Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, khai mạc Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X)

Thưa các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,

Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, hôm nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị toàn thể lần thứ mười. Thay mặt Bộ Chính trị, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đã về dự Hội nghị và xin gửi tới các đồng chí những lời chúc tốt đẹp nhất

Thưa các đồng chí,

Hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình chuẩn bị Đại hội XI của Đảng. Hội nghị sẽ xem xét một số vấn đề cơ bản để chuẩn bị cho Đại hội:

- Đề cương chi tiết Báo cáo Tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991).

- Đề cương chi tiết Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2001 - 2010 và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011 - 2020.

- Định hướng chuẩn bị Đại hội XI của Đảng và Đại hội Đảng các cấp. Thành lập tiếp các tiểu ban chuẩn bị Đại hội và một số vấn đề quan trọng khác.

Các đề án trình Hội nghị đã được gửi tới các đồng chí. Trước khi Trung ương thảo luận, tôi xin nêu một số ý kiến:

Thưa các đồng chí,

Đại hội lần thứ VII của Đảng năm 199l đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh đã có giá trị định hướng và chỉ đạo to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Tuy nhiên ngay từ lúc đó, Đảng ta đã chỉ rõ: ''Lúc này chúng ta chưa có đủ cơ sở để vạch ra toàn bộ bức tranh xã hội tương lai một cách hoàn chỉnh, nhưng chúng ta có thể vạch ra những nguyên tắc và phương hướng lớn cho thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta... Sau này, khi thực tiễn bộc lộ những vấn đề mới, qua tổng kết, Cương lĩnh sẽ không ngừng được bổ sung và hoàn chỉnh từng bước”.

Thật vậy, kể từ khi Cương lình năm 1991 ra đời đến nay, tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều biến đổi to lớn và sâu sắc. Nhiều vấn đề mới nảy sinh từng bước được Đảng ta nhận thức và giải quyết có hiệu quả. Nhờ vậy, một số vấn đề liên quan đến Cương lĩnh đã được nhận thức sâu sắc hơn; quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng rõ hơn.

Trong quá trình chuẩn bị Đại hội X của Đảng, Đảng ta đã tiến hành tổng kết một số vấn đề về lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới. Qua tổng kết, chúng ta càng thấy rõ hơn ý nghĩa tầm vóc lịch sử, giá trị định hướng và chỉ đạo to lớn của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đối với sự nghiệp cách mạng nước ta, đồng thời cũng thấy rõ thêm những vấn đề mới đặt ra cần được giải đáp. Chính vì vậy, tại Đại hội cần thứ X của Đảng, cùng với việc đánh giá tổng quát thành tựu và bài học kinh nghiệm của 20 năm đổi mới, Đảng ta đã quyết định sau Đại hội X, Đảng cần phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và phát triển Cương lĩnh, làm nền tảng chính trị tư tưởng cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong quá trình đưa đất nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội.

Theo tinh thần đó, Ban Chấp hành Trung ương đã thành lập Tiểu ban tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh. Tiểu ban đã chỉ đạo và triển khai tổ chức lực lượng nghiên cứu, tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 199l theo từng lĩnh vực, từng ngành và đã tổng hợp thành báo cáo chung. Quá trình nghiên cứu, tổng kết đã tập hợp được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết và trí tuệ phong phú của nhiều tập thể và cá nhân của các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước thông qua các cuộc toạ đàm, hội thảo, hội nghị xin ý kiến và các cuộc khảo sát thực tế ở nhiều địa phương. Đến nay, đã xây dựng được bản đề cương chi tiết Báo cáo, Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương thảo luận và cho ý kiến tại Hội nghị này.

Để việc thảo luận đạt kết quả tốt, tôi đề nghị các đồng chí nắm vững mục đích yêu cầu của việc tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh làn này là nhằm tổng kết, đánh giá quá trình nhận thức, cụ thể hoá và tổ chức chỉ đạo thực hiện Cương lĩnh năm 1991 qua các nhiệm kỳ đại hội; đánh giá những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân trong thực hiện Cương lĩnh; đánh giá khách quan giá trị lịch sử to lớn, định hướng chỉ đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta thời gian qua và những hạn chế của Cương lĩnh năm 1991; rút ra các bài học kinh nghiệm thiết thực qua 20 năm thực hiện Cương lĩnh. Trên cơ sở đó, kiến nghị các vấn đề cần bổ sung và phát triển Cương lĩnh; đồng thời qua đây, cung cấp những căn cứ cần thiết, góp phần thiết thực vào việc xây dựng các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng. Trong quá trình thảo luận, cần bám sát tư tưởng chỉ đạo của nghị quyết Đại hội X và các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị; quán triệt tinh thần và phương pháp khoa học, biện chứng, toàn diện, lịch sử - cụ thể và phát triển. Phát huy tự do tư tưởng, thẳng thắn và mạnh dạn nêu những suy nghĩ mới có căn cứ và lắng nghe các ý kiến khác nhau. Phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá sát thực tế những điểm được và chưa được, rút ra những bài học kinh nghiệm từ thành công và chưa thành công trong thực hiện Cương lĩnh. Mặt khác, phải rà soát, nêu bật những nhận thức mới của các nhiệm kỳ Đại hội, nắm vững thực tiễn đất nước và thời đại, phản ảnh đúng ý chí, nguyện vọng và tinh thần sáng tạo của nhân dân ta, luận giải đúng và sâu sắc hơn một số vấn đề quan trọng mà trong tổng kết 20 năm đổi mới chúng ta chưa có điều kiện làm rõ, từ đó tăng cường sự thống nhất trong toàn Đảng và sự đồng thuận xã hội, tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa để tiếp tục đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Thưa các đồng chí,

