Bác Hồ ở Thái-lan là đề tài của nhiều sách báo Thái-lan, trong đó di tích nhà Bác Hồ ở Na-khon Pha-nôm được xem như biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Thái.
Người trồng cây cho đời sau
Năm 1996, một năm sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN, trên tờ Bưu điện Băng-cốc ngày 2-8, Ban-ra-ve Tan-su-ba-pon mở đầu bài "Vườn cách mạng ở Na-khon Pha-nôm" với ấn tượng sâu sắc về di tích Bác Hồ ở Bản Na Chọc như sau:
"Hai cây dừa và một cây khế có ý nghĩa vô cùng lớn lao với người Việt Nam sống ở vùng đông-bắc Thái-Lan, đặc biệt ở tỉnh Na-khon Pha-nôm". Như mọi cây dừa, cây khế khác, song điều đáng nói duy nhất - theo tác giả là "những cây ấy do chính tay vị lãnh tụ huyền thoại Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng 66 năm trước trong thời gian chín tháng sống ở Na-khon Pha-nôm"- Bài báo dẫn lời chủ nhân ngôi nhà, cụ Võ Trọng Tiêu cho biết, "Ít nhất năm Ðại sứ Việt Nam tại Thái-lan đã đến chiêm ngưỡng ngôi nhà này nếu không nói là tất cả. Và cây khế, cây dừa đó đã thành biểu tượng của Việt Nam." Mặc dù chính quyền đề nghị mua lại khu đất với giá bốn triệu bạt (gần 170.000 USD thời giá trước khủng hoảng), nhưng cụ đã từ chối. Dù tuổi ngày một cao, hiện đã 80 tuổi, cụ vẫn khẳng định: "sẽ nhắn nhủ con cháu tiếp tục chăm sóc cây khế và hai cây dừa mãi xanh tốt".
Với đầu đề "Nhớ Bác Hồ", bản tin ngày 10-12-1999 của tờ Bưu điện Băng-cốc thông báo: "Bản Na Chọc ở Na-khon Pha-nôm, nơi có căn nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1930 sẽ được phát triển thành một điểm du lịch". Và tầm vóc di tích đã được bài báo khẳng định: "Vị lãnh tụ của Việt Nam đã từng ở đây trong chín tháng và tự tay trồng hai cây dừa và một cây khế, hiện vẫn còn", rồi cho biết: "Trường đại học Sư phạm Ma-hả Sả-la-khăm sẽ ký thỏa thuận với Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội nhằm lưu giữ mãi nơi ở của nhà cách mạng. Lễ ký đã diễn ra tại đảo du lịch Ko Sa-mui với sự chứng kiến của Thứ trưởng Ngoại giao Thái-lan lúc đó là Su-khum-ban Pa-ri-ba-ta và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Ðình Bin."
Ở góc độ tiếp cận sâu hơn vào đời sống và truyền thống văn hóa của người Việt Nam, Chom-po Tra-cun-let-sa-thiên- một tác giả khác của tờ Bưu điện Băng-cốc nhận xét trong bài "Chút thanh bình từ Việt Nam" (24-4-2000): "Không giống các địa phương vùng đông-bắc Thái-lan cằn cỗi, ở đây, mầu xanh của vườn rau, cây cối che phủ phần lớn diện tích quanh nhà". Người Việt từ thời sang đây lập nghiệp vẫn trồng hoa, rau, đậu, đỗ xanh trong vườn. "Ðược mầu xanh che phủ, bản Na Chọc đem lại cho du khách không gian của mầu sắc và không khí trong lành".
TS Ặt Nan-ta-chu-kra, người có thể coi là một trong số ít những nhà Việt Nam học của Thái-lan hiện nay, từng nhận bằng tiến sĩ dân tộc học tại Trường đại học tổng hợp Hà Nội (nay là Ðại học Khoa học xã hội và nhân văn), hiện là Giám đốc Hội Nghiên cứu Ðông-Nam Á của Ðại học Sư phạm Ma-hả Sả-la-khăm, từ khía cạnh dân tộc học và sử học, rất có cảm tình với Việt Nam, với sự nghiệp đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã tới Việt Nam. Ông mê mải trong kho tư liệu của Trường Viễn Ðông Bác Cổ, Thư viện KHXH tại Hà Nội, với ông, "tư liệu càng nhiều, hiểu biết về quá khứ càng sáng rõ". Và bản Na Chọc, với ông, đã trở thành đối chứng của quá khứ và hiện tại, nơi ghi dấu sự tồn tại nhọc nhằn để gìn giữ nguồn gốc văn hóa của người gốc Việt trong hội nhập, tiếp nhận và vun trồng, làm giàu thêm những giá trị văn hóa của một dân tộc khác. Nói về mầu xanh lạ kỳ ở đây, ông viết: "Hồ Chí Minh đã ở bản Na Chọc với 200 đồng chí và đã học cách gây giàn trầu không, trồng rau, trồng lúa. Người sống trong ngôi nhà sàn phía trước có hai cây dừa và một cây khế do tự mình trồng. Những hàng tre và giàn trầu không làm hàng rào quanh nhà. Khu vườn hiện vẫn gần như nguyên vẹn, kể cả hai cây dừa và cây khế".
