CPV: Hội thi Báo cáo viên giỏi về tư tưởng Hồ Chí Minh khu vực phía Bắc tổ chức tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã thành công tốt đẹp. Nhân dịp này, phóng viên Website Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với một số báo cáo viên. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Nguyễn Thị Minh Thuỳ, công an quận Hoàng Mai, Hà Nội: Tôi thực sự xúc động trước tấm gương đạo đức cách mạng của Bác. Tôi rất, vui sướng khi được tham gia vào Hội thi này. Trong quá trình tìm tài liệu để nghiên cứu, tuyên truyền tư tưởng của Người tôi càng cảm thấy khâm phục Người, yêu mến Người và bằng tất cả tình cảm, tâm huyết của tôi, tôi đã thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Để đến với cuộc thi này, tôi đã trải qua 5 cuộc thi nên tôi thấy mình lớn lên nhiều, hiểu biết hơn về tư tưởng của Người và tôi đã học hỏi được rất nhiều từ các báo cáo viên khác.
Phóng viên: Sau Hội thi này, với tư cách là người đảng viên hoạt động ngành công an chị có muốn truyền đạt những hiểu biết của mình về tư tưởng của Bác đến cán bộ, chiến sĩ nơi chị công tác?
Nguyễn Thị Minh Thuỳ: Sau Hội thi này, tôi rất muốn tuyên truyền những hiểu biết của mình về Bác đến những đồng chí trong đơn vị của tôi, để những đồng đội của tôi nhận thức sâu sắc hơn nữa về đạo đức cách mạng của Bác. Tôi thực sự mong muốn đồng đội của tôi ai cũng thấm nhuần tư tưởng đạo đức cách mạng của Bác, ai cũng soi mình vào tấm gương đạo đức cách mạng của Bác để rèn luyện đạo đức cách mạng của bản thân, từ đó sẽ sống với nhau tốt hơn, có trách nhiệm với nhau hơn và đặc biệt đối với nhân dân thì cống hiến hết sức mình. Đó là điều mong muốn nhất của tôi.
Đinh Thị Nguyệt, dân tộc Tày, tỉnh Lào Cai: Lần đầu tiên tham gia Hội thi khu vực, Đinh Thị Nguyệmang số báo danh 12, đại diện cho Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã rất xúc động bày tỏ “Tôi rất vinh dự khi được tham gia Hội thi này và may mắn hơn là Hội thi này lại tổ chức tại Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là dịp để chúng tôi được giao lưu, học hỏi với các vùng, miền văn hoá khác nhau, nhằm nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị của mình”. Đến với Hội thi này Đinh Thị Nguyệt đã chọn cho mình chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.
Phóng viên: Lý do nào khiến đồng chí chọn đề tài này?
Đinh Thị Nguyệt: Ngay từ bé tôi đã rất xúc động khi được nghe mọi người kể về Bác, mọi người nói về tấm gương đạo đức cách mạng của Bác. Hơn nữa vấn đề đạo đức hiện nay rất cần thiết trong mỗi một đơn vị, mà Đại hội IX của Đảng nhận định một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hoá biến chất về đạo đức, làm giảm uy tín của Đảng. Thể hiện rõ nhất là chúng ta vừa được chứng kiến vụ án Lã Thị Kim Oanh. Vụ án này đã toát lên được tất cả những điều mà Bác Hồ đã nói với chúng ta, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực sự thực hiện được cần kiệm liêm chính, chí công vô tư đặc biệt là chữ liêm. Hơn lúc nào hết mọi người cần phải thấm nhuần tư tưởng đạo đức cách mạng của Bác, để nâng cao hơn nữa chất lượng sống và công tác và kiên quyết khắc phục tình trạng suy thoái biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Phóng viên: Là người tiếp xúc với nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội vì chị làm công tác chi trả bảo hiểm xã hội, chị thấy trong nhân dân hiện nay có hiểu nhiều về tư tưởng Hồ chí Minh hay không?
Đinh Thị Nguyệt: Nói chung thì mọi người hiểu nhưng chưa sâu, chưa hệ thống, còn đối với bà con dân tộc còn nhiều hạn chế nhận thức hệ thống quan điểm tư tưởng của Bác. Tuy bà con nhận thức rất sâu công ơn của Bác và tấm gương đạo đức của Bác. Để tư tưởng của Người đi vào cuộc sống ngày càng nhiều hơn nữa đặc biệt là với người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa thì chúng ta phải quan tâm sâu sắc hơn về vấn đề tuyên truyền tư tưởng của Người một cách rộng rãi.
<b.má>“Tôi rất vinh dự và hạnh phúc vì được về thăm mảnh đất anh hùng, quê hương Bác Hồ vĩ đại của dân tộc Việt Nam và đây là Hội thi lớn nhất mà tôi được tham gia, tôi muốn được thể hiện hết mình nhưng mục đích chính của tôi là học hỏi kinh nghiệm, giao lưu v#7899;i các tỉnh bạn”. Đó là những lời tâm sự của Má A Xình, dân tộc Mông, Nậm Loỏng, Tam Đường, Lai Châu.
