Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 20/9/1979, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tình hình và nhiệm vụ cấp bách

Phần I

Tình hình hiện nay

Sau chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, nước nhà thống nhất, nhân dân cả nước ta hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình, lẽ ra có điều kiện tập trung toàn lực vào công cuộc lao động hoà bình, xây dựng đất nước, khắc phục hậu quả của chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống. Nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của nhân dân ta sau ba chục năm chiến tranh là sống hoà bình, hạnh phúc trong độc lập, tự do.

Nhưng bọn... phản động ... đã công khai và điên cuồng chống Việt Nam trong khi nhân dân Việt Nam chưa kịp băng bó xong những vết thương chiến tranh, lại gặp thiên tai lớn trong ba năm liền.

Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã phấn đấu rất kiên cường và giành được thắng lợi to lớn.

Quân và dân ta đã đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược ..., giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế của mình đối với cách mạng hai nước Campuchia và Lào. Cách mạng ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia có thế và lực mới; tình đoàn kết chiến đấu giữa ba nước được củng cố hơn bao giờ hết... Nhiều mưu mô thâm độc của bọn phản động... hòng làm giảm uy tín và cô lập nước ta trên trường quốc tế đã bị thất bại. Với Hiệp ước hoà bình hữu nghị và hợp tác Việt - Xô, tình đoàn kết giữa nước ta và Liên Xô được tăng cường. Quan hệ hữu nghị hợp tác giữa nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa khác cũng ngày thêm củng cố và phát triển. Quan hệ ngoại giao và kinh tế của nước ta đang mở rộng với nhiều nước trên thế giới. Thắng lợi của nhân dân ta đã trực tiếp góp phần tích cực bảo vệ và phát triển ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh phong trào độc lập dân tộc, bảo vệ hoà bình ở Đông Nam châu á, và góp phần quan trọng vào thế tiến công của ba dòng thác cách mạng trên thế giới.

Mặc dầu có những khó khăn lớn và những thử thách mới, nhân dân ta cũng đã thu được những thành tựu quan trọng trong việc hàn gắn những vết thương chiến tranh, chống thiên tai, khôi phục sản xuất, bảo đảm yêu cầu tối thiểu của đời sống và xây dựng thêm một số công trình kinh tế.

... Sự thật đã chứng minh rằng nhân dân lao động nước ta, từ Bắc đến Nam, rất giàu lòng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, Đảng ta thật sự là một Đảng Mác - Lênin vững mạnh.

Thắng lợi của cách mạng nước ta thật là to lớn, đồng thời những khó khăn mà ta phải vượt qua cũng rất gay gắt. Chính vì vậy, về tư tưởng và tâm lý đang có trạng thái vừa tự hào, tin tưởng, vừa băn khoăn, lo lắng; bên cạnh số đông đảng viên và nhân dân có tinh thần kiên định, phấn đấu vươn lên, nêu cao phẩm chất cách mạng, cũng có những biểu hiện dao động, bi quan, hoài nghi, sa sút ý chí phấn đấu.

Chúng ta đang đứng trước nhiều khó khăn về kinh tế và đời sống: sản xuất phát triển chậm, năng suất thấp, đời sống thiếu thốn, nhất là đời sống của những người ăn lương ở thành thị và các khu công nghiệp; nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội có tính nghiêm trọng. Điều cần đặc biệt quan tâm là người lao động sản xuất thiếu hăng hái sản xuất, bọn làm ăn bất chính và phi pháp vẫn ngang nhiên hoạt động. Kẻ địch đang lợi dụng tình hình kinh tế và đời sống khó khăn để phá rối ta trên nhiều mặt sản xuất và thị trường, tâm lý và dư luận, trong nước và ngoài nước.

