Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp

I . Quá trình hình thành và phát triển:

Hàng loạt các tổ chức quốc tế sử dụng tiếng Pháp được thành lập như Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước có sử dụng tiếng Pháp (CONFEMEN, 1960), Hiệp hội các trường đại học sử dụng từng phần hoặc toàn phần tiếng Pháp (AUPELF-UREF, 1961), Liên minh các nghị sĩ nói tiếng Pháp (AIPLF, 1967), Tổ chức hợp tác văn hoá và kỹ thuật (ACCT, 1970)... Tuy nhiên, hợp tác giữa các nước trong các tổ chức này vẫn mang đậm tính chất nghề nghiệp và kỹ thuật, chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhiều nước muốn có một tổ chức có tầm vóc chính trị, có vị trí và tiếng nói đáng kể trong quan hệ quốc tế.

Chính vì vậy vào tháng 2/1986, theo sáng kiến của cố Tổng thống Pháp Phờ-răng-xoa Mít-tơ-răng, Hội nghị cấp cao lần thứ nhất của các nước có sử dụng tiếng Pháp đã được tổ chức tại Pa-ri với sự tham gia của gần 40 vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước có sử dụng tiếng Pháp, đánh dấu sự ra đời chính thức của Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp. Tháng 12/1998, Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Pháp ngữ lần thứ 12, họp tại Bu-ca-rét (Rumani), đã thông qua tên gọi chính thức của Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp là Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF).

II. Các Hội nghị Cấp cao:

1. Hội nghị Cấp cao lần thứ 1 (Pa-ri, tháng 2/1986)

Đại biểu của 41 quốc gia và lãnh thổ (trong đó có 16 Nguyên thủ quốc gia và 11 Thủ tướng) đã tới dự Hội nghị. Hội nghị đã thảo luận tình hình chính trị, kinh tế thế giới và tập trung vào chủ đề hợp tác và phát triển. Các đại biểu nhất trí thiết lập và tăng cường hợp tác giữa các nước cùng sử dụng tiếng Pháp, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, văn hoá, thông tin, khoa học kỹ thuật và ngôn ngữ, nhằm tạo sự đoàn kết giữa các nước trong Cộng đồng và để đối phó tốt hơn với những thách thức mà tình hình thế giới đang đặt ra cho các thành viên Cộng đồng. Hội nghị quyết định thể chế hoá Hội nghị cấp cao, họp hai năm một lần.

Hội nghị cấp cao lần thứ nhất đã kiến tạo cơ sở cho một hình thức hợp tác mới giữa các nước cùng sử dụng tiếng Pháp và đánh dấu một bước ngoặt trong sự hình thành của Cộng đồng Pháp ngữ.

2. Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 (Quê-bếc, tháng 9/1987)

Hội nghị có 42 đoàn đại biểu tham dự, trong đó có 18 Nguyên thủ quốc gia và 12 thủ tướng.

Tuy có những ý kiến khác nhau, nhưng Hội nghị đã có tiếng nói chung ủng hộ đối thoại và giải trừ quân bị có lợi cho hoà bình thế giới, ủng hộ hợp tác và phát triển, lên án chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi, công nhận quyền tự quyết của nhân dân Palextin, ủng hộ Libăng và nghị quyết của Liên Hợp Quốc về chiến tranh Iran - Irắk. Nội dung chính của Hội nghị vẫn là vấn đề hợp tác và phát triển. Một chương trình hợp tác gồm trên 100 dự án đã được thông qua với tổng số vốn trên 450 triệu Phờ-răng Pháp nhằm giúp đỡ cho các nước thành viên đang phát triển của Cộng đồng. Hội nghị cũng kêu gọi giảm nợ cho các nước đang phát triển, bảo vệ môi trường và phối hợp hoạt động chống thiên tai. Tại diễn đàn, Canađa đã tuyên bố xoá nợ cho 7 nước nghèo nhất với tổng số tiền là 325 triệu đôla Canađa.

3. Hội nghị Cấp cao lần 3 (Đác-ka, tháng 5/1989)

Hội nghị có 41 đoàn đại biểu tham dự, trong đó có 17 nguyên thủ quốc gia, 10 thủ tướng và phó thủ tướng. Ba nước mới tham gia Hội nghị là Camơrun, Cápve và Ghinê xích đạo. Thuỵ Sĩ chuyển từ quan sát viên thành thành viên chính thức.

Tuyên bố chung của Hội nghị khẳng định ý chí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đa phương giữa các nước thành viên Cộng đồng và đa dạng hoá quan hệ quốc tế của các nước này và đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa các nước đang phát triển với nhau. Một điểm nổi bật tại Hội nghị lần này là Pháp tuyên bố xoá nợ 16 tỷ Phờ-răng Pháp cho 35 nước nghèo nhất ở châu Phi, trong đó có 17 nước là thành viên của Cộng đồng.

4. Hội nghị Cấp cao lần thứ 4 (Sai-ô, Pa-ri, tháng 11/1991)

Hội nghị có 45 đoàn đại biểu tham dự, trong đó có 21 Nguyên thủ quốc gia và 19 thủ tướng hoặc phó thủ tướng. 3 quan sát viên dự lần đầu là Bungari, Campuchia và Rumani.

Chủ đề chính của Hội nghị là dân chủ và phát triển.

Tuyên bố của Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh vấn đề dân chủ phải dựa trên sự tôn trọng các quyền con người và các quyền tự do gắn với phát triển. Hội nghị đã thông qua nhiều nghị quyết về các vấn đề chính trị và kinh tế. Trong lĩnh vực kinh tế, có 10 nghị quyết được thông qua. Hội nghị kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ những cố gắng cải cách kinh tế hiện nay của các nước đang phát triển và giúp đỡ khẩn cấp các nước châu Phi, kêu gọi các nước phát triển thực hiện cam kết dành 0,7% GDP cho viện trợ phát triển. Hội nghị cũng thông qua những phương hướng lớn về hợp tác đa phương, tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên sau: khoa học, môi trường và phát triển, dân chủ và luật pháp. Trên cơ sở đó, Hội nghị đã thông qua ngân sách hàng năm (quỹ đa phương) là 239,3 triệu Phờ-răng Pháp. Về thể chế của Cộng đồng, Hội nghị đã thông qua nghị quyết về các cơ quan cấp cao nhằm hai mục tiêu là giản đơn hoá và củng cố để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Cộng đồng.

