Nghị quyết Chính trị của Đại biểu Đại hội (congrès) lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 27 - 31/3/1935

 

I- Tình hình thế giới

 

Cuộc Cách mạng Tháng Mười thắng lợi ở Nga đã chia thế giới ra hai hệ thống chống chọi nhau: hệ thống xã hội chủ nghĩa đương củng cố và phát triển ở Xôviết Liên bang và hệ thống tư bản chủ nghĩa sắp đổ nát.

A- Hệ thống xã hội chủ nghĩa

Sự kiến thiết xã hội chủ nghĩa ở Xôviết Liên bang ngày càng thắng lợi, kế hoạch 5 năm lần thứ nhất thực hiện trong bốn năm, nay đương thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai. Nhiệm vụ chính trị của kế hoạch này là hoàn toàn cải tạo quốc dân kinh tế theo kỹ thuật tinh xảo mới, tẩy sạch những di tích và phần tử tư bản còn sót lại trong nền kinh tế và tư tưởng, tiễu trừ các hình thức của riêng là nguyên nhân sinh ra các giai cấp, các hình thức người bóc lột người, thủ tiêu các giai cấp, tiễu trừ sự tương phản thành thị với thôn quê, làm cho toàn thể lao động Liên bang Xôviết thành những kẻ giác ngộ và hăng hái kiến thiết xã hội chủ nghĩa.

Ở Xôviết Liên bang không có nạn kinh tế khủng hoảng, không có nạn thất nghiệp. ở các xứ tư bản sinh sản kỹ nghệ hiện thời sụt thua năm 1929 hơn 25%, còn kỹ nghệ Xôviết phát triển một cách nhanh chóng lạ thường, sinh sản kỹ nghệ năm 1934 hơn bốn lần năm 1913, hơn hai lần năm 1930. Diện tích đất công cộng hoá đã đạt 92%. Sinh hoạt của quần chúng lao động hoàn toàn cải thiện về các phương diện. Tiền công của thợ năm 1930 bình quân mỗi năm 991 đồng mà năm 1933 tăng lên 1.519 đồng. Trong năm 1933 Chính phủ Xôviết đã giúp nông dân công cộng 1.600 triệu bạc, lập ra 2.800 sở phân phối máy cày, nông dân lao động đều đủ ăn, đủ mặc, trình độ văn hoá nhân dân tăng lên rất cao, không có người nào là không biết chữ. Xứ Nga hoàng trước kia là cái ngục thất giam cùm hơn 180 dân tộc nhỏ yếu, Cách mạng Tháng Mười thành công, giải phóng họ khỏi ách ngựa trâu, họ đương cùng với vô sản Nga xây dựng xã hội chủ nghĩa, khỏi trải qua những bước đường gay go của tư bản phát triển. Những sự thắng lợi đó đã làm cho thanh thế Xôviết Liên bang trên trường quốc tế ngày càng thêm mạnh, đã bảo đảm cho nền tảng cách mạng thế giới được củng cố, có ảnh hưởng rất lớn tới đám quần chúng lao động và dân chúng bị áp bức trong các xứ. Xã hội chủ nghĩa ngày nay đã thành một sự tất nhiên, mở rộng đường giải phóng cho lao động và các dân tộc bị áp bức toàn thế giới. Trái lại với các hình thức chuyên chế đương ngày càng dã man ở các xứ tư bản thì chính quyền Xôviết mỗi năm lại thi hành nền dân chủ vô sản càng rộng rãi. Được những điều thắng lợi vĩ đại kia là nhờ có tranh đấu chống các xu hướng đầu cơ, bọn tờrốtkít phản cách mạng, chống tả phái, hữu phái, nhờ có đường chính trị đúng Mác - Lênin chủ nghĩa của Đảng Bônsơvích do đồng chí Xtalin chỉ huy.

B- Hệ thống tư bản chủ nghĩa

 1. Kinh tế khủng hoảng:

Cuộc kinh tế khủng hoảng ở trong các xứ tư bản, thuộc địa và bán thuộc địa, phát triển từ năm 1929 tới nay đã bao hàm hết các ngành sinh hoạt kinh tế (nông nghiệp, tài chánh, tiền tệ, thương mại, vận tải, v.v.), từ giữa năm 1932 tới nay trình độ sinh sản kỹ nghệ tuy có lúc lên, lúc xuống, nhưng không khi nào sụt tới tối đê độ (point le plus bas) hồi năm 1932, thế là "tư bản chủ nghĩa như bổ gánh nặng vào vai công nhân mà đã cải thiện được đôi chút tình hình kỹ nghệ". Nhưng "có lẽ đó là sự quá độ từ tối đê độ của kỹ nghệ, từ tối đê độ của cuộc khủng hoảng kỹ nghệ tới trình độ cầm chừng (dépression), nhưng một thứ cầm chừng đặc biệt, cầm chừng phi thường, thứ cầm chừng này không dẫn tới một sự phồn thịnh mới, một sự kỹ nghệ thịnh vượng mới, nhưng cũng không thụt lùi tới tối đê độ" (Xtalin); cuộc kinh tế khủng hoảng mà đương đứng trong thời kỳ quá độ tới sự cầm chừng đặc biệt là do mấy nguyên do sau này:

a) Sự tăng gia bóc lột quần chúng lao động và dân chúng bị áp bức.

b) Sự hăng hái dự bị đế quốc chiến tranh.

c) Chính sách quan thuế tự vệ (đánh thuế hàng nhập cảng rất nặng).

d) Chính sách bán phá giá.

đ) Ra nhiều bạc giấy, hạ giá đồng bạc.

e) Huỷ bỏ một bộ phận sản vật và hạn chế sinh sản.

Kinh tế khủng hoảng tuy đương phát triển tới trình độ cầm chừng đặc biệt, nhưng không phải là sẽ hết; tư bản chủ nghĩa đã hết ổn định, cuộc kinh tế khủng hoảng sẽ kéo dài trong phạm vi và trên nền tảng của cuộc tổng khủng hoảng của chế độ tư bản chủ nghĩa. Sinh hoạt của quần chúng trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng quá độ tới cầm chừng đặc biệt lại khổ thêm, hàng chục triệu công nhân vẫn thất nghiệp, thợ còn có việc làm thì tiền công vẫn bớt, giờ làm thì thêm, nông dân và các lớp tiểu tư sản cũng vẫn bị sưu cao, thuế nặng, bị phá sản vẫn nhiều thêm. Tư bản chủ nghĩa tuy bị nguy ngập vô cùng, nhưng chớ tưởng là tự nhiên nó sẽ đổ nát, tư bản chủ nghĩa không tự vẫn đâu, cần phải có tay của vô sản và quần chúng lao động, của các đảng cộng sản mới trừ diệt được tư bản chủ nghĩa.

2. Phát xít và xã hội chủ nghĩa:

Cuộc kinh tế khủng hoảng làm cho các mối mâu thuẫn giai cấp mỗi xứ thêm kịch liệt, mà ngay trong bọn bóc lột cũng vì tranh nhau lời nên mâu thuẫn sâu sắc thêm. Các bè phái, các lớp trong giai cấp thống trị tranh nhau cầm chính quyền, nên toà nội các nhào đổ luôn luôn, các âm mưu chính biến rất thường. "Bọn tư bản không có thể duy trì sự chuyên chế của chúng theo lối cũ bằng nghị trường và dân chủ tư sản để thành một sự trở ngại cho tư bản vừa đường đối nội (chống vô sản giai cấp) vừa cả về đường đối ngoại (đế quốc chiến tranh, chia lại thị trường thế giới)" (Nghị quyết của Hội nghị toàn thể Chấp uỷ lần thứ 13 Quốc tế Cộng sản), nên cần phải có nền thống trị mạnh mẽ, chuyên chế ra mặt hơn để hòng cứu vớt chế độ tư bản sắp đổ nát, là cái hình thức phát xít, như: ở ý, Ba Lan, ở Đức, Phần Lan, áo, Nam Tư và đương phát triển ở Tây Ban Nha, Nhật, Pháp, Anh, v.v.. Phát xít chuyên chính là hình thức thống trị "bằng bạo lực ra mặt, bằng khủng bố trắng, của những phần tử hết sức phản động, hết sức vị quốc và hết sức đế quốc trong tụi tư bản tài chính" (Nghị quyết của Hội nghị toàn thể Chấp uỷ lần thứ 13 Quốc tế Cộng sản). Bọn lãnh tụ xã hội dân chủ và tờrốtkít là tôi tớ trung thành của đế quốc, dọn đường cho phát xít lên cầm quyền, ủng hộ phát xít và tự chúng nó đương phát xít hoá. Chúng chia rẽ giai cấp thợ thuyền, phá hoại cuộc cách mạng tranh đấu, cổ động chống Xôviết Liên bang. Chúng là lũ gian phản của đế quốc trong giai cấp thợ thuyền.

