Bài học lịch sử: Trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh

l. Sự khác nhau của các bài học có cùng nội dung độc lập dân tộc và 

chủ nghĩa xã hội 


Từ Đại hội IV (12-1976) đến nay, tổng kết lịch sử cách mạng Việt Nam, Đảng ta thường nêu bài học kinh nghiệm về độc lập dân tộc và CNXH. Trong đó có thể chia thành hai dạng trình bày: 

- Đại hội IV (12-1976), Đại hội VII (6-1991) đều trình bày cùng quan điểm. Đại hội IV khởi xướng bài học kinh nghiệm này và lý giải kỹ qua nhiều tài liệu cụ thể. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH cho rằng: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH. Đó là bài học xuyên suốt quá trình cách mạng nươc ta”. 

- Từ Đại hội VIII (6- 1996) đến nay đều trình bày theo quan điểm như Đại hội X (4-2006): “Trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. 

Những điểm khác nhau của hai cách trình bày trên có thể nhận thấy: 

1. Cách trình bày trước (từ Đại hội VII về trước) là tổng kết toàn bộ lịch sử cách mạng Việt Nam. Coi đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử từ khi có Đảng. Cách trình bày sau là bài học chỉ của quá trình đổi mới. Như vậy phạm vi bao quát của kinh nghiệm không đồng nhất. 

2. Cách trình bày trước coi đây là “ngọn cờ” lý luận, tư tưởng có vai trò như “Sợi chỉ đỏ xuyên suốt” để giải quyết thành công một loạt vấn đề của đường lối cách mạng và tạo ra sức mạnh bách chiến bách thắng. Cách trình bày sau đều coi đây là mục tiêu của cách mạng. Mục tiêu cách mạng là một trong những vấn đề chiến lược của đường lối chính trị. Lý luận, tư tưởng và chiến lược cách mạng, hay mục tiêu với cách mạng, có liên quan nhau nhưng không phải là một. Vì vậy, để xác định cơ sở lý luận và tư tưởng của kiên định mục tiêu chiến lược, các Đại hội sau nêu thêm “trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. 

3. Cách trình bày trước coi đây là “nguồn gốc” của mọi thắng lợi, là “ngọn cờ vinh quang” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho các thế hệ Việt Nam. Cách trình bày sau coi đây là vấn đề cần “giữ vững”, “kiên trì”, “kiên định”. Là “nguồn gốc” là “ngọn cờ” có nghĩa là còn phải khai thác, vận dụng mới có đáp số, có lời giải cho yêu cầu của thực tiễn; nó chi phối mọi vấn đề của cách mạng. Còn “kiên định”, “giữ vững” là bảo vệ vững chắc, không hề lay chuyển cái đã có, đã xác định. Đó là mục tiêu cách mạng đúng đắn. Nguồn gốc ở đây là của toàn bộ vấn đề cách mạng, kiên định ở đây là một vấn đề: mục tiêu cách mạng. 

Đó là 3 vấn đề khác nhau của 2 dạng bài học lịch sử có đề cập đến độc lập dân tộc và CNXH. Không nên nhầm lẫn và không thể nhầm lẫn. Tuy khác nhau nhưng không phủ định nhau mà còn làm phong phú thêm bài học kinh nghiệm lịch sử của cách mạng Việt Nam. 

2. Lý do phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. 

Mục tiêu này là sự lựa chọn của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta từ đầu thế kỷ thứ XX. Mục tiêu độc lập dân ta đã đạt được thắng lợi quyết định. Mục tiêu CNXH đã vượt qua chặng đường đầu, đang ở chặng đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thời kỳ quá độ lâu dài. Hai mục tiêu này quan hệ khăng khít với nhau. Trong khi thực hiện mục tiêu này vẫn không quên kết hợp với mục tiêu kia. Mục tiêu độc lập dân tộc bao gồm quyền làm chủ của dân tộc đối với Tổ quốc thống nhất, quyền tự quyết định của dân tộc về con đường phát triển của đất nước; quyền bình đẳng mọi mặt trong quan hệ đối với các quốc gia dân tộc trên thế giới. Độc lập dân tộc chỉ triệt để, hoàn thiện khi xây dựng thành quốc gia cường thịnh, khi không còn nguy cơ xâm lược. Điều đó chỉ đạt được khi xây dựng thành công CNXH trên đất nước ta và cơ bản trên toàn thế giới. Vì vậy, hiện nay phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. 