5. Hội nghị Cấp cao lần 5 (Mô-ri-xơ, tháng 10/1993)

Hội nghị có 47 đoàn tham dự, trong đó có 20 nguyên thủ quốc gia, 15 thủ tướng và phó thủ tướng. Tổng thư ký LHQ là khách mời của Hội nghị.

Chủ đề chính của Hội nghị là thống nhất trong đa dạng. Hội nghị ra một tuyên bố chính trị trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của sự đa dạng và đa phương hoá quan hệ quốc tế trong điều kiện quốc tế hiện nay; khẳng định sự đoàn kết của các nước thành viên và cam kết cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho các dân tộc trong Cộng đồng. Tuyên bố cũng khẳng định Cộng đồng Pháp ngữ là cộng đồng của đối thoại, hợp tác và đối tác trong sự tôn trọng tuyệt đối sự đa dạng (bản sắc văn hóa dân tộc) của mình. Ngoài Tuyên bố chung, Hội nghị đã thông qua một loạt các văn kiện khác về tình hình chính trị quốc tế, tình hình kinh tế, tình hình Cộng đồng, hợp tác và vấn đề cải tổ thế chế.

Về thể chế, Hội nghị đã thông qua danh sách 15 uỷ viên Hội đồng thường trực Pháp ngữ, lập Uỷ ban nghiên cứu gồm 11 thành viên nhằm nghiên cứu đưa ra những biện pháp hữu hiệu giúp tăng cường vai trò của Cộng đồng Pháp ngữ trên trường quốc tế. Hội nghị đã nhất trí kết nạp 3 thành viên mới là Campuchia, Bungari và Rumani.

6. Hội nghị Cấp cao lần thứ 6 (Côtônu, tháng 12/1995)

Đại biểu từ 49 quốc gia và lãnh thổ đã đến dự, trong đó có 20 Nguyên thủ quốc gia và 11 thủ tướng. Tổng thư ký LHQ là khách mời của Hội nghị.

Chủ đề chính của Hội nghị là đối thoại, hợp tác và phát triển.

Đặc biệt, Hội nghị lần này đã giải quyết cơ bản việc đề cao vai trò chính trị của Cộng đồng Pháp ngữ thông qua việc tăng cường thể chế của Cộng đồng. Hội nghị đã quyết định thành lập chức Tổng thư ký Cộng đồng Pháp ngữ kể từ Hội nghị cấp cao 7. Hội đồng Thường trực Pháp ngữ từ 15 thành viên nay được mở rộng ra thành 18 thành viên đại diện cho các khu vực địa lý khác nhau.

7. Hội nghị Cấp cao lần thứ 7 (Hà Nội, tháng 11/1997)

Tham gia Hội nghị có 50 đoàn đại biểu của các nước thành viên và quan sát viên, trong đó có 20 tổng thống, 16 thủ tướng, 1 thái tử, 3 phó thủ tướng, 1 phó chủ tịch quốc hội và 48 bộ trưởng. Mônđavia và Xanhtômát Prinxipơ chuyển từ quy chế thành viên liên kết sang thành viên chính thức. Ba nước Ba Lan, Anbani và Maxêđônia tham gia Hội nghị với tư cách quan sát viên. Ngoài ra, các đại diện của Tổng thư ký LHQ, Phong trào Không liên kết, EU, UNESCO cũng đến tham dự Hội nghị với tư cách khách mời.

Chủ đề chính của Hội nghị là: "Hội nghị cấp cao Hà Nội: tăng cường hợp tác và đoàn kết trong Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp vì hoà bình và phát triển kinh tế - xã hội", gắn với chủ đề phụ: "Phát huy nguồn nhân lực: động lực và đối tượng của sự phát triển".

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hà Nội, Kế hoạch hành động Hà Nội và Hiến chương Pháp ngữ sửa đổi, bầu ra Tổng Thư ký đầu tiên của Cộng đồng là ông Butrốt Butrốt Gali, cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc, và Tổng giám đốc Cơ quan liên Chính phủ Pháp ngữ. Qua đó, HNCC Hà Nội đã làm nổi bật mối quan tâm rộng rãi của Cộng đồng đối với mục tiêu hoà bình, ổn định và ngoại giao phòng ngừa do tình hình xung đột, đối với việc bảo vệ sự đa dạng và bản sắc văn hoá, khẳng định một cách sinh động và nổi bật sự có mặt của Cộng đồng tại châu Á, thúc đẩy Cộng đồng dành nhiều ưu tiên hơn cho hợp tác kinh tế, trên cơ sở đó đảm bảo sự cân bằng giữa 3 lĩnh vực hoạt động của Cộng đồng là chính trị, văn hoá và kinh tế.

8. Hội nghị Cấp cao lần thứ 8 (Mông-tông, tháng 9/1999)

Hội nghị có 55 đoàn đại biểu tham dự, trong đó 40 đoàn ở cấp tổng thống và thủ tướng. Anbani và Maxêđônia chuyển từ qui chế quan sát viên lên thành viên liên kết. Lítva, Xlôveni và Cộng hoà Séc tham gia Hội nghị với tư cách quan sát viên. Vùng Van-đao-xtơ của Ý và Tổng Thư ký Liên hợp quốc là khách mời của Hội nghị.

