

Trước hết, Đại hội XI với đường lối đối ngoại ngày càng đổi mới sẽ mở ra môi trường quốc tế rộng lớn cho sự phát triển của trí thức Việt Nam. Bước vào công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã chú ý đến mở rộng quan hệ đối ngoại nhưng trước hết là hội nhập kinh tế quốc tế. Đến Đại hội X, tinh thần này được nâng lên tầm "chủ động và tích cực", nhưng cũng chủ yếu về mặt kinh tế, đồng thời quan tâm hơn đến mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Cho nên, để đáp ứng thực tế khách quan của xu thế toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng ở mọi phương diện của đời sống xã hội, Đại hội XI nêu rõ: "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”1.

Đường lối đối ngoại chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sẽ tạo điều kiện đa dạng hóa các nguồn lực và địa chỉ đào tạo trí thức nước ta từ các quốc gia khác nhau. Hợp tác quốc tế về khoa học được mở rộng tạo khả năng để trí thức nước ta giao lưu, trao đổi thông tin, tiếp cận những tri thức mới. Trí thức người Việt Nam định cư ở nước ngoài có cơ hội nhiều hơn hướng về Tổ quốc, đóng góp trí lực và vật lực nhiều hơn vào xây dựng quê hương, đất nước...

Toàn cầu hóa không chỉ đem lại những thuận lợi mà còn có những thách thức. Trong hội nhập quốc tế, người trí thức phải tự giác vươn lên về ngoại ngữ, học vấn... để khỏi đứng ngoài sự phát triển chung của nhân loại. Người trí thức còn phải vững vàng về chính trị, có lòng yêu nước, tự trọng và kiêu hãnh dân tộc để lao động sáng tạo đứng vững trong môi trường quốc tế rộng lớn, xứng đáng với danh hiệu: Trí thức Việt Nam.

Hai là, Đại hội XI xác định một trong những phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu phát triển đất nước là phát triển kinh tế tri thức, tiếp tục đổi mới phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Đây thực chất là tạo môi trường trí tuệ cho xây dựng trí thức Việt NamĐại hội XI nêu rõ: "Phát triển kinh tế tri thức trên cơ sở phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ; xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng khoa học, công nghệ, trước hết là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ tự động, nâng cao năng lực nghiên cứu - ứng dụng gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển mạnh các ngành và sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, dựa nhiều vào tri thức. Phát huy và sử dụng có hiệu quả nhất nguồn tri thức của con người Việt Nam và khai thác nhiều nhất tri thức của nhân loại. Xây dựng và triển khai lộ trình phát triển kinh tế tri thức đến năm 2020”2.

Với môi trường này, con người Việt Nam nói chung và trí thức Việt Nam nói riêng trở thành trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển, được tôn trọng và phát huy vai trò của mình. Hơn nữa, Đại hội XI khẳng định lại một lần nữa là ở nước ta, phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đại hội XI còn nhấn mạnh đến "thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại học..." và phấn đấu đến năm 2020: "số sinh viên đạt 450 trên một vạn dân"3... thì những năm tới, khả năng số lượng trí thức Việt Nam sẽ tăng nhanh và nâng cao được chất lượng đội ngũ của mình.

Sống trong môi trường trí tuệ thuận lợi, con người Việt Nam, nhất là người trí thức phải học tập suốt đời, được đào tạo và đào tạo lại thường xuyên, bằng trường lớp và tự học hỏi để có năng lực chuyên môn tương xứng, lao động giỏi, đáp ứng được đòi hỏi cao về năng suất, chất lượng của kinh tế tri thức.

