Sự sáng tạo trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh

Trong lĩnh vực quân sự, về phương diện lý luận và chỉ đạo thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo lý luận Mác- Lê-nin về chiến tranh và quân đội, đồng thời có những phát triển mới tập trung vào ba nội dung: Khởi nghĩa, chiến tranh và xây dựng lực lượng vũ trang ở một nước thuộc địa trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. 

Vì Việt Nam là nước thuộc địa, nhân dân bị đế quốc kìm kẹp, không có một chút tự do dân chủ nào nên phải dùng bạo lực cách mạng mới có thể tự giải phóng. Muốn vậy phải đi từ khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh cách mạng, thức tỉnh dân chúng, từng bước xây dựng phát triển lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang cách mạng. 

Quá trình khởi nghĩa vũ trang ở nước ta là xây dựng lực lượng chính trị, trên cơ sở đó phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa, tiến hành khởi nghĩa từng phần ở nông thôn tiến lên khởi nghĩa ở cả nông thôn và thành thị trong Cách mạng Tháng Tám. Khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, nhưng không phải là "chính quyền cách mạng đẻ ra trên đầu súng", mà bằng sức mạnh của cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, không phải nông thôn bao vây thành thị, tuy nông thôn giữ vị trí rất quan trọng, mà là khởi nghĩa ở cả nông thôn và thành thị, đòn quyết định cuối cùng là ở thành thị. 

Để tiến hành tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng xem xét thời cơ như thời điểm chiến tranh chống phát xít thắng lợi, khi tình hình chính quốc (Pháp) rối ren, để sớm chuẩn bị lực lượng mới kịp nắm bắt dưới thời cơ lớn trong Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945-chuẩn bị lực lượng là khâu quyết định. 

Lãnh tụ Hồ Chí Minh còn nêu ra một luận điểm mới là cách mạng giải phóng dân tộc ở nước thuộc địa có thể giành được thắng lợi trước sự thành công của cách mạng vô sản ở nước đế quốc xâm lược. Vì thuộc địa đang là một khâu yếu trong dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc. Sáng tạo này đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. 

Về chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng kháng chiến toàn dân, toàn diện. Khái niệm toàn dân, toàn diện thể hiện cao nhất tính chất nhân dân và sức mạnh tổng hợp của chiến tranh. Người còn chỉ ra vừa kháng chiến vừa kiến quốc, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội, giải phóng con người, vừa huy động sức dân, vừa bồi dưỡng sức dân, nâng cao dân trí, thực hiện dân chủ, tiến hành giảm tô, cải cách ruộng đất, phát triển giáo dục, văn hóa, y tế, xây dựng đời sống mới ngay trong kháng chiến. 

Về các nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phải vũ trang toàn dân và xây dựng quân đội cách mạng có chất lượng chiến đấu cao, có hậu phương vững chắc, có sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ được sự ủng hộ rộng lớn của quốc tế. 

Về nghệ thuật quân sự, Người nhấn mạnh không ngừng phát triển thế tiến công, nhưng không coi nhẹ phòng ngự khi cần thiết, coi trọng nhân hòa, địa lợi, thiên thời. Người nhấn mạnh mối quan hệ giữa thế và lực bằng một ví dụ rất dễ hiểu: một quả cân nhỏ khi ở vào thế có lợi, có thể nâng bổng hàng tạ. 

Nước ta thường phải chống lại kẻ xâm lược lớn mạnh hơn, nên phải biết lấy "nhỏ thắng lớn", "ít địch nhiều", biết đánh những đòn quyết định khi có thời cơ và điều kiện, và phải kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao, nhất là ở thời điểm kết thúc chiến tranh, biết giành thắng lợi từng bước, để tiến giành thắng lợi hoàn toàn. 

Một sáng tạo đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sáng lập ra một quân đội kiểu mới ở một nước thuộc địa. Ở nước nô lệ, nhân dân bị áp bức, nên rất ghét lính, sợ lính, vì lính là công cụ đàn áp của bọn đế quốc thống trị. Vì vậy Bác Hồ rất chú trọng khi xây dựng quân đội cách mạng, trước hết khẳng định quân đội là của dân, phải được dân tin, dân yêu, quân đội phải hết lòng phục vụ nhân dân, kính già, yêu trẻ, tôn trọng phụ nữ, không lấy cái kim sợi chỉ của dân, bảo vệ tính mệnh, tài sản của dân, vận động nhân dân sát cánh cùng quân đội kháng chiến, kiến quốc. Lê-nin đã từng nói Hồng quân là một quân đội có đặc trưng là người dân không sợ. 

Khi mới thành lập quân đội, Người trực tiếp viết 10 lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật dân vận. Người chỉ ra rằng Quân đội nhân dân vừa là lực lượng vũ trang chiến đấu, vừa là lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, của nhân dân, là một đội quân chiến đấu, công tác và sản xuất. Quân đội ta đã tham gia sửa sai trong cải cách ruộng đất, chống chủ nghĩa xét lại, chống quan điểm đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, chống "diễn biến hòa bình"... Nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát bản chất và truyền thống cách mạng của quân đội ta là: "Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". 

Mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam do Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã xác định là: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là mục tiêu chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, đó cũng là nguồn sức mạnh vô tận của quân đội ta. Quân đội ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh kiên quyết chống lại kẻ thù của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, không để cho chế độ xã hội chủ nghĩa bị lật đổ tan rã như một số nước. 

Để tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tặng cho Quân đội nhân dân Việt Nam danh hiệu cao quý: "Bộ đội Cụ Hồ". Đó cũng là lòng tin yêu và mong muốn cán bộ và chiến sĩ ta kế tiếp nhau không ngừng phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Đó cũng là nét đặc sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh rất phong phú đã được thắng lợi rực rỡ của cách mạng Việt Nam trong giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa chứng minh là đúng đắn và sáng tạo. 

Những nội dung đó là một bộ phận của lý luận Mác- Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh có giá trị thực tiễn sâu sắc, khoa học và cách mạng. Đại hội lần thứ X của Đảng vừa qua tiếp tục khẳng định lý luận Mác- Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên mạnh mẽ, giành những thắng lợi mới. 

Theo Trung tướng, PGS Nguyễn Đình Ước, báo QĐND ngày 18-5-2006

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website