Tiềm năng biển việt nam và những định hướng chiến lược cơ bản để xây dựng và phát triển

(ĐCSVN) - Nghị quyết 09 - NQ/ TW ngày 9/2/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã nhấn mạnh: “Thế kỷ XXI được thế giới xem là “thế kỷ của đại dương”. Các quốc gia có biển đều rất quan tâm đến biển và coi trọng việc xây dựng chiến lược biển. Khu vực biển Đông, trong đó có vùng biển Việt Nam, có vị trí địa kinh tế và địa chính trị rất quan trọng…với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, ngày nay biển càng có vai trò to lớn hơn đối với sự nghiệp phát triển đất nước” . 

Có thể khẳng định, tiềm năng tài nguyên biển và vùng ven biển của nước ta có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Trước hết là dầu khí với trữ lượng khoảng từ 3 đến 4 tỉ tấn dầu qui đổi, cùng các loại khoáng sản có giá trị khác như than, sắt, ti tan, cát thuỷ tinh. Bên cạnh đó là nguồn lợi hải sản với chủng loại rất phong phú, đa dạng, có tổng trữ lượng khoảng từ 3 đến 4 triệu tấn. Dọc bờ biển có hơn 100 địa điểm có thể xây dựng cảng, trong đó có nhiều nơi có thể xây dựng cảng trung chuyển quốc tế; có nhiều đảo có tiềm năng phát triển kinh tế tổng hợp. Ngoài ra, biển nước ta còn có 125 bãi biển lớn, nhỏ nông thoải, nước trong và sạch, nắng ấm quanh năm, không khí trong lành với cảnh quan đẹp... là điều kiện lý tưởng để xây dựng các khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp. 

Vấn đề đặt ra là làm sao để đánh thức tiềm năng to lớn đó của đất nước để kinh tế biển thực sự đóng vai trò quan trọng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế đất nước. 

Sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiềm lực kinh tế biển của đất nước ta đã không ngừng lớn mạnh, phát triển với tốc độ khá nhanh và đã có những đóng góp quan trọng vào nhịp độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. 

Tuy nhiên, trước một tiềm năng kinh tế lớn, bên cạnh những thuận lợi, thì với một khoảng thời gian thực tế chưa dài nên chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức là tất yếu. 

Về khách quan, một số vùng biển nước ta thường xảy ra thiên tai với cường độ lớn và tần suất cao làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân vùng ven biển cũng như trong việc khai thác tiềm năng kinh tế biển. 

Về chủ quan, việc nhận thức về vị trí, vai trò của biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các cấp, các ngành và nhân dân chưa đầy đủ. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một chiến lược biển cùng những chương trình phát triển cụ thể để phát huy toàn diện tiềm năng tài nguyên đó. Đó là bên cạnh quy mô phát triển kinh tế biển còn nhỏ bé, manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng; thì cơ cấu ngành, nghề chưa hợp lý, mới chỉ phát triển trên một diện hẹp; chưa chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết để đủ sức vươn ra vùng biển quốc tế. Trong khai thác, đánh bắt, chế biến nguồn lợi kinh tế biển vẫn đang chủ yếu là sản xuất nhỏ; với hệ thống hạ tầng còn thiếu thốn, yếu kém, chưa đồng bộ; cùng với đang thiếu những cảng biển lớn với dịch vụ hậu cần quy mô, hệ thống những cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ biển, các cơ sở dự báo thiên tai từ biển đang bộc lộ những yếu kém, bất cập v.v… 

Nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên là do công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò của biển chưa đầy đủ; các cơ quan quản lý nhà nước về biển chưa phát huy tốt vai trò của mình, nhất là trong việc xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách; vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng biển và phát triển ngành, nghề biển còn ít; công tác hợp tác quốc tế về biển còn nhiều hạn chế, trong khi tranh chấp giữa các nước liên quan đến biển Đông còn diễn ra phức tạp. 

Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2025, thế giới sẽ mất đi 70 triệu héc ta đất canh tác do bị ngập mặn hay bị chìm trong nước biển. Do đó, những dự án chiến lược khai thác biển, biến biển cả thành nơi phát triển nông nghiệp đang được các quốc gia và các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, xây dựng. 

Là một quốc gia có biển, đảo, Việt Nam cũng không nằm ngoài nguy cơ này, nên cũng như đang hết sức quan tâm đến việc xây dựng chiến lược phát triển biển. 

Định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 

Về quan điểm chỉ đạo 

Với những nhận định quan trọng trên, Hội nghị lần thứ tư ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã có quan điểm chỉ đạo về định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, thể hiện rõ trên các luận điểm sau. 

