TS Thanh Tuyền
Tư tưởng Hồ Chí Minh là định hướng cơ bản để xây dựng giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam. Công đoàn cần chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động để thật sự đại diện cho sức mạnh của công nhân trong thời kỳ mới.
I - Những nội dung cơ bản
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, từ những năm còn bôn ba ở nước ngoài để tìm đường cứu nước đến khi về nước và cả lúc sắp đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều dành sự quan tâm thường xuyên, sâu sắc đối với giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam. Trong di sản tư tưởng của Người để lại, chúng ta thấy có cả một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng về giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn cách mạng. Những luận điểm, những lời dạy của Người về công nhân và công đoàn là một phần quan trọng gắn bó hữu cơ với toàn bộ hoạt động lý luận và thực tiễn của Người. Trước hết, đối với giai cấp công nhân, tư tưởng quan trọng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xác định rõ vị trí, vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong cách mạng Việt Nam. Tư tưởng đó được hình thành trong quá trình tìm đường cứu nước của Người. Trong những năm bôn ba tìm đường cứu nước, được tiếp cận với công nhân ở các nước tư bản, Người đã sớm nhận thức được rằng, giai cấp công nhân là sản phẩm của lịch sử, ra đời và phát triển cùng với sự xuất hiện và phát triển của nền sản xuất tiên tiến. Giai cấp công nhân là lực lượng đại diện cho nền sản xuất tiên tiến, có trình độ tổ chức và kỷ luật cao, có ý thức tập thể và tinh thần quốc tế. Từ nhận thức về vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam qua sách, báo và qua tuyên truyền vận động. Từ năm 1924 khi về Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động, tư tưởng đó của Người được truyền bá đến những thanh niên Việt Nam yêu nước qua tổ chức tiền thân của Đảng do Người sáng lập (Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên). Nhờ vậy, những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ đầu đã có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta đã xác định: "Trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp và nông dân là hai động lực chính, nhưng vô sản có cầm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thắng lợi được"(1). Sự xác nhận này vào thời điểm lịch sử thành lập Đảng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định đối với vận mệnh cách mạng nước ta. Tư tưởng đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân tiếp tục được hoàn thiện và quán triệt trong các văn kiện của Đảng ta từ năm 1930 đến nay, trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng. Đối với tổ chức công đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đầu tiên truyền bá nhận thức tư tưởng và nội dung hoạt động của tổ chức công đoàn cách mạng vào phong trào công nhân nước ta. Người đặt nền móng lý luận, tư tưởng cho việc tổ chức, hoạt động của công đoàn Việt Nam theo quan điểm Mác - Lê-nin. Và người đã rèn luyện, giáo dục công đoàn từ lúc chuẩn bị thành lập đến khi phát triển. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về công đoàn được trình bày rất giản dị, dễ hiểu. Trong tác phẩm Đường Kách Mệnh (1927) Người nói rõ: Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới. Từ quan điểm, tư tưởng nhất quán đó, ngay sau khi giành được chính quyền Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho công nhân lao động. Người luôn nhắc nhở những người làm công tác công đoàn: "Mục đích công đoàn là phải cải thiện dần đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của giai cấp công nhân nói riêng và của nhân dân nói chung"(2). Ngày 18-7-1969, trước lúc đi xa và cũng là lần cuối cùng gặp các đồng chí lãnh đạo công đoàn, việc đầu tiên Người nhắc nhở vẫn là vấn đề việc làm, đời sống của người lao động. Cùng với vấn đề chăm lo bảo vệ quyền lợi cho người lao động, tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công đoàn là phải làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho công nhân, lao động.Để tổ chức công đoàn làm tốt chức năng chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho công nhân lao động, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở phải xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
II - Vấn đề đặt ra
