Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một nền giáo dục Việt Nam hiện đại

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều công sức cho sự nghiệp xây dựng nền giáo dục nhân dân, phục vụ nhân dân và sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và chấn hưng đất nước. Trong kho tàng di sản của Người về giáo dục, chúng ta có thể tìm thấy và tiếp cận nhiều quan điểm khác nhau, trong đó có quan điểm nổi bật là xây dựng một nền giáo dục Việt Nam hiện đại. 

Sinh thời, ngay từ thuở ra đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ chí Minh đã có những nhận thức hết sức chính xác về vai trò của giáo dục. Người cho rằng chính dốt nát đã gây ra đói nghèo và cũng chính dốt nát đã đẩy cả một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, đã làm cho một quốc gia có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, có truyền thống quật cường, bất khuất phải chịu thất bại vì không nhận thức được thời đại, không tìm thấy con đường phát triển của chính mình. Có thể vì thế mà vào trạc tuổi 13, khi đã làm quen với những tư tưởng rất nổi tiếng của Cách mạng tư sản Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái, Người muốn sang phương Tây để tìm hiểu, xem đằng sau những từ hấp dẫn ấy là cái gì? Và bắt đâù từ ngày đó (5-6-1911), Người ra đi tìm đường cứu nước, tuyên truyền, giác ngộ và đấu tranh để thành lập Đảng (1930) giành chính quyền về tay nhân dân (1945) tiến hành các cuộc kháng chiến chống xâm lược... cho đến lúc từ giã cõi đời (2-9-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều công sức cho sự nghiệp xây dựng nền giáo dục nhân dân, phục vụ nhân dân và sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, chấn hưng đất nước. Trong kho tàng di sản của Người về văn hóa, giáo dục, chúng ta có thể tìm thấy và tiếp cận nhiều quan điểm cơ bản, quan trọng khác nhau. Ở bài viết này xin được nêu ba quan điểm theo chúng tôi là cơ bản, để xây dựng một nền giáo dục hiện đại của nước nhà: 

Một là, "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu"(1). Chúng ta có thể xem đây là quan điểm "gốc" của giáo dục, bởi vì quan điểm này đặt vấn đề giáo dục có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của một dân tộc. Có thể hiểu một cách nôm na là: dốt thì không thể phát huy được cả về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội - dốt sẽ thất bại trong tất cả và không thể vượt qua được cái rào cản của một dân tộc "nhược tiểu". Quan điểm này là kết quả của cả một quá trình khảo sát vòng quanh thế giới và đi đến nhận thức: hầu hết các nước thuộc địa và kể cả một số nước phụ thuộc đều là những quốc gia bị hạn chế rất nặng nề về giáo dục, bất cập với sự phát triển chung của nhân loại và ngày càng bị khoảng cách xa vời với văn minh và khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Chính vì thế mà Chủ nghĩa đế quốc đã dùng nó làm công cụ, làm chỗ dựa để nô dịch các dân tộc chịu thiệt thòi đó. Có thể nêu ra một số ví dụ như: Tại Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp (tháng 12 năm 1920), Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy tên là Nguyễn Ái Quốc đã lớn tiếng tố cáo: ở Đông Dương "nhà tù nhiều hơn trường học... chúng tôi không có quyền tự do báo chí và ngôn luận... chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt tối tăm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập". Trong bài Đông Dương đăng trên Tạp chí Thư tín quốc tế năm 1921, Nguyễn Ái Quốc đã viết: "Sự thật người Đông Dương không có một phương tiện hành động và học tập nào hết... Rượu cồn và thuốc phiện cùng báo chí phản động của bọn cầm quyền bổ sung cho cái công cuộc ngu dân của chính phủ. Máy chém và nhà tù làm nốt phần còn lại...". Trong "Bản án chế độ thực dân Pháp" (1925), Nguyễn Ái Quốc đã dẫn chứng rằng: ở xứ Goa-dơ-lúp 10.000 trẻ em không có trường học. Tại An-giê-ri, suốt 94 năm trong số 5 triệu dân chỉ có 35.000 học sinh được hưởng nền giáo dục nhỏ, còn 695.000 trẻ em khác phải chịu cảnh thất học. Tại Cao Miên chỉ có 60 trường cho hơn 2 triệu dân. Còn ở Nam Kỳ (Việt Nam) trong số hơn 2,5 triệu người chỉ có vẻn vẹn 51.000 em được đến trường... Bằng sự chứng minh như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng dốt sẽ dẫn đến đói nghèo, dốt sẽ dẫn đến mất nước và rơi vào vòng nô lệ. Và Người khái quát: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Chính sách ngu dân là một trong những chính sách độc ác mà thực dân Pháp dùng để cai trị nhân dân ta. 

