Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người đã để lại cho thế hệ sau những di sản tư tưởng quý báu, trong đó có vấn đề về tôn giáo. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo không chỉ thể hiện qua những bài viết, lời phát biểu, chỉ thị, sắc lệnh, mà còn qua những cử chỉ, hành động cũng như phong cách ứng xử của Người đối với tín đồ, giáo sĩ, nhà tu hành các tôn giáo.
1/ Thực sự quan tâm, tôn trọng tự do tín ngưỡng và nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của một bộ phận nhân dân.
Tuy giữa người cộng sản và người theo tôn giáo khác nhau về thế giới quan, nhưng trong cách ứng xử với tôn giáo, Hồ Chí Minh luôn tôn trọng niềm tin của những người có đạo.
Khi giữ cương vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, tuy bận giải quyết nhiều công việc trọng đại của quốc gia, nhưng trong các dịp lễ Thiên chúa giáng sinh, lễ Phật đản, hay khi nhận được tin vui, buồn ở các vùng tôn giáo. Người đều viết thư thăm hỏi, ân cần. Mùa Giáng sinh năm 1946, giữa lúc đất nước đang bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, Hồ Chủ tịch vẫn không quên dành cho chức sắc, tín đồ một sự quan tâm đặc biệt, trong thư Người viết: ''Nhân dịp này tôi thay mặt Chính phủ và quốc dân trân trọng chúc phúc toàn thể đồng bào Công giáo, đồng thời tôi kính cẩn cầu Đức thượng đế phù hộ dân tộc Việt Nam và giúp cho Việt Nam đi đến công cuộc thắng lợi cuối cùng''. Những lời viết trên, thể hiện Hồ Chí Minh đã hoà mình vào tâm tư, tình cảm của đồng bào Công giáo, thực sự hiểu thông cảm và tôn trọng họ. Đặc biệt khi nói tới các vị sáng lập ra các tôn giáo lớn ở Việt Nam, Người luôn tỏ thái độ tôn trọng và đề cao công đức của họ: ''Những tôn giáo chính ở nước ta là đạo Phật và Thiên chúa giáo. Phật Thích ca là một người quý tộc. Người đã bỏ hết công danh phú quý để cứu vớt chúng sinh. Tức là cứu vớt những người lao động nghèo khổ. Chúa Giêsu là người lao động. Người vui lòng hy sinh tính mạng của mình để cứu vớt những người lao động nghèo khổ chống lại bọn Pha-ri-điêng, tức là bọn bóc lột. Mục đích cao cả của Phật Thích ca và Chúa Giêsu đều giống nhau; Thích ca và Giêsu đều mong muốn mọi người có cơm ăn, áo mặc, bình đẳng, tự do và thế giới đại đồng”. Xanhtơni, người đại diện cho chính quyền Thực dân Pháp tiếp xúc với Bác, trong những năm đầu của Cách mạng tháng Tám cũng phải thừa nhận: ''Về phần tôi, phải nói rằng chưa bao giờ tôi có cớ để nhận thấy nơi các chương trình của Cụ Hồ Chí Minh một dấu vết nào, dầu rất nhỏ của sự công kích, đa nghi hoặc chế diễu đối với một tôn giáo bất kỳ''.
Không chỉ tôn trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thực sự quan tâm đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Người đặc biệt coi trọng và đặt lên hàng đầu việc pháp luật hoá quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân. Với cương vị là Chủ tịch nước, chỉ trong một thời gian ngắn, sau khi giành chính quyền (1945-1946) chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký 4 sắc lệnh có nội dung tôn trọng, đảm bảo nơi thờ tự và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân.
Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và chia rẽ nhân dân với Đảng, chúng thường tuyên truyền xuyên tạc: ''cộng sản là vô thần trước sau sẽ diệt đạo''. Để đập tan luận điểm phản động đó và khẳng định rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về tôn giáo, nhân dịp ra mắt Đảng Lao Động Việt Nam, ngày 3/3/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: ''Chúng tôi xin nói thêm hai điểm, nói rõ để tránh hiểu lầm. Một là vấn đề tôn giáo thì Đảng Lao động Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người''. Người chỉ rõ: “Trong Hiến pháp nước ta đã quy định rõ quyền tự do tín ngưỡng, kẻ nào vi phạm Hiến pháp hoặc khiêu khích bà con tôn giáo sẽ bị xử lý, đồng thời Người cũng phê phán nhưng kẻ lợi dụng tôn giáo để có các hoạt động chống đối: ''Tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, nhưng không được vu khống kẻ khác. Tự do tuyên truyền chứ không phải là tự do vô lễ''.
