Tìm hiểu Tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân

Hồ Chí Minh là người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin vào Việt Nam và tổ chức thực hiện thành công đưa cách mạng Việt Nam liên tục tiến lên giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người rất thấm thía lời dạy của các nhà kinh điển Mác Lênin: Vấn đề quan trọng nhất của mỗi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền; giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị thật sự khi nó biết tự vệ”. Những người vô sản sau khi được chính quyền từ tay giai cấp tư sản, đi lên xây dựng CNXH, phải bảo vệ CNXH với tư cách là Tổ quốc; “tất cả mọi lực lượng, mọi tài nguyên của quốc gia đều phải dùng vào công cuộc bảo vệ cách mạng”... 

Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay); long trọng tuyên bố trước toàn thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Sau đó ít ngày, trong một bức thư gửi tới đồng bào, chiến sĩ cả nước nhân dịp “Tuần lễ vàng”, Người lại chỉ rõ: “Chúng ta cần củng cố nền tự do độc lập ấy để chống lại với sự dã tâm xâm lăng của bọn đế quốc Pháp...Việc cấp bách và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng”. 

Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta kết thúc thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với đại đoàn Quân tiên phong hành quân từ Việt Bắc về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Khi dừng lại ở Đền Hùng, Người nói với cán bộ, chiến sĩ. “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. 

Những lời nói trên đây của Hồ Chí Minh đã thể hiện tập trung nhất, sâu sắc nhất và xuyên suốt nhất tư tưởng của Người về QPTD ở nước ta. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về QPTD là sự nối tiếp vận dụng và nâng cao tư tưởng khởi nghĩa toàn dân, chiến tranh nhân dân của Người vào công việc phòng thủ quốc gia trong thời bình. Theo Người, cũng như trong khởi nghĩa vũ trang toàn dân và chiến tranh nhân dân, một nền quốc phòng chỉ có thể được gọi là QPTD khi nó có mục đích vì dân hoàn toàn, triệt để và động viên, tập hợp được toàn dân tự nguyện tham gia dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Mục đích có vì dân thì mới được đông đảo các giới nhân dân hưởng ứng. Một nền quốc phòng có mục đích càng vì dân hoàn toàn và triệt để bao nhiêu thì nhân dân hưởng ứng càng đông đảo, nhiệt tình bấy nhiêu và sức mạnh của nó càng vĩ đại bấy nhiêu. Nền quốc phòng vì dân hoàn toàn và triệt để là nền quốc phòng chỉ nhằm ngăn chặn, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng xâm phạm, phá hoại cuộc sống hòa bình, hạnh phúc của nhân dân, độc lập chủ quyền của Tổ quốc; không vì lợi ích riêng của một cá nhân hay một nhóm người nào và cũng không nhằm xâm lược ai. Đó là nền quốc phòng tự vệ, chính đáng, mang bản chất của chế độ XHCN, của Nhà nước dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản. 

Thực hiện QPTD là để xây dựng cho được một nền quốc phòng toàn diện và đấu tranh toàn diện với các thế lực thù địch. Điều đó cũng được Hồ Chí Minh chỉ rõ ngay từ những tháng đầu nước nhà độc lập. Ngày 3/9/1945, Người cho công bố văn kiện Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Ngày 5/11/1945, Người lại công bố văn kiện Công việc khẩn cấp bây giờ. Hai văn kiện đó nêu ra một loạt công việc mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải làm ngay như “Phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất”, “Mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”, “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”; “Giáo dục lại nhân dân chúng ta...phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”, “Mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính”, “Bỏ ngay ba thứ thuế là thuế thân, thuế chợ, thuế đò”, “Tuyệt đối cấm hút thuốc phiện”; “Kháng chiến và kiến quốc”, “Tổ chức du kích khắp nơi”, thực hiện “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. v.v... 

Có thể nói đó là những chủ trương, chính sách giải pháp chiến lược đầu tiên, khá toàn diện của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng, củng cố nền QPTD bảo vệ Tổ quốc do đích thân Hồ Chí Minh khởi thảo. Những chủ trương, chính sách và giải pháp ấy cho thấy: Muốn bảo vệ được Tổ quốc, nước ta phải có kinh tế mạnh, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; chính quyền của dân không ngừng được xây dựng, củng cố vững chắc; Đảng và Nhà nước phải có nhiều chính sách mang lại quyền lợi thiết thực cho nhân dân; tiến hành mạnh mẽ, sâu rộng công tác chính trị, tư tưởng làm cho tinh thần yêu nước, ý thức cảnh giác cách mạng, phẩm chất, đạo đức, lối sống cần, kiệm, liêm, chính ngày càng ăn sâu, bám chắc trong trái tim, khối óc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Phải làm thật tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng cho được khối đại đoàn kết toàn dân tộc và lực lượng vũ trang (LLVT) hùng mạnh, làm nòng cốt cho toàn dân chống lại có hiệu quả mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các loại kẻ thù. 