Triết lý của TS Ặt - tác giả ý tưởng thành lập Trung tâm văn hóa Việt Nam ở bản Na Chọc là "sự trộn hòa những ý tưởng sáng tạo và khoa học nhằm đem lại hòa bình cho Ðông Dương". Theo ông, chính "tình hữu nghị giữa các nước láng giềng có thể giải quyết mọi vấn đề". Không phải ngẫu nhiên, ông nói: "Khi đến bản Na Chọc, tôi cảm như đang dạo bước ở một vùng quê Việt Nam vậy!". Và sự đồng cảm với ông đã khiến tác giả Chom-po đặt bút: "Như là một phần cuộc sống hằng ngày, văn hóa Việt ở đây vẫn được gìn giữ. Hầu hết người lớn đều nói tiếng Việt, một số vẫn giữ tên Việt. Ðức tín của họ hài hòa với các nghi lễ liên quan tới tục lệ sinh đẻ, cưới hỏi, tang ma".
Cùng với ngôi nhà, cây dừa và cây khế do Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng, một nhà bảo tàng thu thập những hiện vật về cuộc sống của người Việt, cả những hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh do các nhà khoa học Việt Nam chịu trách nhiệm thiết kế, trưng bày - như TS Ặt khẳng định - "sẽ kể lại câu chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như vai trò của Người trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp" và trở thành "khu bảo tàng Hữu nghị Thái-lan - Việt Nam".
"Những hồi tưởng về người cha"
Hôm động thổ xây dựng Khu tưởng niệm Bác Hồ ở làng Nọng Ổn, U-đon Tha-ni, nhà báo Văt-ta-na-chai Chăm-nông-thong khẳng định với phóng viên báo Nhân Dân: "Ðiều mà tôi hiểu rõ nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người đấu tranh không nghỉ vì tự do của dân tộc mình, đất nước mình". "Với tư cách là người giữ cột của báo Ma-ti-chôn (tờ báo rất có ảnh hưởng trong giới trí thức và chính trị Thái-lan) và viết cho cả tờ Khao-sột, tôi sẽ làm hết sức để ca ngợi sự đóng góp của mọi người trong sự kiện quan trọng này vào sự phát triển của tỉnh, cũng như quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai nước, hai dân tộc". Tự hào biết Thái-lan sẽ có một di tích như vậy, ông nói: "Công trình này sẽ nâng cao uy tín của vị lãnh tụ không chỉ của Việt Nam mà còn của cả thế giới".
"Những hồi ức về người cha" là nhan đề một bài báo khác của Chom-po (Bưu điện Băng-cốc, 18-7-2000). Dựa trên tư liệu do bà Nguyễn Thị Tình - Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội cung cấp nhằm giới thiệu cho bạn đọc Thái-lan và quốc tế sự ra đời của Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội với tám chủ đề trưng bày, đồng thời giới thiệu 12 chi nhánh của Bảo tàng Hồ Chí Minh ở khắp Việt Nam, tác giả viết: "Người Việt Nam có rất nhiều cách diễn đạt tình cảm của mình với người cha của dân tộc - Người đã chiến đấu dũng cảm và đã chiến thắng trong sự nghiệp giành độc lập cho dân tộc Việt Nam, và việc khánh thành Bảo tàng Quốc gia Hồ Chí Minh cũng như những bảo tàng chi nhánh trong nước và ngoài nước là một trong hành động đó". "Những hồi tưởng về người cha" cho biết Pháp, Nga, Trung Quốc... đã xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh; tương lai có thể tiếp tục ở Mỹ, Anh, châu Phi... Thái-lan, nơi có thời kỳ dài Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và hoạt động cứu nước, có thể cùng hợp tác xây dựng di tích về vị Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam-Danh nhân Văn hóa Thế giới.
