Niên biểu toàn khóa

I. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 12 đến 19/1/2011, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội. Chủ đề của Đại hội là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Tổng số đại biểu tham dự Đại hội XI là 1377 đại biểu, thay mặt cho hơn 3,6 triệu đảng viên trong cả nước, trong đó có: 158 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng chính thức và 20 đồng chí là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, 1.188 đại biểu được bầu tại các đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương, 11 đại biểu ở Đảng bộ ngoài nước do Bộ Chính trị chỉ định.

Trong 1377 đại biểu có 150 đại biểu là nữ, chiếm 10,89%; 167 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 12,13%; 196 đại biểu là sĩ quan trong lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an), chiếm 14,23%; 13 đại biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang, chiếm 0,94% và 3 đại biểu là Anh hùng lao động, chiếm 0,22%; 18 đại biểu là Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, chiếm 1,31%, 7 đại biểu là Thầy thuốc nhân dân và Thầy thuốc ưu tú, chiếm 0,51%.

Dự Đại hội còn có các đại biểu khách mời: đồng chí Ðỗ Mười và đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Lê Ðức Anh và đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; nguyên Bí thư Trung ương Ðảng; nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng các khóa II, III, IV, V; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa X; đại diện các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; cùng các đại biểu nhân sĩ, trí thức; đại biểu các tôn giáo; đại biểu thanh niên tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng có nhiệm vụ nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đề cao tinh thần tự phê bình nghiêm túc, để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu và yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010), tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 - 2010) và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở đó, Đại hội quyết định việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991; xác định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020); đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm (2011 - 2015).

Ban Chấp hành Trung ương đã trình Đại hội các văn kiện: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; Báo cáo chính trị; Báo cáo một số vấn đề về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X. 

Đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng. Báo cáo đã đưa ra đánh giá về những thành tựu, hạn chế trong quá trình 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 -2010, 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, đồng thời rút ra một số kinh nghiệm từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội X. Đồng thời, Báo cáo cũng phân tích một số vấn đề trọng yếu khác như: phát triển văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, tăng cường quốc phòng – an ninh, mở rộng hoạt động đối ngoại, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc...

Trên cơ sở các văn kiện được trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), trong đó đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hoá phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Từ nay đến giữa thế kỷ thứ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, Cương lĩnh cũng đưa ra những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: Cương lĩnh này là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng hiện nay và trong những thập kỷ tới. Thực hiện thắng lợi Cương lĩnh này, nước nhà nhất định trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh.

Về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, Đại hội Đảng lần thứ XI đã quyết định mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.

Nhằm thực hiện tốt mục tiêu đề ra, Đại hội đã nhất trí thông qua những định hướng phát triển được nêu ra trong Chiến lược như: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; phát triển mạnh công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, tạo nền tảng cho một nước công nghiệp; phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là các dịch vụ có giá trị cao, tiềm năng lớn và có sức cạnh tranh; phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông...

Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 – 2015, Ban Chấp hành Trung ương đã xác định mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đề nghị kiên định các nguyên tắc cơ bản về Đảng, xây dựng Đảng trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời xem xét những vấn đề đã chín muồi, đã rõ, căn cứ kết quả tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, một số nghị quyết Trung ương về xây dựng Đảng, quy định về thi hành Điều lệ Đảng để bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nghe Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X. Báo cáo nêu rõ: năm năm qua, Ban Chấp hành Trung ương đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội X đã đề ra, nhưng đồng thời cũng còn những hạn chế, khuyết điểm cần được khắc phục. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghiêm túc tự phê bình trước toàn Đảng về những khuyết điểm, thiếu sót còn tồn tại, đồng thời rút ra một số kinh nghiệm từ công tác lãnh đạo trong nhiệm kỳ Đại hội X.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI gồm 175 đồng chí Ủy viên chính thức và 25 đồng chí Ủy viên dự khuyết. 9/15 Ủy viên Bộ Chính trị khóa X tái đắc cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Trong số 175 Ủy viên chính thức có 72 đồng chí lần đầu tiên tham gia Ban Chấp hành Trung ương, 16 đồng chí từng là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa X. Trong số ủy viên chính thức có 14 đồng chí là nữ; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương nhiều tuổi nhất là đồng chí Nguyễn Phú Trọng (67 tuổi) - Chủ tịch Quốc hội và Ủy viên chính thức ít tuổi nhất là đồng chí Võ Văn Thưởng (41 tuổi) - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. 100% các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đều có trình độ từ đại học trở lên.

