Những giá trị văn hoá Hồ Chí Minh

Năm 1923, lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đến nước Nga, quê hương của V.I. Lê-nin, của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Tại đây, Người đã gặp nhà thơ xô-viết tên là Ô-Xíp Man-đen-xtam. Và ngay từ lúc ấy, chính nhà thơ đã phát hiện: ''Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải là văn hóa châu Âu, mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai”. 

Thế rồi, gần 70 năm sau - năm l990, khi Hồ Chí Minh đã đi xa, giữa lúc trên thế giới có những biến động to lớn, chủ nghĩa xã hội lâm vào khủng hoảng sâu sắc, phong trào cách mạng quốc tế đứng trước những thử thách nghiêm trọng, chính trong thời điểm ấy, chúng ta lại được chứng kiến một sự kiện quan trọng. Đó là lần đầu tiên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) quyết định tổ chức kỷ niệm trọng thể trên thế giới một lãnh tụ cách mạng với tư cách là người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại. Và đó chính là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Nghị quyết của UNESCO nêu rõ: ''Sự đóng góp về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống ngàn năm của nhân dân Việt Nam. Và những tư tưởng của Người là hiện thân của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình, tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”. 

Tìm hiểu về nhà văn hóa Hồ Chí Minh, chúng ta thấy luôn hội tụ những gì đẹp nhất, trong sáng nhất, vinh quang nhất suốt hàng nghìn năm văn hiến của dân tộc, trong tiến trình lịch sử của đất nước. Vì vậy, mỗi người Việt Nam chúng ta đến với văn hóa Hồ Chí Minh đều cảm thấy rất gần gũi. Tiến sĩ M. Át-mét, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhận xét: ''Cuộc đời của Người mang ảnh hưởng của những giá trị truyền thống dân tộc, có những đóng góp vào việc tạo nên một nền văn hóa Việt Nam hiện đại và điều đó cũng được khẳng định trong bài Điếu văn truy điệu Người ở Hà Nội (năm 1969): ''Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta''. 

Đồng thời, ở Hồ Chí Minh còn thể hiện một cách tiêu biểu và nổi bật sự kết hợp hài hòa giữa những giá trị nhân văn của dân tộc, những đạo lý của con người Việt Nam với chủ nghĩa Mác - Lê-nin - chân lý của thời đại và tinh hoa văn hóa nhân loại bao gồm cổ, kim, Đông, Tây. Chính từ lòng yêu nước sâu sắc và ham học hỏi, từ thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi, liên tục, không mệt mỏi mà Người đã tiếp thu, chắt lọc, chuyển hóa những giá trị và tinh hoa ấy bằng một trí tuệ mẫn tiệp, óc nhạy cảm, sự sáng tạo. Đây là nét đặc sắc, nổi bật nhất của tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh. Vì vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh đã và còn đem đến cho Việt Nam cũng như thế giới những giá trị và tầm vóc văn hóa mới. 

Trong quá trình hoạt động cách mạng, vì sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người và giải phóng nhân loại, Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với nhiều nền văn hóa ở nhiều châu lục, nhiều vùng, nhiều quốc gia; ở phương Đông và phương Tây; ở chính quốc và thuộc địa; ở các dân tộc da trắng, da vàng cũng như da đen. Ít có một lãnh tụ cách mạng, một nhà văn hóa nào trên thế giời từng đi nhiều nơi, đến nhiều nước, làm nhiều nghề, am hiểu nhiều về các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau như Hồ Chí Minh. Do đó, những người phương Tây có thể tìm thấy trong tư tưởng Hồ Chí Minh tinh thần của chủ nghĩa nhân đạo thời kỳ Phục Hưng, tư tưởng dân chủ của Thế kỷ Ánh sáng, tinh thần độc lập và nhân quyền của cách mạng Mỹ, tư tưởng tự do - bình đẳng - bác ái của cách mạng Pháp và tinh thần cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Còn những người ở phương Đông lại thấy trong tư tưởng Hồ Chí Minh những nét gần gũi, phù hợp với “chủ nghĩa tam dân” của Tôn Trung Sơn, tinh thần yêu nước, khắc khổ hy sinh vì dân của M. Găng-đi, cũng như sự tu dưỡng đạo đức của học thuyết Khổng Tử, đức từ bi của Phật Thích Ca, tinh thần bác ái của Chúa Giê-su. Rồi khi đọc một áng văn chương chính trị, một bài báo, hoặc một lời phát biểu của Người, ta lại phát hiện ra những điều lý thú và kinh ngạc về sự kết hợp giữa tính hài hước của văn chương Pháp; chất hàm xúc, thanh cao của thơ Đường; tính hiện thực của M. Goóc-ki, cùng sự sắc nhọn của ngòi bút Lỗ Tấn, sự gần gũi, trong sáng của Nguyễn Du...Ông T.N. Ca-un, Chủ tịch Trung tâm Ấn Độ nghiên cứu về Đông Dương nhận xét: các bài thơ, tiểu luận và điền văn của Người phản ánh một sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử và văn minh nhân loại và một niềm tin chung thủy đối với bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc và quốc gia, kể cả dân tộc mình và các dân tộc khác trên thế giới. Nhưng điều kỳ lạ là, những nền văn hóa cả phương Đông lẫn phương Tây, từ cổ đại đến cận đại và hiện đại, khi thể hiện ở Hồ Chí Minh luôn mang một phong cách rất Việt Nam, đầy tính nhân văn, rất bình dị, gần gũi nhưng cũng rất sâu sắc, mới mẻ, hiện đại và cách mạng. 

