Về quan điểm tiến bộ và công bằng xã hội ở nước ta PGS.TS. Trần Hậu - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Vấn đề tiến bộ và công bằng xã hội được đề cập trong tất cả các văn kiện chính thức của Đại hội XI của Đảng và thể hiện những nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về bề rộng cũng như bề sâu của vấn đề quan trọng này. Cuộc sống xã hội đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc cả về lý luận và thực tiễn, song nhận thức và hành động trong lãnh đạo và quản lý còn có khoảng cách không nhỏ so với những gì đang đặt ra trong thực tiễn. Bài viết nhỏ này mong muốn gợi mở một vài suy nghĩ góp phần nghiên cứu về lĩnh vực này.

Được sống đầy đủ về vật chất, tinh thần và công bằng là khát vọng từ xa xưa đã được đặt ra từ rất sớm trong lịch sử loài người. Con người phải đấu tranh không ngừng với thiên nhiên, với mọi chế độ áp bức, bóc lột, hy sinh bao nhiêu xương máu cũng vì mục đích cao cả nhưng rất thiết thực, bình dị đó. Mác, Ăng ghen, Lê nin, Hồ Chí Minh đề ra học thuyết và tư tưởng của các ông, cũng là nhằm giải phóng con người, thực hiện mục tiêu hạnh phúc và công bằng cho con người. Chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh cũng là nhằm giải phóng con người. Cương lĩnh (bổ sung và phát triển năm 2011) đã khẳng định ''Chính sách xã hội đúng đắn, công bằng là động lực mạnh mẽ, phát huy mọi năng lực sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc''1.

Để giải phóng con người theo nghĩa đầy đủ của nó, chẳng những phải tăng trưởng kinh tế mà phải thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Thực tế đã cho thấy nhiều quốc gia có mức độ tăng trưởng kinh tế cao, có thu nhập bình quân đầu người lớn, có đời sống vật chất sung túc, nhưng lại không có công bằng xã hội, con người không được thực sự tự do và giải phóng mà còn đầy rẫy sự bất công. Kết quả tăng trưởng kinh tế đã mang lại những món lợi nhuận kếch sù cho những tập đoàn tư bản độc quyền lũng đoạn, và cuộc sống rất cao cho một thiểu số người, trong khi nạn đói và thất nghiệp vẫn gia tăng cùng với hàng loạt vấn đề xã hội suy thoái có thể làm lung lay nền móng xã hội, dẫn tới những xung đột xã hội làm đảo lộn cả chế độ chính trị. Trong hoàn cảnh nước ta, xác định mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội như thế nào cho đúng đắn, vẫn là một vấn đề bức xúc cần phải được tiếp tục nghiên cứu đầy đủ để có được những giải pháp phù hợp với thực tế đất nước.

Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội họp tại Copenhaghen (Đan Mạch) tháng 3-1995 đã chỉ ra rằng: có đến 85% các cuộc khủng hoảng các biến động lớn, thậm chí dẫn đến thay đổi chế độ chính trị, thay đổi thiết chế xã hội là bắt nguồn từ những nguyên nhân trực tiếp trong lĩnh vực xã hội hoặc mang nặng tính chất xã hội, trong đó nổi trội hơn cả là từ sự bất công xã hội, mà cụ thể là sự không công bằng trong xử lý các quan hệ lợi ích kinh tế và chính trị. Nhiều thập kỷ gần đây, nhiều nước trên thế giới đã và đang phải xem xét, điều chỉnh lại mô hình phát triển, kể cả những mô hình đã có một thời được xem là ưu việt nổi trội, như mô hình Bắc Âu với nhà nước phúc lợi; mô hình châu Âu đại lục với thị trường xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển và quản lý phát triển xã hội, nhằm vào mục tiêu phát triển con người với tư cách vừa là chủ thể vừa là mục tiêu của sự phát triển đất nước. Xét theo nội hàm, vấn đề kinh tế cũng nằm trong lĩnh vực xã hội, nhưng không phải lúc nào giải quyết tăng trưởng kinh tế cũng đồng nghiã với việc giải quyết các vấn đề công bằng xã hội.

Ở nước ta, cần tiếp tục tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận để xây dựng một mô hình lý thuyết về phát triển xã hội, về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phù hợp với điều kiện nước ta. Những đặc điểm lịch sử cụ thể không giống nhiều nước đòi hỏi một khung lý thuyết về tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam mà không thể dập khuôn mô hình của bất cứ nước nào. Đó là cả một quá trình công phu tìm tòi từ nhiều góc độ khác nhau trong lịch sử và hiện tại, từ góc độ kinh tế đến chính trị, văn hoá, tập quán và tâm lý...

