Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục mãi soi đường cho giáo dục - đào tạo đất nước

Mục đích của giáo dục

Kế thừa truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đề cao mục đích, vai trò của giáo dục. Điều này xuất phát từ chính mục tiêu cao cả mà Người theo đuổi suốt cuộc đời: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”([1]).

Giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng trong việc cải tạo, phát triển con người, góp phần làm thay đổi con người cũ, xây dựng con người mới, hoàn thiện hơn. Người dạy: “Óc của những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh nó sẽ xanh, nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ”([2]). Trong chế độ thực dân, mọi người Việt Nam bị nô dịch về văn hóa, giáo dục. Trong chế độ xã hội mới, thông qua giáo dục, con người cũ được cải tạo để trở thành con người mới vừa “hồng”, vừa “chuyên”, vừa có đức, vừa có tài. Những con người này sẽ nhờ đó mà làm chủ được bản thân, làm chủ vận mệnh đất nước.

Giáo dục tạo tiền đề cho việc hình thành và phát triển nhân cách con người. Trong tác phẩm “Dạ bán” của tập Nhật ký trong tù, Người viết: “Thiện ác nguyên lai vô định tính/Đa do giáo dục đích nguyên nhân” (tạm dịch: Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên”([3]). Với quan điểm này, một lần nữa Người khẳng định bản chất con người là do giáo dục tạo nên chứ không phải được định sẵn như một số nhà Triết học quan niệm. Quan điểm này của Hồ Chí Minh là kết quả của sự tiếp thu quan điểm duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin, sự đúc rút từ chính thực tiễn bản thân Người.

Bác Hồ với học sinh Trường Trưng Vương. (Ảnh: Tư liệu)

Giáo dục góp phần đắc lực vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, đưa nước ta bước lên đài vinh quang. Hồ Chí Minh quan niệm, không gì khác ngoài giáo dục giúp đào tạo nên những nhân tài, hiền đức. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Nhiều hiền tài sẽ giúp cho dân tộc mạnh. Một dân tộc mạnh sẽ được đứng ngang hàng với các nước mạnh năm châu. Không dân tộc nào có thể dễ dàng ức hiếp. Trong Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường năm 1945, Hồ Chí Minh viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”([4]).

Đối với lĩnh vực kinh tế, Người khẳng định: “không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế. Giáo dục không tác động trực tiếp đến kinh tế nhưng giáo dục tạo ra người tài, đào tạo nên chuyên gia, kỹ sư, người lao động có chuyên môn vô luận việc gì, đều do con người làm ra cả”([5]). “Kinh tế có kế hoạch, giáo dục cũng phải có kế hoạch. Mặt khác, Hồ Chí Minh cũng chỉ ra tác động của kinh tế đến giáo dục: “Kinh tế không phát triển thì giáo dục cũng không phát triển được. Giáo dục không phát triển thì không đủ cán bộ giúp cho kinh tế phát triển. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau”([6]).

Mục đích xuyên suốt của triết lý giáo dục Hồ Chí Minh là gắn giáo dục kiến thức với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh: “Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân phong kiến khác hẳn nhau. Bây giờ học để: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu đạo đức. Học để phụng sự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ của người chủ nước nhà”([7]). Hồ Chí Minh cho rằng nhiệm vụ của giáo dục là đào tạo ra những con người mới đáp ứng nhu cầu của từng thời kỳ cách mạng.

Trong những năm 20 của thế kỷ XX, để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng, Người chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, giáo dục tư tưởng, chính trị tiến bộ cho người cách mạng và nhân dân. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, người chú ý đào tạo con người “trung với nước, hiếu với dân”, yêu chủ nghĩa xã hội. Trong những năm tháng chống Pháp, Hồ Chí Minh chú trọng đào tạo con người “vững tay súng, chắc tay cày”, giáo dục nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, miền Nam tiếp tục chống Mỹ, Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: “Phải học. Ngày nay không phải học để lấy bằng cấp, để thoát ly sản xuất. Phải học chính trị, học văn hoá, học kỹ thuật để nâng cao hiểu biết”([8]).

Nội dung của giáo dục

Thứ nhất, giáo dục tinh thần yêu nước, nâng cao trình độ lý luận chính trị. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tinh thần yêu nước là kiên quyết giữ gìn quyền độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ nước mình”([9]). Tinh thần yêu nước, theo Người, là niềm tự hào dân tộc và là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam; bởi vậy, cần giáo dục lòng yêu nước cho mọi người. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh cũng chú ý đến nâng cao trình độ chính trị cho mọi người. Thư gửi Đại hội Giáo dục toàn quốc năm 1951 có đoạn Người viết: “Đại hội nên làm thế nào cho việc giáo dục liên hệ với đời sống của nhân dân, với công cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc. Làm thế nào để phối hợp việc giáo dục của trường học với việc tuyên truyền và giáo dục chính trị chung của nhân dân”([10]).