Một là, nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn. 

Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường; kết hợp giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. 

Ba là, khai thác mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, phát huy đầy đủ và có hiệu quả các nguồn lực bên trong; tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. 

Trên tinh thần đó, Đảng ta đã xác định rõ mục tiêu và định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2020 và tầm nhìn xa hơn. 

Mục tiêu và định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển 

Mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu mạnh. Mục tiêu cụ thể là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 – 55% tổng GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển; có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2 lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước. Cùng với xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, sẽ xây dựng một số khu kinh tế mạnh ở ven biển; xây dựng cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả; mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về biển. 

Trên cơ sở đó, Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã có những định hướng chiến lược sát đúng và cụ thể về phát triển kinh tế biển đến năm 2020 trên một số lĩnh vực quan trọng dưới đây. 

Về kinh tế - xã hội: Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển; phát triển khoa học - công nghệ biển; xây dựng kết cấu hạ tầng biển gắn với phát triển mạnh các ngành dịch vụ; xây dựng tuyến đường ven biển, trong đó có một số đoạn cao tốc và các tuyến vận tải cao tốc trên biển. Hình thành một số lĩnh vực kinh tế mạnh gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế để ra biển, làm động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Đến năm 2020, phát triển thành công, có bước đột phá về kinh tế biển, ven biển gồm: khai thác, chế biến dầu khí; kinh tế hàng hải; khai thác và chế biến hải sản; phát triển du lịch biển và kinh tế hải đảo; xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển. Trước mắt, sẽ tập trung đầu tư phát triển du lịch biển, xây dựng cảng biển, phát triển công nghiệp đóng tàu, phát triển những ngành dịch vụ mũi nhọn như vận tải biển, các khu kinh tế ven biển; tạo các điều kiện cần thiết bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân hoạt động, sinh sống trên biển, đảo và ở những vùng thường bị thiên tai. 

Về chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại 

Phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc gắn với thế trận an ninh nhân dân. Xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là hải quân, không quân, cảnh sát biển, biên phòng, dân quân tự vệ biển mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất và khai thác tài nguyên biển. Sớm xây dựng chính sách đặc biệt để thu hút và khuyến khích mạnh mẽ nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển, phát triển kinh tế kết hợp làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. 

Về phát triển khoa học - công nghệ biển 

Xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ biển đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, phục vụ hiệu quả quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng khoa học - công nghệ, phục vụ công tác điều tra cơ bản, dự báo thiên tai và khai thác tài nguyên biển; nhanh chóng nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ cho nghiên cứu và khai thác tài nguyên biển, đáp ứng được yêu cầu giai đoạn phát triển mới của đất nước. 

Về xây dựng kết cấu hạ tầng biển 

Phát triển mạnh hệ thống cảng biển quốc gia, xây dựng đồng bộ một số cảng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đặc biệt chú trọng các cảng nước sâu ở cả ba miền của đất nước, tạo những của mở lớn vươn ra biển thông thương với thế giới. Tăng cường đầu tư chiều sâu, cải tiến đồng bộ và hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật, sớm khắc phục tình trạng lạc hậu về trình độ kỹ thuật - công nghệ các cảng; tăng nhanh năng lực bốc xếp hàng hoá, giảm thiểu tối đa chi phí, bảo đảm có sức cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế. Sớm hoàn chỉnh khai thác có hiệu quả hệ thống sân bay ven biển, xây dựng tuyến đường ven biển và đường cao tốc Bắc - Nam trên biển v.v… 

Tiềm năng biển Việt Nam là một lợi thế lớn, là niềm tự hào của đất nước trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và trong xu thế hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng đó vẫn chỉ là tiềm năng, nếu thiếu đi một chiến lược tổng thể, cùng những mục tiêu, biện pháp cụ thể. Vì vậy, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) có thể nói là một công cụ dẫn đường kịp thời và đắc lực để phát huy vững chắc và hiệu quả tiềm năng đó. 

Cùng với sự chỉ đạo, lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành, quản lý hiệu quả của nhà nước; cần có sự nỗ lực nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và toàn dân để có thể nhanh chóng biến mục tiêu thành hiện thực. Với một chiến lược biển tổng thể, đúng đắn và phù hợp, cùng với quyết tâm cao của các cấp, các ngành và toàn dân, nhất định chúng ta sẽ khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng biển đẹp, giàu của đất nước, góp phần quan trọng và xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./. 

Triều Hải Quỳnh

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website