Sửa đổi điều kiện đối với chủ thể hoạt động mua bán tại chợ biên giới
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.
Theo đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 16 Nghị định 14/2018/NĐ-CP quy định về chủ thể hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới như sau:
Thương nhân, công dân mang quốc tịch Việt Nam đã đăng ký cư trú tại khu vực biên giới.
Thương nhân, công dân mang quốc tịch của nước có chung đường biên giới, có Hộ chiếu hoặc các giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu và thị thực, trừ trường hợp được miễn thị thực, còn giá trị sử dụng theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 51/2019/QH14 và Luật số 23/2023/QH15; thương nhân, hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh của nước có chung đường biên giới đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật của nước có chung đường biên giới.
Nghị định số 122/2024/NĐ-CP cũng bổ sung Điều 4a quy định về tiêu chuẩn hàng hóa trong hoạt động thương mại biên giới. Theo đó, hàng hóa trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân, cư dân biên giới phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc và các điều kiện khác theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu…
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.
Bổ sung đối tượng không áp dụng hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại
|
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: HNM). |
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 128/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.
Theo đó, Khoản 1, Điều 1 Nghị định 128/2024/NĐ-CP đã bổ sung đối tượng sẽ không bị áp dụng hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại. Đây là một điểm mới của Nghị định 128/2024/NĐ-CP về hoạt động khuyến mại.
Theo quy định mới, ngoài các trường hợp theo Nghị định 81/2018 thì các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận cũng sẽ không bị áp dụng hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại. Cụ thể là hoạt động khuyến mại hàng hóa, dịch vụ mà quá trình thực hiện có sử dụng internet, phương tiện, thiết bị điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin quy định tại Điều 15 Nghị định 81/2018/NĐ-CP.
Đồng thời, bỏ quy định giới hạn khoảng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại tập trung; đơn giản hóa thủ tục hành chính thông báo hoạt động khuyến mại đối với một số hoạt động khuyến mại như: Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền; Tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền; Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ…
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.
Quy định mới về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (quỹ).
Nghị định số 136/2024/NĐ-CP đã nêu rõ, quỹ được tổ chức, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ tài nguyên và môi trường, cộng đồng, từ thiện, nhân đạo. Nghị định số 136/2024/NĐ-CP cũng đã bổ sung quy định về xử lý vi phạm như sau: Người nào vi phạm về việc thành lập quỹ, lợi dụng danh nghĩa quỹ để tổ chức, hoạt động trái pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thành lập quỹ và quản lý tổ chức, hoạt động của quỹ trái với quy định của Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2024.
Xác thực tài khoản người chơi game bằng số điện thoại
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định số 147/2024/NĐ-CP là yêu cầu xác thực người chơi bằng số điện thoại di động tại Việt Nam, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được tham gia chơi trò chơi.
Người chơi dưới 16 tuổi khi đăng ký chơi game thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự và có trách nhiệm giám sát và quản lý thời gian chơi, nội dung trò chơi của người chơi dưới 16 tuổi truy cập; doanh nghiệp (DN) game, DN cho thuê máy chủ, chỗ đặt máy chủ, DN viễn thông, DN Internet phải phối hợp triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em, người dưới 18 tuổi; Người chơi dưới 18 tuổi chỉ được chơi 01 game không quá 60 phút và tổng thời gian chơi trong ngày không quá 180 phút.
Đồng thời, bổ sung quy định không cấp phép đối game mô phỏng như trong casino, game sử dụng hình ảnh lá bài nhằm hạn chế tác động tiêu cực tới người chơi.
Nghị định cũng đã quy định các doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng (hay thường gọi là game), bất kể là game online hay game offline, thì đều phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm quản lý thời gian chơi trong ngày (từ 00h00 đến 24h00) của người chơi. Đồng thời, quản lý thời gian chơi trong ngày (từ 00h00 đến 24h00) của người chơi dưới 18 tuổi không quá 60 phút đối với từng trò chơi nhưng không quá 180 phút một ngày đối với tất cả trò chơi dành cho người chơi dưới 18 tuổi do doanh nghiệp cung cấp.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/12/2024./.