Chủ đề chính của Hội nghị lần này là thanh niên, được thể hiện sinh động qua hàng loạt các hoạt động trước và trong Hội nghị và được cụ thể hoá thành một mục lớn trong Tuyên bố và Kế hoạch hành động Mông-tông. Ngoài ra, Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận về các vấn đề hoà bình và an ninh, đặc biệt là bảo đảm an ninh cho dân thường và tìm giải pháp chính trị cho các cuộc xung đột và khủng hoảng, về các biện pháp triển khai kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính về đầu tư và thương mại tại Mônacô tháng 4/1999 và về việc đánh giá 10 năm hợp tác trên lĩnh vực giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học.

9. Hội nghị Cấp cao lần thứ 9 (Bây-rút, tháng 10/2002)

Hội nghị có 55 đoàn tham dự, trong đó 40 đoàn ở cấp nguyên thủ quốc gia và thủ tướng. Phó tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Giám đốc UNESCO, Tổng thư ký Liên đoàn Ả-rập và Tổng thống Angiêri là khách mời của Hội nghị. Xlôvakia và vùng Van-đao-xtơ của ý được chấp nhận là quan sát viên và khách mời đặc biệt của Hội nghị. Đặc biệt với việc Chủ tịch Trần Đức Lương dẫn đầu đoàn đại biểu nước ta tham dự Hội nghị thì đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia ở cấp Nguyên thủ một hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp được tổ chức ở ngoài Việt Nam.

Hội nghị đã thể hiện mối quan tâm của mình đối với các vấn đề toàn cầu, lên án chủ nghĩa khủng bố, không tán thành sử dụng vũ lực trong bối cảnh một năm sau sự kiện 11/9, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy đa dạng văn hoá, bảo vệ và gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hoá, kêu gọi tăng cường hợp tác Bắc-Nam, Nam-Nam và giúp các nước thành viên hội nhập khu vực và quốc tế.

Đặc biệt, Hội nghị đã nhất trí thông qua một số quyết định nhằm củng cố Cộng đồng, đồng thời tạo tầm nhìn và bước chuyển chiến lược cho các hoạt động hợp tác đa phương về trung và dài hạn. Hội nghị đã xem xét và thông qua Quy chế và thể thức gia nhập Hội nghị cấp cao theo hướng xiết chặt hơn về tiêu chuẩn gia nhập, quyết định kể từ Hội nghị cấp cao 10 U-a-ga-đu-gu Cộng đồng sẽ chuyển sang xây dựng khung chiến lược dài hạn 10 năm và các chương trình hợp tác 4 năm thay vì 2 năm như trước đây.

Hội nghị đã bầu ông Áp-đu Đi-úp, cựu Tổng thống Xênêgan, làm Tổng Thư ký mới của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ nhiệm kỳ 2002-2006.

10. Hội nghị cấp cao lần thứ 10 (U-a-ga-đu-gu, tháng 11/2004)

Hội nghị có 56 đoàn đại biểu tham dự, trong đó 37 đoàn ở cấp nguyên thủ và thủ tướng. Khách mời của Hội nghị gồm có Tổng thống Ni-giê-ri-a trên cương vị Chủ tịch Liên minh châu Phi và Chủ tịch Khối thịnh vượng chung, Tổng thống An-giê-ri, Tổng thống Mô-dăm-bích, Tổng thống Xu-đăng, Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO), Phó Tổng giám đốc Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF) và Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại vùng Hồ lớn, châu Phi. Đoàn Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa dẫn đầu.

Chủ đề của Hội nghị là "Một không gian đoàn kết vì sự phát triển bền vững". Do vậy, trong thảo luận, các nước nhấn mạnh nhiều đến khoảng cách ngày càng lớn và thậm chí là nguy cơ xuất hiện một "Bức tường" mới ngăn cách các nước giàu với các nước nghèo, kêu gọi Cộng đồng cần tăng cường hơn nữa tình đoàn kết Pháp ngữ vì sự phát triển đồng đều giữa các nước thành viên, đồng thời nhất trí là phải có một cách tiếp cận toàn diện đối với vấn đề phát triển bền vững, quan tâm đến tất cả các mặt tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, thúc đẩy dân chủ, Nhà nước pháp quyền và đa dạng văn hóa và ngôn ngữ. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng dành thời gian để thảo luận về tình hình chính trị quốc tế, đặc biệt là về Bờ Biển Ngà, Trung Đông, hay những vấn đề quan tâm truyền thống của Cộng đồng như bảo vệ đa dạng văn hóa và ngôn ngữ.

Hội nghị đó thông qua Khuôn khổ chiến lược 10 năm đề ra những định hướng và mục tiêu chiến lược dài hạn cho hoạt động của Cộng đồng trong 10 năm tới, nhất trí kết nạp Hy Lạp và Công quốc An-đo-ra làm thành viên liên kết và 5 nước là Grudia, Áo, Hung-ga-ri, Croatia và Ác-mê-ni-a làm Quan sát viên, nâng tổng số thành viên của Cộng đồng từ 56 lờn 63, và chọn Ru-ma-ni là nước đăng cai HNCC11 vào cuối năm 2006.

III. Các mục tiêu của cộng đồng pháp ngữ

Ý thức được mối liên hệ giữa các nước thành viên trên cơ sở cùng sử dụng tiếng Pháp và mong muốn sử dụng các mối liên hệ này để phục vụ cho hoà bình, hợp tác và phát triển, Cộng đồng Pháp ngữ có mục tiêu giúp đỡ: thiết lập và phát triển dân chủ; phòng ngừa xung đột và hỗ trợ Nhà nước pháp quyền và quyền con người; tăng cường đối thoại giữa các nền văn hoá và giữa các nền văn minh; tạo quan hệ gần gũi giữa các dân tộc thông qua việc hiểu biết lẫn nhau; tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc thông qua các hoạt động hợp tác đa phương nhằm tạo điều kiện cho các nền kinh tế của họ phát triển.

