Nhớ về mùa thu cách mạng, tri ân công lao của Bác Hồ với sự nghiệp giáo dục nước nhà

Mùa thu Thăng Long 1000 năm tuổi, mùa thu lần thứ 65 năm cách mạng Tháng Tám, mùa thu của ngày hội khai trường đang cận kề, sẽ là dịp để chúng ta ôn lại chặng đường vẻ vang dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, theo tư tưởng giáo dục đầy tính nhân văn, nhân bản của Bác Hồ.

Ngay từ những ngày còn bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã nhiều lần đến thăm trẻ em ở những khu ổ chuột ngoại ô Pa-ri; trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” Người đã tố cáo thực dân xây nhà tù, mở tiệm rượu nhiều hơn trường học; trong bản Yêu sách gửi Hội nghị Véc Xây (tại Pháp, tháng 2 năm 1919), Nguyễn Ái Quốc đã đòi thực dân Pháp phải thực hiện các quyền tự do, bình đẳng cho nhân dân Đông Dương (trong đó có quyền được “học”). Đó là những quyền “bất khả xâm phạm” mà bản Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kì (năm 1776) đã nêu; sau đó được tiếp tục thể hiện trong Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền của nước Pháp (1789). Tại lễ Tuyên ngôn Độc lập của nước ta (2-9-1945), tư tưởng nhân văn này đã được Hồ Chí Minh lấy làm tiền đề để khẳng định “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập”. Ngày 3-9-1945, trong tình hình vận mệnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Hồ Chí Minh đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, đề ra một số nhiệm vụ cấp bách, có tính quyết sách chiến lược để cứu nguy đất nước, trong đó có có nhiệm vụ mở một chiến dịch “diệt giặc dốt”, vì theo Người thì: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Nhân dịp khai trường năm học đầu tiên cho thế hệ măng non của nước Việt Nam độc lập, Người dành những tình cảm trìu mến, gửi gắm niềm tin tương lai dân tộc tới các học sinh yêu quí: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Ngày 21-1-1946, khi trả lời phỏng vấn các nhà báo, Người đã khẳng khái: “Tôi chỉ có một ham muốn, một ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Suốt 25 năm làm Chủ tịch nước, dù trong hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc hay trong những ngày về lại Thủ đô lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mĩ, cho đến những ngày cuối cùng trên cõi đời, Bác Hồ dường như không bao giờ quên trách nhiệm và chẳng thể nào phai nhạt tình cảm dành cho các thế hệ măng non nước nhà. Mỗi lần đi thăm thực tế, Người thường không bỏ qua việc đến một trường học nào đó để động viên thầy trò “Dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”. Mỗi dịp trung thu, Người lại đón các cháu đại biểu thiếu niên nhi đồng vào thăm, Người cùng nắm tay sum vầy múa hát, tặng hoa và chia kẹo cho các cháu. Đáp lại tình cảm yêu quí của Bác, các cháu thiếu niên nhi đồng trong Nam, ngoài Bắc đã gửi thư với những lời chúc thọ, lời hứa và báo công làm theo 5 điều Bác dạy, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, cùng thi đua học hành, góp công vào kháng chiến kiến quốc.

