Sáng kiến vĩ đại

I- Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm

Tác phẩm Sáng kiến vĩ đại được Lênin viết vào tháng 6 năm 1919 và được in thành sách vào tháng 7 năm 1919. Chỉ có 84 tiếng, nhưng đó là một tác phẩm có giá trị rất lớn vì nó được viết sau hai năm khi nhà nước Xô viết non trẻ đầu tiên trên thế giới được thành lập; khi mà nhà nước Xô viết đang phải tìm mọi cách để vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thể nào khắc phục nổi: kinh tế của đất nước sa sút nghiêm trọng, nạn đói, rét diễn ra khắp mọi nơi, giai cấp tiểu tư sản chiếm số đông, vì thế tính tự phát lên chủ nghĩa tư bản đang hình thành. Phần lớn đội ngũ trí thức ngả theo giai cấp tư sản. Do đó, giai cấp tư sản  và địa chủ trong nước câu kết với nhau, được sự hỗ trợ của bọn đế quốc bên ngoài tìm mọi cách để tiêu diệt cái mầm mống của chủ nghĩa xã hội lúc đó.

Tháng 1 năm 1919, bọn Cônstắc và Đênikin vạch ra kế hoạch hòng bóp chết nước Nga trẻ tuổi. Chúng chiếm được Pêtécbua, bao vây Mátxcơva. Trước tình hình nguy cấp đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Bônsêvích Nga đã đề ra cương lĩnh bảo vệ mặt trận phía đông. Phải dốc toàn lực đánh bại bọn phản động. Khẩu hiệu “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng!” đã trở thành cuộc vận động chính trị quan trọng, khơi dậy lòng yêu nước của quảng đại quần chúng. Hàng loạt đảng viên cộng sản và trung kiên đã được đưa ra mặt trận đối mặt với quân thù, có rất nhiều tấm gương anh hùng của các chiến sĩ hồng quân quyết tâm bảo vệ những thành quả của cách mạng xã hội chủ nghĩa đã được đưa ra mặt trận.

Lênin trực tiếp bắt tay vào chuẩn bị cho chiến dịch. Người đã đi vào công nhân, tuyên truyền trong giai cấp công nhân. Vì thế, mặc dù đói và rét vẫn dấy lên được phong trào cách mạng mới trong giai cấp công nhân mà đỉnh cao của phong trào đó là ngày thứ bảy cộng sản. Việc tổ chức ngày thứ bảy cộng sản do sáng kiến của chính những người công nhân đường sắt Mátxcơva - Kadan vì ở đây tình hình sản xuất đang tiến hành chậm chạp do thiếu nhân công và do lao động kém khẩn trương nên có nhiều việc cần phải làm gấp rút mà vẫn không thực hiện được. Ngày 7 tháng 5 năm 1919, Hội nghị toàn thể đảng viên và những người cảm tình Đảng đã học và quyết định biến lời nói thành việc làm lấy sáu giờ ngày thứ bảy hàng tuần để sản xuất ra một giá trị thực tế, một thành quả cách mạng cho đến khi nào chiến thắng hoàn toàn bọn Cônstắc và Đênikin mới thôi. Từ sáng kiến của anh chị em đường sắt Mátxcơva - Kadan đã được công nhân toàn quốc áp dụng. Sau đó là nông dân, họ tham gia làm ruộng giúp những gia đình hồng quân.

Lênin nhìn thấy rõ giá trị to lớn của ngày thứ bảy cộng sản, thành quả lao động nâng cao hơn nhiều so với những ngày làm việc bình thường  đồng thời, thấy rõ được kỷ luật lao động, khắc phục lối làm ăn trì trệ từ trước đến nay. Ngày thứ bảy cộng sản đã lôi kéo được công nhân nông dân tạo ra khối liên minh công - nông tự giác, tự nguyện; lôi kéo được cả những người ngoài Đảng tham gia phong trào cách mạng.