Bác Hồ ở Thái-lan là đề tài của nhiều tờ báo Thái-lan. Tờ Bưu điện Băng-cốc (16-2-2002), dưới đầu đề: Hồ Chí Minh vẫn sống mãi ở Thái-lan, Su-thon Su-phi-sít dẫn lời nguyên Bộ trưởng Văn hóa Thái-lan U-rai-văn Thiên-thông nói: "Chúng tôi đã thảo luận và phối hợp những thông tin có ích cho việc xây dựng ngôi nhà này thành một bảo tàng trưng bày và giới thiệu một cách chính xác việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống ở đây ra sao". Phản ánh chuyến đi cụ thể hóa thỏa thuận của lãnh đạo hai nước, in ảnh bức tượng Bác Hồ trang trọng với ảnh ngôi nhà của Người, bài báo chạy tít đậm: "Chính phủ Thái-lan và Việt Nam đang hợp tác bảo tồn ngôi nhà vị lãnh tụ tôn kính từng sống và sẽ xây dựng nhiều tượng đài tưởng nhớ Người". Bài báo cho dư luận Thái-lan biết Chủ tịch Hồ Chí Minh là người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam và tưởng nhớ Người là nhu cầu tự nhiên, là niềm tự hào chính đáng không chỉ của người Việt Nam trong nước mà còn cả Việt kiều, trong đó có Việt kiều ở Thái-lan; Thái-lan tự hào có một di tích góp phần quan trọng vào việc tìm hiểu quá trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Làng Hữu nghị Thái-Việt chỉ cho phép làm thêm hai mô hình mới: nhà sàn Bác Hồ ở Hà Nội và căn nhà của Bác ở làng Kim Liên; giữ nguyên khu nhà ở bản Na Chọc hiện do cụ Tiêu quản lý; mô hình nhà lưu niệm Bác Hồ ở Na-khon Pha-nôm phải nhỏ hơn di tích thực ở Việt Nam, để du khách và giới nghiên cứu muốn tìm hiểu chỉ có đến Việt Nam; Việt Nam sẽ cử các chuyên gia sang Thái-lan hội thảo, bảo đảm việc trưng bày mang tính xác thực lịch sử.
Với Su-thon Su-phi-sít, tác giả chuyên viết về lĩnh vực văn hóa, theo dõi bản sắc Thái-lan, kiến trúc, văn học, Phật giáo... của tờ Bưu điện Băng-cốc, hình ảnh dòng người nghiêm trang vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà sàn của Người ở Hà Nội có liên hệ chặt chẽ, sâu thẳm với lòng tôn kính của Việt kiều ở Thái-lan mỗi khi hành hương về căn nhà nhỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở bản Na Chọc, như một tất yếu, một chân lý. Su-thon kết luận đầy suy tư và cảm động: "Mỗi quốc gia đều có những bậc anh hùng của mình. Phương pháp chiến tranh có thể khác nhau cũng như thời kỳ lịch sử sản sinh ra nó. Nhưng điều duy nhất không thay đổi là vị trí được ngợi ca của người anh hùng đã chiến đấu cho đất nước yêu dấu của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số những anh hùng vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam, song Thái-lan cũng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp thành công của Người. Căn nhà của Người ở đây là tượng đài tưởng nhớ Người - con người có ý nghĩa vĩ đại với nhân dân Việt Nam và Việt kiều Thái-lan".
Cây đa của Thủ tướng
"Thủ tướng Phan Văn Khải là Thủ tướng Việt Nam đầu tiên thăm cộng đồng người gốc Việt ở bản Na Chọc, Na-khon Pha-nôm kể từ khi hai nước lập quan hệ ngoại giao vào tháng 8-1976" - nhà báo Ban-ra-ve Tan-su-ba-pon đã nhận xét chuyến đi của Thủ tướng Phan Văn Khải ngày 11-5-2000 như vậy. Trước đó hai ngày, vẫn tờ Bưu điện Băng-cốc bình luận, "việc ký kết một hiệp định cho phép công dân hai nước đi lại dễ dàng và tới thăm cộng đồng kiều bào tại Na-khon Pha-nôm là hai trọng tâm trong chương trình hoạt động của Thủ tướng Phan Văn Khải nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước". Nhấn mạnh ý kiến phát biểu của Thủ tướng trước khoảng 500 Việt kiều trong chuyến đi thắt chặt tình hữu nghị với Thái-lan: "Tôi mong kiều bào luôn hợp tác, đoàn kết với nhân dân địa phương để xây dựng Tổ quốc Thái-lan", tác giả nhận xét, "cây đa mà Thủ tướng Việt Nam đem từ Hà Nội trồng tại bản Na Chọc là loại cây biểu tượng sự ổn định và trường tồn".
