Ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga giành thắng lợi, 14 nước đế quốc câu kết với các thế lực tư sản, phản động trong nước hòng xóa bỏ Nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới. Tình hình đó đặt ra yêu cầu cần kíp đối với Đảng Cộng sản và Nhà nước Xô viết non trẻ phải chủ động tăng cường sức mạnh mọi mặt của đất nước để bảo vệ thành quả cách mạng. V.I.Lênin đã nêu lên một luận điểm nổi tiếng: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”(1).
Thời kỳ nội chiến Nga trong giai đoạn 1918-1920, V.I.Lênin đã trực tiếp chủ trì gần 100 cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng để thảo luận và quyết nghị những vấn đề chiến lược bảo vệ Tổ quốc; gửi gần 600 thư và điện cho các đơn vị quân đội để chỉ đạo các tình huống chiến dịch, chiến lược... Người đặc biệt coi trọng tăng cường sức mạnh về quân sự, quốc phòng và xây dựng quân đội làm lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc và chế độ XHCN. V.I.Lênin chỉ rõ: “Muốn bảo vệ chính quyền của công nông... chúng ta phải có Hồng quân mạnh mẽ... Có Hồng quân mạnh, chúng ta sẽ vô địch”(2). Ngày 15-1-1918, Hội đồng Dân ủy do V.I.Lênin đứng đầu đã thông qua Sắc lệnh thành lập Hồng quân và Hải quân công nông-một quân đội chính quy kiểu mới đầu tiên của giai cấp vô sản trên thế giới.
|
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền Xô viết tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc XHCN, V.I.Lênin luôn chú trọng xây dựng và tăng cường sức mạnh chính trị-tinh thần của các lực lượng vũ trang. Dưới sự chủ trì của V.I.Lênin, Đại hội các Xô viết toàn Nga (6-1918) đã thông qua nghị quyết quan trọng về xây dựng Hồng quân công nông, trong đó có vấn đề thiết lập chế độ chính ủy trong Hồng quân làm người đại diện cho Đảng Bolshevik và Nhà nước Xô viết, nhằm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo chính trị của Đảng Cộng sản ở các đơn vị; tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội. Thực tiễn đã chứng minh, chế độ chính ủy, chính trị viên có vị trí, vai trò rất quan trọng để không ngừng củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bảo đảm cho quân đội luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong quân đội Xô viết.
V.I.Lênin rất chú trọng phát huy vai trò to lớn của Nhà nước đối với việc ưu tiên nghiên cứu khoa học quân sự, phát triển công nghiệp quốc phòng, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư vũ khí, trang bị, phương tiện ngày càng hiện đại để nâng cao sức mạnh chiến đấu cho các lực lượng vũ trang Xô viết. Người khẳng định: “Không có khoa học thì không thể xây dựng được một quân đội hiện đại”(3). Theo V.I.Lênin, một quân đội giỏi nhất, những người trung thành nhất với sự nghiệp cách mạng cũng đều lập tức bị kẻ thù tiêu diệt nếu họ không được vũ trang, tiếp tế lương thực và huấn luyện đầy đủ. Thực hiện quan điểm chiến lược về bảo vệ Tổ quốc XHCN trong điều kiện Đảng Cộng sản cầm quyền của V.I.Lênin, Hồng quân Xô viết đã phát triển mạnh mẽ về lực lượng. Hệ thống các nhà trường quân sự Xô viết cũng được xây dựng đồng bộ. Đó là những cơ sở nền tảng tạo nên sức mạnh quân sự, quốc phòng của đất nước Xô viết, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của quân đội và nhân dân Liên Xô đánh bại chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Hiện nay, tình hình thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn vẫn hợp tác, thỏa hiệp, nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng. Đối với nước ta sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới có thể khẳng định, chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước. Đó là nền tảng cơ bản, điều kiện rất thuận lợi cho công cuộc tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Tuy nhiên, nước ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch ráo riết thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hòng làm sụp đổ chế độ XHCN mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Bên cạnh đó, tình hình Biển Đông, các hoạt động xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới, biển, đảo của nước ta vẫn diễn biến khá phức tạp.
Trước tình hình đó, đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải thường xuyên quan tâm chăm lo tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm cho đất nước luôn chủ động về chiến lược “từ sớm, từ xa”, trong mọi tình huống, đủ sức đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nhằm “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng XHCN”, như Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đã đề ra.
Quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng, quan điểm của V.I.Lênin về tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc XHCN vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Văn kiện Đại hội XIII của Ðảng khẳng định: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”, nhằm gắn kết chặt chẽ giữa quốc phòng và an ninh, tạo thành sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc.
Trong phát triển tư duy về lực lượng để tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, Văn kiện Đại hội XIII của Ðảng nêu rõ: "Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng... phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống..."4.
_____
(1) V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Moscow, 1977, tập 37, tr.145.
(2) V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Moscow, 1979, tập 39, tr.175-176.
(3) V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Moscow, 1978, tập 40, tr.210.
(4) Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, H.2021, tập 1, tr.277.