3. Đế quốc mâu thuẫn và đế quốc chiến tranh:

Các đế quốc muốn tự tìm đường ra khỏi khủng hoảng, nên làm cho các mối mâu thuẫn của chúng càng tăng thêm: hệ thống Vécxây (Verseille) lay chuyển; Đức, Nhật bỏ Hội Quốc tế liên minh; Đức, Hung không trả tiền bồi khoản chiến tranh; Nhật cướp Mãn Châu và miền Bắc xứ Tàu; Đức đòi lại thuộc địa; hội nghị kinh tế, hội nghị giảm binh bị, hải quân đàm phán thất bại; Nhật tự huỷ điều ước hải quân ở Hoa Thịnh Đốn; ý, Đức tranh nhau xứ áo; ý, Pháp tranh nhau bá quyền ở Bancăng; Anh, Mỹ tranh nhau bá quyền thế giới; Mỹ, Nhật tranh nhau bá quyền ở Thái Bình Dương. Các xứ tư bản đua nhau đúc súng, đóng tàu; các chính phủ dồn dập kiếm đồng minh, lửa chiến tranh trong phe đế quốc đã bắt đầu cháy ở Nam Mỹ; ý, Pháp đang giành nhau Abítsini (Phi châu). Đế quốc Nhật với Đức là hai thằng hăng hái nhất dự bị đế quốc chiến tranh trong thời kỳ này. Con đường độc nhất của đế quốc ra khỏi khủng hoảng kinh tế là: một phương diện tăng gia sự bóc lột quần chúng lao động và các dân tộc thuộc địa và bán thuộc địa, một phương diện nữa là gây ra chiến tranh trong phe đế quốc để chia nhau thế giới thị trường lại; tấn đánh Xôviết Liên bang để biến đổi sự kiến thiết xã hội chủ nghĩa thành thị trường tư bản thế giới. Trực tiếp can thiệp cách mạng Tàu để chia xẻ Tàu. Nạn vũ trang can thiệp đánh Xôviết Liên bang ngày càng nguy ngập, mặt Đông phương thì đế quốc Nhật, mặt Tây phương thì đế quốc Đức đương hăng hái dự bị, đế quốc Anh thì sửa soạn ở mặt Nam, Trung á tế á và tự nó lại là tay lãnh đạo thay cho đế quốc Pháp trong cuộc võ trang can thiệp đánh Xôviết Liên bang trong thời kỳ này. ở Xôviết Liên bang thì hết sức giữ chính sách hoà bình để kiến thiết xã hội chủ nghĩa. Nào ký điều ước bất xâm phạm và ký điều ước định nghĩa "thế nào là kẻ đi xâm chiếm", nào vào Quốc tế liên minh. Xôviết Liên bang không bao giờ đi xâm chiếm đất ai, quần chúng lao động và Hồng quân ở Xôviết Liên bang cũng không để cho ai xâm chiếm một tấc đất của mình. Các đế quốc trực tiếp tham gia cuộc tấn đánh Xôviết Tàu và đàn áp cách mạng Tàu, miền Bắc thì đế quốc Nhật, miền Nam thì đế quốc Pháp, miền Trung thì Anh, Mỹ, miền Tây thì đế quốc Anh.

4. Vận động cách mạng:

a) Cuộc thế giới kinh tế khủng hoảng đã mật thiết liên lạc với cuộc khủng hoảng chung của tư bản chủ nghĩa và đã khuếch trương "các mâu thuẫn chính trong thế giới tư bản tới một trình độ mà vô luận thời gian nào gặp chuyển hướng thì có thể làm cho cuộc kinh tế khủng hoảng biến chuyển sang cuộc cách mạng khủng hoảng" (Nghị quyết của Hội nghị toàn thể Chấp uỷ lần thứ 13 Quốc tế Cộng sản).

Cuộc kinh tế khủng hoảng làm cho cuộc vận động cách mạng thêm sâu rộng. Do sự phát triển bất đồng của tư bản chủ nghĩa mà ở Tàu, Tây Ban Nha đã có tình hình cách mạng (nhưng không khắp toàn quốc), còn ở các xứ tư bản khác "hiện thời đương đứng trên con đường phát triển với cuộc cách mạng khủng hoảng của toàn thể hệ thống thế giới tư bản chủ nghĩa. Đây không phải là cuộc cách mạng, khủng hoảng ấy sẽ bao hàm hết các xứ tư bản trong một lúc... một cuộc cách mạng khủng hoảng như thế sẽ phát triển trên nền tảng sự sâu sắc thêm của cuộc khủng hoảng chung của tư bản chủ nghĩa" (Manuinsky). Những cuộc võ trang bạo động ở áo tháng 2-1934, lập chính quyền Xôviết ở Tây Ban Nha tháng 10-1934, các cuộc tranh đấu lưu huyết ở Pháp và ở các xứ khác, những cuộc tổng đình công ở Mỹ, đình công ở Anh, ở Nhật, ở Ba Lan, ở Tàu, ở ý, ở Đức, Bỉ, v.v., cuộc vận động mặt trận hợp nhất chống phát xít, chống khủng bố trắng, chống đế quốc chiến tranh ở các xứ tư bản: Pháp, ý, Tây Ban Nha, áo, Anh, Mỹ, v.v., bao hàm chẳng những quần chúng theo cộng sản chủ nghĩa, mà còn kéo được một phần lớn trong đám quần chúng của Đảng Xã hội dân chủ và tiểu tư sản.

Nông dân vận động rất oanh liệt: như ở Nhật, Ba Lan, Hy Lạp, có hàng chục, hàng trăm cuộc bạo động; ở Mỹ có hàng chục triệu nông dân bãi công chống giá lúa hạ, chống thuế cao. Đặc sắc nhất là cuộc Xôviết cách mạng Tàu, đội tiền phong cho cuộc cách mạng phản đế và điền địa ở các thuộc địa và bán thuộc địa, chính quyền Xôviết thắng lợi trên 1/6 xứ Tàu, bao gồm hơn 90 triệu nhân dân, hơn 40 vạn Hồng quân và 120 vạn xích vệ đội dũng cảm đã chống lại các cuộc tấn công của đế quốc, Quốc dân Đảng quân phiệt. Sinh hoạt của quần chúng lao động đã hoàn toàn cải thiện, đã triệt để chia đất của địa chủ cho nông dân lao động, hiện nay chính quyền Xôviết đã lan tràn khắp các tỉnh ở miền Nam và miền Trung xứ Tàu cho tới Tứ Xuyên, Vân Nam; các cuộc vận động của công nông trong các vùng trắng rất oanh liệt. Hơn 15 vạn người du kích đương dũng cảm chống đế quốc Nhật ở Mãn Châu. ở ấn Độ, cách mạng vận động lan khắp các tỉnh. Cao Ly, Phi Luật Tân, Xiêm, ảrập, Đông Dương, v.v, đâu đâu cũng có phong trào cách mạng đương phát triển. ảnh hưởng của các đảng cộng sản toàn thế giới một ngày một lan rộng trong đám quần chúng thợ thuyền và tất cả quần chúng lao động, nhất là ở Tàu, Tây Ban Nha, Mỹ, Ba Lan, Đức, Lục Xâm Bảo, Pháp, v.v.. Nói tóm lại, tất cả những cuộc cách mạng vận động trong năm vừa qua ở các xứ tư bản, ở các xứ thuộc địa và bán thuộc địa đã chứng minh rằng Nghị quyết của Hội nghị toàn thể Chấp uỷ lần thứ 13 Quốc tế Cộng sản phân tích rằng thời kỳ này "là thời kỳ trước của cuộc cách mạng và chiến tranh mới" là hoàn toàn đúng. Quốc tế Cộng sản căn cứ theo quá trình phát triển cách mạng vận động toàn thế giới mà đề ra khẩu hiệu "chính quyền Xôviết" là khẩu hiệu trung tâm cho hết thảy các đảng cộng sản.