II. Các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương

1. Trong khuôn khổ chương trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã họp để bầu Bộ Chính trị gồm 14 Ủy viên, Ban Bí thư gồm 4 ủy viên; bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 21 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Đại hội bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI. Đồng chí Ngô Văn Dụ được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

2. Từ ngày 4 đến ngày 10/7/2011, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã họp Hội nghị lần thứ hai. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.

Hội nghị đã thảo luận và quyết định về: Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư; Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI; chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và một số vấn đề quan trọng khác.

3. Từ ngày 06 đến ngày 10/10/2011, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã họp Hội nghị lần thứ ba. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.

 Hội nghị Trung ương ba đã tập trung thảo luận và cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch 5 năm 2011 - 2015; xem xét, quyết định việc ban hành Quy định thi hành Điều lệ Đảng; Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định những điều đảng viên không được làm và một số vấn đề quan trọng khác.

4. Từ ngày 26 đến ngày 31/12/2011, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã họp Hội nghị lần thứ tư. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.

Về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Ban Chấp hành Trung ương đã thẳng thắn thảo luận với tinh thần trách nhiệm rất cao và thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Trung ương "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" với 3 nội dung trọng yếu: (1) Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. (3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Ba nội dung này có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cũng là vấn đề cấp bách nhất.

Về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá giai đoạn 2011 – 2020

Ban Chấp hành Trung ương xác định đây là nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần quyết định thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và quyết định ban hành Nghị quyết "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020" để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng từ đến năm 2020.

5. Từ ngày 07 đến 15/5/2012, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) đã họp Hội nghị lần thứ 5. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.

Hội nghị đã thông qua nội dung bốn Kết luận và một Nghị quyết. 

Về tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992:

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, thảo luận về Tờ trình và Báo cáo của Uỷ ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Sau khi xem xét, thảo luận Báo cáo của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, cơ bản tán thành nhiều nội dung của Báo cáo và Tờ trình, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định ban hành Kết luận về tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và một số nội dung cơ bản cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.  

Về chính sách, pháp luật đất đai:

Tại Hội nghị này, Trung ương đã xem xét, thảo luận Báo cáo của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, cơ bản tán thành nhiều nội dung của Báo cáo và Tờ trình. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định ban hành Kết luận về tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và một số nội dung cơ bản cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.  

Về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận về Tờ trình và Báo cáo của Bộ Chính trị về tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khoá X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí" và Đề án "Kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng".

Ban Chấp hành Trung ương nhất trí thông qua và ban hành Kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí".

Một số vấn đề về chính sách xã hội và tiền lương đến năm 2020

Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến các đề án "Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020", "Một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020". Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Trung ương quyết định ban hành Nghị quyết "Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020". Đồng thời Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí thông qua và ban hành Kết luận về một số vấn đề về tiền lương và định hướng cải cách tiền lương đến năm 2020.

6. Từ ngày 01/10 đến ngày 15/10/2012, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã họp Hội nghị lần thứ sáu. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.

Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến về Đề án "Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, và ra Kết luận về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến và đã ra Nghị quyết về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, thảo luận về Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" và Đề án "Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Ban Chấp hành Trung ương nhất trí thông qua Nghị quyết "Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Đối với Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", Ban Chấp hành Trung ương cho rằng đây là vấn đề lớn, hệ trọng và phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, do đó cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, bàn bạc một cách thấu đáo, cẩn trọng, tạo sự thống nhất cao để ban hành nghị quyết vào một thời điểm thích hợp. Trước mắt, cần tiếp tục quán triệt các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII và các kết luận, quyết định của Bộ Chính trị, chỉ đạo triển khai thực hiện thật tốt Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo từ nay đến năm 2020 và Kết luận của Hội nghị lần này.

Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, thảo luận, cho ý kiến về kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Ban Chấp hành Trung ương cũng tự kiểm điểm và nhận thấy phần trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra và chưa ngăn chặn được những khuyết điểm, yếu kém trong thời gian qua. Ban Chấp hành Trung ương xin nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân và cố gắng sẽ làm hết sức mình để từng bước khắc phục. 

Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét và quyết định thành lập Ban Kinh tế Trung ương theo đề nghị của Bộ Chính trị. Cũng tại Hội nghị này, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn rất thẳng thắn, sôi nổi, trách nhiệm.

7. Từ ngày 02/5 đến ngày 11/5/2013, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã họp Hội nghị lần thứ bảy. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.

Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, thảo luận, cho ý kiến về Đề án "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở", tập trung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Ban Chấp hành Trung ương nhất trí thông qua Kết luận "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở".

Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, thảo luận, cho ý kiến về Đề án "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới". Ban Chấp hành Trung ương khẳng định cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Công tác dân vận là công tác của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị. Ban Chấp hành Trung ương nhất trí thông qua Nghị quyết về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới".

Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, thảo luận Báo cáo việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Đây là công việc hết sức quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của đồng bào ta ở nước ngoài trong năm 2013. 

Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận Báo cáo của Bộ Chính trị về sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", thống nhất nhận định sau một năm thực hiện đã tạo được một số chuyển biến tích cực, bước đầu làm rõ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và xử lý nghiêm những vụ việc phức tạp, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm. Trong quá trình chuẩn bị kiểm điểm, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị góp ý cho cấp trên (nhất là cho cá nhân), chất lượng còn hạn chế. 

Ban Chấp hành Trung ương xác định: Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở cần nghiêm túc, tự giác và có kế hoạch, biện pháp phù hợp để khắc phục, sửa chữa ngay những yếu kém, khuyết điểm đã được kết luận qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện những việc cần làm ngay sau kiểm điểm, nhất là việc xử lý, giải quyết có hiệu quả, nghiêm minh những vấn đề bức xúc, nổi cộm. Tiếp tục đổi mới lề lối, phong cách làm việc trong Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và làm tốt công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khóa X và Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI. Thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 gắn với việc kiểm điểm và lấy phiếu tín nhiệm hằng năm. Khẩn trương hoàn thành các đề án còn lại về triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 bảo đảm chất lượng. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng trong Đảng và toàn xã hội.

Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, thảo luận về Đề án "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường", và nhất trí thông qua Nghị quyết về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường".

Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, thảo luận Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Kết luận số 23-KL/TW, ngày 29-5-2012 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về "Một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020"; và nhất trí thông qua Kết luận "Một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, định hướng cải cách đến năm 2020".

Tại Hội nghị Trung ương lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung: đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ vào Bộ Chính trị; bầu bổ sung đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng vào Ban Bí thư.

Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, cho ý kiến về các phương án và nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

8. Từ ngày 30/9 đến ngày 9/10/2013, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã họp Hội nghị lần thứ tám. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và ra Kết luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là thực hiện ba khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và nhiệm vụ, giải pháp sắp tới. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và quyết định ra Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định một số nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với quá trình đổi mới giáo dục; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác, theo yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục; coi trọng quản lý chất lượng. Quản lý tốt là tiền đề căn bản để dạy tốt và học tốt; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, tăng cường cơ sở vật chất, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục; nâng cao chất lượng hiệu quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong đó đã tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với một số nội dung quan trọng của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: về vai trò lãnh đạo của Đảng; về vị trí của Công đoàn Việt Nam; về thành phần kinh tế; về thu hồi đất; về quy định bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; về chính quyền địa phương; về Hội đồng Hiến pháp; và một số nội dung quan trọng khác.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Kết luận về việc hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, thảo luận, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Sau khi tập trung thảo luận sâu sắc các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt Chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất ban hành Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng về công tác xây dựng Đảng: Thảo luận, cho ý kiến bước đầu về Quy chế bầu cử trong Đảng; quyết định việc thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội lần thứ XII của Đảng; và một số vấn đề quan trọng khác.

9. Từ ngày 08/5 đến ngày 14/5/2014, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã họp Hội nghị lần thứ chín. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.

Về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về văn hoá và ban hành Nghị quyết "Về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".  Ban Chấp hành Trung ương nhận định: Kết quả nổi bật sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về văn hoá là: Nhận thức về văn hoá của các cấp, các ngành và toàn dân được nâng lên. Trên cơ sở mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục xây dựng, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đả bản sắc dân tộc là: xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là nhân cách, lối sống; tiếp tục xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tạo điều kiện cho việc xây dựng nhân cách, lối sống con người; chăm lo xây dựng văn hoá trong chính trị, văn hoá trong kinh tế và văn hoá gia đình; phát triển và đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thông tin đại chúng, bảo vệ di sản văn hoá; phát triển công nghiệp văn hoá; chủ động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hoá. Tiếp tục đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo và quản lý văn hoá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hoá. Đẩy nhanh và đổi mới việc thể chế hoá các chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hoá; tăng cường đầu tư nguồn lực cho văn hoá; tiếp tục xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá. 

Về chuẩn bị đề cương các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI, để chuẩn bị Đại hội XII của Đảng, Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - xã hội đã khẩn trương chuẩn bị các dự thảo Đề cương Báo cáo chính trị và Báo cáo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, xin ý kiến Bộ Chính trị tiếp tục hoàn thiện để trình Trung ương xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị này. Ban Chấp hành Trung ương đã giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến thảo luận của Ban Chấp hành Trung ương, Báo cáo giải trình, tiếp thu của Bộ Chính trị, chỉ đạo Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XII nghiên cứu, tiếp thu, xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị và dự thảo Báo cáo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trình Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương khoá XI. 

Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và thông qua Quy chế bầu cử trong Đảng và giao Bộ Chính trị, căn cứ kết quả biểu quyết, ý kiến thảo luận của Ban Chấp hành Trung ương, Báo cáo giải trình, tiếp thu của Bộ Chính trị, chỉ đạo hoàn chỉnh, ban hành Quy chế và chỉ đạo tổ chức thực hiện. 

Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định: Tiếp tục thực hiện chủ trương lấy phiếu tín nhiệm theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng" đối với thành viên lãnh đạo cấp uỷ và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, với sự điều chỉnh sau: Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội) và khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Ban Chấp hành Trung ương đã giao Bộ Chính trị, căn cứ kết quả biểu quyết và ý kiến thảo luận của Ban Chấp hành Trung ương, Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị, để sửa đổi, bổ sung Quy định số 165-QĐ/TW, ngày 18/02/2013 của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm để triển khai thực hiện chủ trương. 

Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và cho ý kiến về Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ về tổng kết thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Ban Chấp hành Trung ương đã giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến thảo luận của Ban Chấp hành Trung ương, Báo cáo giải trình, tiếp thu của Bộ Chính trị, chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo tổng kết và chuẩn bị Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương trình Quốc hội xem xét, quyết định.

10. Từ ngày 05 đến ngày 12/01/2015, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã họp Hội nghị lần thứ mười. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.

Trung ương đã thảo luận, cơ bản tán thành với kết cấu và những nội dung chính của Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII, đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc để Bộ Chính trị chỉ đạo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Dự thảo.

Trung ương đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo "Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020".

Trung ương đã thảo luận Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng khoá XI và đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có).

Trung ương đã thảo luận, cơ bản nhất trí với nội dung của Dự thảo Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới và đóng góp nhiều ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Báo cáo.

 Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến về Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức do Ban cán sự đảng Chính phủ xây dựng. 

Trung ương đã thảo luận và cho ý kiến về Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Trung ương đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư; giới thiệu bổ sung quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo; bầu bổ sung 8 Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XI; thảo luận Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2014; và một số vấn đề quan trọng khác.

11. Từ ngày 04 đến ngày 07/5/2015, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã họp Hội nghị lần thứ mười một. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo của Bộ Chính trị về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tán thành Báo cáo của Bộ Chính trị về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XII; giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến thảo luận của Ban Chấp hành Trung ương, kết quả biểu quyết tại Hội nghị và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị, hoàn chỉnh để ban hành phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XII; chỉ đạo Tiểu ban Nhân sự và các cơ quan có liên quan chuẩn bị dự kiến nhân sự giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XII để trình Hội nghị Trung ương 12 thảo luận, cho ý kiến.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng tán thành với Tờ trình của Bộ Chính trị về số lượng đại biểu và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến thảo luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, kết quả biểu quyết tại Hội nghị và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị, quyết định chính thức phân bổ số lượng đại biểu của các đảng bộ trực thuộc Trung ương dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, cho ý kiến về Tờ trình của Bộ Chính trị về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Ban Chấp hành Trung ương Đảng tán thành với Tờ trình của Bộ Chính trị về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, theo đó : "Tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1, Điều 110 Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân". Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội hoàn chỉnh Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không trung chuyển quốc tế Long Thành đã được Hội nghị Trung ương 4 khoá XI (tháng 12/2011) đề ra, coi đây là Dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ tiếp thu ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị này để hoàn chỉnh Dự án và trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII.

12. Từ ngày 5 đến ngày 11/10/2015, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã họp Hội nghị lần thứ 12. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.

Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và kết luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua một số chủ trương về việc chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 về Hội đồng bầu cử quốc gia, thời gian bầu cử, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu đại biểu. Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương, báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị, chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội hoàn chỉnh Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 để tổ chức thực hiện; lãnh đạo công tác chuẩn bị và tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, tán thành Tờ trình của Bộ Chính trị về tình hình, kết quả giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XII và Báo cáo của Bộ Chính trị về công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt từ Đại hội VI đến trước Đại hội XII và đề xuất một số vấn đề trong việc chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt khoá XII từ nay đến Hội nghị Trung ương 14 khoá XI. Ban Chấp hành Trung ương biểu quyết thông qua danh sách giới thiệu lần đầu các đồng chí ứng cử viên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương (chính thức và dự khuyết) khoá XII. Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự Đại hội XII, căn cứ ý kiến của Trung ương, báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị, để tiếp tục xem xét, hoàn thiện các phương án nhân sự theo đúng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã được Ban Chấp hành Trung ương thông qua và Quy trình công tác nhân sự để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định tại các hội nghị Trung ương khoá XI tiếp theo.