Mục tiêu CNXH là đạt đến trình độ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là xã hội có hình thái kinh tế-xã hội đạt trình độ cao. Mọi người đều được giải phóng khỏi áp bức, bất công. Đó là xã hội có mô hình được xác định ở cương lĩnh năm 1991 và Đại hội X bổ sung. Đạt trình độ ấy là chúng ta có độc lập dân tộc hoàn thiện và CNXH đích thực, lịch sử dân tộc sẽ chuyển sang kỷ nguyên xây dựng chủ nghĩa cộng sản. 

Kiên định mục tiêu có nghĩa là mục tiêu được xác định là đúng đắn. Đó là quy luật cơ bản của lịch sử Việt Nam, phù hợp với xu thế thời đại. Mọi mục tiêu khác đều không khách quan nên không thể chấp nhận. Độc lập dân tộc không gắn với CNXH là độc lập nửa vời, hoặc giả hiệu không thoát khỏi bàn tay chỉ huỷ của các nước lớn. CNXH không dựa trên độc lập dân tộc thì không còn là CNXH đích thực. Độc lập dân tộc và CNXH là chân lý của thời đại nên sự lựa chọn mục tiêu đó của dân tộc ta là chính xác. 

Hai mục tiêu đó đã giữ vững và thực hiện trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Sở dĩ trong quá trình đổi mới phải nhấn mạnh kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, vì đến lúc này xuất hiện những yếu tố mới tác động tiêu cực làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hoang mang, dao động về mục tiêu đã chọn. Đó là : 

Đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng và kéo dài không phù hợp với hình ảnh CNXH mà nhân dân mong chờ. 

- Liên xô và các nước XHCN Đồng Âu đã phát triển trình độ cao nhưng bị sụp đổ nhanh chóng; hệ thống XHCN được coi là nhân tố quyết định chiều hướng phát triển của lịch sử thế giới, bị tan rã; CNXH chỉ còn lại ở mấy nước trình độ kinh tế thấp kém. Hiện tượng nào đã gây cú “sốc” lớn về lòng tin vào CNXH. 

-CNTB vẫn phát triển mạnh về kinh tế và quân sự, đang làm mưa làm gió trong đời sống kinh tế và chính trị thế giới, không như đã hình dung là nó đang “giẫy chết” ngay. Những thủ đoạn tấn công tư tưởng của CNTB càng làm tăng thêm tinh thần hoang mang dao động. 

Thực tiễn ấy tác động trực tiếp làm lung lay lòng tin vào chủ nghĩa xã hội là không tránh khỏi. Đây là sự lung lay rất nguy hiểm. Vì vậy nhiệm vụ quan trọng là phải giữ vững lòng tin, kiên định mục tiêu đúng đắn đã lựa chọn. Đổi mới dễ dẫn tới ngộ nhận về con đường, mục tiêu cách mạng, nên phải khẳng định rõ giá trị mục tiêu đã chọn, con đường phải đi. Đổi mới nhưng dứt khoát không đổi mới mục tiêu. 

Kiên định mục tiêu phải dưa trên cơ sở lý luận, tư tưởng khoa học và thực tiễn vững chắc: không phải hô khẩu hiệu để trấn an hay lên gân để che lấp sự lầm lỡ. 

3. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH như thế nào ? 