 

II- Tình hình xứ Đông dương

A- Kinh tế khủng hoảng

Kinh tế Đông Dương là phụ thuộc vào nền kinh tế Pháp, nó là một bộ phận kinh tế thế giới, nên xứ Đông Dương cũng bị lôi cuốn vào cuộc thế giới kinh tế khủng hoảng, nói về công nghiệp thì Đông Dương là xứ không có kỹ nghệ nặng mà chỉ có kỹ nghệ nhẹ; kỹ nghệ bị khủng hoảng nên hàng trăm nhà máy, mỏ, công ty bị đóng cửa, những sản nghiệp còn đứng vững tuy bóc lột công nhân tàn nhẫn hơn trước, nhưng rút cục lại, phần nhiều sản nghiệp cũng không bỏ túi được một số tiền thặng dư giá trị cao bằng hồi thời kỳ kinh tế phồn thịnh. Đông Dương là xứ nông nghiệp, lại là xứ thuộc địa nên quần chúng lao động chịu gánh nặng của cuộc kinh tế khủng hoảng lại càng thê thảm hơn các xứ tư bản. Lúa gạo là đồ sinh sản chính, mà cũng là món hàng xuất cảng chính, nên lúa gạo ế thì có ảnh hưởng lớn tới ngành kinh tế trong xứ. Trong khoảng 1924-1934 giá lúa hạng nhất trụt xuống 68%. Số lúa gạo xuất cảng năm 1934 tuy đã gần bằng năm 1929, nhưng giá tiền thu nhập chỉ bằng 1/3 năm 1929. Ruộng đất vẫn kế tiếp sụt giá, có chỗ giá bán không bằng 1/20 giá mua khi trước, ruộng bỏ hoang mỗi năm một thêm, riêng Nam Kỳ đã có 249.400 mẫu tây không cày đến, chẳng những đất ruộng của nông dân lao động bị bán gần hết, mà cho đến trong bọn phú nông, địa chủ cũng có tụi bị phá sản, chỉ có trong bốn tỉnh miền Hậu Giang Nam Kỳ đã đến 132.000 mẫu tây bị bán, hàng chục công ty, nhà máy bị đóng cửa. Vốn rút về Pháp, ấn Độ, Tàu mỗi năm một thêm nhiều (1930 là 56 triệu 50 vạn quan, mà năm 1931 là 102 triệu 500 ngàn quan), nhà cửa năm 1927 giá 100% thì năm 1933-34 chỉ bán được 15%, so với sự đế quốc bắt quần chúng uống rượu, tuy ở Nam Kỳ năm 1929 bán được 16 triệu lít, còn năm 1933 chỉ bán được 5 triệu 700 ngàn lít, thuế thuốc phiện năm 1933 thu vào không bằng một nửa năm 1927, ngân sách Đông Dương năm 1933 kém năm 1929 đến 41,87% dự tính năm 1935 không bằng một nửa năm 1929. Số bạc lưu hành trong xứ năm 1929 đến 165 triệu đồng mà năm 1933-34 chỉ có 9 triệu đồng, các cuộc kiến trúc đều đình trệ, giá hàng hoá kỹ nghệ không bớt mấy, mà giá hàng nông sản thì trước đại khái 10 nay chỉ còn đôi ba. Gần đây ở xứ Đông Dương tuy có ít ngành kinh tế hơi có xuất sắc, nhưng đấy không phải là hiện tượng cầm chừng hay trở nên thời kỳ phồn thịnh như năm 1929. Cao su là một nguyên liệu cho kỹ nghệ quân sự mà ở Đông Dương sản xuất chưa được phần nửa số lượng mà "mẫu quốc" cần dùng, nên hiện thời không có thể có khủng hoảng quá sinh sản cao su ở Đông Dương. Bắp được xuất cảng mỗi năm mỗi nhiều là nhờ chính sách quan thuế tự vệ ngăn trở bắp ngoại quốc trở vào xứ Pháp và các xứ thuộc địa; lúa gạo xuất cảng tuy tăng (nhưng tiền thu nhập vẫn sụt) là nhờ:

a) Chính phủ Nam Kinh phải bớt 20% quan thuế hạn chế lúa gạo ngoại quốc nhập cảng vì ở Tàu mất mùa.

b) Chính phủ đế quốc tìm thêm thị trường ở Pháp và ở các xứ thuộc địa để bù những sự thua thiệt của bọn địa chủ và sự ổn định giá đồng bạc, nhưng đại khái ít ngành sinh sản mà hơi có xuất sắc là do nơi sự bóc lột quần chúng lao động thêm tàn nhẫn.

B- Tình hình sinh hoạt của các giai cấp

Số thợ thất nghiệp đại khái gần bằng phần nửa số thợ thuyền ở Đông Dương. Có nhiều nhà máy thợ bị đuổi tới 60 - 70% tuyệt đối không có tiền cứu tế, không có tiền xã hội bảo hiểm, những thợ còn làm việc thì bớt lương tới phần nửa, có chỗ thợ một tháng chỉ làm có 10 tới 15 ngày, mỗi ngày thêm hai, ba giờ, công việc càng hợp lý hoá (như đồn điền cao su trước mỗi người coi một mẫu tây nay mỗi người coi bốn mẫu tây). Sinh hoạt đắt đỏ hơn trước. Ruộng vườn, trâu bò, nhà cửa của nông dân bị tịch ký, bị bán gần hết, vả lại tai nạn lụt bão thất thường, nên nông dân phá sản ngày càng đông. Như ở Trung Kỳ, thuế thân từ năm 1928 tới nay tăng lên 20%, có tỉnh tăng đến 60% (Phan Thiết, Haut Đồng Nai thuế thân tăng đến 40%. ở miền Bắc Trung Kỳ và Cao Miên thuế thân và thuế ruộng tuy có bớt xuống từ 10-20%, nhưng đối với dân chúng thì vẫn còn nặng gấp hai, ba lần hơn trước lúc khủng hoảng, vì tiền công sụt, giá lúa rẻ, sinh hoạt đắt đỏ. Nợ nần mỗi ngày một thêm, công ích cứ vẫn tăng hoài (Trung Kỳ mới thêm mỗi người năm ngày công ích). Các lớp tiểu tư sản, tiểu thương gia và tiểu thủ công ở thành thị, thuế môn bài mỗi ngày một thêm nặng, nên bị phá sản rất nhiều. Các người làm việc một phần bị thải, còn một phần bị sụt tiền lương xuống từ 10 cho tới 20%. ở Trung Kỳ và ở Móng Cái (Bắc Kỳ) bị bão lụt thảm hại đến hàng ngàn tính mạng, trâu bò, nhà cửa, mùa màng của hàng vạn, hàng ức gia đình bị phá sản; trong hoàn cảnh khổ sở như vậy, các giai cấp thống trị tuy có trợ cấp cho chút ít, nhưng đó không phải chúng nhân đạo gì, thương gì quần chúng lao khổ mà là chúng cốt để duy trì họ đặng sau này bóc lột thêm, còn đối với giai cấp thống trị thì chúng hết sức bênh vực, cứu giúp. Tụi vua quan Việt Nam, Trung, Bắc Kỳ được tăng lương từ 25 cho tới 50%. Ngân hàng Đông Pháp sáu tháng đầu năm 1934 lời được gần hai triệu đồng. Chính phủ mở ra những cuộc quốc trái để giúp những bọn địa chủ tư bản Pháp và bản xứ, bớt giá tiền lời hiện thời, bỏ hẳn hay bớt số tiền lời thiếu mấy năm trước. Cổ động và tìm thêm thị trường bán lúa, gạo, bắp ở Pháp và ở các xứ khác.

 

 III- Chính sách mới của đế quốc Pháp và mưu mô mới của bọn thống trị bản xứ

Mấy năm kinh tế khủng hoảng và phong trào cách mạng sôi nổi bắt buộc đế quốc Pháp phải ra những chính sách mới, một mặt tiến công sinh hoạt quần chúng, dùng khủng bố trắng và cải cách để phá phong trào cách mạng, một mặt củng cố sự đồng minh với các giai cấp thống trị bản xứ.