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền cách mạng được xác định là "kiến thiết nền giáo dục" và "dốt" được coi là "giặc", một trong ba kẻ thù nguy hiểm "giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm". Bác đã kêu gọi toàn dân tham gia diệt giặc dốt. Những người chưa biết chữ cố gắng học cho biết chữ. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, những người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng, các chủ ấp, chủ đồn điền, chủ hầm mỏ, nhà máy thì mở lớp học cho những tá điền, những người làm của mình... Đồng thời, với việc lập Nha bình dân học vụ, Nha Giáo dục, Chính phủ của Cụ Hồ Chí Minh đã đạt kỳ tích hiếm có, chỉ trong 3 năm đã giải quyết được cơ bản nạn mù chữ, có hơn 8 triệu người được xóa nạn mù chữ. Số người được dạy nâng cao về các kiến thức thường thức tăng lên đáng kể. 

"1. Thường thức vệ sinh, để dân bớt đau ốm. 

2. Thường thức khoa học, để bớt mê tín. 

3. Bốn phép tính để làm ăn có ngăn nắp. 

4. Lịch sử và địa dư nước ta (vắn tắt bằng thơ hoặc ca) để nâng cao lòng yêu nước. 

5. Đạo đức công dân để thành người công dân đứng đắn". 

Đây có thể xem là kỳ tích, là cơ sở để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Bởi theo Người, "không có giáo dục, không có cán bộ, thì cũng không thể nói gì đến kinh tế, văn hóa". 

Thấm nhuần quan điểm đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng đường lối, chính sách và các chế tài để thực hiện một nền giáo dục toàn dân, nền giáo dục đồng đều, thực hiện bằng được các mục tiêu giáo dục phổ cập, giáo dục bắt buộc và giáo dục không mất tiền... Trong từng giai đoạn lịch sử và các điều kiện khác nhau, nền giáo dục nước ta không xa rời các mục tiêu giáo dục mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Bài học của các nước xung quanh ta như Nhật Bản sau năm 1945, Hàn Quốc sau năm 1953 và Xin-ga-po, Thái Lan rất đáng cho chúng ta suy nghĩ. 

Hai là, "Học phải đi đối với hành":(2) 

Để đào tạo nên những người tài đức cho công cuộc kiến thiết nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Học phải đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội. Quan điểm này của Người có ý nghĩa từ vi mô đến vĩ mô trong việc hoạch định các chương trình giáo dục, mục đích đào tạo, giải quyết mối quan hệ giữa chính sách, chế tài của Nhà nước với xã hội hóa giáo dục. Trong cuốn sổ vàng của trường Nguyễn Ái Quốc năm 1949, khi đến thăm cán bộ, học sinh nhà trường, Người đã viết: 

"Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại". 

Muốn đạt mục đích thì phải: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Nói chuyện tại Hội nghị toàn quốc lần thứ I về công tác huấn luyện và học tập ngày 6-5-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích hết sức cụ thể và thuyết phục về mối quan hệ giữa học và hành. Bài nói này thực sự là một văn kiện quan trọng phục vụ thiết thực cho ngành giáo dục nước ta trong điều kiện "cải cách" chồng lên "cải cách" hiện nay. Trong văn kiện này, Bác đã phân tích về vấn đề thiết thực và chu đáo trong huấn luyện "chống hữu danh vô thực" chống bệnh thành tích, đồng thời Người còn chỉ ra đối tượng cần được huấn luyện (học tập), chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm và đặc biệt là xác định và huấn luyện cái gì? (phải huấn luyện lý luận, huấn luyện công tác, huấn luyện văn hóa, huấn luyện chuyên môn). Người phân tích cách huấn luyện như thế nào cho tốt, sử dụng những tài liệu nào cho kết quả, và rất chú trọng đến vấn đề tự học... Bác khẳng định: "Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì không trôi chảy". Bác đặc biệt chú trọng đến thế hệ trẻ trong việc học và hành. Bác khuyên: "Các cháu học sinh không nên học gạo, không nên học vẹt. Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau"(3). 