Ba là, Đại hội XI tiếp tục đổi mới toàn diện đất nước và xác định 3 khâu "đột phá chiến lược”trong đó khâu đầu tiên là: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...4. Hoàn thiện này tạo môi trường kinh tế thuận lợi cho lao động sáng tạo khoa học và lưu thông hàng hóa “chất xám" của người trí thức Việt Nam.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo khả năng nhiều và linh hoạt việc làm cho trí thức. Người trí thức có mặt ở mọi thành phần kinh tế, có cơ hội lựa chọn những nơi làm việc phù hợp để được cống hiến nhiều nhất và hưởng thụ xứng đáng, hơn nữa có khả năng vươn lên làm giàu chính đáng.

Hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn là phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, trong đó có thị trường khoa học và công nghệ, thị trường lao động…tác động trực tiếp đến người trí thức. Bởi vì, như Đại hội XI nêu rõ: "Phát triển mạnh kinh tế thị trường, khoa học và công nghệ gắn với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; có hình thức thông tin giới thiệu các hoạt động và sản phẩm khoa học, công nghệ; hoàn thiện các định chế và mua bán các sản phẩm khoa học, công nghệ trên thị trường” và "Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động. Tiền lương, tiền công phải được gọi là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường”5.

Như vậy, hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đem lại môi trường thuận lợi, bình đẳng, và tạo nên động lực kinh tế mạnh mẽ cho trí thức nước ta trong lao động sáng tạo khoa học. Thế nhưng trong nền kinh tế thị trường, người trí thức cũng phải chịu sức ép cạnh tranh, phải không ngừng học tập, bồi dưỡng để giữ vững "thương hiệu” cho sản phẩm khoa học và giá trị “chất xám” của mình. Nhất là, người trí thức phải biết giữ mình để khỏi tha hóa trước những "cám dỗ" và tiêm nhiễm những tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường…

Bốn là, trong môi trường phân công lao động xã hội – nghề nghiệp, như đã nói, trí thức là những người lao động trí óc, trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tinh thần. Sự ra đời của trí thức mang tính lịch sử và biểu hiện bước phát triển mới của xã hội. Từ đó, lao động trí óc nằm trong chỉnh thể, không thể thiếu của hệ thống lao động xã hội và vai trò ngày càng tăng. Nghị quyết chuyên đề của Đảng ta về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhấn mạnh rằng: "Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển”6. Ở nước ta, với mục tiêu sớm đưa đất nước cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, đòi hỏi phải lựa chọn con đường phát triển rút ngắn thì phải: "... phát huy đến mức cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng trí thức của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức”7.

Ở Đại hội XI của Đảng, vai trò quan trọng của trí thức càng được khẳng định và nhấn mạnh khi đặt trí thức trong khái niệm khác của phân công lao động xã hội nghề nghiệp là: nguồn nhân lực chất lượng cao. Trí thức là bộ phận đặc trưng nhất của nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được coi là một trong ba "đột phá chiến lược". Đại hội XI còn giải thích cụ thể rằng: "Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Đặc biệt coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và cán bộ khoa học công nghệ đầu đàn"8.

Như vậy Đảng ta quyết tâm cao trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mà trí thức là một bộ phận. Nhà nước, các ngành, các cấp, các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp... tập trung nguồn lực và có những đề án, chương trình hành động... cho nhiệm vụ này. Riêng đối với trí thức, Đảng ta cũng chỉ ra mục tiêu là xây dựng đội ngũ này lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Do đó, xác định trí thức với tính cách là bộ phận của nguồn nhân lực chất lượng cao, một khâu của "đột phá chiến lược", Đại hội XI đã mở ra cơ hội, môi trường thuận lợi cho sự phát triển mới của trí thức, đồng thời cũng đòi hỏi cao đối với việc phát huy vai trò của trí thức và công tác xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam.

Năm là, tinh thần lớn xuyên suốt của Đại hội XI là phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tạo thành môi trường dân chủ và đồng thuận xã hội cho phát triển của trí thức Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: "Dân chủ xã hội chủ nghĩa"  bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”9Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2015 nêu rõ: "Nâng cao năng lực và tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp để phát huy mạnh mẽ mọi khả năng sáng tạo và bảo đảm đồng thuận cao trong xã hội, tạo động lực phát triển đất nước"10; còn Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương chỉ ra rằng: "Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung... để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội”11.