Những chủ trương, chính sách giải pháp chiến lược ấy gắn rất chặt vấn đề xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới - chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân, mọi người dân bắt đầu làm chủ cuộc đời mình, cho nên lập tức được cả dân tộc nhiệt liệt hưởng ứng. Khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam, hàng loạt phong trào "thi đua ái quốc" diễn ra liên tục sôi nổi trong mọi tầng lớp nhân dân, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ và sự chống phá điên cuồng của kẻ thù. Lịch sử sẽ còn mãi mãi ghi nhận những thành tựu cực kỳ to lớn và quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong những ngày tháng đầu tiên dưới chính thể dân chủ cộng hòa non trẻ ấy. Chỉ trong một thời gian hoà bình ngắn ngủi (từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946), nhân dân ta đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ mà mấy chục thế kỷ trước đó chưa hề có: Nạn đói bị đẩy lùi. Hàng triệu người thoát nạn mù chữ. Chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội từ trung ương đến cơ sở được thiết lập và đi vào hoạt động rất hiệu quả. Hiến pháp dân chủ cộng hoà đầu tiên trong lịch sử dân tộc ra đời. LLVT nhân dân phát triển khắp nơi cả về số lượng và chất lượng. Lòng yêu nước, chí căm thù giặc, ý chí quyết tâm chống ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập của toàn dân được nâng cao. Nhiều hủ tục và chính sách bất công bị xoá bỏ. Nếp sống mới, đạo đức mới ra đời...Cách mạng trưởng thành nhanh chóng cả về lực và thế, để từ đó mà bình tĩnh, chủ động bước vào cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân pháp xâm lược, giành thắng lợi ngay từ trận đầu, ngày đầu cho đến thắng lợi hoàn toàn. 

Tháng 7/1954, Hiệp định Giơnevơ “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương” được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng đi vào hàn gắn vết thương chiến tranh và tạo cơ sở vật chất ban đầu của công cuộc xây dựng CNXH; miền Nam tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến tới thống nhất đất nước. Lúc này, sự nghiệp xây dựng, củng cố quốc phòng lại đặt ra trước toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta những yêu cầu mới rất nặng nề. Một trong những việc quan trọng nhất là phải chủ động đánh giá đúng, kịp thời mọi mặt về địch, về ta, thế giới, trong nước và xác định đúng kẻ thù chính của dân tộc. Tất cả những vấn đề trên đã được Hồ Chí Minh khẳng định từ rất sớm: Một tháng trước khi có Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương, Người nói: “Thế là Mỹ dần dần trở nên kẻ địch chính của quân đội và nhân dân ta...Bất kỳ hoà bình hoặc chiến tranh ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”. Để có thể nắm vững chủ động, thấy trước, chuẩn bị trước được đầy đủ chính xác mọi vấn đề thì từ lâu Người đã dạy chúng ta: "Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ, kiên quyết không ngừng thế tiến công". 

Cũng chính từ tư tưởng cách mạng tiến công ấy, ngay sau khi miền Bắc được giải phóng (1954), Hồ Chí Minh đã cùng với Đảng ta đề ra đường lối: cả nước đồng thời làm hai nhiệm vụ chiến lược - xây dựng, bảo vệ miền Bắc XHCN và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà. Người xác định: “Chế độ này là của ta, phải bảo vệ chế độ của ta. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là của ta, phải bảo vệ Nhà nước của ta. Ai xâm phạm đến Nhà nước của ta, đến chế độ ta, ta phải chống lại họ, bất cứ bằng lời nói hay việc làm. "Ngày nào còn bọn đế quốc thì nguy cơ chiến tranh vẫn còn" và “Ngày nào mà chưa đuổi được đế quốc Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, chưa giải phóng được miền Nam khỏi ách thống trị tàn bạo của Mỹ - Diệm, thì nhân dân ta vẫn chưa ăn ngon, ngủ yên”. Người kêu gọi đồng bào, chiến sĩ miền Bắc “phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”. 

Hồ Chí Minh cho rằng, trong điều kiện mới, nước ta nhất thiết phải xây dựng một nền QPTD, toàn diện và hiện đại. Sự hiện đại hoá nền quốc phòng chỉ có thể thực hiện được khi miền Bắc xây dựng được một nền kinh tế có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, khoa học kỹ thuật tiên tiến. Tuy vậy, Người cũng nhấn mạnh: Trong nội dung xây dựng nền QPTD toàn diện và hiện đại ấy, "Công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất". Bởi vì: “Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới, thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất. Nếu trong Đảng và ngoài Đảng từ trên xuống dưới, từ trong đến ngoài đều tư tưởng thống nhất thì nhiệm vụ tuy nặng nề, công việc tuy khó khăn phức tạp, ta cũng nhất định thắng lợi”. Công tác lãnh đạo tư tưởng phải tập trung làm cho quần chúng thấm nhuần sâu sắc, nhất trí cao độ, tin tưởng tuyệt đối và ra sức thực hiện mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ; đồng thời thường xuyên nêu cao cảnh giác cách mạng, nhận rõ bản chất của kẻ thù và sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của chúng. 