Những khó khăn về kinh tế và đời sống một mặt do những nguyên nhân khách quan, mặt khác, do những khuyết điểm chủ quan, nhất là trong công tác kinh tế. Các cấp, các ngành chưa quán triệt sâu sắc đường lối kinh tế đã xác định ở Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng; do đó, trong việc vận dụng đường lối, đã có những khuyết điểm về kế hoạch hoá, về xây dựng chính sách cụ thể, về các biện pháp tổ chức và quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Việc xây dựng kế hoạch kinh tế vẫn tập trung quan liêu, thiếu căn cứ thực tế và khoa học, chưa kết hợp chặt chẽ kế hoạch hoá với sử dụng thị trường, chưa chú ý đầy đủ tăng cường và phát huy kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, và cũng chưa chú ý sử dụng đúng đắn các thành phần kinh tế cá thể và tư sản dân tộc (ở miền Nam). Chậm khắc phục tình trạng trì trệ, bảo thủ trong việc xây dựng các chính sách cụ thể về kinh tế, tài chính để khuyến khích phát triển sản xuất. Những khuyết điểm vi phạm quyền làm chủ tập thể của quần chúng vẫn chưa được sửa chữa kiên quyết. Có những biểu hiện nóng vội, giản đơn trong công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam.

Trước tình hình mới, toàn Đảng và toàn dân ta phải nâng cao hơn nữa lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy những thuận lợi và ưu điểm, ra sức sửa chữa khuyết điểm, tạo nên một chuyển biến lớn trong tình hình sản xuất và đời sống, đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên, giành những thắng lợi to lớn hơn nữa.

Phần II

Nhiệm vụ cấp bách trước mắt

Hiện nay, nước ta vừa có hoà bình, vừa có thể xảy ra chiến tranh ...

Tình hình kinh tế và đời sống nhân dân đang có nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước ta phải có những chủ trương và biện pháp cấp bách, mạnh mẽ, kiên quyết, đem lại hiệu quả thiết thực nhằm đẩy mạnh sản xuất, ổn định và bảo đảm đời sống nhân dân, khắc phục những mặt tiêu cực trong hoạt động kinh tế và xã hội, đồng thời ra sức củng cố quốc phòng, giữ vững trật tự an ninh, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp tục thi hành những nhiệm vụ chung do các Hội nghị lần thứ tư và thứ năm của Trung ương đã đề ra, từ nay đến năm 1981, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tập trung sức thực hiện ba nhiệm vụ cấp bách:

Một là, đẩy mạnh sản xuất, ổn định và bảo đảm đời sống của nhân dân.

Hai là, tăng cường quốc phòng và an ninh, sẵn sàng chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, kiên quyết đấu tranh khắc phục những mặt tiêu cực trong hoạt động kinh tế và xã hội, nhất là tệ ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng.

Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cấp bách kể trên, phải quán triệt sâu sắc đường lối đã xác định ở Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng, sửa chữa những sai lầm, thiếu sót về tổ chức và quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Phải làm khẩn trương và làm thật tốt những công tác dưới đây:

1. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, hàng tiêu dùng và xuất khẩu

Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là động viên cao độ và tổ chức toàn dân, toàn quân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, nhằm trước hết bảo đảm vững chắc lương thực và thực phẩm, đồng thời cung ứng nhiều nguyên liệu cho công nghiệp thực phẩm, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và tăng nhanh nguồn hàng xuất khẩu.

Các ngành thủy lợi, cơ khí, điện, than, hoá chất, giao thông vận tải, vật tư, nội thương, ngoại thương, tài chính, ngân hàng... phải tích cực phục vụ nông nghiệp, bảo đảm thủy lợi, sức kéo, phụ tùng, nhiên liệu, công cụ lao động, phân bón, thuốc trừ sâu, vật liệu xây dựng, hàng công nghiệp tiêu dùng thiết yếu. Các lực lượng vũ trang trên các địa bàn vừa phải sẵn sàng chiến đấu tốt, vừa phải tận dụng mọi khả năng để tham gia sản xuất lương thực, thực phẩm theo kế hoạch của trung ương và địa phương.

Ra sức đẩy mạnh sản xuất lúa bằng thâm canh, tăng vụ và sử dụng hết diện tích, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Tập trung đầu tư về thủy lợi, phân bón, thuốc trừ sâu, sức kéo để đưa năng suất lên nhanh ở những vùng có khối lượng lớn về lương thực. Phải hết sức đẩy mạnh sản xuất vụ đông ở các tỉnh miền Bắc, mở rộng diện tích trồng các loại màu ở Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, vùng đồi núi miền Trung và miền Bắc. ở tất cả các vùng, phải rất coi trọng việc phát triển các loại rau, đậu, các loại cây códầu và có đường thích hợp.

Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố khác và các khu công nghiệp phải xây dựng nhanh các vành đai thực phẩm (chăn nuôi, trồng rau) để bảo đảm giải quyết một phần quan trọng nhu cầu về thực phẩm.

Mỗi tỉnh, huyện phải cố gắng đến mức cao nhất để cân đối lương thực trong địa phương mình, đồng thời làm tốt nghĩa vụ đóng góp với cả nước.

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất lương thực trong nước, phải phát huy ưu thế của ta về cây công nghiệp, lâm sản, hải sản, ra sức tạo nguồn xuất khẩu để nhập cho được một khối lượng lương thực ổn định. Đặc biệt chú ý phát triển các loại cây công nghiệp và cây ăn quảcó thể xuất khẩu với khối lượng lớn, như cà phê, chè, cao su, thuốc lá, dâu tằm, đay, cói, dừa, chuối, dứa v.v., và các loại hải sản (tôm, cá v.v.).

Phải khẩn trương khai hoang mở rộng diện tích, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, nhưng phải chuẩn bị chu đáo, làm đến đâu chắc đến đó và đạt hiệu quả thiết thực. Kịp thời kiểm điểm, rút kinh nghiệm việc khai hoang xây dựng các vùng kinh tế mới để xúc tiến công tác này được tốt hơn.

Chính phủ cần ban hành các chính sách khuyến khích mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp. Cụ thể là:

ổn định mức nghĩa vụ bán lương thực trong 5 năm; phần còn lại bán cho Nhà nước với giá thoả thuận và được lưu thông tự do. Mức ổn định phải định cho sát, đúng để động viên nông dân phấn khởi sản xuất, đồng thời chú ý đến nhu cầu của cả nước. Đối với các loại nông sản khác cũng ổn định mức nghĩa vụ bán cho Nhà nước thích hợp với từng loại.

- Khuyến khích các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và cả gia đình xã viên, nông dân cá thể tận dụng diện tích ruộng đất, hồ, ao còn bỏ hoang hoặc bỏ hoá.

- Khuyến khích các cơ sở quốc doanh, tập thể và gia đình đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đối với khu vực tập thể và gia đình, cần ổn định mức bán thịt lợn; phần còn lại được bán cho Nhà nước với giá thoả thuận hoặc lưu thông tự do.

Sửa lại biểu thuế nông nghiệp nhằm khuyến khích thâm canh, tăng vụ, mở rộng diện tích. Ngoài biểu thuế của Nhà nước, nghiêm cấm các địa phương tự tiện đặt ra các thứ thuế.

Sửa lại giá lương thực và giá các nông sản khác cho hợp lý để khuyến khích sản xuất và mở rộng nguồn thu mua của Nhà nước.

Khuyến khích xuất khẩu nông sản của các địa phương và cơ sở sản xuất.

- Sửa đổi cách phân phối, ăn chia trong nội bộ hợp tác xã nông nghiệp, bảo đảm nguyên tắc phân phối theo lao động, bỏ lối phân phối theo định suất, định lượng không khuyến khích tính tích cực của quần chúng. Nghiêm cấm các quỹ và mọi sự quyên góp trái phép. Định quỹ không chia của các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp cho hợp lý.

- Phải có kế hoạch củng cố các hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc, gắn việc củng cố hợp tác xã với xây dựng huyện, tăng cường cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ. Quy mô của hợp tác xã cần giữ ổn định trong một số năm và không nên quá lớn, vượt quá khả năng quản lý của cán bộ và trình độ về cơ sở vật chất - kỹ thuật. Đối với những hợp tác xã quá lớn, quản lý không tốt thì tỉnh uỷ xem xét kỹ, có thể tổ chức lại cho hợp lý.

Gấp rút chấn chỉnh công tác quản lý của hợp tác xã, phổ biến kinh nghiệm của các hợp tác xã tiên tiến, phát huy hiệu quả kinh tế của lao động, đất đai và phương tiện sản xuất, làm cho người nông dân xã viên thật gắn bó với kinh tế tập thể, lao động đạt năng suất cao, thu nhập của kinh tế tập thể cũng như kinh tế gia đình ngày càng tăng.