a) Các cải cách giả dối của đế quốc Pháp là những mưu mô độc ác để bớt sự căm tức của quần chúng, để làm cho họ lãng đường giai cấp tranh đấu, đế quốc Pháp khoe khoang "ân xá" nhưng kỳ thực chúng chỉ cho những người gần hết hạn ngồi tù và những phần tử đã sang phe phản động. Đế quốc giả dối hô hào cho nông dân đất cấy cày, để kéo họ tới những chỗ rừng xanh nước độc đặng phá đất hoang cho chúng, nhưng chính sách "di dân" ấy đã thất bại, hàng ngàn, hàng vạn nông dân người Bắc Kỳ bị đi tới Hà Tiên đã kéo nhau hàng bầy, hàng lũ bỏ các "làng di dân" ("Villages de colonisation") mà đòi về Bắc. Hội đồng lao tư hoà giải ở Sài Gòn nói là để tìm việc, nhưng có tên mà không có thực, chỉ là để ngăn ngừa bãi công. Như ở Nam, Bắc Kỳ và Cao Miên bớt thuế thân mấy năm trước là để bóc lột thêm năng lực nộp thuế của nhân dân, đặng tăng thêm ngân sách, chúng bóc lột máu mủ của nhân dân ra lập nhà ngân hàng cho vay dài hạn để giúp cho bọn địa chủ, tư bản; bọn thống trị lập ra các hội chẩn bần, cứu tế thất nghiệp, cứu tế dân bị lụt là cốt để che mặt tàn nhẫn, duy trì họ mà bóc lột họ về sau. Cải lại Luật Gia Long là cốt để trừng trị người cách mạng. Cải cách giáo dục là cốt để đào tạo tư tưởng phong kiến, chọn tay trung thành với đế quốc, nhưng số trường học mỗi ngày một sụt, học trò thất học, thầy giáo thất nghiệp ngày càng tăng thêm. Cải cách quan trường chỉ để những tay trung thành nhất với đế quốc vào tham gia bộ máy thống trị.

b) Bỏ toà kiểm duyệt là một chính sách của đế quốc, để thâu phục tụi trí thức tư sản, tiểu tư sản để lừa gạt quần chúng lao động, để tăng gia mặt trận tuyên truyền phản đối chủ nghĩa cộng sản, bỏ toà kiểm duyệt nào phải là cho tự do ngôn luận đâu, vì chỉ có bọn tư bản, phong kiến trung thành với đế quốc mới xin được phép làm báo, vì đế quốc chỉ nắm chặt lấy quyền lấy lại giấy phép, bỏ tù người đả động bằng ngòi viết "đến chính phủ và người thay mặt cho chính phủ...". Vả lại dưới chế độ áp bức này, lúc các cơ quan sinh sản, sản nghiệp, cơ quan vận tải, nhà in ở trong tay giai cấp tư sản thì dù có quyền tự do ngôn luận viết trong hiến pháp, quyền ấy chỉ là quyền tự do ngôn luận của bọn bóc lột để nhồi sọ kẻ bị bóc lột thôi.

c) Trả quyền cho thằng bù nhìn Bảo Đại, "cải cách" Nam triều, lập Nguyên lão viện, thi hành các chính sách ấy không phải là trở lại Điều ước nô lệ 1884 như nhiều người tưởng mà chính là kiên cố quyền thống trị của đế quốc chủ nghĩa Pháp, chính phủ Nam triều chỉ là tay chân của đế quốc, chớ kỳ thực chẳng có chút quyền hành căn bản nào. Khôi phục và sửa lại dinh kinh lược Bắc Kỳ, rộng lượng cho người Nam vào "dân Tây", cho tụi đại trí thức làm việc quan trọng, cải tổ Trường cao đẳng Pháp luật Hà Nội, mở cuộc thi làm quan, bố thí cho các giai cấp thống trị bản xứ thêm đôi chút quyền chính trị (tham gia các hội đồng quản hạt, thành phố, thương mại, v.v.) trong các ban hội đồng, đế quốc cho số đại biểu người bản xứ bằng số đại biểu người Tây, chính phủ lựa đại biểu người bản xứ đi khai đế quốc hội nghị thương mại, v.v.) là cốt để củng cố thêm bọn đồng minh và kéo thêm vây cánh của chúng ở thành thị và thôn quê.

d) Cũng như ở các xứ khác, cuộc kinh tế khủng hoảng làm cho các mối mâu thuẫn trong các giai cấp bóc lột thêm rõ rệt, hết thảy bọn địa chủ và một bộ phận tư bản Pháp và bản xứ lấy cớ rằng sự ổn định giá đồng bạc 10 quan gây ra cuộc kinh tế khủng hoảng ở Đông Dương để "phản đối" với Nhà băng Đông Dương, nào viết báo chương, mở cuộc diễn thuyết, biểu tình để "chống" chính phủ đế quốc, đấy không phải là vận động cách mạng, mà chỉ là một mưu mô quỷ quyệt giành nhau phần lớn về sự phân phối thặng dư giá trị ở xứ Đông Dương thời kỳ kinh tế khủng hoảng. Hiện nay ta thấy càng rõ rệt hơn nữa, chính phủ bất cứ do tên toàn quyền nào chỉ đạo, tên xã hội dân chủ Varennơ (Varenne) hay Pátxkiê(Pasquier) hay là Rôbanh giết người, cũng là tôi đòi bênh vực nhà Ngân hàng Đông Dương, cho nên các mối hy vọng vào chính phủ để "chọi" lại thế lực nhà băng là vô lợi, là nguy hiểm to vậy.

đ) Bọn quốc gia cải lương như Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Bội Châu nhất là bọn "tả" như Dương Văn Giáo, v.v., trong lúc kinh tế khủng hoảng cũng giả ra bộ xăng xe "phản đối đế quốc" là người chủ của chúng để cướp ảnh hưởng trong quần chúng, để củng cố nền thống trị của đế quốc phong kiến, và để bán mình cho cao giá.

e) Cuộc vận động phổ biến và mở rộng tôn giáo như: đại biểu Hội nghị chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ, lập trường dạy đạo Phật ở Cao Miên, cải lương đạo Phật, khuếch trương đạo Cao Đài ở Nam Kỳ, cuộc tuyên truyền của một bộ phận lãnh tụ đạo Cao Đài giả bộ cổ động phản đế và cho rằng đạo Cao Đài là cộng sản chủ nghĩa hoà bình (?), là những mưu mô của đế quốc lấy mê tín che lấp tư tưởng giai cấp tranh đấu, để kéo quần chúng ra khỏi đường cách mạng tranh đấu.

g) Bọn phản động ở Lào, bọn vị chủng ở Cao Miên cùng các bọn tù trưởng trong các dân tộc thiểu số đương hô hào "đế quốc chủ nghĩa An Nam", đấy là mưu mô của đế quốc để gây lòng ác cảm trong quần chúng lao động các dân tộc ở xứ Đông Dương.

h) Mở thêm sân tàu bay, đắp thêm bến tàu binh, làm thêm kho chứa dầu, làm thêm tàu chiến, đắp thêm các đường xe lửa và xe hơi, giáo dục quần chúng yêu "mẫu quốc", mục đích cốt để củng cố căn cứ địa ở xứ ta, đặng dự bị trực tiếp chống Xôviết cách mạng Tàu, xâu xé xứ Tàu, dự bị cuộc chiến tranh cướp đất ở Thái Bình Dương và cuộc chiến tranh phản cách mạng chống Xôviết Liên bang.

 

IV- Cao trào cách mạng mới

a) Sau khi Yên Bái bạo động thất bại, Việt Nam Quốc dân Đảng1 bị phá tan thì vận động cách mạng Đông Dương gần hết là ở dưới quyền lãnh đạo của Đảng ta. Vận động võ trang bạo động và sự lập chính quyền Xôviết ở Nghệ - Tĩnh là công tác của Đảng ta, là tối cao điểm trong phong trào năm 1930-1931. Từ cuối năm 1931 tới đầu năm 1932, vì đế quốc khủng bố dã man, Đảng ta tạm thời đứt mối liên lạc với quần chúng, nhưng quần chúng vừa tranh đấu vừa tiếp tục sửa soạn cao trào cách mạng mới. Trong thời kỳ cao trào cách mạng mới ngày nay, thì các đảng cách mạng tiểu tư sản như An Nam độc lập, Cao vọng2, Tứ dân liên hợp đoàn, Việt Nam cách mạng cấp tiến đảng đã bị phá sản, không có hoạt động trong quần chúng. Việt Nam Quốc dân Đảng chia ra nhiều phe, một bộ phận đã đầu hàng đế quốc, một bộ phận đương dùng sách lược cải lương lừa gạt quần chúng, còn bộ phận còn có tính chất phản đế thì không dám đồng minh với Đảng Cộng sản (như ở Nam Kỳ), họ tuy có hoạt động nhưng chỉ trong phạm vi tổ chức trong xó tối; Đảng Vừng hồng3 vì đại đa số đảng viên trong Đảng Cộng sản hay dưới ảnh hưởng của Đảng Cộng sản nên cũng bị tan rã. ở Nam Kỳ có những phần tử quốc gia xã hội cách mạng, mục đích chỉ làm cách mạng phản đế, nhưng cũng không có ảnh hưởng trong quần chúng. Đảng Cộng sản ta tuy trong thời gian cải tạo nhiều nơi đứt dây liên lạc với quần chúng, nhưng trong khoảng hai năm nay Đảng ta lại chiếm địa vị ưu thế trong các cuộc tranh đấu có tính chất tổ chức của quần chúng, đây cũng là một điều kiện thuận tiện cho đảng của vô sản giai cấp dễ phát triển.