Cộng đồng Pháp ngữ tôn trọng chủ quyền, ngôn ngữ và văn hoá của các quốc gia. Cộng đồng Pháp ngữ tuyệt đối giữ trung lập trong các vấn đề nội bộ của các quốc gia.                                                  

IVCơ chế tổ chức của Cộng đồng Pháp ngữ

1. Các cơ quan chính trị:

1.1. Hội nghị Cấp cao (Sommet)

Hội nghị Cấp cao những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước có sử dụng tiếng Pháp là cơ quan tối cao của Cộng đồng Pháp ngữ. Hội nghị họp hai năm một lần nhằm xem xét những vấn đề lớn về chính trị, kinh tế, văn hoá và khoa học kỹ thuật liên quan đến các nước trong Cộng đồng, đề ra đường lối, phương hướng hoạt động cho Cộng đồng và bầu Tổng Thư ký Pháp ngữ. Các quyết định của Hội nghị được thông qua theo thể thức "đồng thuận" (consensus).

1.2. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (CMF)

Sau Hội nghị cấp cao, CMF là cơ quan cao nhất về phương diện chính trị. CMF họp mỗi năm một lần (ngoài những kỳ họp bất thường) với tư cách là cơ quan của Hội nghị Cấp cao và Đại hội đồng của Cơ quan liên Chính phủ Pháp ngữ, nhằm đảm bảo tính liên tục trong hoạt động chính trị của Cộng đồng. CMF có nhiệm vụ chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao, khuyến nghị Hội nghị Cấp cao chấp thuận các thành viên chính thức/thành viên liên kết/quan sát viên mới, giám sát việc thực hiện các quyết định của Hội nghị cấp cao, bổ nhiệm Tổng Giám đốc của Cơ quan liên Chính phủ Pháp ngữ và cho ý kiến về việc phân bổ Quỹ Đa phương duy nhất (FMU).

1.3. Hội đồng thường trực Pháp ngữ (CPF)

Đây là cơ quan chính trị thường trực của Cộng đồng được đặt dưới sự chỉ đạo của CMF. Thành viên của CPF bao gồm các đại diện cá nhân của những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước thành viên của Hội nghị cấp cao. Tổng Thư ký Pháp ngữ là Chủ tịch chấp hành của CPF. CPF họp ít nhất 2 lần/năm. CPF có nhiệm vụ chuẩn bị Hội nghị cấp cao và theo dõi việc thực hiện các quyết định của Hội nghị cấp cao, giám sát việc thực hiện các quyết định của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, quyết định phân bổ và kiểm tra việc thực hiện Quỹ Đa phương duy nhất và tiến hành đánh giá các chương trình hợp tác của các cơ quan thực thi. CPF cũng đồng thời là Hội đồng quản trị của Cơ quan liên chính phủ Pháp ngữ

1.4. Ban Tổng Thư ký

Ban Tổng Thư ký được đặt dưới sự chỉ đạo của Tổng Thư ký Pháp ngữ. Tổng Thư ký Pháp ngữ do những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước thành viên bầu ra với nhiệm kỳ 4 năm. Tổng Thư ký Pháp ngữ chịu sự chỉ đạo của các cơ quan chính trị: Hội nghị Cấp cao, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Hội đồng Thường trực Pháp ngữ. Tổng Thư ký là người phát ngôn chính trị, là đại diện chính thức của Cộng đồng Pháp ngữ trên trường quốc tế và là người điều phối các hoạt động hợp tác đa phương Pháp ngữ. Tổng Thư ký Pháp ngữ có nghĩa vụ báo cáo Hội nghị cấp cao về việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Cơ cấu của Ban Tổng thư ký:

Tổng Vụ Nhân quyền và Dân chủ: có trách nhiệm hỗ trợ Tổng Thư ký Pháp ngữ thực hiện các nhiệm vụ chính trị của mình.

Hội đồng Tư vấn của Ban Tổng Thư ký: có nhiệm vụ nghiên cứu về các xu hướng phát triển cũng như tương lai trung và dài hạn của Cộng đồng Pháp ngữ.

Các Phái đoàn đại diện thường trực của Cộng đồng Pháp ngữ bên cạnh các tổ chức quốc tế: có nhiệm vụ khẳng định sự hiện diện, tình đoàn kết và vai trò của Cộng đồng Pháp ngữ trong đời sống quốc tế và phát triển quan hệ về thể chế giữa Cộng đồng Pháp ngữ và các tổ chức quốc tế khác. Cộng đồng Pháp ngữ hiện có 2 phái đoàn đại diện thường trực bên cạnh Liên Hợp Quốc tại Niu-Yóc (Mỹ) và tại Giơ-ne-vơ (Thuỵ Sĩ), 1 bên cạnh Liên minh châu Âu tại Brúc-xen (Bỉ) và 1 bên cạnh Liên minh châu Phi và Uỷ ban Kinh tế của Liên Hợp Quốc cho châu Phi tại Ađi-Abêba (Ê-thi-o-pi).

1.5. Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành

Nhằm tăng cường sự hợp tác nhiều mặt giữa các nước thành viên, nhiều Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành của Cộng đồng đã được triệu tập nhằm triển khai việc thực hiện các chương trình, dự án hợp tác đã được thông qua tại các Hội nghị cấp cao, đồng thời xem xét, đề ra những phương hướng và kế hoạch cụ thể về hợp tác giữa các nước thành viên cũng như về việc phối hợp hành động của Cộng đồng trên bình diện quốc tế trong từng lĩnh vực.