Mới đây nhất, chuyên mục "Trả lời bạn đọc" của nhật báo Thai Rắt (18-11-2003) xuất bản một triệu bản/ngày đăng ý kiến của Tỉnh trưởng Na-khon Pha-nôm khẳng định: "Bản Na Chọc có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng vì là nơi Cố Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống. Do đó, tỉnh sẽ xây dựng làng Hữu nghị Thái-Việt làm nơi nghiên cứu lịch sử, khoa học xã hội- nhân văn không chỉ cho người Thái-lan mà còn đông đảo khách quốc tế. Tương lai đây sẽ là nơi nghiên cứu văn hóa các dân tộc hạ lưu sông Mê Công và dự án này phù hợp chính sách của Chính phủ Thái-lan phát triển quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng"...
Một chiều chạng vạng ở bản Na Chọc với cụ Tiêu, một đêm trăng hạ tuần ở làng Nọng Ổn (U-đon Tha-ni) với cụ Trần Ngọc Ðỉnh (cụ Con như bà con vẫn gọi) - những người già có thể nói là cuối cùng của địa phương còn giữ những kỷ niệm về Bác Hồ ngay chính nơi Người từng ở, tôi đã được con cháu các cụ mời nếm lại chè xanh Việt Nam. Ở Thái-lan, thật thú vị khi được la cà trong thế giới của chè Thái, trái cây, ăn bánh trôi nước gừng, hay uống nước sả... Nhưng lên đông-bắc, thứ chè trồng ở vườn nhà, được vò, hãm, ủ kỹ trong giỏ tích với làn nước xanh nóng, sóng sánh vàng như đưa tôi về quê, đâu đó tít bên kia bờ Mê Công, rồi xa nữa vượt dãy Trường Sơn mây phủ. Hậu duệ của Bác Hồ, sau bao cách trở, thăng trầm của lịch sử, đến giờ vẫn không quên vị ngọt chát này. "Quê nhà ở phía ngôi sao; qua sông mượn khúc ca dao làm cầu"- Nguyễn Duy nói rất đúng lòng những người xa xứ. Nhưng sau tám mươi năm, đôi bờ Mê Công đã gần lắm bởi những khái niệm và sự kiện vui hơn. Và "Hành lang Ðông-Tây", gặp gỡ "Bảy tỉnh, ba nước", "Ðường xuyên Á", hay "SEA Games 22"... không chỉ trên các bản tin thời sự kênh 3, 5, 7, 9, 11, ITV... của Thái-lan mà còn cả kênh VTV1, VTV2, VTV3, VTV4 bắt dễ dàng trên cả nước Thái-lan đặc biệt ở Băng-cốc và vùng đông bắc, như dấu hiệu của "cam lai" sau bao "khổ tận".
Có những tình yêu Việt-Thái đã nở hoa qua giông bão. Rất nhiều "người Na-khon"- cách nói quen thuộc của kiều bào đông bắc khi hỏi quê quán nhau- sẽ nhớ đám cưới con gái cụ Tiêu được tổ chức tại chính ngôi nhà của Bác Hồ. Chú rể là người Mục (Mục-đa-hản) và cũng như cô dâu đều là người Thái-lan gốc Việt Nam rồi. Ðám cưới kiểu Việt Nam trong mắt nhà báo Thái Su-thon Su-phi-sít là lễ hội của sắc mầu và phong tục; rất nhiều kiều bào, bạn bè Thái-lan, quan chức của tỉnh và cán bộ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tham dự; thướt tha tà áo dài Việt Nam với nghi lễ xin- đón dâu cổ truyền của ông bà; hấp dẫn với những món ăn Việt Nam đặc biệt như xôi vò, nem nướng, bên cạnh lạp tiết của người Thái-lan vùng đông bắc và lợn quay truyền thống kiểu Trung Hoa; và những điệu lăm vông, lời ca Thái-Việt trộn hòa, xen lẫn... Và kết thúc bài "Một ngày đặc biệt", bài báo nhấn mạnh điều "đặc biệt" trong đám cưới Việt-Thái những năm đầu thế kỷ 21 tại chính nơi đây: "Khi họ nắm tay nhau ra cổng tiễn khách, khách khứa nhìn mãi Ngôi nhà của Hồ Chí Minh, con người đã gắn kết hai số phận này lại với nhau"!
Song Hà
Phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Thái-lan