Đấu tranh chống giao kết trục lợi - một bộ phận quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay

Trong hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp, quyền sở hữu tài sản thuộc về Nhà nước hoặc thuộc về nhà đầu tư hay các cổ đông góp vốn, người quyết định chi tiền nhiều khi chỉ là người đại diện hoặc người làm thuê để khai thác, sử dụng tài sản đó. 

Trong khi những người này có đầy đủ thông tin thị trường và hoạt động của doanh nghiệp thì người chủ thực sự lại khó có điều kiện nắm bắt thông tin, không giám sát được hành vi của người thực hiện. Vì vậy, người quản lý có cơ hội chuyển dịch lợi ích của Nhà nước, của tập thể thành lợi ích riêng bằng nhiều hình thức: chuyển dịch cơ hội kinh doanh, thực hiện các giao dịch giả tạo và các hành vi tham nhũng... 

Là người thay mặt, đại diện cho cơ quan, đơn vị trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, lẽ đương nhiên những người tham gia giao kết hợp đồng phải quan tâm đầy đủ và trước hết đến lợi ích của đơn vị mình, tìm kiểm lợi nhuận tốt nhất cho đơn vị trong phạm vi có thể. Nhưng do không phải là chủ sở hữu đích thực, người trực tiếp tiến hành các hoạt động này có thể không có lợi ích kinh tế cụ thể từ những giao dịch mà mình tiến hành, hoặc được hưởng một phần nào đó từ lợi ích thu được mà những lợi ích đó nhiều khi quá nhỏ so với điều kiện cho phép họ có thể tìm kiếm những cơ hội, thông đồng với đối tác để mang lại lợi ích riêng cho cá nhân. Vì vậy một tình trạng xảy ra khá phổ biến là người đại diện cố tình làm hạn chế, làm thiệt hại quyền lợi của chủ thể mà mình đang đại diện để mang lại lợi ích lớn hơn cho chủ thể khác, chuyển dịch lợi ích của doanh nghiệp mình sang doanh nghiệp khác, nhằm “trích xuất nguồn lợi” đó ra, cùng nhau chiếm hưởng. Đó là những giao dịch tư lợi, giao dịch ngầm hay còn gọi là giao kết trục lợi. 

Một cách khái quát, giao kết trục lợi là hành vi của những người đại diện của các pháp nhân, cá nhân, nhân danh lợi ích của chủ thể mà mình đại diện để tiến hành các giao kết hợp đồng, nhưng lại làm thiệt hại đến lợi ích của chủ thể mà mình đại diện, nhằm trích xuất nguồn lợi đó để đem lại lợi ích riêng cho bản thân, cho “nhóm” hay cho người thân của mình. 

Hiện nay, cùng với công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là chúng ta phải đấu tranh quyết liệt với nạn tham nhũng. Tuy công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả nhất định nhưng nhìn chung tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ. 

Một trong những điểm yếu của công tác chống tham nhũng thời gian qua là thiếu sự nhận diện, làm rõ các dạng thức thực hiện hành vi tham nhũng, trục lợi để đưa chúng ra ánh sáng. Dẫn đến “bẻ đũa cả nắm”; chỉ thấy “rừng”, không thấy “cây”. Chống tham nhũng một cách chung chung, lẫn lộn, đánh đồng giữa các loại hình, phương thức thực hiện hành vi tham nhũng và vì vậy mà lúng túng, thiếu hiệu quả. 

Tham nhũng biểu hiện dưới nhiều góc độ, trên nhiều lĩnh vực. Muốn chống tham nhũng hiệu quả cần bóc tách, làm rõ các dạng thức, cách thức thực hiện để có “phương thuốc” riêng phù hợp, để có thể “đặc trị” cho từng loại hành vi chiếm đoạt. Giao kết trục lợi trong hoạt động đầu tư, kinh doanh chỉ là một trong những dạng thức tham nhũng, nhưng là dạng thức phổ biến, nguy hiểm nhất, là “con đường” chủ yếu để rút tiền của các cơ quan, doanh nghiệp hiện nay, những thất thoát kinh tế lớn ở nước ta trong những năm qua hầu hết đều được thực hiện bằng con đường này. 

Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới cho rằng một cách khái quát có thể chia các hành vi tham nhũng làm ba nhóm A, B và C: Tệ tham nhũng thuộc nhóm A gồm các hành vi phạm pháp, “các tội phạm kinh tế” như buôn lậu, biển thủ công quỹ, xâm phạm tài sản quốc gia, ăn hối lộ với quy mô lớn...; tệ tham nhũng thuộc nhóm B là những vụ xẩy ra phổ biến ở các doanh nghiệp nhà nước mà tại đó các cá nhân, các tổ chức đã tận dụng các kẽ hở và mâu thuẫn trong các văn bản pháp quy, quy định, quy chế cũng như dùng quyền lực để khai thác các tiềm năng thị trường của các nguồn lực thuộc quyền kiểm soát của mình để mưu cầu lợi ích cá nhân; tham nhũng thuộc nhóm C phản ánh ảnh hưởng của những mạng lưới sâu rộng, những quan hệ cá nhân đan xen, chằng chéo giữa các tổ chức và cơ quan, tạo thành một mô hình những mối quan hệ xã hội xen kẽ trái ngược, với những lĩnh vực chính trị - hành chính và thị trường... 

Nhóm A thực hiện bằng cách “đổi chác quyền tiền”, nhóm B là “dùng quyền lực tham gia vào thị trường”... Hành vi thuộc nhóm C là một hiện tượng xã hội rất phổ biến và vượt khỏi phạm vi lạm dụng chức quyền, nó như là một phương sách để tư lợi, để luồn lách... Trong đó, các hành vi giao kết trục lợi của những người đại diện cho các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội mà chúng ta đề cập là hành vi thuộc nhóm B. 

Giữa ba nhóm trên, nhóm B vừa là một nhóm, một loại hình tham nhũng phổ biến nhất, lại vừa có thể là một giai đoạn trong khi thực hiện những hành vi tham nhũng ở hai nhóm kia, bởi vì khi thực hiện hành vi tham nhũng ở nhóm A, tức là xâm phạm tài sản Nhà nước, tài sản công dân một cách trực tiếp, không qua doanh nghiệp với những giao kết vòng vèo, thì với tài sản bất minh có được, họ vẫn phải “rửa tiền” và che đậy hành động gian lận thông qua những hợp đồng giả tạo nào đó. Hơn nữa trong điều kiện phát triển xã hội hiện tại, các hành vi ở nhóm A đã trở nên “cổ điển”, khó thực hiện, dễ bị phá thiện. Đối với tham nhũng nhóm C, liên quan nhiều đến các mối quan hệ chính trị - hành chính, thị trường như việc mua quan, bán chức chạy chủ trương, chính sách... thì dù những hành vi này không bộc lộ trực tiếp qua một hợp đồng cụ thể. Nhưng nó sẽ ẩn chứa, sẽ gián tiếp thể hiện qua các hợp đồng, các giao kết khác. Ví dụ, để có tiền chạy chức thì các quan chức phải dựa vào doanh nghiệp và doanh nghiệp phải rút tiền “đầu tư” cho quan chức qua những hợp đồng mờ ám, gian dối. Còn quan chức thì làm ngơ hay tạo điều kiện, thậm chí tiếp tay cho doanh nghiệp thực hiện các giao kết này. 

Tương tự, những khoản tiền hối lộ để chạy dự án, chủ trương, chính sách nhằm tìm kiếm sự ưu tiên, ưu đãi cũng sẽ sớm muộn được hợp lý hoá qua các hợp đồng như thế. Tham nhũng trong các quan hệ giữa người đỡ đầu và khách hàng thường được cho là có hậu quả tiêu cực bởi vì nó ủng hộ những dàn xếp riêng có lợi cho những khách hàng đặc biệt. 

Có thể thấy, đồng tiền Nhà nước muốn đi ra được phải qua những (cánh cửa'' nhất định, trong đó “cửa” thuận tiện, thường xuyên, chủ yếu nhất, chính là các nguồn tiền kinh doanh của doanh nghiệp hay hoạt động mua bán, đầu tư xây dựng các dự án... (bằng vốn Nhà nước cấp, tài trợ hoặc vay tín dụng ngân hàng). Vì vậy, các vụ án kinh tế lớn, các mối quan hệ tiêu cực thời gian qua đều có thể trực hoặc gián tiếp “soi” được, đều sớm hay muộn sẽ bộc lộ qua các giao kết trục lợi giữa các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước với các đơn vị, tổ chức kinh tế khác. 