b) Trong khoảng hai năm sau này công nhân vận động phát triển ở Lào (bãi công thợ mỏ trường bách công, culi xe bò), ở Nam Kỳ (thợ Nhà in Ardin, Sở Ba Son, culi xe lửa Sài Gòn, culi đồn điền Dầu Tiếng, Sở Canh nông Chợ Lớn, Sở cao su hội Biên Hoà, Sở cao su Gia Định, thợ Nhà máy gạo Chợ Lớn, Sài Gòn). Nông dân vận động phát triển ở Nam Kỳ (ở Càng Long, Chợ Mới Gia Định, Chợ Lớn, v.v.), chống thuế ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Kỳ (đòi khoai lúa), ở Bắc Kỳ (kháng làm phu ở Lạng Sơn, Cao Bằng).

c) ở Trung Kỳ có các cuộc tranh đấu lưu huyết chống độc quyền, các cuộc tranh đấu của culi làm đường xe lửa ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.

d) Các lớp tiểu tư sản bãi thị (Viêng Chăn, Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, v.v.) rất thường. Thầy giáo, học sinh bãi khoá. Trong các nhà tù, chính trị phạm rất hoạt động (bãi thực, xuất bản báo chương); lúc đại biểu đoàn của Cứu tế đỏ và Công hội đỏ Pháp tới có nhiều cuộc diễn thuyết và biểu tình rất kịch liệt.

đ) Việc hoan nghênh đại biểu đoàn của Cứu tế đỏ và Công hội đỏ Pháp sang Đông Dương năm 1934, trong bản Nghị quyết Hội nghị tháng 6 của Ban Chỉ huy ở ngoài4 cùng với đại biểu của đảng bộ trong xứ, phê bình rằng các đảng bộ không có tổ chức ra cuộc vận động hoan nghênh đại biểu đoàn ấy. Vì trong cuộc hội nghị đó không có đại biểu Nam Kỳ tham gia, nên hội nghị chỉ căn cứ vào báo cáo của các đảng bộ khác mà phê bình. Các cuộc kỷ niệm Xôviết Nghệ An, Quảng Châu công xã5, Cách mạng Tháng Mười, kỷ niệm Đảng, kỷ niệm 3 L, ủng hộ Đại hội Đảng, ủng hộ Đại hội Quốc tế Cộng sản, toàn quốc đều có hoạt động (cờ đỏ, truyền đơn, khẩu hiệu, sách báo), có nhiều chỗ tổ chức được nhiều cuộc diễn thuyết và biểu tình rất đông người tham gia và rất có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Cuộc cách mạng vận động hiện thời có tính chất lẻ tẻ, rời rạc, công nhân vận động ít liên lạc với nông dân vận động, các cuộc tranh đấu của công nhân ở Lào, Bắc Kỳ do Đảng Cộng sản tổ chức và chỉ huy bãi công còn các cuộc tranh đấu ở Nam Kỳ phần nhiều còn có tính chất bỗng nhiên (như cuộc tổng bãi công 12 nhà máy gạo ở Chợ Lớn, nhiều cuộc bãi công trong các đồn điền, hãng dầu Phú Xuân, v.v.); bảy, tám tháng về trước, các cuộc tranh đấu phần nhiều chỉ theo những khẩu hiệu kinh tế, các cuộc tranh đấu trong mấy tháng sau này đã bắt đầu liên lạc khẩu hiệu kinh tế với chính trị. Khẩu hiệu từng phần liên lạc với khẩu hiệu chung nhưng cũng vẫn còn đương trong phạm vi hẹp hòi từng địa phương. Một điều đặc sắc là đa số trong các cuộc tranh đấu của quần chúng do Đảng chỉ huy trong khoảng hai năm sau này đều được thắng lợi hoặc hoàn toàn, hoặc từng phần, khiến cho công nông thêm hăng hái tranh đấu. Nhiều cuộc tranh đấu tổ chức rất hoàn thiện: có ban uỷ viên bãi công, đội tự vệ (ở Sở Canh nông Chợ Lớn); nhiều nơi đem các nguyên nhân thắng lợi và thất bại giảng giải cho quần chúng hiểu (Lào, Bắc Kỳ). Cao trào cách mạng mới đã lan khắp các miền hậu tiến (Lào, Cao Miên, thượng du Bắc Kỳ, các địa phương Thượng), các lớp hậu tiến và quần chúng lao động trong các miền dân tộc thiểu số chẳng phải chỉ vào hàng ngũ cách mạng mà thôi mà lại còn tham gia trong công tác chỉ đạo trong công cuộc tranh đấu (Lào, Bắc Kỳ). Những cuộc tranh đấu bấy lâu nay ở Đông Dương đã biểu hiện rõ ràng tiền đề cách mạng khủng hoảng đương phát triển và thành thục. Điều kiện khách quan rất thuận tiện cho quá trình phát triển và thành thục của tiền đề cách mạng khủng hoảng, song điều kiện chủ quan còn yếu, nên hiện thời cần phải tìm đủ phương pháp làm cho điều kiện chủ quan theo kịp điều kiện khách quan.

 

 V- Tình hình đảng

 1. Về đường tổ chức:

Đại hội công nhận rằng một sự thắng lợi rất lớn trong thời kỳ cải tạo khó khăn là Đảng đại khái đã khôi phục được hệ thống của Đảng khắp toàn Đông Dương, đã khôi phục được các tổ chức của cơ quan chỉ đạo bị đế quốc phá tan hồi năm 1931. Đảng đã đào tạo được cán bộ mới để thế cho chiến sĩ bị chém giết, tù đày. Đảng Đại hội cho rằng sự khôi phục hệ thống của Đảng là sự kết quả công tác có sáng kiến của các đảng bộ và các chiến sĩ hạ cấp, sự tranh đấu dũng cảm của quần chúng, sự chỉ đạo và giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, của ba Đảng Cộng sản Pháp, Tàu và Xiêm. Tuy số đảng viên hiện thời còn kém hồi cao trào cách mạng năm 1930-1931, nhưng thế lực của Đảng hiện thời đã lan rộng tới các địa hạt hậu tiến, các miền dân tộc thiểu số, Đảng mới lập thành được xứ đảng bộ ở Ai Lao, nhiều tỉnh đảng bộ mới ở thượng du Bắc Kỳ, tổ chức ra cơ sở ở Cao Miên. Các phần tử hăng hái trong đám lao động người dân tộc thiểu số (như người Thổ, Nùng) và người ngoại quốc (Hoa kiều) đã bắt đầu kéo vào các cơ quan chỉ đạo của Đảng. Nhưng Đại hội phải nhắc cho các đảng bộ chú ý đến những khuyết điểm này: Đảng ta chưa biết tập trung đại lực vào các miền kỹ nghệ trung tâm, trong các nhà máy, mỏ, đồn điền; trong hàng ngũ của Đảng, những phần tử công nhân chiếm rất ít, sự lầm lỗi lớn là trong các cơ quan chỉ đạo của Đảng, các phần tử vô sản cũng chiếm thiểu số, sự liên lạc các cơ quan thượng cấp với hạ cấp chưa mật thiết, hệ thống tổ chức chưa nhất trí, kỷ luật sắt chưa thực hiện được hoàn toàn.