Làm theo những lời dạy của Bác, trong những giai đoạn khó khăn nhất 

của cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã đào tạo được nhiều cán bộ tốt, nhiều nhà khoa học, nhà chuyên môn vừa có trình độ cao, vừa có tinh thần yêu nước nồng nàn, sẵn sàng xả thân vì độc lập của Tổ quốc và tự do của nhân dân. Chúng ta đã thành công trong việc "công nông trí thức hóa và trí thức công nông hóa". Trong các trường học không chỉ giảng dạy lý thuyết mới, mà còn gắn lý thuyết với thực tế để kiểm nghiệm lý thuyết, phục vụ đời sống nhân dân và sự phát triển của đất nước. Nắm vững quan điểm "học đi đôi với hành", học để làm việc, học để phục vụ thiết thực cho cuộc sống, chúng ta sẽ có định hướng, biện pháp và quyết tâm để giải quyết có hiệu quả những tồn tại về sự mất cân bằng trong quy mô đào tạo dẫn đến tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ", tình trạng đào tạo mà không sử dụng được, đào tạo một nghề sử dụng một công việc khác. Khắc phục tình trạng chất lượng đào tạo không ổn định và có chiều hướng không đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhất là không đủ trình độ hội nhập với khu vực và quốc tế. Ví dụ: năm 1975, mặt bằng giáo dục của ta so với Thái Lan là tương đương, thì đến năm 2000, ở những ngành học tiên tiến, Thái Lan đã tiến xa ta đến 50 bậc. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị về chất lượng giáo dục và kỹ năng sống thì chất lượng giáo dục nước ta chỉ đạt 3,7 điểm trên thang điểm 10. Trong số 12 nước châu Á được lựa chọn thì Việt Nam đứng thứ 11... "cải cách" giáo dục của nước ta đã trở thành vấn đề phức tạp, không chỉ đau đầu các nhà giáo dục, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục mà cả người dân. Hình ảnh những đứa trẻ với cặp kính dầy cộm và chiếc ba lô nặng trĩu những sách giáo khoa, sách đọc thêm, sách hướng dẫn, sách bổ sung đã quá quen thuộc. Hằng năm đều đưa ra các chương trình cải cách như: "cải cách" chữ viết, "cải cách" phương pháp dạy, "cải cách chương trình học"... khiến học trò sợ "cải cách" đã đành, phụ huynh cũng sợ "cải cách" và đặc biệt là xã hội không thể không quan tâm và lo lắng đến "cải cách" giáo dục của nước nhà. Nghiên cứu đầy đủ và vận dụng quan điểm "học đi đôi với hành" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta còn khắc phục được vấn nạn "bằng giả - học giả", "bằng thật - học giả"... đang tạo ra một xã hội chạy đua bằng cấp làm ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu "học ra học, dạy ra dạy" và "thầy ra thầy, trò ra trò" hiện nay. Phải xem quan điểm "học đi đối với hành" vừa là mục đích, vừa là phương pháp, vừa là đạo đức giáo dục của xã hội ta để thực hiện được nền giáo dục toàn dân đi vào công nghiệp hóa và hiện đại hóa một cách vững chắc. 

Ba là, xây dựng một xã hội học tập và học tập suốt đời. 

Thực tế đã chứng minh rằng một xã hội giàu mạnh, văn minh, ổn định, bền vững thì yếu tố phát triển đồng đều là đặc biệt quan trọng, đương nhiên phát triển đồng đều không phải là bình quân hay cào bằng. Trong lĩnh vực giáo dục, sự phát triển đồng đều càng có vai trò quan trọng trong ổn định và phát triển xã hội. Đó chính là cơ sở để Chủ tịch Hồ Chí Minh kiến tạo và xây dựng một nền giáo dục toàn dân. Người nhấn mạnh: "giáo dục là sự nghiệp của quần chúng"(4); không phân biệt già, trẻ, gái, trai, cứ là người Việt Nam thì phải tham gia học tập, tham gia xóa nạn mù chữ. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1954 đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 700 lần đi thăm cơ sở. Có thể nói, ở bất kỳ đâu và với đối tượng nào, Bác cũng căn dặn phải học tập để nâng cao trình độ, để hiểu biết được nhiều và phục vụ được tốt. Bác nhắc nhở: "Từ trước đến nay, đồng bào ta đã hết lòng giúp đỡ công việc giáo dục. Tôi mong rằng từ nay về sau, đồng bào sẽ cố gắng giúp đỡ nhiều hơn nữa cho trường học và ai cũng tự mình cố gắng học tập"(5). Nói với học sinh, thanh niên, Bác càng nhấn mạnh hơn nhiệm vụ học tập "chỉ có không ngừng học tập thì mới tiến bộ mãi". Đến thăm các thầy cô giáo, Bác cũng không quên nhắc nhở "phải không ngừng học tập để bồi bổ kiến thức mà dạy cho học sinh ngày một tốt hơn". Chỉ có xây dựng được một "xã hội học tập" thì mới thực hiện được vấn đề "học tập suốt đời" và ngược lại, mỗi con người Việt Nam, mỗi công dân Việt Nam có lấy học tập là mục đích, là công việc suốt đời thì mới đóng góp được vào việc xây dựng một xã hội học tập. 