Tư tưởng “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” của Hồ Chí Minh là tiền đề để Đảng ta đề ra đường lối xây dựng nền giáo dục nhân dân. Đảng ta ra đời trong hoàn cảnh nước nhà mất độc lập, được tôi luyện và trưởng thành trong quá trình đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, kháng chiến, kiến quốc, đổi mới đất nước, đã từng bước khẳng định vai trò lãnh đạo và cầm quyền vì nước vì dân. Sự nghiệp giáo dục là một lĩnh vực cực kì quan trọng, qua mỗi thời kì cách mạng, trong các cương lĩnh chính trị, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, với các cách diễn đạt khác nhau, nhưng luôn nhất quán “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính từ năm 1950 đến nay, Đảng đã ban hành hơn 60 chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực giáo dục và đào tạo; trong đó đáng lưu ý nhất các nghị quyết về cải cách giáo dục (năm 1950, 1956, 1979). Các chỉ thị, nghị quyết về giáo dục của Đảng đã xác định giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; bao hàm tất cả các mặt cần quan tâm phát triển, trong đó lấy việc giáo dục con người Việt Nam mới, có sự kết tinh các giá trị truyền thống của dân tộc, có sự tiếp thu các giá trị tinh hoa của nhân loại, làm nền tảng đạo đức, có tinh thần, đủ bản lĩnh và trí tuệ để xứng đáng là người chủ tương lai đất nước, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của các thế hệ ông cha, đưa đất nước từng bước vinh danh trên trường quốc tế. Quán triệt chủ trương đường lối của Đảng, dù trong bất kì hoàn cảnh nào, nhân dân ta cũng biết phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, vượt lên mọi khó khăn gian khổ đời thường, nhất là những mất mát, hy sinh trong thời chiến, lặng lẽ mà kiên trì miệt mài học tập để chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức khoa học; rồi đem những tri thức đó phục vụ sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Thời gian càng lùi xa, nhiều thành tựu vĩ đại trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có giáo dục lại càng trở thành minh chứng sống động cho sự hồi sinh đất nước. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mạng lưới các trường phổ thông chỉ được mở ở cấp tỉnh hoặc liên tỉnh, còn số trường cao đẳng, đại học chỉ tính trên đầu ngón tay; đến nay cả nước đã có 440 trường đại học, cao đẳng, mạng lưới trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đã mở đến cấp xã, cấp huyện, nhiều huyện có tới 3-4 trường trung học phổ thông, các tỉnh, huyện miền núi đều đã có trường phổ thông nội trú dành cho con em đồng bào dân tộc ít người. Hơn 80 năm dưới “ánh sáng khai hóa văn minh” của thực dân Pháp, nước ta bị mù chữ tới hơn 90% dân số, đến nay đã hoàn thành xóa mù chữ, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và đứng trước ngưỡng cửa của hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, bắt đầu từ năm 2010, trẻ mầm non 5 tuổi sẽ được thụ hưởng giáo dục phổ cập. Khi nước nhà chưa giành được độc lập, số người Việt Nam xuất thân từ con em nông dân, công nhân được vào các trường công do thực dân Pháp mở rất nhỏ giọt, nhưng kể từ khi có phong trào “diệt dốt” đến nay, bất kể phụ nữ hay nam giới, bất kể người cao tuổi hay trẻ thơ, bất kể người lính hay công nhân, nông dân, kể cả những người trôi nổi bến sông, hẻm phố đều được thụ hưởng “quyền học tập”. Dưới chế độ thực dân phong kiến trước ngày tổng khởi nghĩa, một bộ phận con em các gia đình khá giả, trí thức có được vinh dự “du học” ở nước ngoài, nhất là ở Pháp, giờ đây trong bối cảnh hội nhập, số lượng học sinh, sinh viên du học nước ngoài hoặc du học tại chỗ bằng kinh phí tự túc, bằng kinh phí nhà nước ngày càng đông. Những thế hệ học sinh ra đời từ trong kháng chiến, dù phải “mang mũ rơm đi học đường dài” hoặc phải bí mật tập kết ra vùng tự do để học, thậm chí còn phải ẩn dưới địa đạo, nhưng chính tinh thần kháng chiến, chính khí phách dân tộc đã giúp họ vững vàng đứng lên, như hình tượng cây tre ở miền Bắc, cây xà nu ở Tây Nguyên, cây đước ở Nam Bộ. Trải qua 30 năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, từ những người được Đảng, Nhà nước chọn lựa gửi ra nước ngoài học tập, hay những người ở trong nước vừa học tập, vừa sẵn sàng lao động sản xuất và chiến đấu chống quân xâm lược, tất cả đều đã trưởng thành và xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, của Bác Hồ. Bạn bè quốc tế có một nhận xét chung: người Việt Nam rất ham học và rất có ý chí học tập, lại thông minh, cần mẫn; đó là một phần thưởng quí báu cho nhiều nỗ lực, cố gắng của biết bao thế hệ người Việt Nam theo Đảng, theo Bác Hồ; bởi vì chính Bác Hồ là biểu tượng cao hơn hết cho tinh thần và ý chí “tự học” vì sự nghiệp cứu nước, cứu dân, chính Đảng ta là hiện thân của “đạo đức, văn minh”. Trong hơn 30 năm qua, ngay từ khi Việt Nam có đoàn dự thi quốc tế một số môn học, cứ mỗi năm, chúng ta lại có vinh dự nhận được những giải thưởng cao quí, nhiều huy chương vàng, huy chương bạc được trịnh trọng trao cho thí sinh Việt Nam, khi đó cờ Việt Nam và Quốc ca Việt Nam vang lên kiêu hãnh. Nhân ngày kỉ niệm Cách mạng Tháng Tám lần thứ 65 của nước ta, Ngô Bảo Châu đã mang vinh quang đặc biệt về cho đất nước khi được trao giải thưởng cao nhất trong lĩnh vực toán học quốc tế.