 2. Tuyên truyền và huấn luyện:

Đại hội xét rằng sự kết quả mỹ mãn nhất của Đảng về mặt cổ động tuyên truyền là đã thảo ra được bản Chương trình hành động của Đảng, đã chỉ đạo Thanh niên Cộng sản Đoàn, Tổng Công hội đỏ Đông Dương và Liên hiệp Công hội thợ nông nghiệp Đông Dương, thảo ra các bản chương trình hành động của họ. Ban Chỉ huy ở ngoài biết ra Tạp chí Bônsơvích để tranh đấu thực hiện sự thống nhất về lý thuyết và thực hành cho toàn Đảng. Liên địa phương ở miền Nam Đông Dương, các xứ uỷ, các địa phương chấp uỷ và nhiều tỉnh uỷ đều có báo chương làm cơ quan phổ biến sách lược của Đảng, đặc sắc nhất là ở Nam Kỳ có xuất bản được mấy chục quyển sách rất phổ thông cho các đảng viên và quần chúng. Trong các ngày đỏ, trong những thời cuộc chuyển biến quan trọng, các đảng bộ đều biết ra luận cương chính trị, báo chương đặc biệt, truyền đơn, khẩu hiệu để lan rộng lý thuyết cộng sản trong quần chúng, các ban huấn luyện tuy chưa được nhiều nhưng đã giúp cho một bộ phận đồng chí biết rõ sách lược và nhiệm vụ của Đảng. Tuy Đảng có những ưu điểm đó nhưng Đại hội cần nhắc lại cho các đồng chí hay những sự khuyết điểm và sai lầm sau này: tài liệu huấn luyện và tuyên truyền quá thiếu thốn và không nhất trí, ở Bắc Kỳ còn một vài đồng chí đem tài liệu cũ của Thanh niên ra huấn luyện các đảng viên, ở Ai Lao dùng những quyển sách huấn luyện đầy những lý thuyết đầu cơ, cải lương, duy tâm, quốc gia chủ nghĩa (như quyển sách Đường cách mệnh của đồng chí Nguyễn ái Quốc, quyển Duy vật sử quan sơ học của Đảng Xiêm). ở Nam Kỳ sách vở tuy nhiều nhưng viết ra là in chớ không do đảng bộ kiểm tra, thành thử lý thuyết sai lầm không phải là ít, báo chương có đôi chỗ còn viết văn theo lối tư bản (gương chung), sách vở và báo chương như Tạp chí Cộng sản nói quá cao xa, bông lông tới những việc trong xã hội tương lai mà ít chú trọng tới sự áp bức và bóc lột của tụi thống trị, ít nói đến những điều nhu yếu, thiết thực thường thức hằng ngày của quần chúng (Nam Kỳ).

3. Tranh đấu trên hai mặt trận:

Cuộc hội nghị của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng cùng với các đại biểu các đảng bộ trong xứ hồi tháng 6-1934 có nghị quyết bắt buộc các đảng bộ mở rộng sự tự chỉ trích bônsơvích trong các cấp đảng bộ, để nâng cao trình độ chính trị toàn Đảng và để giữ cho chủ nghĩa Mác - Lênin được trong sạch. Nhưng Đại hội xét rằng các đảng bộ thực hành nghị quyết ấy không khắp và không thiết thực, mỗi lần có những lý thuyết đầu cơ nảy ra trong hàng ngũ đảng, các đảng bộ hạ cấp không hiểu và không biết tự động chống ngay. Thậm chí như ở Nam Kỳ, toàn thể xứ uỷ cũ đều bị bọn đầu cơ tuyên truyền mà theo chúng chống lại đường chính trị chung của Đảng và của Quốc tế Cộng sản. Đảng Đại hội xét rằng hiện thời trong Đảng ta còn có nhiều xu hướng đầu cơ "tả" khuynh và hữu phái, cả về lý thuyết và thực hành, di tích của Thanh niên, Tân Việt và Vừng hồng còn sót lại (ở Lào, Bắc Kỳ và miền Bắc Trung Kỳ); "lấy thúng úp tinh thần tranh đấu của quần chúng lại để tránh manh động" (Nam Trung Kỳ), chủ trương Đảng cứ bí mật lãnh đạo trong các cuộc tranh đấu của quần chúng (Lào). Cải biến chương trình hành động của Đảng về khẩu hiệu binh lính, miệt thị chương trình hành động, hoàn toàn không công nhận quyền lãnh đạo của vô sản giai cấp năm 1930-1931, xem Đảng như không phải là đội tiền phong của vô sản giai cấp, hoàn toàn khinh thị công tác của Đảng hồi năm 1930-1931, cải lương chủ nghĩa đối với vấn đề địa tô, "tả" khuynh đối với vấn đề tôn giáo và nhà nước, thủ tiêu chủ nghĩa đối với vấn đề phản đế liên minh và phụ nữ (mấy điều sai lầm này đều ở Nam Kỳ). ở miền Nam Đông Dương, đồng chí có thái độ mâu thuẫn nguy hiểm này, một mặt thì hô hào gỡ mặt nạ quốc gia cải lương, chống ảnh hưởng của Bảo Đại cải cách, một mặt lại nói quốc gia cải lương và Nam triều đã hết ảnh hưởng trong quần chúng. Đại hội công nhận rằng trong công tác tranh đấu trên hai mặt trận, Ban Chỉ huy ở ngoài và Tạp chí Bônsơvích giữ thái độ không thoả hiệp với các xu hướng đầu cơ, biết hiệu triệu và chỉ thị các đảng bộ chống mọi sự cải biến chủ nghĩa Mác - Lênin, chống mỗi bước đi trái đường của Đảng, của Quốc tế Cộng sản.

4. Đảng đối với các đoàn thể quần chúng:

Đại hội công nhận rằng công tác trong đoàn thể quần chúng rất yếu. Đảng tuy đã bắt đầu tổ chức các chi bộ và các cơ quan chỉ đạo của Thanh niên Cộng sản Đoàn ở Lào, Bắc Kỳ và Nam Kỳ, nhưng phạm vi phát triển của Đoàn kém hơn của Đảng. Đoàn chưa có tính chất quần chúng, chưa có hăng hái hoạt động trong đám thanh niên bị áp bức và bóc lột, lý thuyết hướng đạo chủ nghĩa chưa đánh tan, các đảng viên dưới 23 tuổi chưa xen vào Đoàn hết. ở Lào công hội vận động có phát triển, ở Nam Kỳ đã có cơ sở công hội, còn các nơi khác thì công hội vận động quá kém. Các nghị quyết của Đảng về công hội vận động không đưa ra thực hành, các hệ thống công hội chưa khôi phục được. Đối với nông hội vận động ở Trung, Nam có phát triển, ở Nam Kỳ nông hội có tính chất giai cấp rõ rệt, có liên lạc với vận động cách mạng của nông dân; ở Trung Kỳ có nông hội mà tổ chức nông dân tranh đấu; ở Bắc Kỳ vì đảng bộ lấy tổng làm đơn vị tổ chức nông hội và vì không biết giai cấp phân hoá trong nông dân nên Đảng tổ chức ra mà hiện thời lại chỉ huy không nổi. ở toàn xứ Đông Dương đã chưa bắt đầu tổ chức công hội thợ nông nghiệp. Các Hội Phản đế liên minh, Cứu tế đỏ6 không có tính chất quần chúng, không có sinh hoạt độc lập rõ rệt. Công tác phụ nữ và quần chúng lao động người ngoại quốc yếu ớt; công tác quân đội vận động rất kém, các tổ chức phổ thông khác (lớp dạy học đêm, hội thể thao, cứu tế, đưa ma, lợp nhà, v.v.), tuy có không phải là ít, nhưng ít có hoạt động giai cấp tranh đấu, đại khái chỉ có tính chất cứu giúp. Đảng bộ Nam Kỳ đã bắt đầu lợi dụng các cơ hội công khai để khoách trương thế lực của Đảng, tham dự tranh cử hội đồng quản hạt, có chiến sách, có chương trình tối thiểu, mật thiết liên lạc với bí mật vận động, tuy rằng từng phần có thiếu thốn và sai lầm, nhưng nói chung thì đường chính vẫn đúng và đã có được một bộ phận quần chúng khá đông bỏ thăm cho Đảng.

 

 VI- Nhiệm vụ của đảng

Đại hội cần nhắc cho các đảng bộ và các đồng chí hiểu rằng trong công tác hằng ngày của mình cần biết rằng nhiệm vụ nào là chính yếu để tập trung đại lực của mình vào đấy chớ không nên rải rác tan tác, phân phối sức lực của mình một cách bình quân vào hết các công việc, khiến cho nhiệm vụ nào cũng mó tay vào, mà kết quả không có nhiệm vụ nào thực hiện được mỹ mãn cả. Vì lẽ đó mà Đảng Đại hội bắt buộc các đảng bộ tập trung lực lượng của mình vào ba nhiệm vụ chính:

a) Củng cố và phát triển Đảng.

b) Thâu phục quảng đại quần chúng lao động.

c) Chống đế quốc chiến tranh.

