Những ý tưởng mới, nội dung mới của Nghị quyết phát triển 'mặt tiền' quốc gia, 'khúc ruột' của Tổ quốc

Phát biểu tại Hội nghị toàn quán triệt và triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (vừa được ban hành ngày 03/11/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở, nhấn mạnh, khái quát, làm rõ thêm một số vấn đề, đồng thời tập trung trả lời 3 câu hỏi:

Một là, vì sao vào lúc này Bộ Chính trị lại phải bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?

Hai là, những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết lần này là gì?

Ba là, chúng ta cần làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả tốt nhất Nghị quyết của Bộ Chính trị, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?

Nghị quyết số 26-NQ/TW đưa ra nhiều quan điểm chỉ đạo quan trọng, mới mẻ

Về câu hỏi: Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết Bộ Chính trị lần này là gì? Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có 3 điểm đáng chú ý như sau:

Một là, về quan điểm và tư tưởng chỉ đạo: Nếu như Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX trước đây chỉ nêu rất ngắn gọn (21 dòng) về 3 quan điểm định hướng chung thì Nghị quyết lần này đã xác định rõ ràng, đầy đủ 5 quan điểm chỉ đạo quan trọng và mới mẻ.

Nghị quyết đã xác định rõ hơn vị trí, vai trò chiến lược, đặc biệt quan trọng của Vùng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.

Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh: Cần phải đổi mới mạnh hơn nữa tư duy phát triển, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động, phát triển nhanh và bền vững Vùng sao cho tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Vùng và từng địa phương trong Vùng.

Bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các vùng, miền, góp phần nâng cao trình độ và thu nhập của người dân trong Vùng, sớm bắt kịp với các vùng phát triển khác trong cả nước, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt của các địa phương trong Vùng và cả nước.

Phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh quốc gia và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Phát triển Vùng mạnh về biển, giàu từ biển trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là về biển theo đúng tinh thần Ông Cha ta đã tổng kết là "Rừng vàng, Biển bạc"; phát triển và nâng cao hiệu quả các cơ sở hạ tầng hiện có; các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, hệ thống đô thị ven biển, các hành lang kinh tế; các cực tăng trưởng, các trung tâm vùng và vùng động lực; các ngành kinh tế biển.

Đẩy mạnh việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng sao cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế của Vùng.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên cơ sở xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, sát hợp với thực tế của Vùng để thu hút và sử dụng có hiệu quả hơn nữa các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, nhất là của khu vực kinh tế tư nhân, cho phát triển.

Sử dụng có hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên rừng và biển; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường và hệ sinh thái biển; chủ động phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy mạnh các giá trị lịch sử, văn hoá và truyền thống cách mạng vẻ vang.

Đẩy mạnh việc liên kết nội vùng; giữa Vùng với vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng khác trong cả nước. Mở rộng quan hệ đối ngoại, nhất là với nước bạn Lào, các nước tiểu vùng sông Mê Công.

Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; chú trọng công tác giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, bãi ngang, hải đảo. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố, nâng cao tiềm lực, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phải là vùng phát triển năng động, nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa về kinh tế biển

Hai là, về mục tiêu, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "có thể xem đây là nội dung hoàn toàn mới".

Theo đó, nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Phấn đấu đến năm 2030: "Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phải là vùng phát triển năng động, nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao trong phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào; là nơi các giá trị văn hoá, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền biển, đảo được bảo vệ vững chắc; các tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường".

Quyết tâm phấn đấu để đến năm 2045: "Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là một vùng phát triển nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực Châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại và hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường".

Nghị quyết số 26-NQ/TW đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới

Ba là, về nhiệm vụ và giải pháp: Nghị quyết lần này đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về: Tăng cường liên kết phát triển vùng; đẩy mạnh chuyến dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy kinh tế biển; phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông; tăng cường quản lý và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới; phát triển toàn diện văn hóa, xã hội vùng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nhất là an ninh biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo của Tổ quốc; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong Vùng...

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dạy và người học.

Điều chỉnh quy định về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý

(ĐCSVN) – Ngày 26/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 99/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm p khoản 1 Điều 2 Nghị định số 83/2022/NĐ-CP ngày 18/10/2022 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website