Vấn đề tiến bộ và công bằng xã hội được đề cập đến ở nhiều nơi, nhiều lúc song hình như vẫn còn tản mạn và chưa tập trung, nổi bật và nhất quán (kinh tế - xã hội hay văn hóa - xã hội?). Để góp phần nghiên cứu, có thể gợi mở một vài vấn đề để cùng suy ngẫm.

1. Xét về quá trình lịch sử hình thành tư tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng ta, về vấn đề chính sách xã hội và giải phóng con người có thể thấy rõ trong tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày từ khi Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước, Người bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lê nin, đặt cách mạng Việt Nam vào quỹ đạo cách mạng thế giới và khẳng định chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới thực hiện triệt để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng và phát triển là làm cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Sau này Người còn nói rõ hơn: Nhà nào nghèo thì đủ ăn, đã đủ ăn thì khá lên, nhà nào khá thì làm cho giàu lên, nhà giàu thì giàu lên nữa, phải làm cho đất nước trở nên giàu mạnh, rồi đến khi thắng lợi, sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng to đẹp hơn gấp mười ngày nay... Đó là những điểm cốt lõi trong quan điểm giải phóng  phát triển của Hồ Chí Minh. Đó cũng là cơ sở tư tưởng để hình thành các chính sách xã hội, để khảo cứu mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ công bằng xã hội.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng và phát triển đã trở thành động lực to lớn và mạnh mẽ, động viên toàn Đảng, toàn dân ta trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước ở những thập kỷ trước đây.

2. Trong một thời gian dài, chúng ta chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của chính sách xã hội và sự kết hợp hữu cơ giữa chính sách kinh tế với chính sách xã hội, chưa nhận thức được rằng việc tiếp cận các vấn đề xã hội và đề ra những chính sách xã hội, như là những cách đề cập khác nhau đối với việc giải quyết một quá trình thống nhất, có quan hệ hữu cơ và thâm nhập lẫn nhau, không thể chia cắt trong khoa học về con người. Vì vậy, trong nhiều kế hoạch của Nhà nước, thường chú trọng nhiều đến các chính sách kinh tế, mà chưa chú trọng đầy đủ đến các chính sách xã hội. Đó là chưa kể trong xã hội còn coi chính sách xã hội như một loại chính sách hỗ trợ cho sự phát triển đất nước.

Trước đây do sai lầm giáo điều theo mô hình nước ngoài, công bằng xã hội được hiểu và thực hiện trong thực tế theo chủ nghĩa bình quân. Trong điều kiện chiến tranh, chính sách xã hội theo chủ nghĩa bình quân đã đóng vai trò lịch sử nhất định, trong một thời gian nhất định. Nhưng khi tình hình đã thay đổi, những chính sách xã hội, đặc biệt là chính sách phân phối, chính sách phúc lợi xã hội mang tính bình quân bị kéo dài quá lâu, cho đến nay vẫn chưa khắc phục được hết, đã cào bằng mọi giá trị lao động, chẳng những không tạo ra được bất cứ một sự công bằng xã hội nào, mà trái lại đã làm giảm ý nghĩa  thực tế của những ý tưởng tốt đẹp mà ta hằng nói về ''con người'', về ''dân làm chủ'', về công bằng xã hội... Chủ nghĩa bình quân trong điều kiện lịch sử mới của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã có tác dụng tiêu cực, triệt tiêu động lực của sản xuất, là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế.

Việc chuyển sang nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, đã tạo đà phát triển, làm cho kinh tế không ngừng tăng trưởng. Cùng với nó, các hình thức phân phối mới đa dạng hơn đã bước đầu tạo nên động lực phát triển cho xã hội ta. Song, cũng chính thời điểm ngày nay, mối quan hệ giữa kinh tế và xã hội, công bằng xã hội đang đứng trước hàng loạt những vấn đề thực tiễn vô cùng bức xúc. Đất nước ta trải qua thời gian chiến tranh kéo dài vời mức độ tàn phá ác liệt, cơ sở kinh tế vốn đã nghèo nàn, lạc lậu, bối cảnh quốc tế diễn biến khá phức tạp, kiến thức và kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý đất nước còn hạn chế. Đó là những đặc điểm lịch sử làm cho chúng ta không dễ dàng gì có thể nhanh chóng rút ngắn được khoảng cách giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội.