Ở Hồ Chí Minh, những giá trị tinh thần cao cả, bền vững và tốt đẹp của văn hóa dân tộc được hình thành, phát triển trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong lao động sản xuất như: truyền thống yêu nước, lòng nhân ái, tinh thần dân chủ, chủ nghĩa anh hùng cách mạng... luôn được đề cao, củng cố và phát huy. Song chúng không dừng lại ở những giá trị truyền thống mà thông qua tư tưởng, đạo đức, lối sống và những lời dạy của Người mà được lồng ý nghĩa sâu sắc, giá trị cao cả; tạo nên sức mạnh, niềm tin ở mỗi con người, ở các dân tộc và của cả cộng đồng. Ở đây hàm chứa một nền văn hóa mới: Văn hóa cách mạng với những giá trị truyền thống, vừa có nội dung yêu nước, tiến bộ và nhân văn cao đẹp; vừa thể hiện được chức năng nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ. Hồ Chí Minh là một con người vĩ đại, nhưng lại gần gũi với mọi người, với nhân dân lao động. Ở Người, cái vĩ đại, cao cả được thể hiện thông qua cái bình thường, giản dị. Nhưng cần hiểu rằng, sự giản dị của Bác không phải là giản đơn mà là sự giản dị, trong sáng xuất phát từ một lý tưởng đạo đức cao đẹp, một nếp sống văn hóa hợp với khoa học, với thẩm mỹ mới; giản dị mà phong phú, văn minh. Sự giản dị của Hồ Chí Minh không chỉ biểu hiện của văn hóa, của đạo đức mà còn là một tinh thần dân chủ và quan điểm quần chúng cao đẹp. Bác bao giờ cũng nghĩ đến dân, chăm lo tới lợi ích chính đáng và không ngừng đấu tranh cho tự do, độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Bác luôn yêu thương, tin tưởng, kính trọng và hòa mình vào nhân dân. Có thể nói, lối sống giản dị, gần gũi với mọi người phản ánh cái cốt lõi tâm hồn của Bác, tấm lòng của Bác đối với hạnh phúc của con người, với tương lai của dân tộc và nhân loại. Đồng chí Phạm Văn Đồng nói: Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, lớn mà không làm ra vĩ đại, soi sáng mà không làm choáng ngợp. 

Có một nét đẹp nữa trong văn hóa Hồ Chí Minh mà chúng ta cần nói tới. Đó là sự khiêm tốn. Giáo sư X. Mau-roi (Ấn Độ) cho rằng, tình thương nhân dân, sự khiêm tốn và giản dị trong lối sống của Người là sâu sắc và hồn nhiên. ''Sự khiêm tốn của Người là nổi tiếng'' . Nếu như khiêm tốn là phẩm chất của những người cách mạng chân chính, của nhà văn hóa lớn, thì điều đó được thể hiện một cách đầy đủ, tập trung nhất ở con người Hồ Chí Minh. Người không bao giờ đặt mình cao hơn dân tộc và sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho dù Bác là người tiêu biểu cho tinh hoa, khí phách của dân tộc, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Đối với Hồ Chí Minh, khiêm tốn vừa là văn hóa, vừa là đạo đức, đòi hỏi mỗi người, dù bất kỳ ai, cũng phải thường xuyên học tập, rèn luyện và thể hiện trong cuộc sống hằng ngày. Khiêm tốn gắn liền với tự chủ, tự tin; tin ở bản thân, ở tập thể, ở tiền đồ tươi sáng của dân tộc, ở mục tiêu, lý tưởng và con đường cách mạng mà Đảng ta, nhân dân ta lựa chọn. 

(Tạp chí Cộng sản)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website