Nghiên cứu những bài nói và viết của Người, chúng ta đều thấy mối quan tâm hàng đầu của Người là xây dựng một đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Sự giác ngộ lý tưởng cộng sản, lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của giai cấp công nhân, suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là phẩm chất hàng đầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra cho mỗi đảng viên cộng sản.
Người căn dặn mỗi đảng viên "không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới"; phải biết đặt lợi ích của giai cấp, của dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết; nếu khi "lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân thì phải quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng". Người chỉ rõ: suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân "là phẩm chất cao quý của người cách mạng. Đó là đạo đức cách mạng. Đó là tính Đảng, tính giai cấp, nó bảo đảm cho sự thắng lợi của đảng, của giai cấp, của nhân dân". Người đánh giá rất cao những đảng viên luôn luôn trung thành với sự nghiệp cách mạng của giai cấp và của dân tộc, suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, đồng thời phê phán nghiêm khắc những kẻ lợi dụng địa vị để mưu cầu lợi ích cá nhân làm tổn hại đến lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lạo động.
Chủ tịch Hồ chí Mình đòi hỏi mỗi đảng viên cộng sản cùng với phẩm chất cách mạng cao quý còn phải có năng lực, vì có năng lực mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ của Đảng giao cho. Người dạy rằng, "Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thạo về chính trị, mà còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung”. Muốn vừa thạo về chính trị, vừa giỏi về chuyên môn, mỗi đảng viên phải ra sức "học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng, học tập văn hoá, kỹ thuật và nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng và năng lực công tác của mình”. Bởi vì, có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm tốt được công tác Đảng giao cho mình; “có nắm vững đường lối cách mạng mới hiểu rõ mình phải làm gì và đi theo phương hướng nào để thực hiện mục đích của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay”. Người cũng chỉ rõ rằng, muốn học tập có kết quả tốt, phải có thái độ đúng và phương pháp đúng, lý luận phải liên hệ với thực tế, phải “biến những điều đã học thành hành động cách mạng thực tế. Học phải đi đôi với hành, chứ không phải học để nói suông”.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, một yêu cầu quan trọng về phẩm chất đảng viên là liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy quyền làm chủ tập thể và sức mạnh sáng tạo to lớn của quần chúng. Bởi lẽ, Đảng là đội tiên phong của quần chúng, nhưng Đảng chỉ có sức mạnh nếu giữ vững được mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng. Muốn làm cho quần chúng phấn khởi, tin tưởng, người đảng viên "phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải yêu kính nhân dân. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng” ra lệnh, ra oai. Phải nắm vững quan điểm giai cấp, đi đúng đường lối quần chúng, thành tâm học hỏi quần chúng, kiên quyết dựa vào quần chúng, giáo dục và phát động quần chúng tiến hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và của Nhà nước. Phải thật thà, ngay thẳng, không được giấu dốt, giấu khuyết điểm, sai lầm. Phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo...Phải luôn chăm lo đến đời sống của quần chúng. Phải “chí công, vô tư” và có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. “Người nghiêm khắc phê phán những đảng viên “xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng...ngại làm việc tổ chức, tuyên truyền và giáo dục quần chúng...mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Kết quả là quần chúng không tin, không phục, không yêu...” và họ không làm nên trò trống gì.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân cách đảng viên cộng sản luôn nhấn mạnh vấn đề xây dựng ý thức tổ chức và kỷ luật, phục tùng nghiêm chỉnh kỷ luật của Đảng, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Bởi lẽ, sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm. Người chỉ rõ: “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người. Đó là nhờ có kỷ luật. Kỷ luật của ta là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác”. Người đòi hỏi mỗi đảng viên cần phải làm kiểu mẫu về phục tùng kỷ luật, chẳng những kỷ luật của Đảng mà cả kỷ luật của các đoàn thể nhân dân và của cơ quan chính quyền. Trong giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật, người yêu cầu mọi đảng viên phải ra sức góp phần xây dựng và giữ vững sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Bởi lẽ, đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công. "Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác". Do đó, tất cả cán bộ, đảng viên, dù ở cương vị khác nhau, làm công tác khác nhau, cũng đều phải đoàn kết nhất trí để làm tròn nhiệm vụ, "giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình"
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ những biện pháp thiết thực để mỗi đảng viên cộng sản phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng nhân cách của mình. Trước hết, mỗi đảng viên phải ra sức tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Nếu để cho chủ nghĩa cá nhân ám ảnh, chi phối, người đảng viên sẽ mất dần tư cách, đi tới tự tước bỏ danh hiệu cao quý của mình. Vì vậy, muốn giữ được tư cách, đảng viên nhất thiết "phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ, thì tức là thoái bộ, là lạc hậu...sẽ bị xã hội tiến bộ sa thải".
Việc giữ gìn bản chất, tư cách đảng viên cộng sản cần gắn với xây dựng, củng cố các tổ chức của Đảng, nhất là chi bộ, vì chi bộ “là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”. Thực tế đã chứng minh rất rõ: ở đâu chi bộ mạnh, cấp ủy mạnh thì đảng viên mạnh, ở đâu chi ủy, chi bộ rệu rã thì ở đó cán bộ, đảng viên tê liệt sức chiến đấu, dễ trở thành hư hỏng, thoái hoá. Cho nên, trong xây dựng tổ chức đảng, xây dựng chi bộ, các cấp ủy đảng phải thực hiện dân chủ nội bộ, quan tâm đến đời sống của cán bộ, đảng viên, kịp thời giúp họ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống và công tác. Song, phải nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên phạm sai lầm, khuyết điểm; tẩy bỏ những phần tử hủ hoá nhằm giữ gìn nghiêm kỷ luật từ trên xuống dưới.
Cùng với việc giữ nghiêm kỷ luật, phải "mở rộng phong trào phê bình và tự phê bình ở trong Đảng, ở các cơ quan, các đoàn thể, trên các báo chí cho đến nhân dân. Phê bình và tự phê bình phải thường xuyên, thiết thực, dân chủ, từ trên xuống và từ dưới lên". Người còn vạch rõ: “Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình". Đồng thời, Người yêu cầu phải tăng cường công tác kiểm tra trong Đảng nhằm "thúc đẩy và giáo dục đảng viên làm trọn nhiệm vụ...,làm gương mẫu cho nhân dân" và xây dựng Đảng vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của Đảng.
Trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đứng trước những vận hội mới và thách thức mới, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hơn bao giờ hết chúng ta phải giương cao ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, xây dựng các tổ chức chi bộ vững mạnh, rèn luyện tư cách đảng viên với phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Việc nghiên cứu, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng nói chung, trong rèn luyện phẩm chất, tư cách đảng viên cộng sản nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm củng cố tổ chức đảng, xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Đại tá, PGS.TS. Đinh Hùng Tuấn