Tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân (QPTD) phải đặt nó trong chỉnh thể thống nhất tư tưởng quân sự của Người, gắn với cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của nhân dân ta, với quá trình cách mạng Việt Nam do Người và Đảng ta lãnh đạo. 

Sau khi nước ta giành được độc lập năm 1945, vấn đề xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc với tính cách là Tổ quốc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam mới được đặt ra một cách trực tiếp và cụ thể. Do hoàn cảnh lịch sử, sau khi giành được chính quyền, nhân dân ta phải bắt tay ngay vào chuẩn bị và tiến hành cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nên Hồ Chí Minh không bàn đến vấn đề quốc phòng nói chung, mà những tư tưởng của Người hướng vào phục vụ cho cuộc kháng chiến toàn dân chống Pháp và tiếp đến là chống Mỹ. Vì thế, những tư tưởng đó vừa là sự đúc rút, tổng kết từ thực tiễn các cuộc kháng chiến, vừa chỉ đạo thực tiễn và được chính ngay thực tiễn kiểm nghiệm, làm tăng thêm sức sống và giá trị của những tư tưởng của Người. Có thể nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về QPTD với các cách tiếp cận khác nhau, ở đây xin nêu lên một số vấn đề cơ bản sau: 

1. Xây dựng quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là yêu cầu khách quan của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam sau khi đã có chính quyền nhà nước. 

Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi biết tự bảo vệ. Nhận thức sâu sắc luận điểm mác-xít-lê-nin-nít ấy, căn cứ vào tình hình thực tiễn cách mạng Việt Nam, ngay từ tháng 9- 1945, khi chính quyền mới vừa được thiết lập, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: "Nước ta mới giành lại quyền độc lập tự do, nhưng còn phải trải qua nhiều bước khó khăn, để củng cố quyền tự do, độc lập đó. Vậy nên quốc dân ta, bất kỳ già trẻ, đều phải ra sức gánh vác một vai". Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở nhân dân và quân ta: "Chúng ta phải ra sức vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng, bộ đội ta phải thi đua học tập chính trị và kỹ thuật, giữ vững kỷ luật và tác phong khắc khổ", "chúng ta phải tiếp tục củng cố quốc phòng, trấn áp bọn phá hoại, giữ gìn an ninh, trật tự cho nhân dân", phải luôn nâng cao cảnh giác, "luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng chiến thắng". 

Tư tưởng "biên phòng cần có phương lược tốt, xã tắc nên có kế lâu dài" của ông cha ta đã được Hồ Chí Minh vận dụng và thể hiện rất rõ trong tư tưởng về củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Người chỉ rõ mọi sự buông lỏng, lơ là, mất cảnh giác đều dẫn đến hậu qủa nguy hại cho cách mạng, liên quan đến sự tồn vong của Tổ quốc. Bởi vì, kẻ thù bên ngoài cũng như các thế lực phản động bên trong không bao giờ để chúng ta yên, trái lại chúng luôn tìm cách phá hoại và thủ tiêu thành quả cách mạng của nhân dân ta. Hồ Chí Minh vạch rõ: Kẻ địch dùng mọi thủ đoạn đê hèn để đánh ta về chính trị, kinh tế, quốc phòng, vì vậy "trong khi ra sức sản xuất, nhân dân ta phải luôn luôn sẵn sàng đập tan âm mưu địch phá hoại thành quả lao động của chúng ta. Quân đội, công an, dân quân cần tiếp tục phát huy truyền thống chiến đấu dũng cảm, củng cố quốc phòng, trật tự, an ninh". 

2. Nền quốc phòng mà chúng ta xây dựng là nền quốc phòng toàn dân; sự nghiệp củng cố quốc phòng là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân mà lực lượng vũ trang đóng vai trò nòng cốt. 

