Điện ảnh Quân đội với bộ phim “Những giờ phút cuối đời Bác Hồ”

Bộ phim "Những giờ phút cuối đời Bác Hồ" gồm những thước phim tư liệu vô giá ghi được thời điểm cần ghi lại về những sự việc trọng đại mà nhiều người còn chưa được biết. Năm tháng qua đi, Bác đã mất 35 năm cất giữ, bảo quản chu đáo, an toàn, lần đầu tiên những thước phim tư liệu được công bố rộng rãi đáp ứng yêu cầu tình cảm của nhân dân ... Xưởng phim Quân đội phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thực hiện và hoàn thành bộ phim này vào lúc cả thế giới đang hướng về kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ lần thứ 100 (19.5.1989), UNESCO chuẩn bị kỷ niệm Danh nhân văn hoá thế giới Hồ Chí Minh. 

Những người làm phim, cùng cố vấn Vũ Kỳ, mà trước hết là hai nhà quay phim quân đội: Nguyễn Thanh Xuân, Trần Anh Trà, đã trực tiếp quay được những thước phim về giờ phút cuối cùng của Bác; biên kịch và đạo diễn: Phạm Quốc Vinh; dựng phim: Nguyễn Hoán; viết lời bình: Phạm Ngọc Cảnh; biên tập nhạc: Trần Ngà, cùng các anh chị em khác đã cố gắng thể hiện nội dung tập trung vào những giờ phút cuối cùng trước lúc Bác đi xa, đồng thời cũng gợi lên cho người xem về phẩm chất thanh cao, vĩ đại của Người đã hiến dâng trọn vẹn đời mình cho dân, cho nước. 

Ngày 28.8, bậc thang của nhà sàn thân yêu lần cuối cùng nhận được hơi ấm cuối cùng của bàn chân Bác Hồ. Từ nhà sàn xuống đây (nhà A67) chỉ vài chục bước thôi nhưng đã phải chuyển Bác xuống là có dấu hiệu nghiêm trọng về tình hình sức khoẻ của Người; tuy thế, Bác vẫn chưa ngừng làm việc. 

Năm ấy, nước các triền sông dâng to, Bác nằm đó mà vẫn như lắng nghe lưu lượng nước các dòng sông xa gần chảy xiết. Nếu không vì ốm đau thì Bác đã đến tận nơi xung yếu như những mùa trước đó. Sợ cơn lũ có đột biến bất thường, các đồng chí gần gụi ngỏ ý đưa Bác đến nơi an toàn. Bác nói: "Tôi không thể xa dân" và Bác chỉ yên lòng khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã báo cáo việc phân lũ cứu dân, đã được tiến hành khẩn trương chu đáo. Vào thời điểm ấy, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Quốc Hoàn và Lê Văn Lương được Bộ Chính trị cử ra đặc trách săn sóc Bác cùng với tập thể bác sĩ thầy thuốc giỏi tận tình túc trực cứu chữa cho Người. Các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và Trường Chinh hàng ngày đều đến bên giường Bác. Anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - ngày ngày vào thăm Bác cả sáng, trưa và tối. Đại tướng kể lại: "Sau ngày 20.8 tình hình sức khoẻ của Bác có khá hơn. Mọi khi chỉ ăn một thìa cơm nhưng tối hôm đó Bác nhắc xới thêm cho Bác một thìa nữa, ăn cho chóng khoẻ để sẽ ra dự lễ Quốc khánh". 

