Đoàn kết các dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài của sự nghiệp cách mạng nước ta

Nước ta là một trong các quốc gia nhiều dân tộc, trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, các dân tộc luôn kề vai sát cánh, gắn bó máu thịt bên nhau trong đấu tranh chống ngoại xâm, chống thiên tai địch họa và dựng xây đất nước. Các dân tộc nước ta là một cộng đồng thống nhất trong đa dạng; bản sắc văn hóa từng dân tộc tạo nên sự phong phú của nền văn hiến Việt Nam. Ðoàn kết các dân tộc là đường lối của Ðảng ta đã xác định ngay từ những ngày đầu mới thành lập và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Báo cáo của BCH T.Ư Ðảng khóa IX về các văn kiện Ðại hội X của Ðảng do đồng chí Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh trình bày ngày 18-4-2006 đã khẳng định: 

"Ðảng ta luôn coi vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài của sự nghiệp cách mạng nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". 

Nhận định trên xuất phát từ sự phân tích sâu sắc các đặc điểm cơ bản về dân tộc ở nước ta: (1) Các dân tộc Việt Nam có lịch sử gắn bó lâu đời trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. (2) Các dân tộc sống xen kẽ với nhau và phân bố trên địa bàn rộng lớn, trong đó đại bộ phận các dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi, vùng cao, biên giới... nơi có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế và quốc phòng. (3) Quá trình phát triển trong lịch sử đã để lại sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc. (4) Cơ cấu dân số các dân tộc không đồng đều, song mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam. (5) Các dân tộc đều có chung vận mệnh lịch sử, gắn với sự ra đời và phát triển của Tổ quốc Việt Nam thống nhất. 

Vấn đề dân tộc ở nước ta vào đầu thế kỷ 20 đã đặt ra trên cơ sở những hệ tư tưởng khác nhau: Các sĩ phu yêu nước từ sau phong trào Cần Vương đấu tranh chống lại chế độ cai trị thực dân để giành chủ quyền dân tộc và duy trì sự thống trị của chế độ quân chủ chuyên chế theo ý thức hệ nho giáo, phong kiến. Các chí sĩ yêu nước theo hệ tư tưởng tư sản, tiêu biểu như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học... đấu tranh giành độc lập dân tộc để phát triển đất nước theo hướng cộng hòa dân chủ như một số nước phương Tây lúc bấy giờ. Khuynh hướng thứ ba là đấu tranh cho tự do, dân chủ của nhân dân theo đường lối do Ðảng Cộng sản Việt Nam đề ra. Qua các phong trào đấu tranh từ nhiều thập niên của cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đi đến khẳng định rằng: Vận mệnh dân tộc chỉ có thể được bảo đảm, tự do dân chủ và bình đẳng dân tộc chỉ có thể có được bằng con đường cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo. 

Ngày nay, đọc lại "Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt" của Ðảng ta do Bác Hồ khởi thảo, đã chỉ rõ quan điểm về dân tộc trên cơ sở phân tích sâu sắc mối quan hệ biện chứng giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và quốc tế, dân tộc và thời đại. Người đã tìm ra động lực cho cách mạng nước ta phù hợp lý tưởng giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội. Với tư duy khoa học và cách mạng, thấm đượm sâu sắc văn hóa phương Ðông, Người đã chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc ở nước ta với hai lĩnh vực trên hai phương diện tổng quát là: 

- Nước ta, từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, vấn đề dân tộc trước tiên đặt ra là giành độc lập tự do cho toàn dân tộc; cho mọi người dân cả nước, cả dân tộc đa số và các dân tộc thiểu số từ thân phận người nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước. 

- Là một quốc gia nhiều dân tộc, giải quyết vấn đề dân tộc ở đây là xác định đường lối, hoạch định chính sách để đưa các dân tộc thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. 

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Ðảng và Nhà nước ta đã tổng kết các thời kỳ, giai đoạn lịch sử cụ thể và đổi mới nội dung chính sách, phương thức lãnh đạo và biện pháp tổ chức thực hiện chính sách dân tộc nói chung, chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng để từng bước khắc phục sự chênh lệch về mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các dân tộc, làm cho lý tưởng "Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ" ngày càng được hiện thực hóa một cách đầy đủ hơn. 