Chúng ta đang đứng trước những hiện tượng  không bình thường, đúng ra là những bất công xã hội, đó là:

- Những gia đình thương binh, liệt sĩ, có công với cách mạng đã đóng góp lớn lao cho đất nước thì nay đời sống khó khăn, đạm bạc trong lúc bao người khác lại đang sống rất sung túc.

- Những vùng căn cứ địa cách mạng, cái nôi từ khi phong trào cách mạng còn trong trứng nước, trải bao năm tháng nay vẫn ở trong tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, nhiều nơi không có điện dùng, vẫn còn cuộc sống đói nghèo, bệnh tật... Ánh sáng cách mạng đến với họ rất sớm nhưng ánh sáng của điện, của cuôc sống ấm no, văn minh lại đến với họ muộn hơn nhiều vùng khác.

- Những vùng sâu, xa xôi hẻo lánh, vùng dân tộc ít người, biên giới, hải đảo, vì nhiều nguyên nhân lịch sử mà nay vẫn tồn tại kinh tế tự cấp, tự túc và hình thức trao đổi hàng hóa giản đơn trong khi cả nước đang chuyển sang cơ chế thị trường, mở cửa với thế giới bên ngoài.

- Những chênh lệch quá xa giữa thu nhập với mức sống đạm bạc của những người lao động chân chính, tận tụy đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với bọn làm giàu bất chính, mọt dân, hại nước, tham nhũng của công, ức hiếp quần chúng, thả sức ăn chơi sa đọa, gây công phẫn trong dư luận xã hội.

- Cùng một chất lượng lao động nhưng chênh lệch thu nhập gấp nhiều lần giữa các vùng, các cơ sở sản xuất2.

- Những hiện tượng không công bằng trong đánh giá sử dụng cán bộ là những vấn đề không liên quan trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, nhưng đã làm thui chột nhân tài, giảm tính tích cực lao động và ảnh hưởng tiêu cực đối với việc tăng trưởng kinh tế. Không công bằng trong công tác cán bộ dẫn tới tình trạng người có tài có đức không được trọng dụng, trong lúc có người kém tài, thiếu đức vẫn thông qua những con đường khác nhau được giao nhiều trọng trách, để rồi làm thất thoát những khối tài sản lớn của nhà nước.

Với tốc độ tăng trưởng hàng năm tương đối cao của nền kinh tế cho phép đất nước ta có cơ hội phát triển nhanh hơn, tạo điều kiện giải quyết những hiện tượng bất công trong xã hội. Giữ cho được sự cân bằng tương đối giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội là một yêu cầu hết sức quan trọng. Tuy nhiên, cần phải có một hệ thống chính sách xã hội đúng đắn và có hiệu lực, và thực hiện tốt hệ thống chính sách đó, thì mới có thể thực hiện được công bằng xã hội.

Đại hội VI của Đảng lần đầu tiên tạo sự chuyên biến trong quan điểm nhận thức về vấn đề chính sách xã hội, chính thức đưa vào báo cáo chính trị. Tiếp theo đó, các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã từng bước cụ thể hóa thêm. Từ Đại hội VII đến nay đã phát triển lên một bước cao hơn trong Cương lĩnh, Chiến lược kinh tế - xã hội của Đảng về chính sách xã hội. Song, từ Nghị quyết đến cuộc sống là quá trình đấu tranh vô cùng gian khổ và phức tạp. Quá trình này tùy thuộc vào những con người cụ thể trong khi hoạch định chính sách và thực thi chính sách xã hội. Họ vừa là chủ thể, vừa là khách thể của chính sách xã hội. Đối mặt với những hiện tượng, bất công xã hội nhưng không dễ bề xử lý vì chưa có một cơ sở lý thuyết về phát triển và quản lý phát triển xã hội. Ngày nay, chuẩn mực xã hội mới chưa được hình thành, chuẩn mực xã hội cũ đang bị phá vỡ và khó tồn tại vì không còn thích hợp. Công bằng xã hội là mục tiêu cao đẹp nhưng nó mới dừng ở khái niệm chung mà chưa cụ thể hóa thành những nội dung phù hợp với từng lĩnh vực từng đối tượng dân cư, từng vùng miền, từng chính sách, từng việc làm thiết thực. Vì vậy niềm tin về một sự tiến bộ và công bằng xã hội đang bị sói mòn, nhiều lúc, nhiều nơi trở nên nghiêm trọng. Điều đó làm cho xã hội ta ''đang tiềm ẩn gây mất ổn định chính trị - xã hội...''3.