Như vậy, môi trường dân chủ và đồng thuận xã hội là động lực cho phát triển đất nước. Người trí thức với đặc thù lao động trí óc lại càng cần đến tự do tư tưởng để sáng tạo, cần đến bầu không khí đồng tình, đồng chí để nâng cao cảm xúc sáng tạo đưa lại những tác phẩm, công trình có chất lượng cao. Đại hội XI yêu cầu: "Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì sự phát triển đất nước”12.

Tất nhiên, dân chủ luôn gắn liền với kỷ luật, kỷ cương. Trí thức được tự do tư tưởng, nhưng trên cơ sở tuân thủ pháp luật, tôn trọng những quy định chung của đơn vị, cộng đồng xã hội. Trí thức đoàn kết với các tầng lớp nhân dân, đồng nghiệp, đối tác... trên tinh thần hợp tác lành mạnh, liên kết chính đáng, thẳng thắn phê và tự phê bình, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Sau nữa, môi trường pháp lý thông thoáng tạo thuận lợi cho hoạt động của trí thức nước ta. Đó là hệ thống chính sách và pháp luật của Nhà nước về trí thức. Hệ thống này cụ thể hóa những quan điểm chủ trương cơ bản của Đảng đối với trí thức. Đại hội XI đã nêu một cách khái quát những quan điểm, chủ trương cơ bản của Đảng đối với trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như sau: "Xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nướcTôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ xứng đáng những cống hiến của trí thức. Có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước. Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hộiGắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhà nước với trí thức, giữa trí thức với Đảng và Nhà nước"13.

Những quan điểm, chủ trương trên đang cần có chính sách và luật hóa của Nhà nước để đi vào cuộc sống, trong đó trước hết là: Ban hành quy chế dân chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ; bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện để trí thức tự khẳng định phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh. Tăng đầu tư từ nhiều nguồn cho hoạt động khoa học, nhất là khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển khoa học. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường thực thi việc bảo bộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giá đối với các sản phẩm sáng tạo, nhằm bảo đảm lợi ích của trí thức khi chuyển giao phát minh, sáng kiến và khuyến khích đội ngũ trí thức gia tăng sự cống hiến. Ban hành quy định về quyền hạn, điều kiện làm việc để phát huy năng lực và trách nhiệm của trí thức đầu ngành, các nhà khoa học và công nghệ có trình độ cao, các tổng công trình sư trong điều hành chuyên môn, nghiệp vụ. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp quy để khuyến khích và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách đầu tư xây dựng một số khu đô thị khoa học, khu công nghệ cao, tổ hợp khoa học - sản xuất, trường đại học trọng điểm, các trung tâm văn hóa hiện đại để thúc đẩy hoạt động sáng tạo của trí thức trong và ngoài nước. Chính sách mở rộng hợp tác và giao lưu quốc tế về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ ...

Tóm lại, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thành công đã mở ra những môi trường thuận lợi cho sự phát triển của trí thức Việt Nam. Tiếp nữa là cần đến trách nhiệm chung của toàn xã hội, của hệ thống chính trị, nhất là trách nhiệm của Nhà nước, đồng thời cần đến sát nỗ lực vươn lên của người trí thức để đội ngũ trí thức Việt Nam thực sự có bước phát triển mới trong môi trường thuận lợi của công cuộc đổi mới hiện nay.

__________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.235-236.

2. Sđd, tr.220-221.

3. Sđd, tr.131 và 105.

4. đd, tr.106.

5. đd, tr.213.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.81.

7. Sđd, tr.81.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.130.

9. Sđd, tr.85.

10. Sđd, tr.100.

11. Sđd, tr.239-240.

12. Sđd, tr.134.

13. Sđd, tr.241-242.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website