Đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Nguyễn Phú Trọng
Ủy viên Bộ Chính trị
Bí thư Thành ủy Hà Nội,
Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương

Toàn Đảng, toàn dân ta đang triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 27-3-2003, của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về đẩy mạnh việc nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa không chỉ nhân dịp kỷ niệm 113 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà mãi mãi về sau. 
Cứ mỗi lần nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta lại không khỏi bồi hồi xúc động thương nhớ Bác, càng thấm thía và biết ơn công lao trời biển của Bác - Người anh hùng giải phóng dân tộc; Danh nhân văn hóa thế giới; Người chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên cường; Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Nhà nước ta; Người tượng trưng cho tinh hoa trí tuệ và khí phách Việt Nam; Người làm rạng danh non sông nước Việt. 
Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, thanh bạch, từng chịu nhiều vất vả, gian truân; sống gần gũi giữa nhân dân lao động ở một vùng đất giàu truyền thống văn hóa và anh hùng; vốn là một người thông minh, lại được gia đình chăm sóc chu đáo, Bác Hồ đã sớm tiếp thu và rèn đúc cho mình tính cần cù, chịu khó, đức hy sinh và lòng nhân ái, căm ghét mọi sự áp bức bóc lột, có ý thức tìm tòi, học hỏi cái mới và có chí lớn cứu dân, cứu nước. 
Lớn lên trong thời kỳ nóng bỏng tiếng súng chống ngoại xâm cũng như các phong trào yêu nước sôi nổi từ Bắc chí Nam với những ngọn cờ tiêu biểu như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trương Công Định...; đặc biệt, được tắm mình trong không khí sôi động của các cuộc vận động Đông Du, Duy Tân, của phong trào chống thuế ở Trung Bộ những năm 1905 - 1908, Bác Hồ đã sớm nhận ra sức mạnh của nhân dân, cũng như sự bế tắc về đường lối của các cuộc vận động yêu nước. 
Vào một ngày hè tháng 6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Hành trang của Người là những tri thức của tinh hoa văn hóa Việt Nam cùng trái tim yêu nước cháy bỏng, thương dân sâu sắc. Trên con đường bôn ba khắp năm châu bốn biển, vừa lao động, vừa học tập, quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng trên thế giới, tham gia hoạt động trong Đảng Xã hội Pháp. Người đã từng bước rút ra nhiều bài học quý báu và bổ ích cho sự lựa chọn con đường cách mạng của dân tộc, cũng là con đường đi của bản thân mình. Tháng 12-1920, Người trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. 
Cuộc hành trình vạn dặm ấy cũng đã giúp Người tìm ra cội nguồn những khổ đau của nhân loại là ở sự áp bức bóc lột của các nước tư bản, đế quốc, và đã hình thành ý thức giai cấp rõ rệt. Người đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin một cách tự nhiên, như một tất yếu lịch sử, nên khi đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa, của V.I. Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giai cấp vô sản phải nắm lấy ngọn cờ dân tộc, gắn cách mạng dân tộc từng nước với phong trào cách mạng vô sản thế giới... để tiến lên. 
Tháng 12-1924, thực hiện Chỉ thị của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) trực tiếp chỉ đạo việc chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, Người đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin về nước, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cốt cán, tiếp tục chuẩn bị về mặt tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng. Tài liệu tuyên truyền của Nguyễn Ái Quốc được giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam đón nhận như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn, có sức lôi cuốn những người yêu nước Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản, làm dấy lên cao trào đấu tranh mạnh mẽ, sôi nổi khắp cả nước. Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân phát triển mạnh mẽ. 
Mùa xuân năm 1930, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, các tổ chức cộng sản ở Việt Nam khi đó (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) đã hợp nhất thành một đảng thống nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thảo luận và thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng do chính Nguyễn Ái Quốc khởi thảo. Các văn kiện này có ý nghĩa như Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, là sự vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lê-nin và kinh nghiệm quốc tế vào điều kiện Việt Nam, là sự kết gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, sự hòa quyện chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế chân chính, sự phát triển của cách mạng Việt Nam với trào lưu cách mạng thế giới. Đến đây, đường lối cách mạng Việt Nam cơ bản đã được hình thành, con đường cứu nước của Việt Nam cơ bản đã được xác định. 