2. Các cơ quan thực thi của Hội nghị cấp cao:

Cơ quan liên Chính phủ Pháp ngữ (AIF)

Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF)

Đài Truyền hình Quốc tế Pháp ngữ (TV5)

Trường đại học Xen-gho d’A-lếch-xăng-đờ-ri

Hiệp hội quốc tế thị trưởng các thành phố sử dụng một phần hay toàn phần tiếng Pháp (AIMF)

Cơ quan liên Chính phủ Pháp ngữ

(Agence Intergouvernementale de la Francophonie)

Cơ quan liên chính phủ Pháp ngữ (AIF, trước đây là ACCT) là tổ chức liên chính phủ duy nhất của Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp, gồm 50 Nhà nước và Chính phủ thành viên thuộc 5 châu lục. Nhiệm vụ chính của AIF là triển khai các chương trình hợp tác đã được thông qua tại các Hội nghị cấp cao. Hoạt động hợp tác đa phương của AIF trải rộng trên nhiều lĩnh vực như: giáo dục và đào tạo, giảng dạy tiếng Pháp, văn hoá và truyền thông, công nghệ mới về thông tin và liên lạc, môi trường, năng lượng, đoàn kết vì phát triển... Kể từ Hội nghị cấp cao lần thứ 4 (Sai-ô, Pa-ri, Pháp), AIF đảm nhiệm thêm vai trò là Ban Thư ký cho tất cả các thể chế của Cộng đồng Pháp ngữ.

Ngày thành lập: 20/3/1970, tại Ni-a-mây, thủ đô nước Cộng hòa Ni-giê

Trụ sở: Pa-ri (Pháp)

Tổng Giám đốc: Rô-giê Đơ-hép-bơ (từ tháng 1/1998 và mới được bầu lại tháng 1/2002)

1. Mục tiêu:

- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển tiếng Pháp và các nền văn hoá sử dụng tiếng Pháp, song song với việc thúc đẩy các ngôn ngữ và các nền văn hoá đối tác của các nước thành viên,

- Hỗ trợ quy chế của tiếng Pháp trong các tổ chức quốc tế và trong các hội nghị của thế giới,

- ủng hộ nỗ lực của các nước thành viên và của Tổng thư ký Pháp ngữ trong việc củng cố Nhà nước pháp quyền, dân chủ và thúc đẩy quyền con người,

- Định kỳ thống kê và phổ biến rộng rãi thống kê về các nguồn lực của Cộng đồng Pháp ngữ trong các lĩnh vực hoạt động của AIF,

- Đề xuất, khi cần, huy động một phần các nguồn lực về trí thức, kỹ thuật và tài chính của các nước thành viên nhằm thực hiện các chương trình phát triển có lợi cho toàn bộ hoặc nhiều nước thành viên,

- Phát huy thông tin thông qua việc sử dụng các công nghệ thông tin hiện đại,

- Góp phần phát triển giáo dục cơ sở, đào tạo từ xa, đào tạo kỹ thuật và dạy nghề tại các nước thành viên,

- Góp phần hình thành những công cụ chung về giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và kỹ thuật và phát huy nghiên cứu vì mục đích phát triển,

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các nước thành viên phát triển kinh tế bằng cách thực hiện các mục tiêu này,

- Là nơi gặp gỡ và trao đổi thường xuyên giữa các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và các quan chức quốc gia trong các lĩnh vực lớn như kinh tế, giáo dục, văn hoá, khoa học và kỹ thuật,

- Tạo dựng và thúc đẩy sự phối hợp tham khảo ý kiến giữa tất cả các nước thành viên, việc tập trung các nỗ lực và phương tiện, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như nghiên cứu, công nghệ, năng lượng, môi trường, nông nghiệp, giáo dục, đào tạo và thông tin liên lạc cũng như trong lĩnh vực nghiên cứu các vấn đề của phát triển,

- Khuyến khích hiểu biết lẫn nhau giữa các nước thành viên,

- Tạo thuận lợi cho các chính phủ thành viên được tiếp cận đẩy đủ các nguồn lực hợp tác song phương và quốc tế và khi cần, thực hiện các chương trình trợ giúp đa phương cụ thể,

- Duy trì quan hệ chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các hiệp hội đa phương Pháp ngữ thuộc các lĩnh vực hoạt động của AIF nhằm nâng cao hiệu quả cho tất cả các sáng kiến và tạo sự nhất quán cho hoạt động chung của Cộng đồng,

- Thực hiện mọi chức năng có gắn với mục tiêu của AIF và được Hội nghị cấp cao, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hoặc Hội đồng thường trực Pháp ngữ giao phó.

2. Cơ cấu tổ chức:

2.1. Cơ cấu thường trực:

2.1.1. Tổng Giám đốc: do Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao bổ nhiệm theo đề nghị của Tổng thư ký Pháp ngữ.

2.1.2. Văn phòng Tổng Giám đốc và 13 Vụ và đơn vị trực thuộc gồm:

+ Vụ Hoạch định Chương trình và Đánh giá

+ Vụ Ngân sách, Tài chính và Kế toán

+ Vụ Nhân lực

+ Tổng Vụ Nhân quyền và Dân chủ

+ Vụ Ngôn ngữ và Chữ viết

+ Vụ Văn hoá và Di sản

+ Vụ Điện ảnh và các Phương tiện truyền thông

+ Vụ Giáo dục- Đào tạo Kỹ thuật và Dạy nghề

+ Vụ Hợp tác Kinh tế

+ Vụ Phát triển Xã hội và Đoàn kết

+ Vụ Hợp tác Pháp lý và Tư pháp

+ Học viện Công nghệ mới về thông tin và đào tạo (Pa-ri, Pháp)

+ Viện Năng lượng và Môi trường (Quê-bếc, Canađa)

2.1.3. Các văn phòng khu vực: đóng vai trò là các cơ quan đại diện của AIF chịu trách nhiệm theo dõi và thúc đẩy hợp tác giữa AIF và tiểu vùng, nơi đặt văn phòng khu vực.

o Tây Phi: Lômê (Tôgô)

o Trung Phi và ấn Độ Dương: Li-brơ-vin (Gabông)

o Châu Á - Thái Bình Dương: Hà Nội (Việt Nam)

2.2. Các cơ quan chức năng:

2.2.1. Đại hội đồng: là cơ quan quyền lực cao nhất, họp ít nhất 1 lần/năm ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao hoặc Bộ trưởng phụ trách Pháp ngữ. Đại hội đồng đề ra các định hướng cho hoạt động của AIF, thông qua chương trình hợp tác, ngân sách 4 năm, bổ nhiệm Tổng Giám đốc và quyết định những vấn đề lớn khác.

