Nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

Càng nghiên cứu về Hồ Chí Minh, ta càng nhận ra nhiều điều mới mẻ, nhiều điều chưa biết và còn biết rất ít về Người. 

1 - Từ những năm 20 thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc trên diễn đàn Hội nghị của các cường quốc, đến khi Cách mạng Tháng Tám, năm 1945, thành công ở Việt Nam, Người xuất hiện với tên gọi Hồ Chí Minh - vị đứng đầu nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Thế giới và giới nghiên cứu cũng mới chỉ biết Người với tư cách nhà cách mạng - lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, chiến sĩ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc chống ách áp bức của chủ nghĩa thực dân. 

Tại Đại hội II của Đảng, năm 1951, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được ghi nhận như một giá trị văn hóa, ngọn cờ tập hợp quần chúng và động lực tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta. Lúc đó, chúng ta chưa có điều kiện nghiên cứu tư tưởng, lý luận như là những đóng góp của Người vào kho tàng lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và phong trào cách mạng thế giới. 

Đến cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh được thế giới đánh giá cao: Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận và tôn vinh là "anh hùng giải phóng dân tộc - nhà văn hoá lớn". Tại Đại hội VII (1991), Đảng ta đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và xác định, cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. 

2 - Từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, Trung ương Đảng và Chính phủ đã có nhiều chương trình, đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ, ngành, đoàn thể... nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh. Đến Đại hội IX của Đảng, năm 2001, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, Đảng ta đã đưa ra một quan niệm tương đối đầy đủ về tư tưởng Hồ Chí Minh: "Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"(1). 

Việc xác định tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, gồm chín vấn đề có liên hệ hữu cơ với nhau đã đánh dấu một bước tiến quan trọng của công tác nghiên cứu lý luận nói chung, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng ở nước ta, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của công cuộc đổi mới đất nước và tình cảm, nguyện vọng của nhân dân ta. Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh tại thời điểm này và cho đến hiện nay, cũng mới chỉ dừng lại ở việc định lượng và xác định những nội dung, giá trị cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh. Bản chất khoa học và cách mạng, tinh thần độc lập, tự chủ, đổi mới và sáng tạo, rất độc đáo của tư tưởng Hồ Chí Minh chưa được nghiên cứu một cách thật sâu sắc, có hệ thống, hoàn chỉnh. Tất cả những sản phẩm nghiên cứu của chúng ta chưa thật tương xứng với tầm vóc tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chí Minh. Vì vậy, ngày 27-3-2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 23-CT/TW về "Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới", nhằm đẩy mạnh việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh một cách toàn diện hơn, sâu rộng hơn. 

3 - Qua một năm thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư, tư tưởng Hồ Chí Minh đã đi vào đời sống thực tiễn, được xã hội đón nhận như những giá trị lý luận - tư tưởng - văn hóa rất sống động và thực sự là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng và nhân dân ta. Nhiều băn khoăn, vướng mắc, thậm chí hoài nghi của cán bộ, đảng viên và quần chúng về nền tảng tư tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta, về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về mối quan hệ dân tộc - giai cấp - nhân loại đã được giải đáp sáng tỏ hơn. 

Đứng ở góc độ tuyên truyền, giáo dục và tổ chức việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, nhất là qua cuộc thi báo cáo viên về tư tưởng Hồ Chí Minh vừa qua, có thể thấy rằng nhiều nội dung tư tưởng được cán bộ, đảng viên, quần chúng rất tâm đắc vì đã được nghiên cứu khá sâu sắc và gắn chặt với đời sống, với thực tiễn nước ta hiện nay. Tuy nhiên, nhiều vấn đề nghiên cứu chưa đạt tới mức độ sâu sắc và có tính thuyết phục với sự phong phú, sinh động cần thiết. Tuy là các vấn đề rất thời sự hiện nay, song chưa được cán bộ, đảng viên và nhân dân thật sự đón nhận, học tập một cách chuyên tâm, hứng khởi, như các nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tiên tiến, hiện đại; xây dựng nền văn hóa, giáo dục xã hội chủ nghĩa; các vấn đề về chính sách xã hội, dân tộc, tôn giáo, xây dựng giai cấp công nhân, nông dân và nông thôn, xây dựng đội ngũ trí thức... 

Việc phát triển và khái quát các vấn đề cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh được chúng ta thực hiện khá công phu, nghiêm túc, song việc nghiên cứu thật sâu sắc, đầy đủ, toàn diện về cơ sở lý luận và thực tiễn, quá trình hình thành, tính khoa học, độc lập, sáng tạo, mới mẻ của từng nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn đang là những yêu cầu phía trước đối với các nhà nghiên cứu. Đó là chưa kể đến những tư tưởng chưa được diễn đạt thành văn còn ẩn chứa trong những việc làm hằng ngày của Người với bạn bè, đồng chí, với nhân dân, với bộ đội, với thiên nhiên, với chính mình và với cả kẻ thù của dân tộc, của nhân loại. Ở Hồ Chí Minh, dường như mọi lời nói, mọi việc làm, dù bình thường nhất, dù giống như mọi người, cũng đều ẩn chứa một chân lý, một triết luận sâu sắc cần được nghiên cứu, lý giải một cách đầy đủ. 