Những thành tựu nêu trên, dù chưa phải là tất cả, dù chưa phải là hoàn thiện, hoàn mỹ, vì rằng trong cuộc sống đời thường, vẫn còn đâu đó không ít những biểu hiện của tiêu cực giáo dục đang làm nhức nhối xã hội, thì chúng ta vẫn có quyền tự hào về nền giáo dục nước nhà. Thực tế đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, làm ảnh hưởng tới tính định hướng xã hội chủ nghĩa trên nhiều phương diện, trong đó giáo dục không thể là ngoại lệ, càng chứng tỏ một qui luật tất yếu của mọi cuộc cách mạng xã hội - một cuộc cách mạng mà Nguyễn Ái Quốc đã từng đề cập trong “Đường kách mệnh” sẽ là cuộc cách mạng triệt để nhất trên phương diện giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bất công. Rồi chính Người đã tiên đoán trong Di chúc rằng: công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh sẽ vô cùng gay go, phức tạp, vì đây là một cuộc chiến với những cũ kĩ, lạc hậu. Giáo dục không phải là chính trị (như một số người cố tình hiểu sai lệch vì mục đích kích động chính trị), nhưng giáo dục không đứng ngoài lề chính trị, bởi thành tựu của giáo dục là hệ quả của chiến lược phát triển giáo dục mà một quốc gia theo đuổi, giáo dục trực tiếp tạo ra sự bứt phá về kinh tế-xã hội và ổn định chính trị, tạo lập văn minh, văn hóa. Nhưng làm giáo dục không giống như làm kinh tế, vì đó là một quá trình cực kì khó khăn, phức tạp và hết sức nhạy cảm đối với mọi gia đình, mọi khía cạnh chính trị - kinh tế - xã hội - văn hóa. Tự hào với những thành tựu to lớn của giáo dục nước nhà, chúng ta cần điềm tĩnh tự kiểm điểm những bất cập, yếu kém của giáo dục hiện nay, chẳng hạn như: sự bất hợp lý giữa qui mô trường lớp và chất lượng giáo dục; sự bất bình đẳng trong thụ hưởng cơ hội giáo dục giữa đô thị và nông thôn, giữa tầng lớp khá giả và tầng lớp nghèo khó; sự thiếu hợp lý giữa giáo dục kiến thức với giáo dục đạo đức và kĩ năng sống; sự xem nhẹ giáo dục chính trị, văn hóa trong nhà trường… Những tồn tại như vậy cần phải sớm được chấn chỉnh, khắc phục một cách căn bản, với những giải pháp đồng bộ từ đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất đến xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; từ đổi mới chương trình đến phương pháp dạy học; từ vai trò nhà nước đến vai trò xã hội đối với giáo dục.

Vào mỗi dịp hè, có vô số đoàn học sinh từ nhiều miền đất nước đã trở về Thủ đô Hà Nội - Thăng Long ngàn năm văn hiến, vào Lăng viếng Bác, họ đứng thành hàng nối dài lặng lẽ, vai mang khăn quàng đỏ, ai cũng thầm hứa với Bác sẽ cố gắng học tập và rèn luyện để xứng đáng là “con ngoan, trò giỏi” xứng danh “cháu ngoan Bác Hồ”. Một mùa thu nữa đang đến với đất nước, trong không khí rộn ràng của ngày khai trường năm nay, thầy trò các nhà trường sẽ được nghe lại những lời thắm tình thương yêu, tin tưởng mà Bác Hồ kính yêu đã gửi học sinh nhân ngày khai trường cách đây 65 năm. Nhớ công ơn của Bác, mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, sinh viên, mỗi người dân yêu nước hãy chung lòng, góp trí đưa sự nghiệp giáo dục nước nhà phát triển hài hòa, bền vững, đặt nền móng cho dân tộc Việt Nam tạo dáng rồng bay như ý nguyện của Vua Lý Thái Tổ thuở xưa.

TS Trần Viết Lưu ( Theo Tạp chí Tuyên giáo)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website