Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam

Tổng số đại biểu tham dự Đại hội XI là 1377 đại biểu, thay mặt cho hơn 3,6 triệu đảng viên trong cả nước, trong đó có: 158 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng chính thức và 20 đồng chí là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, 1.188 đại biểu được bầu tại các đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương, 11 đại biểu ở Đảng bộ ngoài nước do Bộ Chính trị chỉ định.

Trong 1377 đại biểu có 150 đại biểu là nữ, chiếm 10,89%; 167 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 12,13%; 196 đại biểu là sĩ quan trong lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an), chiếm 14,23%; 13 đại biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang, chiếm 0,94% và 3 đại biểu là Anh hùng lao động, chiếm 0,22%; 18 đại biểu là Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, chiếm 1,31%, 7 đại biểu là Thầy thuốc nhân dân và Thầy thuốc ưu tú, chiếm 0,51%.

Dự Đại hội còn có các đại biểu khách mời: đồng chí Ðỗ Mười và đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Lê Ðức Anh và đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; nguyên Bí thư Trung ương Ðảng; nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng các khóa II, III, IV, V; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa X; đại diện các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; cùng các đại biểu nhân sĩ, trí thức; đại biểu các tôn giáo; đại biểu thanh niên tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thay mặt Đoàn Chủ tịch đọc Diễn văn khai mạc Đại hội. Diễn văn nhấn mạnh: “Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng ta diễn ra trong một thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng. Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước đã trải qua 25 năm. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã được thực hiện 20 năm. 5 năm qua (2006 - 2010), toàn dân và toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng, đáng tự hào. Chúng ta đã thực hiện thành công chặng đường đầu của công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống nhân dân có nhiều thay đổi tích cực, sức mạnh quốc gia về mọi mặt được tăng cường, độc lập, tự chủ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong giai đoạn mới”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng có nhiệm vụ nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đề cao tinh thần tự phê bình nghiêm túc, để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu và yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010), tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 - 2010) và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở đó, Đại hội quyết định việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991; xác định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020); đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm (2011 - 2015).

Ban Chấp hành Trung ương đã trình Đại hội các văn kiện: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; Báo cáo chính trị; Báo cáo một số vấn đề về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X.  

Đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng. Báo cáo đã đưa ra đánh giá về những thành tựu, hạn chế trong quá trình 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 -2010, 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, đồng thời rút ra một số kinh nghiệm từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội X. Đồng thời, Báo cáo cũng phân tích một số vấn đề trọng yếu khác như: phát triển văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, tăng cường quốc phòng – an ninh, mở rộng hoạt động đối ngoại, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc...

Trên cơ sở các văn kiện được trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), trong đó đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hoá phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Từ nay đến giữa thế kỷ thứ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, Cương lĩnh cũng đưa ra những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: Cương lĩnh này là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng hiện nay và trong những thập kỷ tới. Thực hiện thắng lợi Cương lĩnh này, nước nhà nhất định trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh.

Về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, Đại hội Đảng lần thứ XI đã quyết định mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.

Nhằm thực hiện tốt mục tiêu đề ra, Đại hội đã nhất trí thông qua những định hướng phát triển được nêu ra trong Chiến lược như: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; phát triển mạnh công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, tạo nền tảng cho một nước công nghiệp; phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là các dịch vụ có giá trị cao, tiềm năng lớn và có sức cạnh tranh; phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông...

Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 – 2015, Ban Chấp hành Trung ương đã xác định mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đề nghị kiên định các nguyên tắc cơ bản về Đảng, xây dựng Đảng trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời xem xét những vấn đề đã chín muồi, đã rõ, căn cứ kết quả tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, một số nghị quyết Trung ương về xây dựng Đảng, quy định về thi hành Điều lệ Đảng để bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nghe Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X. Báo cáo nêu rõ: năm năm qua, Ban Chấp hành Trung ương đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội X đã đề ra, nhưng đồng thời cũng còn những hạn chế, khuyết điểm cần được khắc phục. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghiêm túc tự phê bình trước toàn Đảng về những khuyết điểm, thiếu sót còn tồn tại, đồng thời rút ra một số kinh nghiệm từ công tác lãnh đạo trong nhiệm kỳ Đại hội X.

Ban Chấp hành Trung ương khoá X tin tưởng chắc chắn rằng những ưu điểm, kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua sẽ được Ban Chấp hành Trung ương khoá XI kế thừa và phát triển, đồng thời cũng sẽ khắc phục được những khuyết điểm, yếu kém để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ban Chấp hành Trung ương, tiếp tục lãnh đạo đưa sự nghiệp đổi mới đất nước vững bước tiến lên trong những năm tới, xứng đáng với sự tin cậy và giao phó của toàn Đảng, toàn dân ta.  

Về vấn đề nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, các đại biểu về dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đều nhất trí rằng: Ban chấp hành Trung ương mới cần hội đủ các nhân tố để gánh vác vận mệnh đất nước, chèo lái con thuyền Việt Nam tiến ra biển lớn. Ban Chấp hành Trung ương mới gồm những đảng viên ưu tú nhất trong 3,6 triệu đảng viên, thể hiện qua việc giải quyết các vấn đề nóng bỏng của đất nước, của nhân dân, trong đối nội và đối ngoại, trong các tình thế bình thường và đột xuất, thuận và nghịch về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường...

Đồng thời, Đại hội cũng nhấn mạnh đến những tiêu chí đã được Đảng đặt ra khi chuẩn bị nhân sự: những con người ưu tú ấy phải là những người có tâm, có tầm, có tư duy đổi mới, có khát vọng, có “lửa” để luôn sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Theo dự kiến, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI sẽ có ba độ tuổi, trong đó tăng tỷ lệ trẻ, tỷ lệ nữ, tỷ lệ cán bộ người dân tộc, tỷ lệ cán bộ khoa học. Cụ thể, Trung ương cố gắng phấn đấu là phải trên 20% dưới 50 tuổi, trên 10% cán bộ nữ. Số Ủy viên Trung ương mới không dưới 1/3, số dư để bầu tối thiểu là 15%.

Sáng ngày 18/01/2011, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI gồm 175 đồng chí Ủy viên chính thức và 25 đồng chí Ủy viên dự khuyết. 9/15 Ủy viên Bộ Chính trị khóa X tái đắc cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Trong số 175 Ủy viên chính thức có 72 đồng chí lần đầu tiên tham gia Ban Chấp hành Trung ương, 16 đồng chí từng là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa X. Trong số ủy viên chính thức có 14 đồng chí là nữ; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương nhiều tuổi nhất là đồng chí Nguyễn Phú Trọng (67 tuổi) - Chủ tịch Quốc hội và Ủy viên chính thức ít tuổi nhất là đồng chí Võ Văn Thưởng (41 tuổi) - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. 100% các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đều có trình độ từ đại học trở lên.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 Ủy viên, Ban Bí thư gồm 4 ủy viên, bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 21 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Đại hội bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI. Đồng chí Ngô Văn Dụ được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Sau 9 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, dân chủ, với ý thức trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Đại hội đã thảo luận sôi nổi, dân chủ và nhất trí thông qua các văn kiện rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài đối với sự phát triển của đất nước ta: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2011 - 2015 và Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi).

Phát biểu bế mạc Đại hội, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Thành công của Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng tạo nên sức mạnh cổ vũ to lớn toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta vượt lên mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ cơ hội mới, phấn đấu vì mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website