Sự đúng đắn ngay từ đầu của tư tưởng Hồ Chí Minh đã được thực tiễn cách mạng khảo nghiệm, khẳng định; và chính trong quá trình vận động của cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn thiện dần, để cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin trở thành ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà hoạt động cách mạng thực tiễn vĩ đại, nhà tổ chức kiệt xuất, đồng thời là nhà lý luận, nhà chiến lược thiên tài của cách mạng Việt Nam. Nét đặc sắc ở Hồ Chí Minh là lý luận nhưng không giáo điều, sách vở, trái lại gắn bó chặt chẽ, nhuần nhuyễn với thực tiễn; lý luận mà không cao xa, cầu kỳ, trái lại rất mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, thiết thực. Nói cách khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lý luận cách mạng giàu thực tiễn và kinh nghiệm đấu tranh, đồng thời là một nhà thực tiễn giàu lý luận khoa học. Ở Người có sự thực tiễn hóa lý luận và lý luận hóa thực tiễn. Từ Đại hội II của Đảng (năm 1951), Đảng ta đã khẳng định vai trò, ý nghĩa, tác dụng to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đến Đại hội VII của Đảng (năm 1991), Đảng ta đã khẳng định chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng. 
Đại hội IX của Đảng (năm 2001) đã trình bày cô đọng và toàn diện những cơ sở hình thành, những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh và khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân... 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm bắt sâu sắc bản chất cách mạng và khoa học, tinh thần biện chứng và nhân đạo của học thuyết Mác - Lê-nin, vận dụng một cách sáng tạo học thuyết ấy phù hợp với thực tế Việt Nam; đồng thời Người đã kế thừa và phát huy chủ nghĩa yêu nước, truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong khi giải quyết các vấn đề của cách mạng Việt Nam, Người đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở một nước thuộc địa và phụ thuộc. Tư tưởng của Người đã và đang soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, trở thành giá trị bền vững của dân tộc Việt Nam và lan tỏa ra thế giới. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vĩ nhân đã in đậm dấu ấn vào lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại trong thế kỷ XX. Đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng chúng ta, soi đường dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến mọi thắng lợi. Tư tưởng đó không những có giá trị lớn lao trong thế kỷ XX mà còn tỏa sáng trong thế kỷ XXI và mãi mãi sau này. 


Dưới ngọn cờ của tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ, cả nước bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Công cuộc đổi mới gần 17 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng. Thế hệ con cháu của Bác Hồ đã và đang tích cực thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người là: "Phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của thế giới". 
Với thắng lợi bước đầu rất quan trọng của công cuộc đổi mới, đất nước ta đã chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thế và lực của ta đã khác trước rất nhiều. Tuy nhiên, hiện nay nước ta vẫn là một trong những nước nghèo, trong khi cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên thế giới phát triển với tốc độ thần kỳ; một số nước phát triển đã từ thời đại kinh tế công nghiệp chuyển sang thời đại kinh tế tri thức và xã hội thông tin toàn cầu. Cục diện thế giới đang có những biến đổi nhanh chóng, sâu sắc và phức tạp. Chủ nghĩa xã hội thế giới và phong trào công nhân quốc tế gặp nhiều khó khăn; cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc trên phạm vi thế giới đang tiếp tục diễn ra gay gắt; các thế lực thù địch đang tìm mọi cách tiến công, phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Bối cảnh đó đang đặt đất nước ta trước những thời cơ vận hội và nguy cơ thách thức mới, đòi hỏi Đảng ta hơn bao giờ hết, phải thật sự vững vàng về chính trị tư tưởng, thống nhất về ý chí và hành động, trong sạch về đạo đức lối sống, chặt chẽ về tổ chức và cán bộ. 
Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là chúng ta phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết về xây dựng Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 (khóa IX), đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tập trung làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ tham nhũng, quan liêu, lãng phí; phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đổi mới phương thức lãnh đạo; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự vững vàng, bảo đảm kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vẻ vang của Đảng. Trên cơ sở kiên định, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chúng ta cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và phổ biến rộng rãi tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước. 
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta quyết tâm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa. Kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, tăng cường tình đoàn kết quốc tế vì hòa bình, độc lập và phát triển. Khẳng định những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta. Đấu tranh có hiệu quả chống các luận điệu thù địch, bác bỏ những quan điểm sai trái xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ lý tưởng, mục tiêu cách mạng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. 
Từ sau Đại hội VII của Đảng đến nay, công tác nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; hoạt động tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh có những cố gắng, nhờ đó đã góp phần động viên các tầng lớp nhân dân sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại. Tuy vậy, việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh còn chưa có chiều sâu và kết quả còn hạn chế. Nội dung giáo dục chưa thống nhất. Hình thức và phương pháp tuyên truyền thiếu sinh động; chưa gắn việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh với giải quyết những vấn đề cụ thể của cuộc sống; chưa tạo được phong trào sâu rộng học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc đấu tranh bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh chưa thật chủ động, kịp thời và sắc bén... 
Theo tinh thần Chỉ thị của Ban Bí thư, việc tổ chức nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ rất quan trọng của công tác tư tưởng hiện nay, cần được thực hiện một cách nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh là học tập những nội dung cơ bản, tinh thần cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cả trên vấn đề chung, chiến lược và trên những lĩnh vực cụ thể; cả về nội dung quan điểm và phương pháp tư tưởng, phương pháp tư duy. Đặc biệt là, phải nắm vững, thấu triệt những quan điểm về mục tiêu, lý tưởng cách mạng, những nhiệm vụ, con đường đi lên của nước ta. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, ý chí sắt đá "không có gì quý hơn độc lập tự do", chỉ có chủ nghĩa xã hội mới giải phóng được các dân tộc khỏi mọi ách áp bức, bóc lột. Dù khó khăn gian khổ đến đâu chúng ta cũng phải xây dựng cho bằng được một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có những con người xã hội chủ nghĩa. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Phải thường xuyên xây dựng, đổi mới, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân. Nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, ý chí tự lực tự cường, đồng thời mở rộng sự đoàn kết, hợp tác quốc tế. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh còn bao gồm một nội dung rất quan trọng là học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng, lối sống và phong cách Hồ Chí Minh. 
Việc nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tự giác từ mỗi người, mỗi cấp, mỗi ngành, khơi dậy phong trào hành động cách mạng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đồng thời không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng theo gương Bác Hồ vĩ đại, đẩy lùi những biểu hiện thoái hóa về đạo đức, lối sống. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự vì Đảng, vì dân, xứng đáng với niềm tin cậy và sự yêu mến của nhân dân. 
Việc nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh phải là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân, đồng thời là công việc tự giác, thường xuyên hằng ngày, gắn với phong trào thi đua thực hiện Di chúc của Bác; thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc giải quyết các công việc cụ thể, thiết thực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đấu tranh chống các tệ quan liêu, tham nhũng, các tệ nạn xã hội. Hằng năm, tiến hành sơ kết vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác. Kịp thời khen thưởng, biểu dương những đơn vị, cá nhân làm tốt, phê bình những nơi làm kém. 
Nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh là công việc rất quan trọng và cần thiết. Vào thời điểm hiện nay lại càng quan trọng và cần thiết. Nếu mỗi cấp ủy và tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần và quán triệt sâu sắc những tư tưởng, quan điểm của Hồ Chí Minh, thật sự tự giác rèn luyện, tu dưỡng theo những lời dạy của Người, thì nhất định Đảng ta sẽ ngày càng trong sạch, vững mạnh, khắc phục được những nguy cơ của một đảng cầm quyền, giữ gìn được bản chất và truyền thống tốt đẹp của Đảng, tiếp tục được nhân dân tin yêu, ủng hộ. Đảng ta sẽ mãi mãi là Đảng Cộng sản, Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người lãnh đạo sáng suốt và tin cậy của cả dân tộc Việt Nam. 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website