Trong việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở miền Nam, phải nắm vững phương châm tích cực và vững chắc, hiện nay phải nhấn mạnh vững chắc. ở những nơi đã có hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất, phải kịp thời củng cố. Tổ chức nông dân vào hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất, phải theo đúng ba nguyên tắc: tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ. ở những nơi chưa tổ chức nông dân sản xuất tập thể, phải chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý ở cơ sở, đưa nông dân từ những hình thức vần công, đổi công, tổ đoàn kết sản xuất lên hình thức tập đoàn sản xuất và hợp tác xã; chống tư tưởng chủ quan, nóng vội, cưỡng ép mệnh lệnh, làm ồ ạt, gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Đẩy mạnh khai thác thủy sản, hải sản để giải quyết thực phẩm cho nhân dân. Củng cố các đoàn tàu quốc doanh đánh cá, củng cố các hợp tác xã nghề cá ở miền Bắc, tổ chức lại nghề cá ở miền Nam một cách thích hợp, tích cực và vững chắc, chỉnh đốn việc cung ứng nhiên liệu, vật tư, hàng hoá cho các hợp tác xã và người đánh cá. Sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ, ngư dân có thể bán phần hải sản còn lại cho Nhà nước với giá thoả thuận hoặc được lưu thông tự do. Sửa đổi giá Nhà nước mua cá cho hợp lý. Triển khai nhanh việc hợp tác đánh cá với Liên Xô, Ba Lan, Cộng hoà Dân chủ Đức.

Về nghề rừng, phải gấp rút chấn chỉnh và cải tiến tổ chức quản lý trong ngành lâm nghiệp, củng cố lâm trường quốc doanh và hợp tác xã nghề rừng. Kiên quyết ngăn chặn nạn phá rừng và cháy rừng, nhất là rừng đầu nguồn, xúc tiến công tác trồng cây gây rừng. Tổ chức tốt công tác khai thác gỗ, phân phối gỗ và vận chuyển gỗ để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; ban hành chính sách khuyến khích khai thác, sử dụng gỗ cành, ngọn.

- Đặc biệt tăng cường chỉ đạo các ngành than, điện, giao thông vận tải. Hết sức khắc phục khó khăn về gỗ chống lò, thuốc nổ, phụ tùng, thiết bị v.v., để đẩy mạnh sản xuất than, bảo đảm dự trữ đủ than cho giao thông đường sắt và cho các nhà máy, nhất là các nhà máy điện. Phải có kế hoạch và biện pháp bảo đảm nguồn điện liên tục trong mọi tình huống. Chuẩn bị phương án dự phòng về điện trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Kiểm điểm và chấn chỉnh gấp công tác giao thông vận tải, cả đường sắt, đường bộ, đường biển, đường sông và hàng không dân dụng. Trước hết, phải tập trung sức chấn chỉnh cho được tổ chức và quản lý cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn và cảng Đà Nẵng để tăng năng lực bốc dỡ, giải phóng tàu nhanh, loại trừ tệ ăn cắp và những hành động có tính chất phá hoại.

Tất cả các ngành công nghiệp phải tiến hành khẩn trương việc kiểm kê trong từng nhà máy, từng địa phương, từng cơ quan, nắm toàn bộ lao động, vật tư, thiết bị hiện có trong ngành, từ đó có kế hoạch sử dụng tốt, triệt để phát huy mọi năng lực sản xuất, nâng cao năng suất lao động, phát triển sản xuất.

- Chỉ đạo chặt chẽ và khẩn trương việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần này về phát triển sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp địa phương, khuyến khích phát triển tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Bỏ thuế lợi tức vượt cấp.

- Các ngành và các địa phương phải phấn đấu rất cao để đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường đầu tư, mở rộng các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu, nhất là những mặt hàng ta có thế mạnh: nông sản nhiệt đới (cao su, cà phê, chè, thuốc lá, dứa, chuối và sản phẩm chăn nuôi...), hải sản (tôm, cá), lâm sản (gỗ, nhựa thông...), cây dược liệu, khoáng sản và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống (mây tre đan, thêu, đan len, sơn mài, đồ mỹ nghệ bằng sừng, đồi mồi, vàng, bạc...). Phát triển hình thức hợp tác gia công với Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các nước khác.