Ðể hoạch định chính sách dân tộc phù hợp với đặc thù của mỗi vùng, miền, của từng đối tượng cụ thể và để chính sách ban hành ra sớm đi vào cuộc sống, chúng ta đã tiến hành phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo điều kiện địa lý tự nhiên; theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Bước đầu là phân định: Miền núi, vùng cao, vùng có miền núi và vùng đồng bằng có dân tộc thiểu số sinh sống. Tiếp đó, phân chia vùng đồng bào dân tộc thiểu số thành ba khu vực theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội (theo năm tiêu chí: Về đời sống; về cơ sở hạ tầng; về các yếu tố xã hội; về điều kiện sản xuất và về điều kiện tự nhiên của địa bàn cư trú). Từ việc phân định này đã hình thành và triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135) từ năm 1998. 

Với việc lựa chọn các xã đặc biệt khó khăn, vùng nghèo nhất nước để tập trung đầu tư là sự đổi mới về nhận thức và phương pháp xây dựng chính sách dân tộc và tổ chức thực hiện công tác dân tộc. Nếu như trước đây chúng ta thực hiện chính sách dân tộc thường là theo lộ trình "Dễ làm trước, tiến dần đến những vùng khó khăn hơn", thì nay đổi lại, chọn nơi khó nhất, nghèo nhất để tập trung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ. Ðổi mới cách làm như vậy đã góp phần tác động rất lớn trong việc thu hẹp khoảng cách chênh lệch, phân cực giàu nghèo trong xã hội hiện nay, mà cực nghèo phần lớn "rơi vào" vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Ðây là vấn đề cơ bản của việc đổi mới nội dung và phương thức công tác dân tộc mà hiện nay đang thực hiện. 

Như vậy, định hướng của việc hoạch định chính sách dân tộc là tập trung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ theo vùng đã mang lại kết quả to lớn, nhất là về kết cấu hạ tầng, với phương châm mọi người dân thuộc mọi dân tộc, sinh sống tại các địa bàn đặc biệt khó khăn đều được thụ hưởng chính sách trong vùng của chương trình đó. Tuy nhiên, chính sách theo vùng cũng có những hạn chế đối với những địa bàn giáp ranh (xã và thôn, bản) với địa bàn các chương trình mục tiêu nói trên, tuy có những điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội tương tự nhưng không được hưởng chính sách, do không thuộc phạm vi chương trình bởi theo địa giới hành chính. Từ hiện tượng này có thể dẫn đến sự "so bì, thắc mắc" của người dân, và có lúc cả cấp chính quyền địa phương, nếu không giải thích rõ và hiểu đúng, dễ bị dẫn đến sự kích động, xuyên tạc "bất bình đẳng, không công bằng" của các thế lực thù địch. Do đó, đối với chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, phải tính tới đơn vị thôn, bản, thậm chí tới từng hộ gia đình. Tuy nhiên, khi thực hiện các chính sách này cần tránh cách làm kiểu "bình quân, cào bằng", hạn chế hiệu quả của chính sách hỗ trợ. Về chính sách cụ thể đối với một số dân tộc thiểu số quá ít người, đặc biệt khó khăn, cần có trợ giúp trực tiếp của Nhà nước (như các dự án đối với những dân tộc mà số dân chỉ có vài trăm người: Brâu, Rơ Măm, Si La, Pu Péo, Ơ Ðu, mà hiện nay đang thực hiện) là cần thiết, bởi bản sắc văn hóa bị mai một. Tự mỗi dân tộc đó khó có thể giữ được phong tục, tập quán truyền thống, ngôn ngữ dân tộc, ý thức tự giác tộc người... theo các tiêu chí của một thành phần dân tộc trong cộng đồng các dân tộc nước ta. Hoặc cần có chủ trương chỉ đạo cụ thể đối với một số dân tộc đặc thù như các chỉ thị về tăng cường công tác dân tộc đối với vùng đồng bào Khmer, đồng bào Chăm, đồng bào Hoa, đồng bào Mông... là rất cần thiết. Tuy vậy, trên thực tế không thể và không bao giờ đặt ra "54 chính sách riêng biệt cho 54 dân tộc". Xử lý đúng đắn, hài hòa việc ưu tiên đầu tư hỗ trợ theo vùng và theo từng dân tộc cụ thể phải là nhận thức thống nhất mang tính nguyên tắc trong quá trình hoạch định chính sách và thực hiện công tác dân tộc. 