Đến thăm các địa phương, Người thường xuyên nhắc nhở cấp uỷ, chính quyền phải thực sự quan tâm đến phần đời và phần đạo của đồng bào Công giáo'' làm sao cho họ ''Phần xác ấm no, phần hồn thong dong''. Trong điều kiện đất nước mới bước vào thời kỳ xây dựng xã hội mới muốn thực hiện được điều đó phải ''Ra sức củng cố hợp tác xã, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho xã viên. Đồng thời phải đảm bảo tín ngưỡng tự do. Những hoạt động tôn giáo không được cản trở sản xuất của nhân dân, không được trái với chính sách và pháp luật của Nhà nước. Chính vì sự quan tâm ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm bà con tín đồ và chức sắc các tôn giáo yên tâm, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nguyện ''sống theo Đảng chết theo Chúa''.
Khi bước vào thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc, các thế lực thù địch đã xuyên tạc, vu cáo Đảng Cộng sản và Nhà nước đã đàn áp, xoá bỏ tôn giáo. Luận điệu phản động đó đã làm cho đồng bào có đạo lo lắng, thiếu tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng. Hồ Chủ tịch rất lưu tâm giải toả vướng mắc này của bà con tín đồ và chức sắc các tôn giáo. Ngày 10/05/1958, khi trả lời câu hỏi của các cử tri Hà Nội: ''Tiến lên CNXH thì tôn giáo có bị hạn chế không?'' Hồ Chí Minh trả lời rõ: ''Không. Ở các nước XHCN, tín ngưỡng hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam cũng vậy'' Người còn nói rõ thêm, người cộng sản tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH không những không tiêu diệt tôn giáo mà còn bảo hộ tôn giáo, Đảng cộng sản chỉ chủ trương tiêu diệt tội ác người bóc lột người. Quan niệm về chủ nghĩa xã hội được Người giải thích rất cụ thể, thiết thực và rõ ràng: ''chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động thì được nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xoá bỏ. Tóm lại, xã hội ngày càng lớn, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội''. CNXH là như vậy, xã hội ấy chẳng có gì là xa lạ với ước vọng của quần chúng tín đồ và mong muốn của những người đã từng thành lập ra các tôn giáo lớn trên thế giới.
Về vấn đề kết nạp người có đạo vào Đảng Cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng giữa những người cộng sản và những người theo tôn giáo có thể cùng phấn đấu cho một mục tiêu chính trị, cùng là đồng chí với nhau. Người nói rõ: “Người tôn giáo nào cũng vào được, miễn là trung thành, hăng hái làm nhiệm vụ, giữ vững kỷ luật của Đảng''.
Thực tế cho thấy, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong công cuộc xây dựng chế độ mới, đã có hàng nghìn ngưới theo những tôn giáo khác nhau được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Họ đã trở thành những, chiến sĩ cộng sản, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ sự nghiệp cách mạng của dân tộc và đi đầu trong công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội.
2/ Coi trọng đoàn kết tất cả đồng bào theo đạo và đồng bào không theo đạo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy được. Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo cùng tồn tại, phát triển. Đồng bào tín đồ các tôn giáo đều là nhân dân lao động, gắn bó với quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, họ là lực lượng của cách mạng. Về phía các thế lực đế quốc, phản động cũng tìm cách lôi kéo quần chúng tín đồ để phục vụ cho âm mưu chống phá cách mạng. Vì vậy, việc đoàn kết lương, giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân có ý nghĩa chiến lược. Ngay phiên họp đầu tiên của Chính phủ (3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: ''Thực dân Pháp tìm mọi cách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngướng tự do và giáo, lương đoàn kết'', chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy được, các tôn giáo tuy khác nhau về giáo lý, giáo luật, nhưng đều có tính hướng thiện. Đây chính là mẫu số chung'' là điểm tương đồng để tập hợp, đoàn kết những người theo tôn giáo khác nhau. Người nói “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái; Phật Thích ca dạy: Đạo đức là từ bi; Khổng tử dạy: đạo đức là nhân nghĩa'' để chỉ cho quần chúng tín đồ thấy rõ, dù theo các tôn giáo khác nhau nhưng mọi người đều hướng tới điều thiện, xây dựng một xã hội tốt đẹp. Vì vậy, không có lý do gì mà đồng bào các tôn giáo lại không thương yêu, đùm bọc lẫn nhau để chống lại cái ác. Tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là mục tiêu, vừa là phương pháp cách mạng được thể hiện trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, trong quá trình lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm cách mạng dân tộc dân chủ và xây dựng CNXH, điều quan tâm nhất đối với Người vẫn là làm thế nào để đoàn kết, thu hút những người theo các tôn giáo tham gia vào sự nghiệp cách mạng Người luôn đặt đoàn kết lương, giáo để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc. Trong thư gửi đồng bào nhân ngày lễ thiên chúa giáng sinh năm 1946, Người viết: ''Toàn thể đồng bào ta, không chia lương, giáo, đoàn kết chặt chẽ quyết lòng kháng chiến, để giữ non sông, Tổ quốc, mà cũng để giữ gìn quyền tôn giáo tự do'' .
3/Lấy hoà hợp dân tộc trong giải quyết vấn đề tôn giáo.