2.2.2. Hội đồng Quản trị: Hội đồng thường trực Pháp ngữ (CPF) là Hội đồng quản trị của Cơ quan Pháp ngữ. Hội đồng quản trị là cơ quan chấp hành của Đại hội đồng họp ít nhất 1 lần/năm. Hội đồng quản trị thực hiện các quyết định của Đại hội đồng và báo cáo Đại hội đồng về hoạt động của AIF, việc thực hiện các chương trình hợp tác cũng như việc sử dụng các nguồn ngân sách.

3. Hoạt động:

3.1. Ngân sách : gồm 2 nguồn chính là ngân sách thường xuyên (đóng góp hàng năm của các thành viên) và ngân sách từ Quỹ đa phương (đóng góp tự nguyện và các nguồn thu khác). Từ năm 1992, hai nguồn này đã được hợp nhất thành Quỹ đa phương duy nhất (Fonds multilatéral unique).

3.2. Hình thức tài trợ: không hoàn lại, thông qua các dự án phù hợp với những ưu tiên của chương trình hợp tác 4 năm.

Cơ quan Đại học Pháp ngữ

(Agence Universitaire de la Francophonie)

Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF, trước đây là AUPELF-UREF) là cơ quan thực thi của Hội nghị cấp cao trong lĩnh vực giảng dạy đại học và nghiên cứu, tập hợp 493 trường đại học, viện giảng dạy đại học, trung tâm nghiên cứu và cơ quan quản lý đại học và hơn 350 khoa tiếng Pháp của các trường đại học thuộc các nước trong và ngoài Cộng đồng Pháp ngữ. Nhiệm vụ chính của AUF là hỗ trợ hợp tác và đoàn kết giữa các cơ sở đại học có sử dụng tiếng Pháp, góp phần phát triển giảng dạy đại học và nghiên cứu, đặc biệt là tại các nước thành viên châu Phi, Ả-Rập, Đông Nam Á, Trung và Đông Âu và Ca-ri-bê. Ngoài ra, với sự trợ giúp của các Nhà nước và Chính phủ thành viên Cộng đồng Pháp ngữ, AUF cũng đang tham gia xây dựng và phát triển một không gian nghiên cứu khoa học bằng tiếng Pháp.

Ngày thành lập: 8/9/1961

Trụ sở: Mông-rê-an (Canađa)

Chủ tịch: Giăng Đuboa Gô-đu-xông (từ tháng 5/2001)

Tổng Giám đốc: Mi-sen Giăng-đơ-rô Ma-xa-lou (từ tháng 10/1999)

1. Mục tiêu:

Tập hợp và hình thành khối các trường đại học, các cơ quan giảng dạy đại học và nghiên cứu có sử dụng tiếng Pháp trên bình diện quốc tế,

Tổ chức khối theo hướng thúc đẩy việc thành lập các tổ chức khu vực, các mạng lưới và tất cả các hình thức đối tác khác,

Hỗ trợ các hoạt động hợp tác nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy đoàn kết giữa các tổ chức thành viên,

Phát huy tính năng động của sinh viên, giảng viên và các nhà nghiên cứu trong không gian đại học Pháp ngữ,

Khuyến khích sử dụng rộng rãi công nghệ mới về thông tin, liên lạc và giảng dạy, đặc biệt là giảng dạy từ xa, bằng tiếng Pháp,

Tăng cường tình đoàn kết trên phạm vi toàn thế giới giữa các khoa tiếng Pháp và giữa các trường đại học thuộc các vùng ngôn ngữ khác nhau nhằm thúc đẩy đa dạng văn hoá,

Dành hỗ trợ đặc biệt cho các tổ chức khó khăn nhất, đặc biệt là những tổ chức mới được thành lập hoặc có nguy cơ bị giải thể,

Cung cấp dịch vụ ở trong và ngoài Cộng đồng Pháp ngữ.

2. Cơ cấu tổ chức:

2.1. Cơ cấu thường trực:

2.1.1. Tổng Giám đốc: do Hội đồng Quản trị bầu, có nhiệm vụ triển khai các cam kết đã được các tổ chức thành viên thông qua.

2.1.2. Văn phòng Tổng Giám đốc và 2 Vụ trực thuộc gồm:

+ Vụ Kế hoạch và Dự báo ưu tiên hoạt động

+ Vụ Hành chính và Tài chính

2.1.3. Các văn phòng khu vực: có nhiệm vụ quản lý, điều chỉnh các chương trình hoạt động của AUF sao cho phù hợp với nhu cầu thực sự của từng khu vực cũng như phát triển quan hệ đối tác với các nhà học giả của khu vực đó. AUF hiện có 9 văn phòng khu vực, bao gồm:

Trung Phi: I-a-un-đê (Camơrun)

Tây Phi: Đác-ca (Xênêgan)

Bắc Mỹ: Mông-rê-an (Quê-bếc)

Châu Á-Thái Bình Dương: Hà Nội (Việt Nam)

Ca-ri-bê: Poóc-tô Pờ-ranh-xơ (Hai-i-ti)

Trung và Đông Âu: Bu-ca-rét (Rumani)

Tây Âu và Bắc Phi: Brúc-xen (Bỉ)

Trung Đông: Bây-rút (Libăng)

Ấn Độ Dương: An-ta-na-na-ri-vô (Ma-đa-gát-xơ-ca)

2.2. Các cơ quan chức năng:

2.2.1. Đại hội đồng: là cơ quan quyền lực cao nhất của AUF, họp 4 năm/lần. Đại hội đồng có nhiệm vụ hoạch định chính sách chung, đề ra những định hướng hoạt động lớn của AUF và bầu Chủ tịch của AUF.

2.2.2. Chủ tịch: là người đại diện cho AUF. Chủ tịch AUF đồng thời cũng là chủ tịch của Đại hội đồng, Hội đồng hiệp hội và Hội đồng quản trị.