- Để kiên định trước hết phải xuất phát từ lòng tin. Mất lòng tin là mất tất cả. Độc lập dân tộc và CNXH là chân lý của tất cả các dân tộc trong thời đại hiện nay. Mục tiêu của dân tộc Việt Nam nằm trong mục tiêu chung của nhân dân thế giới đang đấu tranh thực hiện: hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Những thành tựu của cách mạng Việt Nam, của phe XHCN trước đây và của nhân dân thế giới đã chứng minh khả năng hiện thực của độc lập dân tộc gắn liền CNXH. Đó là con đường tất yếu của lịch sử, nhưng phải vượt nhiều chông gai mới đạt mục đích. Nhận thức và đồng tình với những mục tiêu đó mới đem lại lòng tin. Khi lòng tin vững vàng thì tự giác kiên định mục tiêu và tự giác đấu tranh thực hiện mục tiêu đó. Xây dựng lòng tin trước hết và quan trọng hơn hết là nhận thức đúng quy luật. Cách mạng thường bắt đầu từ tay không, nhưng sức mạnh của lòng tin vững chắc trên cơ sở nhận thức quy luật cách mạng đã vượt qua tất cả để có thắng lợi. Lòng tin hiện nay còn có thực tiễn mới thành công chứng minh. Thực tiễn tác động trực tiếp đến lòng tin. Nhưng cũng có những thực tiễn gây hoài nghi dao động. Vì vậy công tác tư tưởng có vị trí định hướng nhận thức rất quan trọng. 

- Kiên định mục tiêu phải trải nghiệm trong mọi hoàn cảnh, lúc thuận lợi cũng như khi gặp khó khăn, thậm chí trong thất bại tạm thời hay thoái trào cách mạng. Lịch sử cách mạng Việt Nam và thế giới đều trải qua những tình huống như thế, nhiều khi đứng trước những thử thách tưởng như không vượt qua được, nhưng nhờ kiên định mục tiêu nên phát huy sức sáng tạo để thành công. Cùng với vượt khó khăn, người cách mạng còn phải có tầm nhìn chiến lược và khát vọng giải phóng dân tộc triệt để với ý chí kiên cường, bất khuất mới thực sự kiên định mục tiêu. Đây là mục tiêu cơ bản, lâu dài, phải qua nhiều chặng đường gian khổ và phức tạp, phải đối phó với nhiều yếu tố tiêu cực khó lường trước nên phải có những điều kiện nói trên mới thực hiện được sự kiên định. 

Kiên định mục tiêu phải gắn liền với nâng cao tri thức và hoạt động thực tiễn hướng tới mục tiêu. Mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã có căn cứ lý luận tư tưởng vững chắc và đã qua kiểm nghiệm, nhưng phải cụ thể hóa từng phần, từng bộ phận để hình dung ngày càng chi tiết hơn. Điều đó không thể diễn ra bằng trí tưởng tượng mà phải bằng hoạt động thực tiễn, bằng quá trình đấu tranh, xây dựng để tiến lên từng bước, từng chặng đường. Khai phá con đường đi tới một chế độ xã hội mới không thể một lúc có thể nhìn thấy đầy đủ mọi vấn đề. Phải vừa làm vừa học để nâng cao trình độ là con đường kiên định mục tiêu và tiến tới mục tiêu ngày càng hiệu quả hơn. Kiên định hoàn toàn khác bảo thủ, cố định. Cố định và bảo thủ đều trái khoa học, trái quy luật phát triển, chắc chắn sẽ bị loại trừ, nhất là trong hoàn cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế hiện nay. 

- Kiên định mục tiêu phải đi liền với đổi mới, kiên định trong đổi mới, để đổi mới đúng đắn và hiệu quả cao. Đổi mới không nắm vững mục tiêu sẽ có nguy cơ lạc hướng hoặc tụt hậu, hoặc mất cảnh giác. Đổi mới không có nghĩa là phủ nhận quá khứ, nhưng cũng do chưa bằng lòng với quá khứ, nên phải biết chọn lọc để kế thừa những ưu điểm của quá khứ. Đồng thời biết sáng tạo những hình thức, bước đi, biện pháp để làm sáng tỏ mục tiêu hơn và đi đến mục tiêu nhanh hơn. Đi chệch mục tiêu trong đổi mới hiện nay là rất nguy hiểm, chưa nói đến kẻ thù dân tộc đang chờ đợi điều đó để đẩy nhanh sự chệch hướng này. Như vậy kiên định mục tiêu không chỉ dừng lại ở nhận thức, lập trường, mà để hành động, thể hiện ở hành động để thúc đẩy công cuộc đổi mới. 

- Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH phải dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Dựa vào nền tảng tư tưởng đó, Đảng ta đã giải quyết thành công mọi vấn đề của cách mạng, trong đó có vấn đề mục tiêu. Bài học lớn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH là kết quả vận dụng sáng tạo lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào đặc điểm nước ta. Để kiên định mục tiêu trong hoàn cảnh hiện nay càng phải dựa vững chắc vào nền tảng tư tưởng đó. Ngược lại mục tiêu được kiên định bền vững càng làm sáng tỏ giá trị chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu dựa vào nền tảng tư tưởng khác không còn mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Do đó muốn kiên định mục tiêu phải kiên định nền tảng tư tưởng của nó. 

Mục tiêu đã chọn là của cả dân tộc, Đảng cộng sản Việt Nam cũng đồng thời Đảng của cả dân tộc; nên chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là nền tảng tư tưởng của cả dân tộc. Vì vây, phải dựa vào nhân dân, phải được toàn dân đồng tình nhất trí thì chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mới là nền tảng tư tưởng vững chắc, mục tiêu cách mạng mới kiên định không gì lay chuyển được. Có sức mạnh của nhân dân thì có thể kiên định bất cứ vấn đề gì. 

4. Đổi mới phải dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Trên thực tế, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí và nền tảng tư tưởng của Đảng là kim chỉ nam cho hành động cách mạng đã được Đảng ta thực hiện từ khi thành lập Đảng đến nay. Bước vào đổi mới, Nghị quyết trung ương 6 (khóa VI) tháng 3-1989 nhấn mạnh thành nguyên tắc: “Chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tương của Đảng ta, chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”. Đại hội VII (6-1991) bổ sung thêm, đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào vị trí nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động bên cạnh chủ nghĩa Mác-Lênin. Đây là bước phát triển nhận thức lý luận của Đảng ta. Từ đó nội dung trên trở thành bài học lớn của quá trình đổi mới và cũng là một nguyên tắc của công cuộc đổi mới. 

Đổi mới phải khắc phục tư tưởng hoài nghi, dao động về giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hơn nữa là chống thái độ xa rời hay từ bỏ nền tảng tư tưởng ấy. Đổi mới phải bám chắc vào một hệ tư tưởng nhất định để xây dựng CNXH đúng thực chất đáp ứng nguyện vọng nhân dân. Ngoài chủ nghĩa Mác-Lênin, tưởng Hồ Chí Minh nếu dựa vào hệ tư tưởng khác trong tình hình hiện nay sẽ không tránh khỏi sai lầm, sẽ không thoát khỏi trận địa tư tưởng tư sản dưới dạng ngụy trang hoặc công khai, trực diện. Nói nền tảng tư tưởng và kim chỉ lam cho hành động là nói đến độ bền vững của quan điểm, lập trường, của ý chí và tri thức khoa học cách mạng tạo thành cốt cách, bản lĩnh của người cách mạng; nói đến chí hướng, soi đường cho hành động cách mạng bằng phương pháp luận khoa học trong giải quyết yêu cầu của thực tiễn. Sau thời gian trả giá bằng khủng hoảng kinh tế-xã hội, bởi chủ nghĩa giáo điều, bởi duy ý chí, nóng vội và không hành động theo quy luật, Đảng đã đứt khoát khẳng định rõ vai trò chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là nguyên tắc xây dựng Đảng, là quy luật vận động của công cuộc đổi mới ở nước ta. Điều đó có nghĩa là phải loại trừ khỏi mọi biểu hiện hoang mang, dao động về tư tưởng trong mọi hoàn cảnh. Nói là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động chỉ có ý nghĩa khi vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn. Từ nhận thức lý luận, tư tưởng đến khi có đường lối, chủ trương, chính sách đúng là một khoảng cách đầy thử thách, đòi hỏi phải giàu sức sáng tạo mới vượt qua. Vì mỗi quốc gia dân tộc có những đặc điểm riêng quyết định con đường, bước đi, biện pháp và diện mạo của CNXH, không thể dập khuôn theo nước khác. Nhưng sáng tạo như thế nào để không rơi vào bảo thủ và cũng không trượt sang sai lầm. Nhìn thấy biên độ của sáng tạo là vấn đề khó khăn nhất của xây dựng CNXH. Vì vậy cần phải có sự lãnh đạo của một Đảng với bản lĩnh chính trị vững vàng và trình độ trí tuệ cao, đồng thời phát huy năng lực sáng tạo của toàn dân tộc. Khởi đầu bằng đổi mới tư duy để thực hiện đổi mới quá trình xây dựng CNXH. Đảng ta đã vượt qua chủ nghĩa giáo điều, chủ trương vừa vận dụng sáng tạo, vừa phát triển lý luận Mác- lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh qua hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổng kết lý luận - thực tiễn 20 năm đổi mới của Đại hội X đã cho thấy sự phát triển nhận thức của Đảng. Mặc dầu còn có những vấn đề của thực tiễn đặt ra chưa giải đáp được, nhưng Đảng ta khẳng định: “Trong những năm đổi mới Đảng ta đã có sự nhận thức đúng hơn và bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trên một loạt các vấn đề (chẳng hạn: Vấn đề mục tiêu của CNXH, Vấn đề Sở hữu tư liệu sản xuất, vấn đề phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền định hướng XHCN vv… ). Nhờ đó tư duy lý luận của Đảng ngày càng sâu sắc hơn, nhận thức đúng đắn hơn thực chất những tư tưởng của các nhà kinh điển Mác xít, đồng thời có sự vận dụng, phát triển phù hợp hơn với thực tiễn Việt Nam”. Với trình độ nhận thức hiện nay, nhìn lại những năm trước đổi mới, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về sự tiến bộ của mình. Đó là cơ sở của niềm tin vào chặng đường sắp tới. 