Nắm vững quan điểm vũ trang toàn dân của chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa truyền thống giữ nước của dân tộc "trăm họ đều là binh", "cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc", "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh"..., Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nền quốc phòng của nước ta là nền QPTD. Đó là nền quốc phòng mang bản chất của chế độ xã hội mới, chế độ XHCN, của Nhà nước dân chủ nhân dân, Nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Đó là, nền quốc phòng mà nhiệm vụ của nó không chỉ bảo vệ giang sơn, đất nước, độc lập chủ quyền, mà còn bảo vệ chế độ XHCN; không chỉ chống ngoại xâm, mà còn chống cả thù trong. Vì vậy, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, phải xây dựng nền QPTD, toàn diện, nghĩa là mọi người dân đều có trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia xây dựng và nền quốc phòng ấy là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phải xây dựng cả tiềm lực chính trị - tinh thần, tiềm lực kinh tế và khoa học, tiềm lực quân sự..., không được coi nhẹ một tiềm lực nào. Tính chất toàn dân và toàn diện quan hệ chặt chẽ với nhau trong bản chất, đặc điểm và sức mạnh của nền QPTD. Quốc phòng là công việc giữ nước của quốc gia, nó đòi hỏi phải huy động và hợp lực mọi sức mạnh vật chất và tinh thần của quốc gia, sức mạnh của tất cả các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao... tạo thành sức mạnh tổng hợp để bảo đảm sự ổn định và phát triển của đất nước trong lao động hòa bình và chiến thắng kẻ thù khi chiến tranh xảy ra. 

Trên cơ sở nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê-nin về sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc, về vai trò to lớn của nhân tố chính trị - tinh thần trong chiến tranh khi xây dựng nền QPTD, Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến việc chăm lo xây dựng, bồi đắp và phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân, các nhân tố chính trị - tinh thần, coi đó là cơ sở, là nhân tố cơ bản làm nên sức mạnh vô địch của nền QPTD, của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Người chỉ rõ: Không thế lực nào, kẻ thù nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của một dân tộc, "lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi". Tính chất, đặc điểm và sức mạnh của nền QPTD ấy đã làm cho cuộc chiến tranh nhân dân của dân tộc Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh phát triển lên đỉnh cao, làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. 

Trong khi khẳng định sự nghiệp xây dựng nền QPTD, bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của tất cả mọi người, "đó là nhiệm vụ rất to lớn, rất quan trọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta", Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý đến xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, bao gồm cả quân đội và công an, cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, đồng thời ra sức xây dựng, phát huy vai trò của lực lượng vũ trang thật sự là lực lượng nòng cốt trong củng cố quốc phòng. Người chỉ rõ: Quân đội phải kiên quyết bảo vệ những thành quả của cách mạng, tích cực tham gia công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội; về phần mình, quân đội xây dựng lực lượng thật tốt, chất lượng thật cao, luôn luôn cảnh giác, sãn sàng chiến đấu và chiến đấu giỏi. 

Hồ Chí Minh rất quan tâm xây dựng quân đội thành một quân đội chính quy ngày càng hiện đại, có đủ các quân, binh chủng, thật sự là "quả đấm chủ lực mạnh" đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Theo Người, vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang không chỉ là lực lượng trực tiếp đối chọi và tiêu diệt quân đội đối phương, mà còn thể hiện ở việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục, tuyên truyền, hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân để nhân dân tham gia ngày càng tốt hơn vào sự nghiệp củng cố quốc phòng cũng như xây dựng đất nước, để "mỗi người dân phải là một người lao động hăng hái, đồng thời là một chiến sĩ dũng cảm vừa xây dựng nước nhà, vừa bảo vệ Tổ quốc". Có như thế thì nền QPTD mới phát huy được mọi sức mạnh vật chất, tinh thần khi chiến tranh xảy ra, mới có thể đáp ứng mọi yêu cầu của chiến tranh nhân dân, mỗi người dân mới thật sự là một chiến sĩ, mỗi làng mới trở thành một "pháo đài" chiến đấu chống xâm lược. 

3. Xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, vừa đáp ứng yêu cầu chống xâm lược, bảo vệ độc lập chủ quyền, vừa giữ vững ổn định chính trị - xã hội và an ninh quốc phòng. 