A- Phát triển và củng cố Đảng

1. Khoách trương tổ chức của Đảng:

Cần củng cố lực lượng cộng sản hiện tại của các đảng bộ, thiết pháp tìm những bộ phận cộng sản và những phần tử cộng sản lẻ tẻ (nhất là ở các miền trung châu Bắc Kỳ, các tỉnh miền Trung Trung Kỳ, các mỏ ở Bắc Kỳ, các đồn điền ở Nam Kỳ) mà Đảng hãy còn chưa khôi phục được mối liên lạc, cần phải phân phối lực lượng của Đảng tới những chỗ chưa phát triển, trước hết là tập trung đại lực của Đảng vào các miền kỹ nghệ, các nhà máy lớn, mỏ quan trọng, đồn điền rộng, các đường giao thông và các xí nghiệp thuộc về quân sự; cần phải biến mỗi sản nghiệp thành một thành luỹ của Đảng. Cần kế tiếp tổ chức những phần tử nông dân và trí thức chân thật cách mạng vào Đảng, nhưng cần phải thiết pháp đem thợ vào Đảng cho đông, nhưng đừng lấy cớ mở rộng cửa Đảng cho vô sản mà đem vào Đảng những phần tử lạc hậu, sụt sè, lười biếng, tổ chức phức tạp, nguy hiểm cho đường chính trị, cho công tác đảng, phải tuyển lựa đồng chí làm cho Đảng vừa có tính chất quần chúng, vừa gồm những phần tử tranh đấu, hoạt động cương quyết, trung thành với cộng sản chủ nghĩa. Trong các cơ quan chỉ đạo của Đảng bắt buộc phải để cho các phần tử vô sản choán đa số để bảo đảm cho Đảng đi đúng đường chính trị vô sản. Trong những địa hạt có những đảng viên người dân tộc thiểu số, người ngoại quốc, đàn bà, phải chọn những người hăng hái đem họ vào các cơ quan chỉ đạo. Đại hội uỷ quyền cho Ban Trung ương định kế hoạch cho các đảng bộ phát triển đảng viên mới. Cần phải căn cứ theo Điều lệ mới của Đảng mà tổ chức các cơ quan chỉ đạo cho thích hợp với điều kiện bí mật, cần phân quyền và phân công cho rõ rệt, đảng bộ cần phải có hai, ba mối giao thông khác nhau với đảng bộ khác (đồng cấp hay khác cấp) để đề phòng khi mất mối này thì còn mối khác, một người không nên biết nhiều mối giao thông, các mối giao thông của Đảng không được lộn với mối giao thông của Thanh niên Cộng sản Đoàn, của Công hội và các đoàn thể khác. Đại hội uỷ quyền cho Ban Trung ương định kế hoạch đào tạo ra cán bộ mới cho đông để dự bị thế cho cán bộ cũ khi bị bắt. Trung ương và các đảng bộ phải tìm đủ phương pháp để mở rộng cuộc tuyên truyền sách lược của Đảng trong quần chúng lao động. Nhiệm vụ mở rộng cuộc tuyên truyền, mở rộng sách báo trong các cấp đảng bộ phải thi hành đồng thời với nhiệm vụ kiểm tra sách báo rất nghiêm ngặt, làm cho nền tư tưởng và hành động được thống nhất, diệt ngay những lỗi lầm và xu hướng hoạt đầu từ lúc mới nảy nở (sách báo, v.v.), các báo chương, tạp chí phải viết một cách giản đơn, dễ hiểu, cần nói rõ chính sách bóc lột của đế quốc Pháp, đề ra những vấn đề thiết thực nhu yếu hằng ngày của quần chúng, truyền bá những kinh nghiệm, phổ biến sự chống đế quốc chiến tranh, phổ biến sự thắng lợi ở Xôviết Liên bang và Xôviết Tàu, mỗi chi bộ sản nghiệp phải ra một tờ báo. Những địa phương có người dân tộc thiểu số, có người ngoại quốc phải ra báo bằng chữ của họ.

2. Tranh đấu trên hai mặt trận:

Đảng phải bảo đảm cho chủ nghĩa Mác - Lênin được trong sạch, cho hàng ngũ đảng được thống nhất về lý thuyết và thực hành nên:

a) Cần luôn luôn mở rộng cuộc tự chỉ trích bônsơvích trong các cấp đảng bộ để nghiên cứu các ưu điểm mà học, tìm các khuyết điểm mà tránh, vận động tự chỉ trích bônsơvích phải là một công tác thường trực. Mỗi đảng bộ thượng cấp phải chỉ đạo các đảng bộ hạ cấp trực thuộc thực hiện vận động tự chỉ trích. Tốt nhất là kéo quảng đại quần chúng tham gia vận động tự chỉ trích.

b) Cần tranh đấu trên hai mặt trận chống "tả" khuynh và hữu phái là nạn nguy hiểm nhất trong cuộc cách mạng vận động và các xu hướng thoả hiệp, đồng thời phải gỡ mặt nạ những lý thuyết phản động (tam dân chủ nghĩa, tờrốtkít, quốc gia cải lương, xã hội dân chủ) và các lý thuyết cách mạng tiểu tư sản không triệt để cho quần chúng hay.

c) Cần giữ kỷ luật sắt cho Đảng, những phần tử đi trái đường chính trị chung của Đảng, của Quốc tế Cộng sản mà không chịu sửa lỗi, những kẻ không phục tùng nghị quyết, điều lệ, phá hoại kỷ luật của Đảng thì nhất thiết phải khai trừ.

d) Một điều kiện căn bản để thâu phục quần chúng, để gây dựng một đảng đích thực bônsơvích là tăng gia sức tranh đấu chống quốc gia cải lương, nhất là bọn quốc gia cải lương "tả" phái, nói rằng hiện nay tụi quốc gia cải lương có ít nhiều ảnh hưởng trong quần chúng thì đúng, mà nói rằng chúng hết ảnh hưởng thì tức là gián tiếp bảo không cần tranh đấu để trừ diệt ảnh hưởng bọn gian phản ấy, hiện nay chính vì hữu phái quốc gia cải lương bị gỡ mặt nạ, nên lộ ra những bọn "tả" phái ngoài môi loè loẹt vài danh từ cấp tiến, cách mạng, cũng hô hào ủng hộ lao động, cũng ra bộ chống tư bản, v.v.. Mục đích để lừa gạt công nông cho dễ, cho khôn khéo hơn. Trong tình cảnh này giảm sức tranh đấu của Đảng chống quốc gia cải lương là không bônsơvích hoá Đảng được, không thâu phục được quảng đại quần chúng.

B- Thâu phục quảng đại quần chúng

Đảng mạnh là căn cứ vào ảnh hưởng và thế lực của Đảng trong quần chúng. Nếu Đảng không mật thiết liên lạc với quần chúng, không được họ tán thành và ủng hộ những khẩu hiệu của Đảng thì những nghị quyết cách mạng của Đảng chỉ là lời nói không. Đảng muốn chỉ huy nổi phong trào, muốn đưa cao trào cách mạng mới lên tới trình độ cao, tới toàn quốc vũ trang bạo động, đánh đổ đế quốc phong kiến, lập nên chính quyền Xôviết, thì trước hết cần phải thâu phục quảng đại quần chúng. Thâu phục quảng đại quần chúng là một nhiệm vụ trung tâm, căn bản, cần kíp của Đảng hiện thời, muốn làm tròn được nhiệm vụ này, thì cần phải:

1. Bênh vực quyền lợi của quần chúng: Đảng phải tranh đấu chống các xu hướng đầu cơ, miệt thị cuộc tranh đấu hằng ngày của quần chúng lao động. Đảng phải chỉ vạch các hình thức bóc lột của đế quốc cho quần chúng hay. Đảng phải biết sự nhu yếu thiết thực, thường thức hằng ngày của quần chúng, lợi dụng các thời cơ mà đưa họ ra tranh đấu, đòi thêm lương, bớt giờ làm cho thợ, đòi cứu tế và xã hội bảo hiểm cho thợ thất nghiệp, công hội vận động tự do. Đảng phải dẫn đạo nông dân ra tranh đấu, đòi bỏ thuế, sưu, chống địa tô nô lệ, chống nợ cao lãi, chống công ích, chống các thứ độc quyền, đòi lúa, đòi khoai, liên lạc các vấn đề này với vấn đề điền địa. Đảng cần khoách trương các cuộc tranh đấu tiểu thương gia, buôn gánh bán bưng, chống thuế mới, thuế cũ mỗi ngày mỗi tăng, chống thuế môn bài, thuế chợ, v.v.. Phải tổ chức cuộc vận động giải phóng của các dân tộc thiểu số. Trong mỗi sự hành động, trong mỗi cuộc tranh đấu hằng ngày của Đảng cần phải đòi quyền lợi cho thanh niên, phụ nữ, các dân tộc thiểu số và quần chúng lao động người ngoại quốc, cần phải liên lạc khẩu hiệu từng phần với khẩu hiệu chung của cuộc cách mạng Đông Dương.