13. Từ ngày 14 đến ngày 21/12/2015, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã họp Hội nghị lần thứ 13. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc và phiên bế mạc Hội nghị.   

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận tán thành, nhất trí cao với Báo cáo của Bộ Chính trị về việc tiếp thu ý kiến đóng góp của đại hội đảng bộ các cấp, của đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, của cán bộ, đảng viên và nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.          

Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng;  giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến thảo luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, báo cáo tiếp thu và giải trình của Bộ Chính trị và ý kiến góp ý trực tiếp vào văn bản của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng để hoàn chỉnh lần cuối các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, gồm:  

- Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.   

- Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". 

Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận và thông qua:  

- Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.   

- Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". 

Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận và thông qua dự thảo Quy chế làm việc của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, dự thảo Quy chế bầu cử tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII; giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến đóng góp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hoàn chỉnh dự thảo các Quy chế nói trên để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận và thông qua: Dự kiến nội dung và Chương trình làm việc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng trình Đại hội xem xét, quyết định.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng từ ngày 20/1/2016 đến ngày 28/1/2016 tại Thủ đô Hà Nội, trong đó phiên trù bị tổ chức vào ngày 20/1/2016, khai mạc chính thức vào ngày 21/1/2016.    

Thực hiện trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng theo truyền thống từ nhiều nhiệm kỳ Đại hội của Đảng ta, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận dân chủ, cân nhắc kỹ lưỡng, thông qua danh sách các đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nhất trí giới thiệu ứng cử Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xem xét, quyết định.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã thảo luận dân chủ, cân nhắc kỹ lưỡng, thông qua danh sách các đồng chí đủ điều kiện, trong độ tuổi được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nhất trí giới thiệu ứng cử Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII; đồng thời giao Bộ Chính trị tiếp tục chuẩn bị nhân sự trường hợp đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI quá tuổi, tái cử, để đảm nhiệm chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, trình Hội nghị Trung ương 14 xem xét, quyết định.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét cho ý kiến về: Báo cáo tổng kết thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XI; Báo cáo tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng nhiệm kỳ Đại hội XI; Báo cáo tổng kết thực hiện Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI.  

Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị và Ủy ban Kiểm tra Trung ương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hoàn chỉnh các Báo cáo này và chuyển giao Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xem xét, quyết định khi sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII. 

Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo các Tiểu ban: Văn kiện, Kinh tế - xã hội, Nhân sự, Tổ chức phục vụ Đại hội XII và các cơ quan chức năng, tiếp tục hoàn thành các công việc còn lại để bảo đảm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng thành công tốt đẹp.

14. Từ ngày 11 đến ngày 13/01/2016, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã họp Hội nghị lần thứ 14. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc và phiên bế mạc Hội nghị.

Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận Báo cáo của Bộ Chính trị về kết quả đàm phán và xin chủ trương về ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ban Chấp hành Trung ương nhận định, cơ hội mà Hiệp định TPP đem lại cho nước ta là rất lớn và cơ bản, song thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, các thách thức này đã được nhận diện và với kinh nghiệm của 30 năm đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, với nỗ lực, sáng tạo và ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta quyết tâm vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội do Hiệp định TPP mang lại để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Ban Chấp hành Trung ương tán thành, đồng ý để Chính phủ cùng chính phủ các nước ký Hiệp định TPP vào đầu tháng 02-2016; giao Bộ Chính trị chỉ đạo công tác chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng đề án trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định TPP.

Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, thể hiện sự đoàn kết nhất trí cao, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận kỹ, thông qua dự thảo Báo cáo công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XII trình Đại hội; thống nhất cao bằng hình thức bỏ phiếu kín đề cử nhân sự chức danh Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khoá XII; đề cử chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 để Ban Chấp hành Trung ương khoá XII xem xét, giới thiệu Quốc hội khoá XIV quyết định theo quy định của pháp luật. Hoàn tất công tác chuẩn bị nhân sự trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xem xét, quyết định.

Ban Chấp hành Trung ương thảo luận kỹ, biểu quyết thông qua dự kiến danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu của Đại hội XII của Đảng trình Đại hội xem xét, quyết định./.


--------

Nguồn tham khảo:

Đảng Cộng sản Việt Nam: “Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI”, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2011;

http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-trung-uong/khoa-xi.html

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website