2.2.3. Hội đồng hiệp hội: có nhiệm vụ tăng cường đoàn kết giữa các tổ chức thành viên, giúp các tổ chức thành viên cùng chia sẻ mục tiêu, cùng tham gia vào các hoạt động của AUF.

2.2.4. Hội đồng Quản trị: bao gồm đại diện của các tổ chức thành viên AUF cũng như đại diện của các Nhà nước và Chính phủ thành viên OIF. Hội đồng quản trị có nhiệm vụ quản lý AUF trên cơ sở chính sách chung đã được Đại hội đồng hoạch định và bầu Tổng Giám đốc của AUF.

2.2.5. Hội đồng Khoa học: là cơ chế tư vấn của AUF, có nhiệm vụ định hướng chính sách khoa học và hoạch định chính sách đánh giá các chương trình hoạt động của AUF. Thành viên của Hội đồng là những nhân sĩ có tên tuổi trong các lĩnh vực văn hoá, khoa học và công nghệ.

2.2.6. Quỹ Đại học về hợp tác và phát triển: có nhiệm vụ đảm bảo tài chính cho toàn bộ các hoạt động hợp tác và đoàn kết của AUF.

3. Hoạt động:

3.1. Ngân sách: bao gồm nhiều nguồn như đóng góp của các tổ chức thành viên, tài trợ của Quỹ đa phương duy nhất, lợi nhuận thu được từ các hoạt động dịch vụ, tài trợ của các chính phủ, các tổ chức quốc gia và quốc tế...

3.2. Hình thức tài trợ: chủ yếu dưới dạng cấp học bổng hoặc thông qua các dự án viện trợ không hoàn lại.            

QUÁ TRÌNH THAM GIA CỦA VIỆT NAM VÀO CỘNG ĐỒNG CÁC NƯỚC CÓ SỬ DỤNG TIẾNG PHÁP

CHXHCN Việt Nam chính thức gia nhập ACCT từ năm 1979 (trước đó chính quyền Sài Gòn đã tham gia tổ chức này ngay từ khi mới được thành lập). Từ đó, ta lần lượt tham gia vào nhiều tổ chức khác thuộc Cộng đồng Pháp ngữ. Ta đã tham dự các Hội nghị cấp cao ngay từ Hội nghị đầu tiên và tháng 11/1997, Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Cấp cao lần thứ 7 tại Hà Nội.

Trước đó, Việt Nam đã lần lượt được bầu là thành viên của Uỷ ban nối tiếp quốc tế (CIS) trước đây của Hội nghị cấp cao, sau đó là uỷ viên Hội đồng Thường trực Pháp ngữ (CPF). Tháng 1/1996, Việt Nam trở thành Phó Chủ tịch và tháng 1/1997, là Chủ tịch của CPF.

Từ tháng 12/1996 đến tháng 12/1998, Việt Nam là Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và từ tháng 11/1997 đến tháng 9/1999, là Chủ tịch Hội nghị cấp cao. Việt Nam cũng tích cực tham gia các Hội nghị Bộ trưởng Chuyên ngành của Cộng đồng như Hội nghị Bộ trưởng Văn hoá 1990 và 2001, Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp 1989 và 1995, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường 1991, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục 1992 và 1998,  Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính 1999, Hội nghị Phụ nữ Pháp ngữ 2000 và các hội nghị của các cơ quan khác của Cộng đồng như Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), Hiệp hội quốc tế thị trưởng các thành phố sử dụng một phần hay toàn phần tiếng Pháp (AIMF), Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp ngữ (FFA)...

Bên cạnh sự tham gia vào các tổ chức đa phương toàn cầu (Liên Hợp Quốc), tổ chức khu vực (ASEAN, APEC) và liên khu vực (Phong trào không liên kết), việc ta tham gia vào Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp nằm trong chủ trương chung của chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế vì hoà bình, độc lập và phát triển, tận dụng các cơ hội và các hướng tranh thủ đối tác, kết hợp đối ngoại song phương với đối ngoại đa phương. Trong bối cảnh ta đã xây dựng được một mạng lưới quan hệ song phương với hầu hết các nước trên thế giới, việc kết hợp, bổ sung giữa hoạt động đối ngoại song phương và đa phương sẽ tạo cho ta thế đứng đối ngoại vững chãi, cân bằng trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam .

Với việc tham gia vào Cộng đồng Pháp ngữ, ta có điều kiện mở rộng quan hệ với nhiều nước châu Phi, là khu vực ta có quan hệ đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình đấu tranh giải phóng và giành độc lập dân tộc nhưng còn ít quan hệ hợp tác kinh tế đồng thời khai thác được sự hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhân lực và phần nào viện trợ của các nước phát triển và các tổ chức trong Cộng đồng, có lợi cho công cuộc xây dựng đất nước.

Cùng với tiếng Anh, tiếng Pháp là một trong sáu ngôn ngữ chính thức và là một trong hai ngôn ngữ làm việc của hệ thống Liên Hợp Quốc. Việc sử dụng tiếng Pháp bên cạnh tiếng Anh và các ngoại ngữ khác góp phần mở rộng khả năng của ta tranh thủ hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật và văn hoá với bên ngoài.

Cuối cùng, việc tham gia Cộng đồng Pháp ngữ cũng mang lại cho Việt Nam một số lợi ích thiết thực về uy tín quốc tế, về vật chất cũng như về kinh nghiệm hoạt động trên diễn đàn đa phương. Các nước trong Cộng đồng, đặc biệt là các nước châu Phi, đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam, đặc biệt là những kinh nghiệm về bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Hàng năm, các tổ chức trong Cộng đồng giúp đỡ Việt Nam đáng kể về vật chất, kỹ thuật và đào tạo thông qua các dự án trong nhiều lĩnh vực như giáo dục và đào tạo, văn hoá và thông tin, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, xoá đói giảm nghèo...