Thứ hai, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống. Hồ Chí Minh quan niệm: “nếu ta không chuẩn bị sẵn sàng, không kịp thời lãnh đạo, thì tư tưởng sẽ hỗn loạn, hoạt động sẽ hỗn loạn”([11]). Do đó, phải sớm giáo dục tư tưởng cho dân, “bồi dưỡng tư tưởng mới để đánh thắng tư tưởng cũ, đoạn tuyệt với con người cũ để trở thành con người mới”([12]). Đạo đức, lối sống đối với người cách mạng cũng cực kỳ quan trọng. Hồ Chí Minh coi giáo dục đạo đức là nền tảng của chiến lược giáo dục; do đó, không được coi nhẹ nội dung này.

Thứ ba, giáo dục văn hóa, chuyên môn và tinh thần yêu lao động. Văn hóa, theo Hồ Chí Minh, có vai trò to lớn trong đời sống của mỗi dân tộc, là mục tiêu, động lực của cách mạng: “thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm... Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”([13]). Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Phải coi: “văn hóa giáo dục là một mặt trận quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”([14]). Bên cạnh đó, Người cũng nhắc nhở: Mọi lao động đều là vẻ vang, không được xem thường lao động chân tay. Bất cứ làm nghề gì, có ích cho nước nhà, cho nhân dân, cho giai cấp, đều vẻ vang. Bất cứ nấu bếp, quét nhà hay làm chủ tịch, đều phải lao động cả, làm gì ích nước, lợi dân là vẻ vang.

Thứ tư, giáo dục thể chất và mỹ họcTrong quá trình cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, lao động là yếu tố cơ bản của sự tồn tại và phát triển xã hội mới, nhưng “muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khỏe. Muốn giữ gìn sức khỏe thì nên thường xuyên tập thể dục, thể thao. Vì vậy, chúng ta nên phát triển phong trào thể dục, thể thao rộng khắp”([15]). Đối với Hồ Chí Minh, giáo dục phải giáo dục toàn diện; cho nên sẽ là thiếu sót nếu chỉ nhắc đến đức, trí mà quên đi chữ mỹ. Người giải thích: “Mỹ dục: để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp”([16]). “Chữ Mỹ nghĩa là tốt đẹp”, “Thiện nghĩa là tốt đẹp, vẻ vang. Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ lợi ích của nhân dân”. Như vậy, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến vấn đề nâng cao trình độ văn hóa, thẩm mỹ và nhu cầu xây dựng cuộc sống theo cái đẹp ở mọi lúc, mọi nơi, để cái tốt, cái đẹp, cái thiện luôn được trau dồi, nuôi dưỡng và hiện hữu trong cuộc sống.

Phương pháp giáo dục

Phương pháp là cách thức nhận thức, nghiên cứu hiện tượng của tự nhiên và đời sống xã hội([17]). Phương pháp giáo dục là cách thức sử dụng các nguồn lực trong giáo dục như giáo viên, trường lớp, dụng cụ học tập, các phương tiện vật chất để giáo dục người học.

Theo Hồ Chí Minh, để giáo dục có hiệu quả cần phải có phương pháp và sử dụng tốt các phương pháp: Thứ nhất, phát huy tính chủ động sáng tạo của người học, tránh nhồi nhét kiến thức. Khi học cần thảo luận giữa thày và trò, phát huy dân chủ. Thứ hai, giáo dục lấy tự học làm cơ bản. Thứ ba, phương pháp nêu gương. Thứ tư, phải tạo ra các phong trào thi đua.

Như vậy, quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục có ý nghĩa sâu sắc với sự nghiệp trồng người của nước ta. Qua những quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục đã làm rõ nhiều giá trị thời đại đối với ngành giáo dục - đào tạo hiện nay, như trong sự nghiệp giáo dục phải chú ý giáo dục nội dung toàn diện, quan tâm nhiều hơn đến chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ - thế hệ tương lai của đất nước; giáo dục - đào tạo con người phải đủ đức, đủ tài, vừa hồng vừa chuyên, giáo dục phải có phương pháp khoa học, phù hợp. Coi trọng giáo dục, phải nhận thấy là sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là của con người, do con người và vì con người. Đồng thời, phải tạo ra con người đủ đức, tài mới xây dựng được chế độ xã hội chủ nghĩa - chế độ dân chủ, công bằng, văn minh đó; góp phần hiện thực hoá khát vọng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.187

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.102

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.413

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.35

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.245

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.289

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.179

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.612

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr.272

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.139

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.553

[12]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.300

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.493

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.647

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.542

[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.210

[17] Song Thành (2014), “Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh”, Tạp chí Lý luận chính trị, Số 6, Hà Nội, tr. 793

 
 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website