Lênin cho đó là những sáng kiến vĩ đại do giai cấp công nhân sáng tạo và Người viết tác phẩm Sáng kiến vĩ đại

II- Nội dung tác phẩm

Trước hết có thể khái quát là hầu hết những tác phẩm viết sau Cách mạng Tháng Mười, Lênin đều muốn làm rõ lịch sử của chuyên chính vô sản, Người nêu ra các khía cạnh khác nhau của cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản trong điều kiện giai cấp vô sản đã giành được chính quyền.

Sáng kiến vĩ đại là một trong những tác phẩm làm nổi bật nội dung lý luận quan trọng đó. Bằng một thực tế của những ngày thứ bảy cộng sản do giai cấp, công nhân sáng tạo ra, Lênin đã đưa ra nhiều luận điểm cực kỳ quan trọng không những rất đúng trong thời kỳ đó mà nó còn giữ nguyên giá trị trong thời đại ngày nay. Đó là:

- Khẳng định vai trò chủ động, sáng tạo của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong điều kiện của chuyên chính, vô sản được Đảng và giai cấp công nhân lãnh đạo. Bổ sung và hoàn chỉnh quan điểm của Mác: quần  chúng là người sáng tạo ra lịch sử.

- Xác nhận vai trò to lớn của năng suất lao động và kỷ luật lao động. Lênin coi đó là những nhân tố mới, những mầm mống của chủ nghĩa cộng sản mà những người cộng sản phải hết sức chú ý và giúp nó trưởng thành.

- Ngày thứ bảy cộng sản được đánh giá như là một trong những khởi sắc của xã hội mới. Vì kỷ luật lao động tự giác, tinh thần sáng tạo của quần chúng, năng suất lao động cao - đó là biểu hiện của lao động cộng sản chủ nghĩa. Và vì thế, Đảng được củng cố, Nhà nước được kiện toàn, khối liên minh công – nông được tăng cường, các quan hệ xã hội mới được hình thành, con người mới được xuất hiện.

- Ngày thứ bảy cộng sản còn là chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quần chúng, của tinh thần làm chủ tập thể của nhân dân lao động; là chiếc chìa khóa mở đường cho nhân dân lao động đi lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản; là tiền đề lịch sử đối với bất cứ nước nào đi lên chủ nghĩa xã hội .

- Ngày thứ bảy cộng sản còn chỉ rõ vai trò thực tiễn của các tổ chức trong hệ thống chuyên chính vô sản, khẳng định rõ tổ chức quần chúng là một trong ba tổ chức cơ bản trong hệ thống chuyên chính vô sản.

III- Vấn đề vai trò lãnh đạo của đảng và các tổ chức trong hệ thống chuyên chính vô sản

1. Trước đây, trong mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản và quần chúng, quần chúng chỉ là con rối trong bàn tay của giai cấp tư sản, cần thì chúng nịnh hót, bợ đỡ; xong việc thì lại dồn họ vào cuộc sống bần cùng. Còn trong chủ nghĩa xã hội, Lênin đã nêu rõ vai trò to lớn của quần chúng, sự chuyển biến ý thức giác ngộ của quần chúng - là kết quả của sự lãnh đạo của Đảng. Lênin đánh giá cao tinh thần sáng tạo của quần chúng, vai trò của quần chúng trong việc nâng cao năng suất lao động. Người cho rằng, xây dựng một phong trào quần chúng tự giác tham gia vào sự kiến thiết chủ nghĩa cộng sản không phải chỉ bằng bàn tay pháp luật mà phải bằng cả sự vận động quần chúng tham gia tự giác vào công việc cụ thể. Kích thích tính tự giác sáng tạo ra năng suất lao động cao, đồng thời quan tâm đầy đủ đến đời sống mọi mặt của người lao động, làm cho năng suất lao động ấy phải là tài sản của giai cấp công nhân và công dân lao động. Xây dựng nhà trẻ, giải phóng phụ nữ... đó là mầm mống của chủ nghĩa cộng sản, là nhân tố tạo thành của năng suất lao động. Và ngược lại, muốn giải phóng phụ nữ phải cải tạo toàn bộ nền sản xuất trở thành nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Cần nhận thức rõ vai trò to lớn của phụ nữ và Đảng phải quan tâm đến họ bằng những biện pháp thích hợp. Cần phải khẳng định rằng, nông dân là lực lượng đáng tin cậy của giai cấp vô sản, do đó cần nắm vững mặt tích cực cũng như mặt tiêu cực của họ để từ đó xác định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với họ.