Quan hệ với Việt Nam với Cơ quan liên Chính phủ Pháp ngữ 

Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam vẫn duy trì quan hệ với AIF và từ cuối năm 1978, nước ta tham gia AIF với tư cách thành viên chính thức.

Kể từ khi tham gia tổ chức này, Việt Nam đã nhận được nhiều nguồn hỗ trợ về vật chất và chất xám có giá trị. Trong những năm đầy khó khăn của thập kỷ 80, tổ chức này đã duy trì sự hợp tác khá tích cực với Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực đào tạo, trao đổi khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực. Chỉ tính riêng trong thời gian từ năm 1980 đến 1985, AIF đã tổ chức cho hàng trăm cán bộ các ngành của Việt Nam đi học các lớp chuyên đề, hội thảo, thực tập và trao đổi kinh nghiệm ở các nước như Pháp, Canađa và một số nước châu Phi; đồng thời thông qua các dự án, AIF cũng đã cung cấp một số thiết bị văn phòng, kỹ thuật cho nhiều cơ sở nghiên cứu và cơ quan lưu trữ của Việt Nam trị giá hàng chục triệu quan Pháp. AIF cũng đã giúp Việt Nam xuất bản nhiều ấn phẩm (sách, phim ảnh, băng đĩa) giới thiệu đất nước, con người và văn hoá Việt Nam để lưu hành trong và ngoài nước. Thông qua tổ chức này, nhiều ấn phẩm về Việt Nam đã đến được nhiều nước trong Cộng đồng để bạn bè biết và hiểu Việt Nam hơn. Các dự án của AIF tuy qui mô còn khiêm tốn nhưng nhìn chung rất thiết thực, hiệu quả và phù hợp với các ưu tiên phát triển của Việt Nam.

Trong thời gian gần đây, đặc biệt là với các chuyến thăm liên tiếp trong các năm 1998, 2001 và 2002 của Tổng Giám đốc AIF, quan hệ giữa Việt Nam và AIF có bước phát triển mới. Việc AIF quyết định mở Văn phòng khu vực châu á - Thái Bình Dương tại Hà Nội (1994) và trước đó Trung tâm giảng dạy tiếng Pháp châu Á - Thái Bình Dương tại thành phố Hồ Chí Minh (1993) đã nói lên vị trí của Việt Nam trong khu vực và trong Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp. Trung tâm giảng dạy tiếng Pháp châu Á - Thái Bình Dương là một dự án lớn mang tính khu vực. Mỗi năm trung tâm mở bốn khoá hội thảo và nhiều hoạt động khác bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy tiếng Pháp cho giáo viên của bốn nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Vanuatu.

Quan hệ của Việt Nam với Cơ quan Đại học Pháp ngữ

Việt Nam gia nhập AUF từ năm 1990. Tháng 3/1994, AUF đặt Văn phòng châu Á-Thái Bình Dương tại Hà Nội và sau đó là Ban quản lý dự án tại thành phố Hồ Chí Minh. Kể từ đó, thông qua các văn phòng này, AUF đã mở rộng quan hệ của mình với Việt Nam, ký kết nhiều thoả thuận về giảng dạy tiếng Pháp ở cấp phổ thông trên toàn quốc, hỗ trợ nhiều chương trình giảng dạy tiếng Pháp và nghiên cứu khoa học tại nhiều trường đại học, trung tâm và viện nghiên cứu của Việt Nam. Hiện Việt Nam có 38 trường đại học là thành viên của AUF. Năm 2003, tổng mức tài trợ của AUF dành cho Việt Nam ước tính lên đến 5,4 triệu Euros (gồm cả chi phí hoạt động của Văn phòng châu á-Thái Bình Dương tại Hà Nội và Ban quản lý dự án tại thành phố Hồ Chí Minh ).

AUF đã và đang thực hiện tại Việt Nam các chương trình hợp tác chính sau:

Các chuyên khoa đại học Pháp ngữ: Chương trình nhằm mục tiêu giúp đào tạo một thế hệ trẻ làm công tác nghiên cứu bằng tiếng Pháp, tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực khoa học mũi nhọn như: công nghệ, kinh tế, thương mại, y tế, khoa học cơ bản và luật pháp. Năm 2002, AUF đã thành lập được tổng cộng gần 50 chuyên khoa đào tạo khoảng 4.500 sinh viên.

- Các lớp song ngữ: Chương trình được bắt đầu thực hiện từ năm 1994 với mục tiêu đào tạo một thế hệ trẻ Việt Nam làm chủ được tiếng Pháp, có khả năng tiếp tục theo học tại các cơ sở đại học Pháp ngữ và qua đó, có thể đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chương trình thiết lập một hệ thống các lớp từ năm đầu của bậc tiểu học cho đến hết trung học. Năm 2003, cả nước có khoảng 664 lớp song ngữ thuộc 105 trường phổ thông tại 19 tỉnh thành với hơn 17.000 học sinh và 550 giáo viên.

- Viện Tin học Pháp ngữ (IFI): có mục đích giúp đỡ các nước thuộc khu vực á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Việt Nam, đào tạo một đội ngũ kỹ sư tin học ứng dụng trình độ cao. Kể từ 1995, IFI đã tổ chức được tổng cộng 30 khoá đào tạo sau đại học, mỗi khoá kéo dài 2 năm với khoảng 20 học viên.

- Chương trình Hệ thống Xuất bản và Truyền tin Pháp ngữ (SYFED): cung cấp thông tin và tư liệu cho sinh viên, giáo viên và các nhà nghiên cứu Việt Nam.

- Chương trình trợ giúp nghiên cứu: nhằm hỗ trợ và khuyến khích các nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam có sử dụng tiếng Pháp dưới dạng cấp học bổng cho người làm nghiên cứu (kể cả làm luận án tiến sĩ), tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, lập quỹ hỗ trợ nghiên cứu, tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng Pháp cho các cán bộ nghiên cứu./.

                                              (Nguồn Bộ Ngoai giao) 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website