Mỗi cuộc tranh đấu là một hình thức chiến tranh nhỏ nên phải dự bị cho kỹ càng, trong khi và sau khi tranh đấu phải giảng giải mưu mô quân thù, nguyên nhân thắng lợi và thất bại của quần chúng, đem kinh nghiệm tranh đấu chỗ này cho chỗ khác hiểu biết. Những cuộc tranh đấu thắng lợi ở Ardin Sài Gòn, Càng Long, Cao Bằng, Viêng Chăn, v.v., chỉ rằng lý thuyết bảo "trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng, tranh đấu không thắng lợi được" là lý thuyết không đúng, là chủ nghĩa quy hàng tư bản, nguy hiểm cho cách mạng vận động, trái lại trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng, càng phải tranh đấu, mà hễ đã tranh đấu cương quyết, có tổ chức, ắt được thắng lợi.

2. Củng cố và phát triển các tổ chức quần chúng: không kéo quần chúng ra tranh đấu bênh vực quyền lợi thiết thực hằng ngày của họ thì tổ chức chậm phát triển, ảnh hưởng Đảng kém, không tổ chức quần chúng thì tranh đấu không thắng lợi, nên Đảng phải phát triển tổ chức quần chúng.

a) Trước hết là phải lập tức tổ chức và thống nhất Công hội đỏ, mỗi sản nghiệp phải là một thành trì của công hội vận động, chỉ có làm được như vậy mới giữ được quyền lãnh đạo cho vô sản giai cấp trong cuộc cách mạng vận động. Phải lập ra các ban uỷ viên thất nghiệp.

b) Cần phải củng cố và phát triển nông hội, lập ra các ban nông dân uỷ viên, tranh đấu chống các xu hướng bắt buộc hội viên những điều kiện khó khăn như đảng viên, đặng làm cho nông hội thật có tính chất quần chúng. Cần phải tổ chức ngay công hội thợ nông nghiệp để giữ quyền lãnh đạo cho vô sản trong nông hội.

c) Cần phải thâu góp ngay các tổ chức lẻ tẻ của Thanh niên Cộng sản Đoàn, lập thành tổ chức thống nhất toàn tỉnh, toàn xứ, cho tới toàn Đông Dương.

Đối với ba vấn đề này, Công, Nông hội, Thanh niên Cộng sản Đoàn cần phải thực hành chương trình hành động, điều lệ và các nghị quyết của Đại hội.

d) Cần phải lợi dụng các hình thức bí mật, công khai và bán công khai mà phát triển các tổ chức khác của quần chúng, như Cứu tế đỏ, Phản đế liên minh, Vận động quân đội và các tổ chức khác như phụ nữ, thể thao, v.v., phải phổ biến khắp nhà máy, mỏ, đồn điền, công sở, các làng, v.v., hễ chỗ nào có quần chúng là phải chen vào hoạt động.

3. Mặt trận thống nhất tranh đấu: vô luận là quần chúng ở dưới quyền lãnh đạo của các chính đảng và các đoàn thể phản động, quốc gia cải lương, hay cách mạng tiểu tư sản, Đảng phải dùng đủ phương pháp mà kéo các đám quần chúng đi sai đường ấy sang phe cộng sản, nhất là phải chú trọng kéo quần chúng ra khỏi ảnh hưởng của tụi quốc gia cải lương, và nếu ảnh hưởng quốc gia cải lương còn mạnh thì cách mạng Đông Dương khó thành công.

a) Đối với quần chúng trong các tổ chức quốc gia cải lương và phản động khác: Đảng dùng đủ phương pháp chen vào trong các tổ chức, các cuộc hội nghị của quốc gia cải lương, phản động mà gỡ mặt nạ lý thuyết và hành động phản cách mạng của chúng nó cho quần chúng hay, cần giải thích rằng bọn quốc gia cải lương là tôi tớ trung thành của đế quốc, ảnh hưởng của bọn ấy trong quần chúng là nạn to lớn nhất, nguy hiểm nhất cho cách mạng vận động, vì chúng dùng lời cải cách hoà bình để ru ngủ dân chúng, để cho họ lánh đường giai cấp tranh đấu, cần phổ biến sách lược cộng sản trong các tổ chức cải lương và phản động. Đảng ta có thể tổ chức mặt trận thống nhất bên dưới với quần chúng trong các đoàn thể cải lương và phản động, chống các bọn đi bóc lột.

b) Đối với quần chúng trong các tổ chức cách mạng tiểu tư sản: Đảng cũng cần cho người chen vào trong các đoàn thể ấy để giải thích sách lược không triệt để của bọn lãnh tụ tiểu tư sản, đối với các tổ chức ấy Đảng có thể tổ chức mặt trận bên dưới và bên trên theo những điều kiện nhất định. Trong trường hợp này, Đảng phải giữ quyền lãnh đạo vận động, giữ địa vị độc lập về đường lối tổ chức và lý thuyết, giữ quyền chỉ trích hành động không triệt để của các đoàn thể tạm thời đồng minh ấy.

C- Chống đế quốc chiến tranh, ủng hộ Xôviết 

Liên bang và cách mạng Tàu

Trong các cuộc tranh đấu hằng ngày, trong các cuộc hội họp, diễn thuyết, sách báo, truyền đơn, v.v., cần gỡ mặt nạ chính sách "hoà bình" giả dối của đế quốc, nhất là đế quốc Pháp ở Đông Dương, giảng giải những sự dự bị đế quốc chiến tranh (huấn luyện quân sự, tăng binh bị, thêm khí giới, lập quân cảng, đua nhau đóng thêm tàu chiến, v.v.), giải thích rằng chiến tranh đế quốc đánh lẫn nhau đã bắt đầu, cuộc can thiệp của đế quốc chống cách mạng Xôviết Tàu rất thảm khốc, nạn đế quốc dùng vũ trang can thiệp Xôviết Liên bang rất nguy cấp. Cần phổ biến những sự thắng lợi vĩ đại của sự kiến thiết xã hội chủ nghĩa Xôviết Liên bang, cần làm cho quần chúng hiểu rằng Xôviết Liên bang là Tổ quốc của vô sản và dân tộc bị áp bức toàn thế giới, là thành luỹ cách mạng thế giới, như đế quốc phá tan được Xôviết Liên bang thì cách mạng vận động thế giới sẽ chậm trễ chưa biết mấy chục năm nữa. Cần cho lao động toàn chí hiểu công tác của Xôviết và Hồng quân Tàu, những sự cải thiện của công nông trong các vùng xôviết, cần phải hiểu rằng cách mạng Tàu là đội tiên phong cách mạng phản đế và điền địa ở các xứ thuộc địa và bán thuộc địa. Đồng thời Đảng phải bày tỏ cho quần chúng hay những phương pháp chống đế quốc chiến tranh như: bãi công, thị oai, biểu tình, lan rộng các cuộc vận động ấy thêm sâu sắc cho tới vũ trang bạo động lập chính quyền Xôviết. Đảng Đại hội quyết định rằng nhiệm vụ chống đế quốc chiến tranh là nhiệm vụ toàn Đảng và các đoàn thể cách mạng; Đảng Đại hội không chủ trương lập ra những hội chống đế quốc chiến tranh, nhưng Đảng Đại hội quyết định lập ra các ban uỷ viên chống đế quốc chiến tranh (dưới quyền chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương) bao hàm những đại biểu đảng phái, đoàn thể và phần tử cá nhân có tánh chất chống đế quốc chiến tranh.

Toàn quốc đại biểu Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương tín nhiệm vào năng lực tranh đấu của vô

sản giai cấp và quần chúng lao động toàn xứ, tín nhiệm rằng các đảng viên cộng sản hết sức hy sinh, nỗ lực tổ chức và dẫn đạo quần chúng tranh đấu, bênh vực quyền lợi hằng ngày của họ và thực hiện nhiệm vụ của cách mạng phản đế và điền địa Đông Dương.

Đại hội chắc chắn rằng vận động cách mạng ở Đông Dương mỗi ngày một bành trướng và sâu sắc. Đại hội hiệu triệu quần chúng lao động toàn xứ đem các bản chương trình hành động của Đảng Cộng sản, Thanh niên Cộng sản Đoàn, Tổng Công hội đỏ, Liên hợp Công hội thợ nông nghiệp và bức thư 1934 của Đảng Cộng sản Tàu gửi cho Đảng Cộng sản Đông Dương, các nghị quyết của Đại hội ra thảo luận và thực hành. Sự thắng lợi chắc chắn ở trong tay công, nông, binh! Cần nỗ lực tranh đấu để mau đến ngày cách mạng thắng lợi hoàn toàn!

 

 Ngày 28 tháng 3 năm 1935

Công nhận tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương

---------------

Lưu tại Kho Lưu trữ

Trung ương Đảng.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website