Điều này được minh chứng rất rõ là tham nhũng (ở cả ba nhóm) phát triển mạnh nhất vào thời kỳ tập trung đầu tư, phát triển kinh tế vào thời điểm có nhiều nguồn vốn xây dựng, thực hiện các dự án; vào lúc thực hiện các chủ trương kinh tế như đô thị hoá, cổ phần hoá... Nghĩa là huyết mạch chính để thực hiện các hành vi tham nhũng vẫn là các hợp đồng có liên quan. Nếu quan tâm bịt chặt được những khe hở trong lĩnh vực này, chặn đường chuyển dịch nguồn tiền từ các hoạt động này, thì tham nhũng sẽ không còn đất. Muốn chống tham nhũng hiệu quả phải chống các dạng thức giao kết trục lợi, làm cho tham nhũng mất điều kiện chở che, dung dưỡng cho nó. 

Có thể nói dù tham nhũng gì thì cũng ít hay nhiều trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến kinh tế, mục đích sâu xa cũng là lợi ích kinh tế. 

Do đó, nếu xét về tính chất và mức độ, thì tham nhũng chính trị nguy hại hơn các hình thức tham nhũng khác, bởi nó trực tiếp làm suy yếu, mọt ruỗng bộ máy nhà nước, làm tê liệt năng lực quản lý, điều hành nền kinh tế của các cơ quan chức năng, gây xúc động mạnh mẽ trong xã hội. Nhưng nếu chọn khâu để chống, để triệt tiêu, để lần ra đường dây, ổ nhóm tham nhũng thì phải bắt đầu từ tham nhũng kinh tế. Tất cả các vụ án kinh tế lớn gần đây đều thấy rõ sợi dây kết hợp vô hình nhưng rất mạnh mẽ, rất quyện chặt giữa doanh nghiệp và quan chức. Nhiều doanh nghiệp đã được ưu tiên hợp đồng đầu tư, cung ứng dịch vụ bằng thư tay, bằng điện thoại, thậm chí bằng các công văn can thiệp một cách thẳng thừng của một vị quan chức nào đó. Khi bị công luận và các cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện thì lại tiếp tục che chắn, cản trở việc điều tra bằng mọi biện pháp hành chính, thậm chí là tham gia “chạy án”... 

Giữa tham nhũng chính trị và tham nhũng kinh tế gắn chặt với nhau, luôn đi kèm nhau. Cái này hỗ trợ, nuôi nấng, tạo điều kiện cho cái kia tồn tại và phát triển. Nhưng nếu không đánh mạnh vào tham nhũng kinh tế thì các hành vi can thiệp kể trên không thể bộc lộ và tham nhũng chính trị không thể lộ diện. 

Kinh tế thị trường ở nước ta mới bước đầu phát triển, việc đấu tranh làm rõ và hạn chế các hình thức giao kết trục lợi chưa được nhiều và đầy đủ. Vì thế, khi hiện tượng này diễn ra phổ biến, đến mức trở thành một phương thức, một “chiêu” rút tiền chủ yếu của Nhà nước thì cơ quan chức năng vẫn chưa có tổng kết đánh giá gì. Công luận vẫn còn lúng túng, mù mờ khi nhìn nhận, phân tích nó. Thực tế cho thấy tất cả các vụ tham nhũng lớn, gây thất thoát nghiêm trọng tài sản Nhà nước trong thời gian qua từ Tamexco, Epco - Minh Phụng, Lã Thị Kim Oanh đến các vụ án gần đây liên quan đến các ngành chủ chốt nắm giữ nguồn ngân khố chủ yếu của quốc gia như bưu điện, giao thông... đều được thực hiện chủ yếu bằng các giao kết trục lợi.

Các kết quả điều tra, nghiên cứu đều cho thấy ở những nước kém phát triển, những nước mà năng lực quản lý tài sản công còn yếu, giao kết trục lợi càng phổ biến và nguy hiểm. Hội nghị chống tham nhũng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 4 tại Manila (Philippines) do Ngân hàng phát triển Châu Á tổ chức ngày 4/12/2003 đã đưa ra con số đáng giật mình: Một phần ba đầu tư công ở nhiều nước Châu Á - Thái Bình Dương bị lãng phí vì tiêu cực. Các Chính phủ ở khu vực này phải trả thêm từ 20 đến 100% cho các hàng hoá và dịch vụ vì thủ tục mua bán mờ ám. 

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng của chúng ta đang thời kỳ rất gay gắt và quyết liệt. Để đẩy lùi tình trạng này trước hết và tập trung nhất chúng ta phải đấu tranh, loại trừ các dạng thức, cách thức giao kết trục lợi trong kinh doanh để làm lành mạnh hóa nên kinh tế, xây dựng bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 

Theo Vũ Thị Thanh Tâm, Tạp chí Kiểm tra tháng 6/2006

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website