Quan điểm xây dựng một xã hội học tập và học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một quan điểm giáo dục hiện đại, đặc biệt là trong điều kiện khoa học - kỹ thuật phát triển cực kỳ nhanh chóng, khoa học xã hội và nhân văn cũng không ngừng đổi mới, kiến thức của con người luôn luôn bị lạc hậu, nên không học tập thì chắc chắn sẽ bị thụt lùi. Mặt khác, thấm nhuần quan điểm xây dựng một xã hội học tập và học tập suốt đời, sẽ giải quyết được một vấn đề không nhỏ hiện nay là quá trọng hình thức về môi trường đào tạo, chạy trường, chạy lớp, chạy ngành, chạy nghề, coi nhẹ chất lượng và làm mất động cơ rất quan trọng của giáo dục là tự học dưới mọi hình thức. Ở nước ta, ngoài việc đào tạo chính quy, bài bản cần phải đẩy mạnh phong trào tự học, tự đào tạo, tự bồi dưỡng và nâng cao kiến thức. Thực tế cho thấy, có người nông dân bình thường chưa có bằng cấp nhưng nhờ tự học đã chế tạo được máy gặt, máy xạ hạt và có người thợ bình thường đã chế tạo thành công Rô bốt - một lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật cao. Nếu, không tự học họ không thể tự làm được những công việc kỹ thuật tinh vi, phức tạp đó. 

Nếu chúng ta giải quyết tốt vấn đề xây dựng một xã hội học tập và học tập suốt đời thì chủ trương xã hội hóa giáo dục mới thực sự có chiều sâu, vấn đề công bằng xã hội trong giáo dục mới có sức thu hút và hấp dẫn với mọi người. Đương nhiên, để giải quyết được thì phải có chế tài chế định cụ thể mà trước hết là những người tự học phải được thi tuyển lấy bằng và được tuyển dụng. Thấm nhuần quan điểm này một cách đầy đủ và vận dụng nó một cách khoa học còn có tác dụng rất lớn đối với chiến lược phát triển nguồn lực chất lượng cao của nước ta hiện nay và một trong bốn nguồn lực đó là lao động, trong nguồn lực lao động thì vấn đề chất lượng người lao động lại là yếu tố hàng đầu. Chất lượng nguồn lao động của nước ta hiện nay còn thấp, ngoài vấn đề sức khỏe và bệnh nghề nghiệp, thì số liệu điều tra năm 2002 cho thấy, lao động nước ta số mù chữ là 3,74%, số chưa qua cấp 1 là 15,96%, số ở trình độ cấp 1 là 31,83%, cấp 2 là 32% và cấp 3 là 13,08%. Bình quân số năm đi học mới đạt xấp xỉ 7,3 năm. Trong khi đó In-đô-nê-xi-a là 10 năm, Hàn Quốc là 15 năm, Trung Quốc là 13 năm, Phi-líp-pin là 11 năm và Lào là 8 năm... Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã đặt vấn đề giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã đặt ra một số chủ trương cụ thể như: Phấn đấu đến năm 2010: Hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; đạt 200 sinh viên đại học và cao đẳng/10.000 dân; lao động đã qua đào tạo chiếm 40% tổng lao động xã hội. Muốn đạt được các chỉ tiêu đó, ngành giáo dục và đào tạo cần phải thấm nhuần quan điểm giáo dục hiện đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các phương pháp thực hiện mà Người đã trải nghiệm và căn dặn chúng ta. 

Giáo dục - đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Giáo dục - đào tạo còn được coi là máy cái để tạo ra sự phát triển của đất nước. Chìa khóa để thực hiện có hiệu quả quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một nền giáo dục Việt Nam hiện đại chính là phải: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý giáo dục, thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, chấn hưng nền giáo dục Việt Nam. Đây là nhiệm vụ cơ bản và bao trùm của sự nghiệp xây dựng một nền giáo dục Việt Nam hiện đại theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Theo Đỗ Đức Hinh, Tạp chí Cộng sản tháng 9/2006

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website