Chính phủ cần bổ sung các chính sách cụ thể khuyến khích sản xuất, kinh doanh các mặt hàng xuất khẩu; cho phép các liên hiệp xí nghiệp, công ty của các ngành sản xuất và công ty xuất khẩu của địa phương (tỉnh, thành phố) được giao dịch thẳng và ký kết hợp đồng với các công ty nước ngoài theo kế hoạch của Nhà nước, dưới sự hướng dẫn của Bộ Ngoại thương.

Trong việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, trước hết phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của ta trong việc hợp tác kinh tế với Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV). Đối với những công trình hợp tác với Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các nước khác, phải thực hiện nghiêm túc những điều ta đã ký kết và phải cố gắng học tập để nâng cao trình độ quản lý, trình độ kỹ thuật.

Về cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam, Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ phải khẩn trương kiểm tra, rút kinh nghiệm, uốn nắn những lệch lạc, thực hiện đúng chủ trương của Đảng về năm thành phần kinh tế ở miền Nam để tận dụng mọi khả năng về lao động, kỹ thuật, quản lý nhằm phát triển sản xuất. Trong các ngành công nghiệp, nhất là trong công nghiệp nhẹ sản xuất hàng tiêu dùng, thành phần kinh tế quốc doanh phải giữ vai trò chủ đạo, nhưng vẫn để cho một số tư sản dân tộc hoạt động dưới sự quản lý của Nhà nước.

2. Giải quyết những yêu cầu cấp bách về đời sống

Phải khẩn trương giải quyết các vấn đề cấp bách về đời sống ở các thành phố, khu công nghiệp tập trung, ở các vùng biên giới phía bắc, ở một số vùng nông thôn mùa màng có khó khăn.

ở các thành phố lớn và khu công nghiệp, phải cố gắng bảo đảm lương thực, thực phẩm và các hàng tiêu dùng thiết yếu theo tiêu chuẩn quy định và đúng kỳ hạn. Ngoài số lương thực phân phối thường xuyên, Bộ Lương thực và Thực phẩm phải bảo đảm cho Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có lương thực dự trữ.

Các Bộ Hải sản, Nội thương, Lương thực và Thực phẩm, Giao thông Vận tải phải bảo đảm cung cấp thực phẩm như rau, cá, nước mắm hoặc nước chấm, xà phòng, giấy viết, theo tiêu chuẩn quy định cho công nhân, viên chức và nhân dân tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp khác. Phải kiên quyết dành một lực lượng vận tải để đưa cá, nước mắm và một số hàng tiêu dùng từ miền Nam ra cho Thủ đô Hà Nội, các khu công nghiệp và vùng biên giới phía bắc.

Trong việc phân phối, ngoài tiêu chuẩn cung cấp theo định lượng, ngành thương nghiệp được phép bán theo giá cao hơn giá bán cung cấp một số mặt hàng lương thực, nông sản và hàng công nghiệp đã mua của người sản xuất theo giá thoả thuận. Ngoài hệ thống cửa hàng của thương nghiệp quốc doanh, cần tổ chức tốt hệ thống căng tin của các cơ quan, xí nghiệp, bảo đảm đưa hàng hoá đến tay người tiêu dùng. Kết hợp các biện pháp kinh tế với các biện pháp hành chính, giáo dục để quản lý thị trường; kiên quyết trừng trị bọn phá hoại, đầu cơ nâng giá.

Tổ chức bữa ăn giữa ca không phải trả tiền cho công nhân ở các xí nghiệp, công trường và bến cảng lớn, chú trọng những nơi làm việc nặng nhọc.

Trong khi chuẩn bị cải tiến chế độ tiền lương, Chính phủ cần ban hành khoản trợ cấp đặc biệt cho những người có mức lương thấp để giảm bớt khó khăn trong đời sống. Đồng thời, áp dụng rộng rãi ở các ngành, các địa phương chế độ trả lương theo sản phẩm và chế độ trả lương khoán theo hiệu quả thực tế của sản xuất, kinh doanh, để khuyến khích các đơn vị, cá nhân làm tốt và tăng thu nhập của công nhân, cán bộ.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Uỷ ban nhân dân các cấp phải bảo đảm trả lương đủ và đúng kỳ hạn cho cán bộ, công nhân, viên chức.