Mối quan hệ tác động lẫn nhau giữa quốc phòng và an ninh, xây dựng thế trận QPTD và thế trận an minh nhân dân được Hồ Chí Minh đặt trong sự thống nhất nhằm mục tiêu chung bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống lao động hòa bình của nhân dân; trong cùng nhiệm vụ chống thù trong, giặc ngoài, cùng chống kẻ thù dân tộc, kẻ thù giai cấp. Trong khi chỉ ra rằng, nhân dân ta có hai lực lượng: Quân đội "để đánh giặc ngoại xâm", Công an "để chống kẻ địch trong nước, chống bọn phá hoại", Hồ Chí Minh không bao giờ tách rời hai lực lượng và hai lĩnh vực ấy, trái lại luôn đặt chúng trong mối quan hệ thống nhất với nhau. Theo Hồ Chí Minh, quốc phòng không chỉ để nhằm chống sự phá hoại, xâm lược của kẻ thù từ bên ngoài; an ninh không chỉ là vấn đề giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, chống các thế lực phản động bên trong, mà hai lĩnh vực này, tuy đều có nhiệm vụ cụ thể riêng, có phương thức bảo vệ riêng nhưng quan hệ mật thiết, thâm nhập lẫn nhau trong mục tiêu chung bảo vệ Tổ quốc; trong nhiệm vụ quốc phòng có cả an ninh, trong nhiệm vụ an ninh có cả quốc phòng. 

Hồ Chí Minh cho rằng, phải kết hợp chặt chẽ hai lĩnh vực đó, xây dựng thế trận QPTD phải gắn với thế trận an ninh nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung của cách mạng. Do đó, trong khi động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia củng cố quốc phòng, Người luôn nhắc nhở mọi tầng lớp nhân dân phải quan tâm đến nhiệm vụ an ninh, "Phải nâng cao tinh thần cảnh giác, giữ gìn trật tự trị an, luôn luôn sẵn sàng tiêu diệt bọn biệt kích, ngăn chặn bọn phản cách mạng âm mưu phá hoại". Người nhấn mạnh: "phải nắm vững tay cày, tay súng, đẩy mạnh quốc phòng, trật tự trị an...luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu”. Xây dựng thế trận QPTD và thế trận an ninh nhân dân gắn bó chặt chẽ với nhau để tạo nên những "bức tường đồng", những "tấm lưới sắt" bảo vệ Tổ quốc, tạo ra "thiên la, địa võng" làm cho kẻ thù lúng túng và thất bại khi gặp phải chiến tranh nhân dân Việt Nam. Lực lượng và thế trận của nền QPTD được xây dựng theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã tạo nên sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân, làm cho chiến tranh nhân dân Việt Nam trở nên rất đặc sắc và điển hình. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: "Có lẽ hiếm có ở đâu chiến tranh nhân dân trong thực tế lại đúng với tên gọi của nó như vậy, thật sự sâu rộng trong nhân dân và thật sự vô địch như nhân dân". 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về QPTD là sự kết hợp sáng tạo truyền thống, nghệ thuật quân sự của dân tộc với tinh hoa quân sự, văn hóa trên thế giới - mà cốt lõi là học thuyết quân sự của chủ nghĩa Mác-Lê-nin - trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Sự kết hợp sáng tạo đó trong tư tưởng về QPTD cũng như toàn bộ tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh biểu hiện sâu sắc ở chỗ, Người đặt vấn đề quân sự, QPTD, chiến tranh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân... trong phạm trù cách mạng vô sản, phục vụ cho cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân của Người. Cho nên, giá trị của tư tưởng về QPTD cũng như tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh không đơn thuần về mặt quân sự, mà giá trị của những tư tưởng ấy còn ở chỗ, nó thể hiện phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo trong quỹ đạo của cách mạng vô sản, trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng XHCN ở Việt Nam. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về QPTD đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam, trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và do chính Người lãnh đạo. Tư tưởng đó đã và đang là nền tảng, phương châm chỉ đạo và là sự chỉ dẫn cụ thể trong việc xây dựng nền QPTD ở nước ta hiện nay. Tuân theo tư tưởng của Người, tại Đại hội IX, Đảng ta tiếp tục khẳng định: "Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt"; tiếp tục xây dựng nền QPTD toàn diện, độc lập tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại, đáp ứng mọi yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.
TS Nguyễn Mạnh Hưởng
Viện khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc Phòng

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website