Phóng viên: Đồng chí có gặp khó khăn trong việc tìm tài liệu để nghiên cứu hoàn thành bài dự thi của mình?
Má A Xình: Phải nói là tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm tài liệu vì nhận thức và trình độ văn hoá còn h</b.má>ạn chế. Hơn nữa, tìm tài liệu nơi tôi sinh sống cũng không dễ như miền xuôi. Tôi chỉ có tài liệu của Ban Tuyên giáo Lai Châu còn các tài liệu khác thì hầu như không có. Tôi cố gắng hết sức bằng cách tìm qua báo chí có liên quan và ngoài tài liệu thì tôi còn có thêm kinh nghiệm từ những vấn đề diễn ra ở cơ sở. Điều quan trọng nhất là tôi rất tâm huyết nên dù có thiếu thì tôi vẫn cố mày mò, tôi cứ viết, thiếu thì bổ sung, viết không được thì viết lại. Tôi đã viết đi viết lại rất nhiều lần để có thể hoàn chỉnh được vấn đề mình nghiên cứu.
Phóng viên: Đồng chí có ý định gì để tuyên truyền, quảng bá tư tưởng Hồ Chí Minh đến nơi mình sinh sống ?
Má A Xình: Tôi đến Hội thi này trước hết là tiếp thu thêm kinh nghiệm của các báo cáo viên tỉnh bạn để về làm sao có một phương pháp truyền đạt làm cho bà con dễ hiểu, để bà con nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì nơi tôi công tác, tư tưởng Hồ Chí Minh thường xuyên được tuyên truyền không những riêng cán bộ mà cả nhân dân các dân tộc.
Phóng viên: Theo đồng chí, tuyên truyền theo hình thức nào thì hiệu quả cao nhất?
Má A Xình: Chúng tôi là người dân tộc thiểu số nên trình độ có hạn, hơn nữa, bà con dân tộc chữ thì không biết, tiếng phổ thông biết rất ít, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng có lẽ theo tôi tuyên truyền miệng thông qua giao tiếp trực tiếp là có hiệu quả hơn cả. Đây cũng là hình thức mà chúng tôi lựa chọn. Hiện nay, chúng tôi tuyên truyền bằng tiếng phổ thông rồi dịch ra tiếng dân tộc nữa. Thời gian ở dân tộc miền núi thì họ dành hết cho làm nương, làm rẫy nên việc tập trung để tuyên truyền cũng rất khó chúng tôi phải lồng ghép trong các cuộc họp để tuyên truyền hoặc trong những lúc gặp nhau, ngồi với nhau chúng tôi cũng tranh thủ tuyên truyền, vài người gặp nhau cũng tuyên truyền vì chờ đợi cho đông đủ thì rất khó bởi phương tiện đi lại của chúng tôi không hề dễ dàng.
Phóng viên: Đồng chí có hình thức báo cáo rất độc đáo vì đồng chí trình bày tư tưởng của Bác về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc thông qua thực tiễn nơi mình sinh sống, tại sao đồng chí lại chọn hình thức trình bày như vậy?
Má A Xình: Bác Hồ từng nói lý luận phải đi đôi với thực tiễn và nếu mình chỉ nói lý luận thôi mà thực tiễn không có thì không thể thuyết phục. Tôi chọn hình thức lý luận kèm luôn thực tiễn để cho người ta công nhận, người ta “nhìn thấy” tư tưởng Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn.
Lê Quỳnh Lan, 24 tuổi, giảng viên trường Cao đẳng sư phạm kỹ thuật Nam Định, tỉnh Nam Định, người trẻ tuổi nhất Hội thi: “Được đến với Hội thi, đó là niềm tự hào và trách nhiệm to lớn của tôi nhằm đưa tư tưởng của Người ngày càng đi sâu vào cuộc sống, góp phần thực hiện thành công lý tưởng, hoài bão của Bác Hồ kính yêu của chúng ta”.
Phóng viên: Theo đồng chí, sự nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh của lớp trẻ hôm nay như thế nào?
Lê Quỳnh Lan: Có thể nói nhận thức của tuổi trẻ hôm nay về chính trị nói chung và về tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, đã được nâng cao đáng kể, tuy nhiên vẫn còn 1 bộ phận thanh niên ít được học tập chính trị và nhất là từ nhận thức đến hành động cách mạng của 1 bộ phận còn khoảng cách.
Theo tôi, trong giảng dạy cần phân tích những nét mới, độc đáo của tư tưởng Hồ Chí Minh. Khi hiểu được thì mới suy nghĩ, hành động theo tư tưởng đó được. Tôi rất đồng ý với hai quan điểm cho rằng: Nói về tư tưởng Hồ Chí Minh phải đạt đến độ làm cho người nghe thật sự cảm động; hay khi nghe xong tư tưởng Hồ Chí Minh, tất cả phải hừng hực khí thế học tập và làm việc theo tư tưởng của Người. Những báo cáo viên như tôi cũng đang cố gắng làm được hai điều trên.
Thu Hà thực hiện