Các ngành và các tỉnh miền Nam phải tích cực giáo dục, giúp đỡ và mạnh dạn giao việc cho công nhân, viên chức, trí thức mới giải phóng; nghiêm cấm mọi thái độ thành kiến, phân biệt đối xử. Phải tiếp tục tuyển vào biên chế những người hiện đang làm theo chế độ hợp đồng, tạm tuyển; đối với những người có nghề giỏi, cần áp dụng chế độ phụ cấp kỹ thuật thích đáng.

3. Cải tiến các chính sách lưu thông, phân phối (giá, lương, tiền tài chính, ngân hàng)

Phải nghiên cứu để cải tiến một cách cơ bản các chính sách lưu thông, phân phối, khắc phục tình trạng không ăn khớp hiện nay giữa chính sách và tình hình thực tế về sản xuất và đời sống, chống tư tưởng chủ quan, bảo thủ, không nhìn thấy những thiếu sót trong chính sách; đồng thời phải nghiên cứu kỹ các mặt khi xác định những chính sách mới để tránh sai sót.

Các chính sách về lưu thông, phân phối phải nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển mạnh theo đường lối của Đảng và phương hướng của kế hoạch Nhà nước, kết hợp lợi ích của toàn xã hội với lợi ích của tập thể và cá nhân, khuyến khích người lao động hăng hái sản xuất, làm nhiều được hưởng nhiều, đồng thời bảo đảm cho Nhà nước nắm được nguồn hàng, làm chủ được thị trường.

Tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá sự đúng đắn của các chính sách lưu thông, phân phối là tăng năng suất lao động, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

Từ nay đến cuối năm 1979, Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ cần tập trung nghiên cứu và ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp địa phương, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng; thu mua và phân phối lương thực, thực phẩm và các nông sản quan trọng. Còn toàn bộ vấn đề giá cả, tiền lương, tiền tệ, tài chính, ngân hàng, Bộ Chính trị sẽ lập những tiểu ban nghiên cứu một cách cơ bản, toàn diện và giải quyết vào đầu năm 1980.

4. Tích cực chuẩn bị, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc

Tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương về việc xây dựng lực lượng vũ trang, tăng cường các công tác ở biên giới, hải đảo. Ban Bí thư, Thường vụ Hội đồng Chính phủ và Quân uỷ Trung ương cùng với các tỉnh uỷ, thành uỷ phải kiểm tra chặt chẽ và thường xuyên các công tác cấp bách về chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ nhân dân, bảo đảm luôn luôn chủ động và sẵn sàng đập tan các cuộc tiến công xâm lược của địch.

Đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động "Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang" trong toàn quân, ở tất cả các địa phương, các đơn vị tăng cường đoàn kết quân dân, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu tốt bảo vệ Tổ quốc.

Triển khai việc thi hành chế độ nghĩa vụ quân sự đối với mọi công dân đến tuổi nghĩa vụ; người nào không đủ điều kiện vào quân đội thì thực hiện chế độ nghĩa vụ lao động đưa đi xây dựng các vùng kinh tế mới trong một thời hạn nhất định.

Các cấp ủy Đảng và chính quyền phải chỉ đạo chặt chẽ công tác quốc phòng và an ninh, tăng cường các biện pháp chuyên môn kết hợp với phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, kịp thời phát hiện âm mưu và hoạt động của bọn phản động, gián điệp, bọn gây bạo loạn, truy quét bọn thổ phỉ, tập trung cải tạo bọn lưu manh chuyên nghiệp, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

5. Phát động phong trào cách mạng của quần chúng, kiên quyết khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong xã hội

Tất cả các ngành và các địa phương phải căn cứ vào nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội của mình mà phát động phong trào cách mạng của quần chúng sôi nổi, liên tục, nhằm đẩy mạnh sản xuất, tổ chức tốt đời sống, phát huy những nhân tố tích cực, đồng thời kiên quyết đấu tranh khắc phục những hiện tượng tiêu cực, nhất là tệ ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng.

Phải phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ tập thể của quần chúng, nhất là của công nhân, viên chức và nông dân lao động, làm cho quần chúng tự giác, chủ động thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của mình cùng với cơ quan Nhà nước đấu tranh mạnh mẽ chống tệ lấy cắp của công, hối lộ và ức hiếp quần chúng, trước hết là trong những ngành trọng điểm, ở những khâu trọng điểm như lương thực, thương nghiệp, giao thông vận tải (kể cả hàng không dân dụng), vật tư, quản lý nhà đất, hộ khẩu.