Đại hội IX của Đảng đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn l991 - 2000 do Đại hội Đảng lần thứ VII đề ra và thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm đầu của thế kỷ XXI. Đại hội XI của Đảng sắp tới có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá việc thực hiện chiến lược 10 năm 200l - 2010 do Đại hội Đảng IX đề ra và quyết định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Đây là một nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược trong cả quá trình nghiên cứu và quyết định. Bản đề cương chi tiết Báo cáo tổng kết gửi đến các đồng chí nghiên cứu, thảo luận trong Hội nghị này đã được chuẩn bị trên tinh thần kế thừa và đúc kết cả về lý luận và thực tiễn từ những thành công và chưa thành công trong việc đề ra và chỉ đạo, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm trong các giai đoạn trước; tiếp thu và vận dụng những tư duy mới, những quan điểm phát triển của Đảng ta thông qua tổng kết 20 năm đổi mới, tổng kết bổ sung và phát triển Cương lĩnh năm 1991 và các nghị quyết, kết luận của Đảng qua các kỳ Đại hội, có tham khảo kết quả nghiên cứu của các tổ chức, các nhà khoa học và sự đóng góp của các đồng chí nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Tôi đề nghị các đồng chí nghiên cứu, đóng góp những ý kiến xác đáng, tiếp tục nâng cao chất lượng của bản đề cương Báo cáo, trên cơ sở đó xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm tới một cách hoàn chỉnh trình Đại hội XI của Đảng.

Chúng ta đều biết rằng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001- 2010 được thực hiện trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu từ năm 2008. Trong nước, bên cạnh những thuận lợi rất cơ bản là chính trị - xã hội ổn định, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tiềm lực của đất nước được tăng cường, quan hệ quốc tế được mở rộng; chúng ta cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, như: ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực từ năm 1997; sự yếu kém, bất cập trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội chậm được khắc phục; sự chống phá của các thế lực thù địch; thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp trên nhiều vùng trong cả nước gây thiệt hại nặng nề.

Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ mà Chiến lược kinh tế - xã hội đã đề ra.

Vì vậy, việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chiến lược 2001 - 2010 cũng như việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho thời kỳ mới 2011 - 2020 cần được nhìn nhận, đánh giá, phân tích một cách toàn diện sâu sắc những thành tựu, những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, từ đó mà phát huy bản chất cách mạng, vận dụng phương pháp xem xét khoa học biện chứng, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước, đặc biệt là đánh giá đúng nguồn lực, thế mạnh của đất nước và khả năng sáng tạo của nhân dân thì nhất định chúng ta sẽ xây dựng được chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới - Tiếp tục đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thưa các đồng chí,

Theo Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khoá X, Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng dự kiến sẽ tổ chức vào quý I năm 2011. Để chuẩn bị cho Đại hội, Hội nghị Trung ương lần này sẽ thảo luận và cho ý kiến về định hướng chuẩn bị đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc của Đảng. Tôi đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cần phân tích làm rõ bối cảnh, mục tiêu, yêu cầu, chủ đề và các nội dung của Đại hội; quyết định thành lập các Tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội, đồng thời nghiên cứu, trao đổi góp ý kiến vào dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về đại hội đảng các cấp sắp tới. Thời gian từ nay đến Đại hội XI của Đảng không còn nhiều, việc tiến hành chuẩn bị các nội dung của Đại hội đòi hỏi phải rất khẩn trương, vì vậy, Hội nghị cũng cần quyết định sớm lịch trình tổ chức đại hội các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc của Đảng.

Thưa các đồng chí,

Như tôi đã trình bày ở trên, Hội nghị Trung ương lần này phải giải quyết một khối lượng công việc rất lớn và có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm chuẩn bị bước đầu rất cơ bản cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đặt niềm tin lớn vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và những quyết định của Hội nghị. Vì vậy, tôi đề nghị các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí dự Hội nghị đề cao ý thức trách nhiệm, tập trung trí tuệ, phát huy tinh thần dân chủ, sáng tạo, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực để Hội nghị thành công tốt đẹp.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X).

Xin trân trọng cảm ơn.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website