Trong cuốn sổ tay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ghi rõ từng ngày: 24.8 trở đi, Bác mệt nặng. 26.8: Khi vào thăm, giơ tay chào, Bác chào lại rồi bảo: "Chú về nghỉ...". Hàng ngày, Bác vẫn hỏi: "Hôm nay miền Nam đánh thắng đâu?" và đồng chí Võ Nguyên Giáp đã trả lời: "Xin Bác yên tâm chữa bệnh cho khoẻ... để rồi được báo cáo tỉ mỉ với Bác về chiến sự ở miền Nam". 28.8: Buổi chiều, Bác hỏi việc chuẩn bị Quốc khánh 2.9 và dặn đồng chí Phạm Văn Đồng tổ chức lễ kỷ niệm cho thật vui, thật tốt. Tối có bắn pháo hoa nữa. Dù cuộc sống chỉ còn gang tấc, Bác vẫn muốn ra dự lễ gặp đồng bào 5 - 10 phút. Bác đã trao đổi với đồng chí Lê Văn Lương và đồng chí Vũ Kỳ rất cụ thể: "Bác sẽ buộc khăn che cổ, Bác ra ngồi sẵn trong đoàn Chủ tịch rồi mới kéo màn che của hội trường và bắt đầu cuộc míttinh. Bác sẽ nói thế nào cho bà con nhân dân không biết là Bác đau...!". (Nhưng rồi quốc khánh năm ấy, trên lễ đài vắng Bác). 29.8: Trong buổi sáng, Bác muốn nghe tình hình chiến sự. Anh Văn đã báo cáo với Bác chiến thắng ở mặt trận miền Nam... và rồi cũng chính anh Văn đã báo với miền Nam về tình hình sức khoẻ và tấm lòng vì miền Nam của Bác. Buổi chiều, đồng chí Đặng Bích Hà (phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp) mang hoa huệ vào biếu Bác. Bác cười, nụ cười rất tươi và bảo cắm hoa vào lọ bên đầu giường Bác. Từ sáng 1.9, Bác có phần mệt hơn. Đến 16 giờ lần đầu tiên hai đồng chí quay phim quân đội mới được phép vào hẳn trong phòng bệnh ghi hình ảnh Bác... 

Thế là cái điều mà mọi người không bao giờ muốn vẫn cứ đến! Thanh Xuân và Anh Trà hiểu rằng những tư liệu này thật quan trọng mà mỗi mét phim là thể hiện một trách nhiệm cao nhất với lịch sử, với dân tộc. Bấm mỗi một giây, mỗi một cảnh phim lúc này, anh em cảm thấy có điều gì hết sức thiêng liêng. Ống kính ghi đầy đủ, rất rõ nét các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quân uỷ Trung ương đã tề tựu, lặng yên, xúc động lắng nghe từng nhịp sống của Người... Bác đã trút hơi thở cuối cùng lúc 9 giờ 47 phút ngày 2.9... Thanh Xuân giơ máy lên mà nước mắt cứ giàn giụa ra trước kính ngắm của máy quay. Giây phút ấy anh chỉ còn biết để ống kính góc rộng và cứ thế giơ lên bấm máy. Nhưng phải chờ đợi cho đến 20 năm sau khi xem lại những thước phim dựng trong bộ phim "Những giờ phút cuối đời Bác Hồ", Thanh Xuân mới thấy yên lòng. Đúng 10 giờ ngày 2.9, chiếc xe "cứu thương" sơn màu xanh lá cây mang biển số FA 1460 có cắm cờ chữ thập đỏ đưa thi hài Bác đặt trên cáng đến nơi làm thuốc, bước đầu để giữ gìn lâu dài thi hài của Người. Cũng từ đây chỉ còn một mình Thanh Xuân làm nhiệm vụ tiếp tục công việc ghi chép tư liệu về các chuyên gia Liên Xô anh em đã từng làm công việc giữ gìn thi hài Lênin, nay lại tận tình đến giúp đỡ chúng ta ngay từ phút đầu tiên sau khi Bác Hồ từ trần. 

... Bộ phim kết thúc với những hình ảnh thân thiết về cuộc sống của Bác quanh ngôi nhà sàn thân yêu với bài ca "Người là tình yêu bao la" do nghệ sĩ Thanh Hoa thể hiện... 

Ngày 17.4.1989, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã trực tiếp xem duyệt thông qua bộ phim này. Dù còn những hạn chế, nhưng bộ phim rất đáng được trân trọng bởi có sức lay động mạnh mẽ. 

Đại tá Phạm Quốc Vinh

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website