3. Muốn cho sự phát triển kinh tế có tác động đến công bằng xã hội, cần phải có hệ thống chính sách xã hội tích cực, đúng đắn, đồng thời động viên được toàn xã hội tham gia thực hiện. Mục tiêu bao trùm của tất cả các chính sách xã hội là phải mang lại cho con người một cuộc sống tốt đẹp không chỉ dành riêng cho ai, cho một thiểu số hay tập đoàn nào, mà là dành cho mọi người dân trong xã hội Việt Nam; chính sách đó phải phát triển xã hội một cách bền vững phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể và truyền thống văn hóa của dân tộc.

Một chính sách xã hội tiến bộ và công bằng phải là một chính sách đạt được những yêu cầu sau đây:

Một là, bảo đảm tái sản xuất sức lao động cho xã hội (bằng các chính sách phân phối thu nhập cho mọi đối tượng, đào tạo, giáo dục, bảo vệ sức khỏe, bảo hộ và bảo hiểm lao động... nâng cao dân trí, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế hiện nay và chuẩn bị một đội ngũ lao động cho những bước phát triển cho tương lai của đất nước.

Hai là, bảo đảm cơ sở và những điều kiện cơ bản cho đời sống vật chất và tinh thần (bao gồm cả văn hoá, khoa học, nghệ thuật...) đạt tới trình độ ngày càng cao cho thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, đáp ứng yêu cầu của công cuộc phát triển đất nước.

Ba là, hướng dẫn tiêu dùng lành mạnh, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ tinh hoa truyền thống của dân tộc, làm cho mọi ngươi vừa biết làm giàu hợp pháp, đồng thời biết hưởng thụ thành quả lao động chính đáng của thành mình  làm ra. Trên cơ sở đó hình thành một lối sống Việt Nam vừa hiện đại, hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, vừa bảo vệ và phát triển những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc, tạo nên một xã hội lành mạnh, văn minh, ổn định, làm môi trường ưu việt cho sự tăng trưởng kinh tế.

Một chính sách xã hội như thế là một chính sách tích cực, nó không dập khuôn giáo điều, tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh, liên quan hữu cơ với nhau để thực hiện công bằng xã hội trên cơ sở một nền kinh tế tăng trưởng. Một chính sách xã hội như vậy đòi hỏi các chính sách kinh tế và chính sách xã hội phối hợp đồng bộ thúc đẩy lẫn nhau chứ không phải cái này kìm hãm hay đối lập các khác. Trong quá trình hình thành các chính sách, chúng ta có không ít những bài học về vấn đề này. (Chỉ nêu một thí dụ: Chính sách ruộng đất đã thúc đẩy nông dân tách hộ, kết hôn, sinh con để được chia ruộng, làm dân số tăng lên, trong lúc chúng ta đang tích cực vận động giảm tỉ lệ tăng dân số).

4. Việc hoạch định các chính sách xã hội, thực hiện công bằng xã hội đương nhiên phải dựa trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, mà một trong những tiêu chí của sự tăng trưởng là tính toán thu nhập theo bình quân đầu người (xin nhắc lại đây chỉ là một trong những tiêu chí chứ không phải là duy nhất). Song cần phải thừa kế những kinh nghiệm lịch sử của dân tộc và truyền thống văn hóa phương Đông.

Ông cha ta trong những triều đại đời nhà Trần, nhà Lê đã tạo nên thời kỳ phát triển rực rỡ của đất nước sau khi kết thúc chiến tranh bảo vệ giang sơn bờ cõi. Ý chí tự lực tự cường của con người Việt Nam đã chuyển từ cuộc chiến đấu cho nền độc lập của Tổ quốc sang công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Đó chính là động lực phát triển của xã hội Việt Nam. Ngày nay khi chúng ta sống chung trong thời đại văn minh mới, văn minh tin học, ý chí tự lực tự cường phải được nâng lên tầm cao mới với chân lý ''Không có gì quý hơn độc lập tự do''. Từ xa xưa, người Việt Nam sống có tư duy đổi mới, nhạy bén với cái mới, linh hoạt và mềm dẻo, nước gắn liền với nhà để phát triển. Tư tưởng đổi mới trong quá trình tìm tòi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng xuất hiện rất sớm ở nước ta, ngay từ những tìm tòi ban đầu về khoán hộ trong nông nghiệp những năm cuối thập kỷ 60, chuyển sang hạch toán những năm đầu thập kỷ 80. Bài học những bước tìm tòi đó chính là ở chỗ: chính sách xã hội phải hướng vào con người, thực hiện công bằng xã hội trên những yêu cầu thường ngày của họ là ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh.

