Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 3, ghi lại những sự kiện hoạt động cách mạng vô cùng sôi động của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu tiên nước Việt Nam giành lại Độc lập 2-9-1945 đến ngày bắt đầu Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946.
Tuy thời gian chỉ có 16 tháng, nhưng đây là một giai đoạn lịch sử vô cùng sôi động và phong phú; mỗi ngày, mỗi giờ đã diễn ra biết bao sự kiện quan trọng, quan hệ đến sự tồn vong của chính quyền cách mạng và hướng đi của cuộc kháng chiến.
Cũng chính ở giai đoạn lịch sử đầy cam go thử thách lớn lao này mà thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện sinh động và trở thànhnhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Người đã sáng suốt, chủ động lựa chọn những đối sách đúng đắn nhằm giải quyết kịp thời, có hiệu quả những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp trong tình thế vận nước như "nghìn cân treo sợi tóc"; bình tĩnh trước những biến cố phức tạp, linh hoạt chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua ghềnh thác, từng bước tiến lên.
Những hoạt động phong phú và sáng tạo đó của Người có thể khái quát ở những điểm sau đây:
- Xây dựng và củng cố Nhà nước cách mạng: tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, xây dựng và thông qua Hiến pháp, xác lập cơ sở pháp lý và những nguyên tắc dân chủ của chính quyền nhân dân; chủ toạ các phiên họp của Hội đồng Chính phủ, ký hơn 200 Sắc lệnh về tổ chức bộ máy Nhà nước, các bộ và Uỷ ban hành chính các cấp, về tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân...
- Xây dựng và mở rộng khối đoàn kết toàn dân; thi hành chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc: tranh thủ các nhân sĩ, trí thức, quan lại cũ (kể cả Bảo Đại và hoàng tộc) để họ tin tưởng và hợp tác với chính quyền mới; chủ tọa Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số ở miền Bắc, thăm Nhà thờ Phát Diệm, thăm Chùa Bà Đá, viết thư thăm hỏi nhiều chức sắc tôn giáo... với mục đích đoàn kết Lương - Giáo, xây dựng thành công khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp chuẩn bị bước vào kháng chiến.
- Thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt để ứng phó với từng loại kẻ thù nhằm giữ vững độc lập và chủ quyền dân tộc như: tạm thời hoà hoãn với quân đội Tưởng Giới Thạch, thoả mãn một phần đòi hỏi của họ để rảnh tay đối phó với kẻ thù chính là bọn thực dân Pháp xâm lược, rồi lại tạm thời hoà hoãn với Pháp để quân Tưởng rút về nước.
Nổi bật trong những hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ này là việc ký kết Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 giữa Chính phủ Việt Nam với đại diện Pháp ở Hà Nội và chuyến đi thăm chính thức nước Pháp nhân dịp Hội nghị Phôngtennơblô nhóm họp, nhằm giương cao ngọn cờ độc lập và thiện chí hoà bình của nước Việt Nam mới. Để có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, Người đã ký với Pháp bảnTạm ước 14-9-1946.
- Vừa chỉ đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ vừa chỉ đạo việc chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc lâu dài: phát triển lực lượng vũ trang; xây dựng căn cứ địa Việt Bắc; công bố một số bài viết về chiến lược, chiến thuật quân sự dưới bút danh Q.Th. nhằm xác định tư tưởng, phương hướng của cuộc kháng chiến; cải tổ Chính phủ, lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến; viết bản chỉ thị "Công việc khẩn cấp bây giờ", đặt cơ sở cho việc hoạch định đường lối kháng chiến kiến quốc sau đó.
Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 3, tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc chỉ đạo đã được giới thiệu trong Lời giới thiệu ở đầu tập 1. Nguồn tư liệu chính dựa vào để biên soạn các sự kiện là biên bản các phiên họp của Hội đồng Chính phủ, các Sắc lệnh của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, một số sự kiện, thư từ, bài viết,... được nêu lên trong các hồi ký của những người cùng thời ở trong nước hoặc ngoài nước, là cộng sự hay đối lập với Người. Ngoài ra, một phần quan trọng các sự kiện của tập này được khai thác từ báo Cứu quốc, cơ quan ngôn luận chính thức của Mặt trận Việt Minh.