Liên minh Bôliva cho châu Mỹ (ALBA) - Alianza Bolivariana para los Pueblos de Nuestra América (ALBA)

ALBA là cơ chế hội nhập trên tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước Mỹ Latinh, như một sự lựa chọn thay thế Khu vực thương mại tự do châu Mỹ (FTAA) do Mỹ đề xuất nhưng thất bại vì không nhận được sự ủng hộ của các nước tại châu lục này. Cho đến năm 2009, ALBA có 9 thành viên chính thức là Cuba, Vênêxuêla, Bôlivia, Nicaragoa, Đôminica, Êcuađo, Ônđurát, Xanh Vixen và Grênađin, và Antigoa và Bácbuđa.

Với nguồn tài nguyên phong phú như dầu khí, sắt, nhôm, bôxít, niken, kẽm, vàng và than đá, các nước này đã hợp tác với nhau và với nhiều quốc gia khác trong khu vực trong nhiều dự án hoá dầu và luyện kim tránh được việc xuất khẩu nguyên liệu như trước, tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng và cùng nhau đảm bảo nguồn nguyên liệu chiến lược cho công nghiệp của mỗi nước phát triển.
Trong số các thoả thuận hợp tác kinh tế, thương mại của khối phải nói đến hai hiệp định là Petrocaribe và Petrosur (trong đó Vênêxuêla góp 40% vốn bằng dầu lửa, với lãi suất 2%/ năm trong vòng từ 20-25 năm) đã giúp cho gần 20 quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh và Caribê vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng vừa qua. Sự hợp tác ngày càng chặt chẽ trong khuôn khổ ALBA đã góp phần xoá đói giảm nghèo, xoá nạn mù chữ, phòng chống bệnh tật, thành lập nhiều công ty liên doanh sản xuất lương thực, thuốc men phòng chữa bệnh, hàng kim khí, viễn thông, du lịch, khai khoáng, thăm dò và khai thác dầu khí.

Cuba, với tiềm năng tri thức và kinh nghiệm trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, công nghệ sinh học và thể dục thể thao, đã cử các chuyên gia của mình sang làm việc tại các nước trong khối: 39.000 người ở Vênêxuêla, 2.300 người ở Bôlivia và 58 người ở Nicaragoa.

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ VI của khối ALBA họp tại Vênêxuêla năm 2007 với 8 nước khách mời đã thoả thuận nhiều hiệp định và dự án hợp tác, nhằm cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực, nhiên liệu và kinh tế hiện nay. Tại hội nghị này, các nước thành viên đã quyết định thành lập Ngân hàng ALBA, với vốn điều lệ trên 2 tỷ USD và hiện tại đã có được trên 1 tỷ USD, nhằm giúp các nước thành viên ổn định và đứng vững trong cơn bão tài chính thế giới hiện nay và tiếp tục triển khai các dự án mang tính xã hội. Đây có thể được coi là một bước có ý nghĩa trong quan niệm chiến lược của cơ chế hội nhập.

Với những gì đã đạt được trong thời gianqua, ALBA đã thực sự trở thành một không gian địa chiến lược giúp các nước nhỏ trong khu vực xoá bỏ được bất công, bất bình đẳng và nghèo nàn do các tập đoàn đa quốc gia theo chủ nghĩa tự do mới đã để lại. Cũng vì lẽ đó, Tổng thống Hugo Chavez có lý khi nói rằng: "ALBA không chỉ có vai trò trong việc thắt chặt quan hệ giữa các nước với nhau mà nó đã tập hợp các nước trong việc giữ vững độc lập".

Ngày 17/10/2009, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ VII của Liên minh Bôliva cho châu Mỹ đã nhóm họp tại Côchabamba (Cochabamba), Bôlivia. Tại hội nghị, Tổng thống Vênêxuêla Ugô Chavết (Hugo Chávez) đã đề nghị khối này đi theo con đường xã hội chủ nghĩa bởi vì hiện tại Cuba đang theo con đường xã hội chủ nghĩa, Êcuađo đang đẩy mạnh cuộc Cách mạng Công dân, Vênêxuêla đang tiến hành cuộc cách mạng Bôliva và Nicaragoa cũng theo đuổi con đường xã hội chủ nghĩa.

ALBA chủ trương bảo vệ quyền của "Mẹ Trái đất", bảo vệ quyền của nhân dân và đề xuất một mô hình phát triển nhân đạo, với công bằng xã hội, bình đẳng và tự do. Đó là chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, theo Tổng thống Chavết, cụm từ "xã hội chủ nghĩa" không xuất hiện trong bất cứ văn kiện này của ALBA.

Cũng tại hội nghị, Tổng thống Chavết đề nghị khối này thành lập một "liên minh quân sự phòng thủ" để đối phó với những mối đe dọa mà các chính phủ tiến bộ tại khu vực đang phải đương đầu.

Nhà lãnh đạo Vênêxuêla khẳng định cuộc đảo chính tại Ônđurát - một thành viên của ALBA - là một đòn đánh vào ALBA và các dân tộc Mỹ Latinh nhằm thiết lập các chế độ cánh hữu phát xít tại khu vực này, vì vậy ALBA cần phải tìm cách ứng phó với tình hình này cũng như đối phó với những mối đe dọa khác nhằm vào các chính phủ tiến bộ, ví dụ như việc Mỹ lập căn cứ quân sự tại Côlômbia. Lãnh đạo các nước ALBA đã ra tuyên bố chung phê phán chính quyền được dựng lên sau cuộc đảo chính tại Ônđurát và đề nghị các quốc gia trên thế giới tiếp tục gây sức ép nhằm phục chức cho Tổng thống Ônđurát bị lật đổ Manuên Dêlaya (Manuel Zelaya). Các nhà lãnh đạo ALBA cũng phản đối kế hoạch của Côlômbia cho phép Mỹ sử dụng 7 căn cứ quân sự ở nước này, cho rằng đây là một mối đe dọa an ninh khu vực.

 
BVK (Tổng hợp)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website