Từ nhận thức và kết quả hoạt động thực tiễn, có thể khái quát một số quan điểm cơ bản về vấn đề dân tộc ở nước ta: 

- Bình đẳng dân tộc chỉ có thể được thực hiện khi dân tộc ta được độc lập, nhân dân ta được tự do, đất nước ta được thống nhất. Bình đẳng dân tộc luôn gắn bó mật thiết với sự nghiệp giải phóng và giữ vững nền độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. 

- Ðoàn kết các dân tộc phải trên cơ sở bình đẳng dân tộc gắn liền với sự nghiệp giải phóng con người đi tới cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Suy cho cùng, thực chất là quyền bình đẳng của con người trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trong thực tế. 

- Bình đẳng và đoàn kết dân tộc gắn liền với tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, tương trợ giúp nhau cùng tiến bộ giữa các dân tộc. 

- Vấn đề dân tộc không thể giải quyết một sớm một chiều mà phải có thời gian, qua quá trình bằng nhiều giai đoạn với những bước đi thích hợp để từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch trên từng vấn đề cụ thể giữa các dân tộc. 

Nghị quyết Ðại hội VI của Ðảng (năm 1986) đã chỉ rõ: Phải tránh những sai lầm giáo điều, rập khuôn hoặc chủ quan áp đặt những nội dung và hình thức tổ chức không phù hợp trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các vùng dân tộc. Ðại hội VII của Ðảng đã chỉ ra các đặc trưng về mối quan hệ dân tộc: Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước, các dân tộc trên thế giới. Ðại hội VIII của Ðảng xác định: Vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược lớn. Thực hiện bình đẳng, đoàn kết tương trợ giữa các dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ðồng thời, Ðảng ta cũng đã xác định ba mục tiêu chủ yếu: Xóa được đói, giảm được nghèo, ổn định và cải thiện được đời sống, sức khỏe của đồng bào các dân tộc, đồng bào vùng cao, vùng biên giới. Xóa được mù chữ, nâng cao dân trí, tôn trọng và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Xây dựng được cơ sở chính trị, đội ngũ cán bộ và đảng viên của các dân tộc ở các vùng, các cấp trong sạch vững mạnh. 

Bước sang thế kỷ 21, Ðảng ta tiếp tục khẳng định tại Ðại hội IX (năm 2001): "Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng". Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương khóa IX về công tác dân tộc đã ghi rõ: "Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Ðảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta. Dựa trên những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, Ðảng ta đã đề ra các chủ trương, chính sách dân tộc, với những nội dung cơ bản là: Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển". 

Vấn đề dân tộc ở nước ta cùng với các vấn đề về đoàn kết các dân tộc và công tác dân tộc ngày càng được Ðảng ta xác định, bổ sung và khẳng định toàn diện, đầy đủ hơn: "Vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược lớn" (Ðại hội VIII). Tiếp đó là "Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng" (Ðại hội IX, sau đó Hội nghị Trung ương bảy khóa IX (tháng 1-2003) xác định: "Vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng". Ðại hội X (tháng 4-2006): "Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài của sự nghiệp cách mạng nước ta". Ðó là những định hướng hết sức quan trọng cho việc hoạch định chính sách dân tộc và thực hiện công tác dân tộc. Giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc ở nước ta là đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, từ đó xây dựng các chính sách dân tộc phù hợp và đưa các chính sách đó vào thực tế, nhằm khai thác mọi tiềm năng đất nước để phục vụ nhân dân, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống con người, đưa đồng bào các dân tộc thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu, thực hiện cho được mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Ðó chính là thực tiễn sinh động khẳng định ở nước ta, "các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ". 

Theo TS Bế Trường Thành, báo Nhân dân ngày 20/7/2006

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website