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam hiện là những định hướng cơ bản để xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng ta vẫn kiên định Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy bản chất của giai cấp công nhân làm bản chất giai cấp của Đảng. Đảng tiêu biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc. Chính vì thế, Đảng coi trọng xây dựng giai cấp công nhân. Muốn thúc đẩy nhiệm vụ đó, chúng ta cần thấy rõ thực trạng giai cấp công nhân ở nước ta ngày nay. Thứ nhất: Về thực trạng đội tiên phong của giai cấp công nhân - Đảng Cộng sản Việt Nam: Như đã nói ở trên, trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới 17 năm qua, trước những bối cảnh thế giới đầy những biến động hết sức phức tạp, nhưng Đảng ta vẫn kiên định lập trường của giai cấp công nhân theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững bản chất giai cấp công nhân và vai trò tiên phong cách mạng, đại biểu trung thành cho lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Và chính trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng, bằng đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, Đảng được toàn thể dân tộc Việt Nam coi là Đảng của mình, là người lãnh đạo duy nhất của dân tộc mình. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh là cơ bản, công tác xây dựng đảng bộc lộ một số khuyết điểm. Đó là chưa ngăn chặn và đẩy lùi được sự suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ đảng viên; dân chủ ở một số tổ chức đảng bị vi phạm, kỷ luật, kỷ cương lỏng lẻo, nội bộ một số tổ chức đảng mất đoàn kết; bệnh cá nhân chủ nghĩa xuất hiện ở một số cán bộ, đảng viên và ngày càng có những biểu hiện đáng lo ngại. Thứ hai: Thực trạng về cơ chế quản lý, chính sách xã hội đối với giai cấp công nhân: Đây là vấn đề lớn, tác động trực tiếp đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Đất nước ta đang có nhiều thành phần kinh tế và cùng phát triển. Có thể nói, cơ cấu kinh tế - xã hội đang chuyển dịch, tác động vào giai cấp công nhân. Trước hết những biến động đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới, Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân, do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo vẫn được giữ vững. Mọi cơ chế quản lý, chính sách xã hội ngày càng được hoàn thiện theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều vấn đề bức xúc. Thí dụ, hiện tại, trong bộ máy công quyền còn những cán bộ vi phạm lợi ích của dân, tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Thứ ba: Thực trạng về hoạt động công đoàn: Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, lao động và viên chức do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới, công đoàn đã vượt qua nhiều khó khăn, từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động trong cơ chế thị trường, góp phần xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh. Vị thế tổ chức công đoàn trong xã hội từng bước được nâng lên. Song, trước những tác động khắc nghiệt của cơ chế thị trường, trong xu thế toàn cầu hóa đang phát triển sâu rộng hàng loạt câu hỏi lớn đang đặt ra cho tổ chức công đoàn. Trước hết, Công đoàn làm gì để chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động trong tình hình mới? Đó là việc làm, bao gồm thông tin, giới thiệu việc làm và đào tạo lại cho người lao động; đời sống, bao gồm thu nhập và giá trị thu nhập, nhà ở, đi lại, thông tin, bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động, sự bảo vệ pháp luật đối với người lao động, quyền làm chủ của người lao động; vấn đề công bằng xã hội; chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Đây là những vấn đề rất quan trọng. Giải đáp được những vấn đề ấy là góp phần xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh. Vấn đề đang đặt ra đối với tổ chức công đoàn là phải thật sự đại diện cho sức mạnh trí tuệ, tài năng của hàng chục triệu công nhân, lao động nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thứ tư: Đánh giá đúng về thực trạng giai cấp công nhân. Đây là vấn đề lớn cần được đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về những vấn đề đang diễn ra trong giai cấp công nhân ở nước ta trong gần 20 năm qua. Bởi vì, dưới tác động của cơ chế thị trường và xu thế đẩy nhanh quá trình hội nhập đã dẫn tới những biến đổi lớn trong cơ cấu xã hội, của giai cấp công nhân. Nếu không nghiên cứu làm rõ tình hình cơ cấu xã hội của giai cấp công nhân thì không thể hoàn thiện được chính sách đối với giai cấp công nhân, không tạo được điều kiện để giai cấp công nhân phát huy truyền thống tốt đẹp của mình trong tình hình mới. Công nhân cần được tăng cường bồi dưỡng về trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật, công nghệ... Chỉ có như vậy mới trả lời được những thách thức của thời đại xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Thực hiện tốt những công việc này, tức là chúng ta kế thừa, phát huy và vận dụng sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng giai cấp công nhân trong tình hình mới.
(Theo báo ND)
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tập 2, tr 94.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1996, tr 567.