Người đứng đầu mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi đơn vị phải chịu trách nhiệm bảo vệ chu đáo những tài sản mà Nhà nước giao cho mình quản lý, chấn chỉnh gấp việc tổ chức quản lý tài sản, kho tàng, cửa hàng,... tổ chức kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất để phát hiện những vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, thưởng phạt nghiêm minh và kịp thời.

Cần công bố lại trên báo, đài và phổ biến rộng khắp các Pháp lệnh về bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tài sản của công dân, trừng trị các hành động phản cách mạng, chọn ngay một số vụ ăn cắp của công nghiêm trọng đưa ra xử công khai, trừng trị đích đáng và thông báo rộng rãi trong nhân dân.

Phải vừa chống tệ ăn cắp, hối lộ và ức hiếp quần chúng, vừa xây dựng và thực hiện đúng các chế độ, thể lệ quản lý, kết hợp thực hiệnbốn chế độ (chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật, chế độ bảo vệ của công, chế độ phục vụ nhân dân) trong mỗi cơ quan, đơn vị sản xuất, xây dựng và kinh doanh, vận tải, khôi phục và phát huy nền nếp lành mạnh, tốt đẹp trong lao động, quản lý kinh tế và tổ chức đời sống.

Các đoàn thể Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, các tổ chức nông dân tập thể phải phát huy chức năng và tác dụng quan trọng của mình trong việc giáo dục chính trị và phát động phong trào quần chúng, xây dựng và bồi dưỡng các nhân tố tích cực, các điển hình tiên tiến, phê phán và đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực. Phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các đoàn thể, bám sát các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, bám sát cơ sở, giải đáp trúng yêu cầu của tình hình và nguyện vọng của quần chúng, đem lại hiệu quả thiết thực.

Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ phải phân công một số đồng chí chuyên trách để chỉ đạo ráo riết công tác này.

6. Tăng cường công tác tư tưởng

Ban Bí thư Trung ương Đảng và các cấp uỷ Đảng ở các cấp, các ngành phải chỉ đạo công tác tư tưởng, giáo dục chính trị một cách sắc bén, kịp thời, làm cho cán bộ và nhân dân nhận rõ tình hình, hiểu đúng và làm đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Công tác giáo dục chính trị phải bám sát tình hình và nhiệm vụ các mặt, kinh tế và xã hội, quốc phòng và an ninh, giải đáp trúng những thắc mắc và tâm tư của quần chúng.

Trong việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần này, ở tất cả các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở, phải truyền đạt cho được quan điểm và quyết tâm của Trung ương, nhất là về các vấn đề kinh tế, xã hội. Tiến hành một đợt công tác chính trị, tư tưởng mạnh mẽ trong Đảng và trong quần chúng, nhằm làm cho mọi người:

- Thấy hết những thắng lợi rất to lớn của cách mạng Việt Nam trong bốn năm qua, hiểu rõ những khó khăn không thể tránh khỏi trong hoàn cảnh vừa bảo vệ Tổ quốc..., vừa bảo đảm đời sống và xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; đồng thời, cũng thấy rõ những khuyết điểm chủ quan trong việc quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

- Nêu cao ý chí cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, quyết tâm vượt mọi khó khăn trước mắt, tin tưởng và phấn khởi tiến lên, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, khắc phục tư tưởng bi quan, hoài nghi, dao động, kịp thời đập tan những luận điệu chia rẽ, xuyên tạc, kích động của địch.

Đối với cán bộ, đảng viên, phải nêu cao tư thế của người chiến sĩ cộng sản, biết phân rõ phải, trái, đúng, sai, nắm vững mục tiêu cách mạng, tiền phong gương mẫu trong cuộc chiến đấu mới hiện nay, xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc góp phần làm chuyển biến tình hình.

Các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ở mỗi cấp, mỗi ngành, phải rất chủ động và sắc bén trong việc chỉ đạo công tác tư tưởng và các cơ quan tuyên truyền giáo dục nhanh chóng tạo ra một sự chuyển biến về tư tưởng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của Trung ương.

