Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11

Quy định mới khai thác, sử dụng hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng

Ngày 06/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2024/NĐ-CP quy định về hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng.

Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước được quyền khai thác và sử dụng đầy đủ các trường dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, tiếp cận thông tin và phù hợp với nhu cầu của đơn vị;

Cá nhân, tổ chức được quyền khai thác, sử dụng dữ liệu mở được công bố và được khai thác bằng văn bản đối với các dữ liệu còn lại trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, tiếp cận thông tin và phù hợp với nhu cầu sử dụng của cá nhân, tổ chức.

Theo đó, hình thức khai thác cơ sở dữ liệu như sau: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng; Bằng văn bản theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin đối với các thông tin, dữ liệu không thuộc dữ liệu mở.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/11/2024.

Ảnh minh họa. Nguồn: TL. 

Hỗ trợ tối đa đến 100% kinh phí nhân rộng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả

Ngày 12/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 113/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hợp tác xã 2023, trong đó quy định về chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

Đối với chính sách này, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đưa ra là tối đa đến 100% kinh phí thực hiện. Mức hỗ trợ cụ thể sẽ do Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân các cấp xem xét quyết định.

Luật Hợp tác xã 2023 đã bổ sung thêm quyền đối với hợp tác xã, liên hợp tác xã là “quyền cho vay nội bộ”. Nội dung này đã được hướng dẫn tại Điều 19 và Điều 20 Nghị định 113/2024/NĐ-CP. Đây cũng là một nội dung mới quy định về hoạt động cho vay nội bộ của Hợp tác xã, liên hợp tác xã và chưa từng được áp dụng thời điểm trước đây.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/11/2024.

Xúc phạm danh dự người có thẩm quyền tố tụng bị phạt tới 30 triệu đồng

Nghị định số 117/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11.

Nghị định số 117/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung hình thức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Đối tượng bị xử phạt là tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam... Đối với hành vi nêu trên, Nghị định bổ sung việc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 6 tháng đến 9 tháng.

Quy định chế độ ăn của phạm nhân

Nghị định số 118/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự chính thức có hiệu lực từ 15/11.

Nghị định này áp dụng đối với phạm nhân, học sinh chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan.

Đáng chú ý, chế độ ăn đối với phạm nhân, phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, phạm nhân là người dưới 18 tuổi được quy định rõ như sau: Phạm nhân được nhà nước đảm bảo, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm: 17 kg gạo tẻ; 15 kg rau xanh; 1 kg thịt lợn; 1 kg cá; 0,5 kg đường; 0,75 lít nước mắm; 0,2 lít dầu ăn; 0,1 kg bột ngọt; 0,5 kg muối; gia vị khác: Tương đương 0,5 kg gạo tẻ; chất đốt: Tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.

Đối với phạm nhân lao động thuộc danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật thì định lượng ăn được tăng thêm nhưng tổng mức ăn không quá 2 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

Ngoài ra, phạm nhân được bảo đảm ăn, uống vệ sinh, an toàn thực phẩm.

5 hình thức giám sát cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ

Từ 15/11, Thông tư 46/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chính thức có hiệu lực.

Đáng chú ý, thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 11 "Hình thức giám sát của nhân dân". Trong đó, nhân dân được giám sát thông qua các hình thức sau:

Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Ngoài ra, việc giám sát của nhân dân phải đảm bảo các điều kiện sau: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi công vụ; không được vào khu vực thực thi công vụ quy định, trừ người có quyền và nghĩa vụ liên quan; tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan./.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Liên kết website