Người xưa có câu: ''Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng, không sợ nghèo chỉ sợ lòng dân không yên''. Người Việt Nam vốn có truyền thống đùm bọc, đoàn kết, coi trọng sự công bằng, coi trọng mối quan hệ êm thấm trong cộng đồng, trong đó lòng dân yên ổn mà không sợ thiếu, không sợ nghèo.Truyền thống đó phải được kế thừa và nhận thức trong điều kiện mới. Nền kinh tế phải đủ, phải giàu, phải tăng trưởng để trên cơ sở đó mà thực hiện công bằng và yên dân. Người ta không thể phân phối cái gì mà người ta không có, không thể thực hiện công bằng yên dân trên một cơ sở nghèo đói, thiếu thốn. Trên cơ sở năng suất thấp, thu nhập quá ít ỏi, không có sản phẩm thặng dư thì sự công bằng sẽ trở thành sự cào bằng, sự yên dân trở thành sự yên phận. Như thế thì không thể có động lực, và khi đã không có động lực thì sẽ không có sự phát triển.

Chính sách về công bằng xã hội ngày nay phải kế thừa truyền thống đùm bọc của dân tộc, thể hiện lòng nhân nghiã, uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam để không lãng quên quá khứ, chạy theo cơ chế thị trường, thương mại hóa tất cả tình nghĩa, xóa hết mọi bao cấp với mọi đối tượng cần được xã hội bao cấp mà bất cứ chế độ xã hội nào cũng có.

5. Chủ nghĩa nhân văn cộng sản, chủ nghĩa nhân đạo Hồ Chí Minh, trong đó cốt lõi là giải phóng con người. Dù đứng ở góc độ kinh tế học của tăng trưởng hay góc độ chính trị học của phân phối mà xét, thì chỗ đứng và điểm xuất phát cũng là quan điểm cơ bản này. Do đó sẽ không nên tách rời con người kinh tế và con người xã hội. Nói đến tăng trưởng kinh tế, tức là nói đến sản xuất xã hội, trong đó bao hàm sự thống nhất biện chứng của các quá trình tái sản xuất, trong đó vấn đề bình đẳng trong phân phối đóng vai trò rất quan trọng. Sẽ không thể nào có sự phát triển và cất cánh của đất nước, nếu không có một chính sách xã hội tiến bộ và công bằng, nhằm tạo môi trường xã hội lành mạnh và ổn định. Những bài học lịch sử của chúng ta trong quá trình tìm tòi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của những thập kỷ qua đã chứng minh điều đó.

Công bằng xã hội chịu tác động của rất nhiều yếu tố. Muốn có công bằng xã hội phải tiến hành rất nhiều giải pháp, phải có một hệ thống những  giải pháp hữu hiệu, khả thi. Trước mắt, để có được tiến bộ và công bằng xã hội, cần phải xem xét một cách khách quan và nghiêm túc vấn đề phân phối thu nhập trong xã hội. Tính công bằng trong phân phối thu nhập trước hết quyết định bởi việc thực hiện nguyên tắc ''hưởng theo lao động”. Nguyên tắc hưởng theo lao động không cho phép dành những khoản thu nhập lớn cho bất cứ đối tượng nào không có đóng góp lao động cho xã hội (bao gồm lao động trí óc và lao động chân tay). Những đóng góp lớn phải được hưởng thu nhập lớn, được xã hội tôn vinh và là nội dung hàng đầu của chuẩn mực xã hội. Vấn đề phân phối thu nhập đang là vấn đề bức xúc hiện nay trong xã hội, nó là lĩnh vực đang dung dưỡng những thói hư tật xấu và những ung nhọt của xã hội, đang che giấu những mưu toan xấu vị lợi ích cá nhân vị kỷ của những con người nhân danh tổ chức, những tập đoàn người... Vì vậy, để thực hiện được tư tưởng đúng đắn của Cương lĩnh về tiến bộ và công bằng xã hội, rất cần thiết phải có chủ trương, giải pháp và những con người tương xứng có thể kiểm soát được lĩnh vực phân phối thu nhập trong xã hội ta hiện nay, mổ xẻ thực trạng bất công trong phối hợp thu nhập, phanh phui các hình thức biến tướng của nó và truy tìm căn nguyên của thực trạng ấy. Mọi việc được công khai minh bạch, được giám sát và phản biện. Đó là cách tốt nhất để giải bài toán tiến bộ và công bằng xã hội hiện nay, thực hiện được tư tưởng công bằng xã hội của Hồ Chí Minh.

_____________

1.     Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.79.

2.     Giữa các thành phần kinh tế, giữa miền này và miền khác, giữa doanh nghiệp do nước ngoài đầu tư và doanh nghiệp do trong nước đầu tư…

3.     Sđd, tr.94.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website