4 - Tìm tòi, thử nghiệm các phương pháp tiếp cận nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh khác nhau là rất cần thiết. Việc đẩy mạnh nghiên cứu tư tưởng của Người sẽ không thể tiến triển được nếu các nhà nghiên cứu không tìm ra các phương pháp tiếp cận phù hợp với từng vấn đề cụ thể trong hoàn cảnh cụ thể. 

Trong thực tế, đã nảy sinh một số khuynh hướng nghiên cứu chưa mấy thuyết phục. Như đặt ra giả thiết trước rồi tìm câu chữ trong các tác phẩm của Hồ Chí Minh để chứng minh một cách gò ép. Thực chất đây là sự hạ thấp và tầm thường hóa tư tưởng của Người theo kiểu "kê đơn, bốc thuốc". Cũng có khuynh hướng muốn nhấn mạnh cái gọi là tính độc đáo, sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh để cố gắng tìm sự khác biệt giữa Người với C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin nên đã rơi vào siêu hình, đơn giản, xơ cứng. Có khuynh hướng suy diễn, lý giải một chiều trong nghiên cứu dẫn đến thần thánh hóa Người. 

Cũng đã xuất hiện dấu hiệu không bình thường trong nghiên cứu. Có người muốn chứng minh rằng tư tưởng Hồ Chí Minh thoát ly Mác - Lê-nin, thậm chí còn cao hơn cả chủ nghĩa Mác - Lê-nin (!). 

Hồ Chí Minh là nhà mác-xít lỗi lạc, Người thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đứng vững trên lập trường mác-xít, dùng thế giới quan và phương pháp luận mác xít để phân tích, lý giải, dự báo sự vận động, phát triển của thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người không "tách mình" ra khỏi C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin để đưa ra các quan điểm của riêng mình. Phải thấy được phương pháp tư duy Hồ Chí Minh, phương pháp luận giải và diễn đạt rất độc đáo của Người mới có thể hiểu đúng và hiểu rõ tư tưởng của Người. Ở Người, chất mác-xít hòa quyện làm một với chất Á đông hiền triết và Người có phong cách diễn đạt tư tưởng riêng, rất ngắn gọn, hàm súc, vừa chính xác, vừa có tính biểu cảm rất đa dạng. Nếu chỉ trích dẫn một số câu chữ mà suy ra tư tưởng là chưa đủ để hiểu hết, thậm chí có thể hiểu sai tư tưởng của Người. Người rất ít khi dùng thuật ngữ lý luận để trình bày quan điểm lý luận. Bởi vì Người nói lý luận là để cho quần chúng nhân dân, cho cán bộ, bộ đội ta nghe được, hiểu được, để nhớ và làm theo đúng lý luận. 

Hồ Chí Minh là nhà cách mạng vĩ đại, lãnh tụ thiên tài, là chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi trên mọi mặt trận. Từ đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao, đến báo chí, văn hóa, nghệ thuật... lĩnh vực nào Người cũng đứng ở vị trí hàng đầu với tư tưởng và tài năng kiệt xuất. Người đi khắp năm châu, bốn biển, đã từng lăn lộn trong giới cần lao và cũng đã từng đấu trí, đấu lý với các nhà ngoại giao, các chính khách phương Tây cực kỳ thâm hiểm, xảo quyệt; đã từng sống giữa đồng chí, đồng bào, bạn bè quốc tế với rất nhiều nỗi vui, buồn được chia sẻ, cảm thông... Với bất cứ tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi, nghề nghiệp nào Người cũng đều để lại những kỷ niệm không bao giờ quên, những lời căn dặn, nhắc nhở, và cả lời phê bình rất nhẹ nhàng, thấm thía, chứa đựng những nguyên lý sống, làm việc, suy nghĩ, ứng xử giàu chất lý luận, nhân văn. Vì vậy, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh là công việc mang tính quần chúng rộng rãi của toàn Đảng, toàn dân, của mọi cấp, mọi người, mọi giới. 

5 - Để học tập thấm nhuần và biến tư tưởng Hồ Chí Minh thành hiện thực cần phải mở rộng phạm vi nghiên cứu học tập. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực cần chủ động triển khai nghiên cứu, xây dựng các bộ sách, tài liệu về tư tưởng Hồ Chí Minh và tổ chức học tập, làm theo lời dạy của Người đối với ngành, lĩnh vực của mình, với hình thức và phương pháp nghiên cứu tiếp cận phù hợp; không nên dừng lại ở việc trích dẫn câu chữ một cách cứng nhắc, thô thiển. Cần tiếp tục xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học về tư tưởng Hồ Chí Minh cấp Nhà nước. 

Mỗi cơ sở xã, phường, thị trấn, trường học, bệnh viện, khu dân cư... cần từng bước xây dựng tủ sách tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng Hồ Chí Minh, để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, học tập ngày càng cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Trong hệ thống giáo dục quốc dân, cần nghiên cứu để đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào giảng dạy một cách có hệ thống từ thấp đến cao, phù hợp với tâm lý lứa tuổi và nhận thức của học sinh, sinh viên. 

6 - Để tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đến được với mỗi người Việt Nam từ trẻ đến già, từ miền xuôi đến miền núi, ở trong nước và nước ngoài và đến được khắp thế giới, cần đầu tư để có những công trình nghệ thuật có giá trị về nội dung và nghệ thuật khắc họa, phản ánh thân thế và tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiện nay, còn quá ít những công trình như thế. 

Nguyễn Viết Thông (tạp chí cộng sản)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website