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo. Mỗi tôn giáo có lịch sử hình thành, phát triển, giáo lý, giáo luật, số lượng tín đồ, chức sắc, cơ sở thờ tự, vai trò xã hội và đặc điểm khác nhau, nhưng mọi tôn giáo đều tồn tại trong lòng dân tộc Việt Nam. Vì vậy lợi ích của từng tôn giáo gắn chặt với lợi ích của cả cộng đồng dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy được mối quan hệ gắn bó giữa tôn giáo với dân tộc. Người không cường điệu hoá vai trò của tôn giáo vì trước khi một người trở thành tín đồ tôn giáo thì họ đã là người Việt Nam. Người dân Việt Nam dù có theo tôn giáo nào, nhưng họ đều có chung một cuội nguồn, chung số phận lịch sử; theo đạo nhưng họ vẫn làm tròn nghĩa vụ công dân. Từ đó, Người nêu mối quan hệ giữa tôn giáo với dân tộc thật giản dị, dễ hiểu nhưng rất độc đáo và sâu sắc: Kính Chúa gắn liền với yêu nước phụng sự Thiên chúa đồng thời phụng sự Tổ quốc, ''nước có độc lập thì đạo mới sáng'', “nước có độc lập thì tín ngưỡng mới được tự do''.
Khi giải quyết mối quan hệ giữa tôn giáo với dân tộc, Người cho rằng, phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Vì đây là lợi ích của cả cộng động, trong đó có lợi ích của các tôn giáo. Một khi độc lập, chủ quyền quốc gia bị xâm phạm thì lợi ích của các tôn giáo cũng bị ảnh hưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: ''Nước không độc lập thì tôn giáo không được tự do, nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã” . Đối với đạo Phật, trong thư gửi Hội phật tử năm 1947 Người đã chỉ ra: ''Nước có độc lập thì đạo Phật mới dễ mở mang''.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo đã là cơ sở nền tảng cho các giáo hội đề ra tôn chỉ mục đích hành đạo theo hưởng gắn bó với dân tộc như: “đạo pháp - dân tộc và chủ nghĩa xã hội'' (Phật giáo); ''sống phúc âm giữa lòng dân tộc'' (Công giáo); ''sống phúc âm phụng sự Thiên chúa, phụng sự quốc và dân tộc'' (Tin Lành); ''nước vinh, đạo sáng (đạo Cao Đài). ''chấn hưng nền đạo gắn bó với dân tộc; phù hợp với chính sách và pháp luật của Nhà nước góp phần tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" (Phật giáo Hoà Hảo).
Để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo trong công tác đảm bảo an ninh trên lĩnh vực tôn giáo, theo chúng tôi cần làm tốt một số vấn đề cơ bản sau đây:
Thứ nhất: Những người trực tiếp làm công tác tôn giáo và đấu tránh chống địch lợi dụng tôn giáo cần phải hiểu sâu sắc và quán triệt những quan điểm, chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng đã đề ra, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khoá IX. Về chính sách tôn giáo, Đảng ta đã xác định một số quan điểm cơ bản sau đây:
- Tín ngưỡng, tôn giáo là một nhu cầu của một bộ phận nhân dân.
- Tín ngưỡng, tôn giáo là một vấn đề tồn tại lâu dài, cùng với quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
- Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng.
- Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, công tác tôn giáo vừa phải quan tâm giải quyết hợp lý nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng, vừa phải kịp thời đấu tranh chống địch lợi dụng tôn giáo.
Nghiêm cấm phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Từ các quan điểm trên đây cho thấy, việc quan tâm giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo bình thường của nhân dân theo đúng chính sách và pháp luật của Nhà nước là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền và các ngành liên quan, chứ không phải là sự ''chiếu cố'', “ban ơn'' cho quần chúng. Chúng ta cần khắc phục nhận thức thiển cận với tôn giáo và thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo.
Thứ hai: Lực lượng công an phải coi trọng và thường xuyên làm tốt công tác vận động quần chúng tín đồ và chức sắc các tôn giáo. Đây là công tác nền tảng, quyết định thắng lợi của nhiệm vụ đấu, tranh chống địch lợi dụng tôn giáo. Bởi vì âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch để chống phá cách mạng chỉ được hiện thực khi chúng tôi kéo, kích động được quần chúng tín đồ, chức sắc các tôn giáo chống lại Đảng và Nhà nước. Nếu chỉ tập trung làm tốt công nghiệp vụ, xem nhẹ công tác vận động quần chúng ở các vùng tôn giáo ở các vùng tôn giáo, lực lượng công an sẽ sa vào tình trạng nghiệp vụ đơn thuần, không phát huy được sức mạnh của quần chúng trong đấu tranh chống địch lợi dụng tôn giáo.
Thứ ba: Trong đấu tranh chống địch lợi dụng tôn giáo, ngoài việc làm tốt công tác nghiệp vụ, nắm vững pháp luật, lực lượng công an cần biết và khai thác những điểm tích cực của giáo lý, giáo luật các tôn giáo phục vụ cho việc đấu tranh với những hoạt động lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia.
(CAND)