Những năm 60, 70 của thế kỷ XX, cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật lần thứ III của thế giới bùng nổ, tạo ra rất nhiều thành tựu mới mẻ và to lớn. Theo đó, hàng loạt vũ khí trang bị kỹ thuật mới của quân đội ra đời ở nhiều nơi và ngày càng có nhiều nước dựa chủ yếu vào quân đội và vũ khí hiện đại để bảo vệ tổ quốc. Nhưng ở Việt Nam, Hồ Chí Minh vẫn kiên trì quan điểm QPTD. Người xác định: “Chống lại và làm thất bại những hành động xâm lược của đế quốc Mỹ để bảo vệ độc lập, bảo vệ quyền sống, đó là quyền thiêng liêng của mọi người dân Việt Nam ở miền Bắc cũng như ở miền Nam”. Toàn thể nhân dân, không phân biệt giai cấp, tín ngưỡng và nghề nghiệp đều phải giữ gìn trật tự và ra sức ủng hộ chính quyền. "Chính quyền nhân dân có hai lực lượng bảo vệ nó: đó là quân đội và công an. Chúng ta phải xây dựng quân đội ta thành một quân đội nhân dân hùng mạnh, một quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại, để giữ gìn hoà bình, bảo vệ Tổ quốc”. “Đồng thời, phải phát triển và củng cố dân quân du kích về mặt tổ chức, huấn luyện, chỉ đạo và sức chiến đấu. Phải làm cho lực lượng của dân quân du kích thành những tấm lưới sắt rộng rãi và chắc chắn, chăng khắp mọi nơi, địch mò đến đâu là mắc lưới đến đó”. Các LLVT nhân dân ta muốn xây dựng được vững mạnh đều phải dựa chắc vào dân và phải luôn nhớ rằng mình có bổn phận làm nòng cốt cho toàn dân trong sự nghiệp xây dựng, củng cố quốc phòng - an ninh bảo vệ Tổ quốc. 

Để xây dựng được ở nước ta một nền QPTD toàn diện và hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN trong mọi hoàn cảnh, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta: “Cũng như trong quân đội, cùng các mặt khác (chính trị, hậu cầu, kỹ thuật...) tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội”. 

Như vậy, quốc phòng là một lĩnh vực hoạt động có phạm vi rất rộng, mang tính tổng hợp rất cao. Sức mạnh của quốc phòng là sức manh toàn diện, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng chứ không phải là chủ yếu, lại càng không phải là tất cả. Lực lượng quốc phòng là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hê thống chính trí, trong đó các LLVT nhân dân là lực lượng nòng cốt. Không có lực lượng toàn dân, không thường xuyên bám lấy dân thì LLVT có đông quân và nhiều vũ khí, trang bị hiện đại đến mấy cũng không thể bảo vệ được Tổ quốc. Hồ Chí Minh đã dạy và lịch sử cũng đã chứng minh như vậy. 

Quốc phòng, chiến tranh và quân sự tuy có mốì quan hệ hữu cơ với nhau nhưng hoàn toàn không phải là một. Nếu quan niệm quốc phòng với quân sự là một thì phải chăng trọng tâm sự nghiệp xây dựng, củng cố quốc phòng ở nước ta hiện nay là lo chuẩn bị các giải pháp quân sự để đối phó với kẻ thù, trong khi đó kẻ thù các loại lại đang ráo riết tiến công chúng ta bằng các biện pháp “phi quân sự” là chủ yếu? Nếu quan niệm quốc phòng với chiến tranh là một thì phải chăng trọng tâm sự nghiệp quốc phòng của chúng ta hiện nay là lo chuẩn bị đối phó với các cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn do LLVT của địch tiến hành từ bên ngoài vào? Đương nhiên, chúng ta không bao giờ coi nhẹ việc sẵn sàng đánh thắng mọi kiểu loại, quy mô, hình thức chiến tranh xâm lược của kẻ thù, nhưng nếu quan niệm như vậy thì hết sức nguy hiểm. 

Trong thời đại ngày nay, bất kỳ quốc gia độc lập nào cũng phải lo xây dựng, củng cố quốc phòng. Mỗi quốc gia, dân tộc có cách làm riêng của mình. Ở nước ta, bất kể công việc lớn, nhỏ trong sự nghiệp xây dựng, củng cố quốc phòng bảo vệ Tổ quốc, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu biết trung thành và vận dụng sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh về QPTD thì nhất định thắng lợi; ngược lại thì nhất định thất bại. Thiết nghĩ, đó là điều mỗi chúng ta phải thường xuyên tự nhắc nhở mình và nhắc nhở nhau đừng bao giờ quên. Bởi vì: “Thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi”! 

Đại tá Phạm Văn Việt
Giảng viên khoa Chiến lược HVQP

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website