Thực hiện những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn, người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, luôn chăm lo xây dựng củng cố phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh. 

Trước hết Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhân dân ta vốn có lòng yêu nước nồng nàn và đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh anh dũng để bảo vệ và củng cố độc lập dân tộc. Truyền thống ấy đã trở thành thuần phong mỹ tục của dân tộc.Trong bài nói chuyện với đại biểu nhân dân Thanh Hoá ngày 13-6-1957, Người nhấn mạnh: "Cần xây dựng và phát triển thuần phong, mỹ tục. Các đồng chí nước bạn sang ta nói nhân dân Việt Nam rất cần cù, giản dị. Thuần phong, mỹ tục là đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau sản xuất tiết kiệm, vì vậy nên cần phát triển thuần phong mỹ tục". 

Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và phát huy truyền thống "nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng" của dân tộc ta và những tinh hoa tư tưởng đoàn kết của nhân loại tiến bộ, nâng lên thành chân lý, thành chính sách, thành chiến lược cách mạng. 

Về nội dung, tư tưởng "đoàn kết, đại đoàn kết" của Hồ Chí Minh rất phong phú, nhiều vẻ bao gồm tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc (đoàn kết cả nước, đoàn kết toàn dân không bỏ sót một người dân nào, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất...), đoàn kết quốc tế. Phát biểu tại phiên họp bế mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khoá I, ngày 26-3-1955, Người chỉ rõ: "Chính sách đối nội trước mắt của ta là: Đoàn kết toàn dân, thi đua sản xuất... Chính sách ngoại giao của ta là: đoàn kết chặt chẽ với nhân dân các nước bạn". Nói chuyện tại Lớp nghiên cứu chính trị khoá II, trường Đại học nhân dân Việt Nam, ngày 8-12-1956 Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân". Trong thư gửi đồng bào cả nước, ngày 6-7-1956, Người khẳng định: "Đường lối đấu tranh của chúng ta hiện nay là toàn dân từ Nam đến Bắc, đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam". Trong bài nói tại Đại hội liên hoan phụ nữ "Năm tốt" ngày 30-4-1964, khi giải thích khái niệm "gia đình", Người cũng nhắc đến đoàn kết: Theo nghĩa cũ thì gia đình chỉ giới hạn hẹp trong một cái nhà, cái sân... Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Thí dụ những người cùng lao động trong nhà máy, trong một cơ quan, trong một hợp tác xã... đều phải đoàn kết thương yêu nhau như anh em trong một gia đình. Rộng ra nữa là đồng bào cả nước đều là anh em trong một gia đình. Ngay trong "Kính cáo đồng bào" viết ngày 6-6- 1941, khi đất nước ta còn chìm trong nô lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến đoàn kết dân tộc: "Trong lúc quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy, chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ đế quốc và bọn việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng". Nói về đoàn kết trong Đảng, trong bản "Di chúc" viết ngày 10-5-1969, Người chỉ rõ: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình". Chủ tịch Hồ Chí Minh không những nêu rõ nội dung của tư tưởng đại đoàn kết mà còn chỉ ra tầm quan trọng, những nguyên tắc, yêu cầu, phương pháp, cách thức đoàn kết. Nói chuyện tại Lớp chỉnh huấn trung cao của Bộ Quốc phòng tháng 5 năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Bây giờ còn một điểm rất quan trọng cũng là điểm mẹ. Điểm này mà thực hiện tốt thì con cháu đẻ ra đều tốt: Đó là đoàn kết". Mà "nền gốc của đoàn kết là: đoàn kết của đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác". 

Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết là một chính sách lớn đối với toàn dân tộc, đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây đựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta phải đoàn kết với họ. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu yêu cầu của đoàn kết là phải đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ. Đoàn kết giữa Chính phủ và nhân dân. Đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân với nhau. Đoàn kết giữa đồng bào toàn quốc từ Bắc tới Nam. Nói rộng hơn nữa: đoàn kết giữa nhân dân ta và nhân dân các nước bạn. Đoàn kết chặt chẽ lực lượng trong nước với ngoài nước... Nói chuyện với đại diện Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh, ngày 15/6/1957, Người khẳng định "Đoàn kết chặt chẽ thành một khối thống nhất. Phải đoàn kết giữa lương và giáo, giữa quân và dân, giữa Bắc và Nam"... Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, ngày 19-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chúng của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta". Đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi không những là yêu cầu tất yếu của cách mạng Việt Nam mà còn là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, một tầm nhìn về tương lai của dân tộc. Ngay từ năm 1946, trong thư gửi đồng bào Nam Bộ, Người có những lời khuyên rất thấm thía: "Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều hợp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận rằng con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang". 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi một sự đoàn kết thật sự có chiều sâu, có hiệu quả, "không phải đoàn kết ngoài miệng, mà đoàn kết bằng việc làm, đoàn kết bằng tinh thần, đoàn kết thực sự". Trong bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Hà Tây ngày 10-2-1967, Người nhắc nhở cán bộ "từ tỉnh đến huyện, đến xã phải đoàn kết, đoàn kết thực sự, làm sao tự mình nêu gương và giáo dục cho đảng viên, đoàn viên, cán bộ giữ gìn, phát triển đạo đức cách mạng, làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm". Người giải thích: "Đoàn kết thực sự nghĩa là mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí. Đoàn kết thực sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân". Về mối quan hệ giữa phê bình, tự phê bình và đoàn kết, Người giải thích: Phê bình, tự phê bình tốt nghĩa là xuất phát từ đoàn kết mà phê bình và tự phê bình, phê bình và tự phê bình để đi đến đoàn kết hơn nữa. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh ý nghĩa, tác đụng to lớn của đoàn kết. Người nhiều lần khẳng định "Đoàn kết là lực lượng mạnh nhất của chúng ta". "Đoàn kết là một lực lượng vô địch". "Đoàn kết là sức mạnh". Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta". "Đoàn kết là lực lượng tất thắng". Thật là một chân lý giản dị và sáng tỏ. 

Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết, đại đoàn kết là nhân tố thắng lợi của cách mạng Việt Nam, giúp dân tộc ta "thành công, đại thành công" trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm cách mạng tháng Tám và ngày Độc lập năm 1951, Người nhấn mạnh: "Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân ta là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do, tự chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta cách mạng thành công, giành được độc lập. Nhờ lực lượng ấy mà sức kháng chiến của ta ngày càng mạnh. Nhờ lực lượng ấy mà quân và dân ta quyết chịu đựng muôn nỗi khó khăn thiếu thốn, đói khổ quyết một lòng đánh tan quân giặc cướp nước. Nhờ lực lượng ấy mà với gậy tầm vông và súng hoả mai lúc đầu, chúng ta liên tiếp thắng địch". Trong Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khoá I, ngày 18-12-1959, Người khẳng định: "Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc bị áp bức đã đánh bại cuộc xâm lược của một đế quốc hùng mạnh, đã giành lại độc lập cho dân tộc, đem lại ruộng đất cho dân cày, đưa lại quyền dân chủ thực sự cho nhân dân. Thắng lợi đó là do lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đấu tranh anh dũng của quân và dân ta, do toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận Dân tộc thống nhất và chính quyền nhân dân ta dựa trên nền tảng liên minh công nông dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng...". Trong bài nói tại Hội những người Ấn nghiên cứu các vấn đề quốc tế, ngày 7-2-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Nhờ đại đoàn kết mà trong bao nhiêu thế kỷ, nhân dân Việt Nam đã bảo vệ được độc lập, tự đo của mình. Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân, làm cách mạng Tháng Tám thành công và đã kháng chiến đến thắng lợi. Nhờ đại đoàn kết toàn dân mà nước Việt Nam chúng tôi nhất định sẽ thống nhất". 

Nhờ có chiến lược đại đoàn kết đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng nước ta hơn 70 năm qua đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc đánh thắng được hai đế quốc to là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cả nước hoà bình, thống nhất đi lên CNXH, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. 

Để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp tục đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng và Nghị quyết TW7 (khóa IX) về "phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh" vào cuộc sống, cần thực thi mạnh mẽ, có hiệu quả những chủ trương chủ yếu sau đây: 

Thứ nhất, xây dựng những định hướng chính sách nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Thứ hai, phát huy mạnh mẽ vai trò của chính quyền Nhà nước trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Thứ ba, mở rộng và đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân, nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Thứ tư, tăng cường công tác chính trị tư tưởng, nâng cao trách nhiệm công dân, xây dựng sự đồng thuận xã hội, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. 

Thứ năm, xây đựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để Đảng thực sự là hạt nhân lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Nguyễn Thạc Hân
Ban Dân vận Trung ương

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website