Đi đôi với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phải tích cực chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 72 của Ban Bí thư về xây dựng Đảng, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng và bộ máy Nhà nước những phần tử thoái hoá, biến chất, xử lý kịp thời và nghiêm minh các vụ vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

7. Chấn chỉnh công tác tổ chức và chỉ đạo thực hiện

Để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách kể trên, nhất thiết phải chấn chỉnh công tác tổ chức và cán bộ, thực sự đổi mới cách chỉ đạo thực hiện ở các ngành, các cấp.

Ngay sau Hội nghị Trung ương lần này, Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ phải định ra một chương trình hành động tích cực, xác định những việc phải làm, ai làm và thời gian hoàn thành. Đối với những công tác cấp bách trước mắt, phải kiểm tra, đôn đốc ráo riết; sau mỗi lần kiểm tra, Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ phải có kết luận và có biện pháp giải quyết cụ thể.

Các bộ, các ngành, các địa phương, trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình, cũng phải lập chương trình hành động và có kế hoạch cụ thể thực hiện các nhiệm vụ cấp bách. Những việc thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của mình thì làm ngay, không chờ đợi, không chần chừ.

Kiên quyết chấn chỉnh bộ máy chỉ đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước từ trung ương đến địa phương và cơ sở, trước hết là cải tiến cách làm việc của Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ, sắp xếp lại bộ máy và kiện toàn cơ quan lãnh đạo một số ngành quan trọng.

Các ngành, các cấp phải làm tốt công tác cán bộ theo Nghị quyết 225 của Bộ Chính trị, chú trọng đổi mới đội ngũ cán bộ thật sự có phẩm chất và năng lực. Tăng cường cán bộ cho cấp huyện và cơ sở, kiên quyết giảm mạnh biên chế các cơ quan hành chính cấp trung ương và cấp tỉnh, thành.

Xây dựng và kiện toàn cấp huyện là một khâu mấu chốt trong việc xây dựng cơ cấu kinh tế nông - công nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa nông nghiệp tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Tất cả các ngành trung ương, các tỉnh uỷ, huyện uỷ phải đặt đúng vấn đề xây dựng huyện và kiện toàn cấp huyện, tích cực và khẩn trương thi hành các nghị quyết của Trung ương và Chính phủ về xây dựng huyện, gắn với củng cố cơ sở, củng cố các hợp tác xã, đẩy mạnh sản xuất, chăm lo đời sống nhân dân và đóng góp với Nhà nước.

Về chế độ làm việc, phải xác định rõ ràng, dứt khoát trách nhiệm, quyền hạn của Bộ trưởng và quan hệ giữa các bộ với Thường vụ Hội đồng Chính phủ. Hội đồng Chính phủ và các ngành ở trung ương phải xúc tiến nhanh việc phân cấp quản lý cho các địa phương, phân rõ trách nhiệm giữa trung ương, tỉnh và huyện trong công tác quản lý và kế hoạch hoá.

Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cấp bách theo tinh thần Nghị quyết này, sớm công bố các chính sách cụ thể, quyết định nhanh các biện pháp thực hiện, phân công rõ ràng và kiểm tra, đôn đốc chặt chẽ việc thực hiện từng công tác cụ thể; kịp thời phổ biến những kinh nghiệm tốt, và thưởng phạt nghiêm minh.

*

*    *

Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên hãy phát huy truyền thống cách mạng của Đảng ta, nêu cao bản chất dũng cảm, kiên cường của người cộng sản, tích cực lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ cấp bách trước mắt nêu trong Nghị quyết này. Đó cũng là cách thiết thực chuẩn bị và tiến hành kỷ niệm những ngày lịch sử vẻ vang trong năm 1980.

Hãy nêu cao tinh thần phục vụ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phục vụ nhân dân, ra sức tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng, thực hiện trọn vẹn lời dạy của Hồ Chủ tịch trong Di chúc của Người: "Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".

Với lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nắm vững đường lối của Đảng, dựa vào nhân dân lao động, phát huy mạnh mẽ chế độ làm chủ tập thể, nhất định chúng ta sẽ tạo nên một sự chuyển biến mạnh mẽ, đưa cách mạng nước ta tiến lên giành những thắng lợi mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

T/M Ban Chấp hành Trung ương

Tổng Bí thư

Lê Duẩn

Lưu tại Kho Lưu trữ

Trung ương Đảng.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website