Nói chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động không có nghĩa là khép kín, đóng cửa. Mở rộng giao lưu và tiếp thu thành tựu của các ngành khoa học khác là một yêu cầu của phát triển tư tưởng nền tảng. Những thành tựu mới của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học-công nghệ vừa làm rõ thêm giá trị chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vừa đặt ra những vấn đề mới cần được lý giải để phát triển lý luận, tư tưởng. Cuộc đấu tranh chống các loại tư tưởng đối lập hiện đại đòi hỏi công tác tư tưởng, lý luận phải đứng ở thạch động nên phải vừa hiểu đầy đủ những luận điệu của kẻ thù vừa phải tự nâng cao trình độ, mài sắc luận điểm mới có thể chiến thắng. Trình độ dân trí ngày càng cao, việc tiếp nhận thông tin hàng ngày từ nhiều nguồn và đa đảng, Đảng phải đủ sức hướng dẫn nhận thức. Cách mạng XHCN diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, liên quan đến tri thức của tất cả các ngành khoa học đòi hỏi Đảng phải tiếp thu có chọn lọc để làm căn cứ, cơ sở cho việc xác định đường lối, chủ trương. Không làm giàu tri thức bằng tiếp thu những thành tựu khoa học thì khó giữ vững nền tảng tư tưởng như đã tuyên bố. Nhưng việc làm giàu tri thức ấy chỉ có thể vững chắc khi dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để chọn lọc. Vì vậy, nền tảng tư tưởng không phải là sự đông cứng, đơn điệu mà phải có sức sống sinh động bằng việc cởi mở để tiếp nhận những thức tiên tiến của khoa học. Các khó của vấn đề ở đây là không rơi vào chủ nghĩa xét lại, cơ hội hay chủ nghĩa đa nguyên, tư tưởng thực dụng. Đổi mới phát triển càng nhanh đòi hỏi sự nhạy bén và tỉnh táo càng cao trước mọi xu hướng tư tưởng. Mỗi bước đi lên của đổi mới đều tăng thêm lòng tin và niềm phấn khởi, nhưng cũng kèm theo những băn khoăn trước những vấn đề mới đang được đặt ra trong thực tiễn. Cách mạng Việt Nam thường đi lên như thế. 

Theo Tạp chí Tư tưởng Văn hoá, tháng 9/2006

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website