Góp phần nghiên cứu học tập tư tưởng Hồ Chí Minh: "Trước hết là lo cho con người"
Tư tưởng về giải phóng con người, chăm lo phát triển toàn diện con người xuyên suốt toàn bộ cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ lúc Người còn bôn ba ở nước ngoài đến khi ở cương vị cao nhất của đất nước. Điều cốt lõi nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về con người chính là "giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội (giai cấp), cuối cùng là để đi đến giải phóng con người, trước hết là những người cùng khổ rồi đến cả nhân loại" ( “Về tư tưởng Hồ Chí Minh”, Võ Nguyên Giáp, QĐND,1993-Trang 30). Đó cũng chính là tư tưởng của Mác- Ăng-ghen là xây dựng một chế độ xã hội văn minh, công bằng, không còn người bóc lột người, mọi người đều bình đẳng, đều có quyền hưởng tự do và cuộc sống hạnh phúc; giải phóng con người khỏi mọi ách áp bức, bóc lột, bất công, trả lại giá trị đích thực cho con người, tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện, đưa con người "từ vương quốc tất yếu, sang vương quốc của tự do". 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của chủ nghĩa nhân văn cao cả, Người có niềm tin vô bờ bến vào nghị lực sáng tạo và khả năng phát triển của con người. Trái tim yêu thương của Người luôn luôn dành cho đồng bào mình và nhân loại cần lao. Mục tiêu phấn đấu cao nhất của Người được thể hiện giản dị nhưng sâu sắc: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành"(Hồ Chí Minh tuyển tập, Sự thật, H.1980, Tập1- trang381). Người cũng nói: "Nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì"(Hồ Chí Minh toàn tập, Sự thật, H.1984,Tập 4-trang 35). Trong Di chúc của Người để lại, việc đầu tiên là Bác nói về con người - đó là các chính sách đối với con người như chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động, miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng lại thành phố, làng mạc, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, đồng thời chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Người căn dặn mỗi người phải thương già, yêu trẻ, tôn trọng phụ nữ, tôn trọng mọi người. Nói rộng ra thế giới, tình yêu của Người đối với nhân loại không bao giờ thay đổi: "Quan san muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em". 
Suốt đời Bác rất tôn trọng và tôn vinh những giá trị, phẩm chất đạo đức cao quý của con người, Người ra đi tìm đường cứu nước chính là để giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân ta thoát khỏi mọi sự áp bức bất công, để được sống trong độc lập tự do, phát huy hết năng lực vốn có của mình vì hạnh phúc của nhân dân và của đất nước. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: Những tư tưởng lớn của Hồ Chủ Tịch là những tình cảm lớn. Trong đời hoạt động cách mạng cũng như trong đời sống riêng tư hàng ngày, Bác đối xử với con người luôn luôn có lý, có tình. Người luôn dành muôn vàn tình thương yêu đối với đồng chí, đồng bào. Trong tình yêu thương đó, có chỗ cho mọi người, không quên sót ai. Cụ Hồ nói rằng, người Việt Nam ai cũng yêu nước, muốn nước thống nhất độc lập, ta khéo nhen chút than hồng ấy nó sẽ cháy lên thành ngọn lửa. 
Người có niềm tin lớn ở con người với nghị lực sáng tạo vô tận, nhưng muốn phát huy tiềm năng to lớn ấy của con người thì con người phải được hưởng quyền sống, quyền sung sướng và mưu cầu hạnh phúc, tự do sáng tạo ra của cải cho xã hội và mở mang tinh thần trí tuệ. Tự do và hạnh phúc của mỗi người phải được đặt trong một xã hội có tự do và hạnh phúc, với đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên, tinh thần nhân ái trong sáng ngày càng được phát huy. Suốt đời hoạt động, lúc nào Bác cũng quan tâm việc chăm lo cuộc sống con người. Người đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp "trồng người": "Vì lợi ích 10 năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người", "Muốn có CNXH, trước hết phải có con người XHCN". Người chỉ rõ yêu cầu học tập nâng cao trình độ dân trí của dân tộc ta và Quân đội ta: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu"; "Một quân đội văn hay võ giỏi là một quân đội vô địch"... Bác không chỉ nhận thức đúng mà còn giải quyết đúng mối quan hệ biện chứng giữa tự do cá nhân và tự do của cộng đồng, giữa giải phóng cá nhân và giải phóng toàn xã hội. Người khẳng định, muốn giải phóng các lực lượng toàn xã hội, muốn cho xã hội phát triển, thì trước hết cần phải giải phóng toàn diện cá nhân - con người, tạo tiền đề cho sự phát huy cao độ và những khả năng tiềm ẩn của mỗi cá nhân. Bác chăm lo cho đời sống mỗi người, chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, nâng niu nuôi dưỡng, đào luyện, sử dụng họ theo khả năng của mỗi người. 
Trong nhiều năm qua, Đảng ta đã không ngừng chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng bị thiên tai bão, lũ…với các chủ trương, chính sách và các giải pháp thực thi cụ thể như xoá đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng cơ sở cho các vùng, miền…Từ một nước phải nhập khẩu lương thực và các sản phẩm tiêu dùng khác, đến nay, nước ta đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo, thứ ba về xuất khẩu cà phê…Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng bình quân 7%/năm, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực. Năm 2000, tỷ lệ hộ đói, nghèo trong cả nước là 20% thì đến nay, tỷ lệ này chỉ còn 10%, đến năm 2005 nước ta sẽ cơ bản xoá hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%. Hiện nay 61 tỉnh, thành phố đã đạt phổ cập THCS; đến năm 2005, tỷ lệ học sinh độ tuổi đi học THCS sẽ là 80%, THPT là 45%; tuổi thọ trung bình của người dân trong cả nước sẽ lên 70 tuổi. Đó là những minh chứng sống động về những cố gắng nỗ lực của Đảng ta, chăm lo đến con người theo tư tưởng của Bác. 
Tuy nhiên, việc chăm lo đến con người trong thời gian qua chưa được như mong muốn của Đảng ta, phần do hậu quả của mấy chục năm chiến tranh khốc liệt để lại chưa thể khắc phục một sớm, một chiều, phần vì chúng ta còn yếu kém, bất cập trong quản lý kinh tế, xã hội, trong việc hoàn chỉnh pháp luật và thực thi các chính sách, pháp luật…Đói nghèo, bất công, vi phạm dân chủ ở cơ sở…vẫn còn là nỗi nhức nhối tại nhiều địa phương. Bên cạnh đó là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch núp dưới chiêu bài dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, ngày ngày rình rập phá hoại công cuộc đổi mới của nhân dân ta. 
Học tập tư tưởng của Bác, Đảng ta luôn chăm lo đến chính sách con người, coi con người là điểm xuất phát, đặt con người ở vị trí trung tâm và sự giải phóng con người là mục tiêu cao cả mà Đảng ta hướng tới, để mỗi người Việt Nam "phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hoá, quan hệ hài hoà trong gia đình, cộng đồng và xã hội" (Văn kiện Đại hội Đảng IX). 
(Nguồn: Báo QĐND)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website