2. Sự lãnh đạo của Đảng đối với kinh tế, văn  hóa, thông tin

Quan tâm đến lực lượng sản xuất cơ bản nhất là con người, Lênin cho rằng, phải quan tâm đến họ, phải giáo dục thuyết phục họ, xây dựng cho họ tính chủ động sáng tạo với kỷ luật tự giác và tinh thần làm chủ cao, quan tâm đến đời sống văn hóa của quần chúng một cách thiết thực và có hiệu quả chứ không phải chỉ bằng lời nói. Lênin đã phê phán bọn cơ hội về quan điểm này.

Tóm lại, phải tạo ra con người lao động mới, khuyến khích những sáng kiến mới, những việc làm bình thường mà đạt hiệu quả kinh tế cao.

3. Đảng với vấn đề nhà nước

Lênin lại một lần nữa đưa ra những khái niệm về chuyên chính vô sản, những nhiệm vụ chủ yếu trong thời kỳ Đảng lãnh đạo nhà nước chuyên chính vô sản.

Theo Người, xác định rõ nhà nước chuyên chính vô sản do giai cấp công nhân lãnh đạo để xác định một điều cơ bản : Ai là người mácxít? Ai là người xã hội chủ nghĩa?

4. Vấn đề kỷ luật Đảng

Tác phẩm đã đề cập đến vấn đề thanh Đảng. Bởi vì Lênin hiểu rõ rằng, bất cứ một cuộc cách mạng nào cũng không thể tránh khỏi những đảng viên thoái hóa biến chất, sau cuộc cách mạng nào cũng có những kẻ phản bội chui vào Đảng để tìm cách phá hoại. Đó là một thực tế.

Tất cả những vấn đề sau cách mạng đều được quy định bởi người cầm quyền, đo đó phải biết dựa vào đội ngũ tiên tiến, lành mạnh, biết làm cho đội ngũ của mình trong sạch.

Người cũng đã nói rõ: thanh Đảng bằng cách thông qua phong trào cách mạng của quần chúng, và cũng thông qua phong trào cách mạng của quần chúng tham gia xây dựng Đảng để kiểm tra công tác của đảng viên; thanh Đảng có tác dụng hoàn thiện bộ máy chính quyền nhà nước và thúc đẩy nông dân đứng hẳn về phía giai cấp cách mạng.

V- Ý nghĩa của tác phẩm

Sáng kiến vĩ đại đã chỉ ra vai trò tự giác, sáng tạo của quần chúng cách mạng là sự biểu hiện của nhiệt tình lao động là sáng kiến vĩ đại của quần chúng đã được giải phóng. Ngày thứ bảy cộng sản là bước mở đầu thực sự của chủ nghĩa cộng sản.

- Công nhân tham gia phong trào này đã nâng cao năng suất lao động một cách đáng kể. Người chỉ rõ vai trò lớn lao của việc tăng năng suất lao động. Đó là cái chủ yếu nhất, cơ bản nhất cho sự thắng lợi của chế độ xã hội mới.

- Tác phẩm chỉ rõ tầm quan trọng của việc khắc phục tệ quan liêu, của việc xây dựng một Đảng vững mạnh và trong sạch có đủ phẩm chất và năng lực thực hiện sự nghiệp của cách mạng.

- Bài học về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn của Lênin từ vạch ra đề cương đến việc đi vào công nhân mà trước hết là đảng viên và những người cảm tình Đảng, lấy kết quả thực tế trong phong trào đó mà nhân lên thành phong trào quần chúng rộng rãi. Người đã trực tiếp chỉ đạo, tổng kết thực tiễn và rút ra bài học kinh nghiệm cho kho tàng lý luận chung.

 

 

Theo Giới thiệu tác phẩm của C.Mác và Ph.Ăngnghen, V.I. Lênin, Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Nxb CTQG, H, 1999.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website