Một trong những di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho cách mạng Việt Nam là phong cách làm việc. Phong cách làm việc đó được coi là một nét đặc sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng nâng cao địa vị lãnh đạo của Đảng.
PHONG CÁCH QUẦN CHÚNG
Phong cách này bắt nguồn từ sự thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin: quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Bác có lòng tin vô tận đối với quần chúng. Bác luôn luôn chăm lo tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng, và coi đó nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Bác nói: "Nước lấy dân làm gốc", "gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân". Bác thường xuyên căn dặn các tổ chức Đảng , cán bộ, đảng viên phải coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng và phải thể hiện tinh thần phụ trách trước nhân dân. Bác nói: "Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc đều vì lợi ích của quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng, thì ta phải bỏ đi hoặc sửa lại...".
Với lòng nhân ái bao la đối với quần chúng, Bác Hồ thâm nhập vào quần chúng bằng phong cách thật sự của người cán bộ quần chúng, với nụ cười hiền hậu, giọng nói ấm áp và vòng tay rộng mở.
Bác nói: "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta".
Một vấn đề quan trọng trong phong cách quần chúng của Bác Hồ là phải chống chủ nghĩa cá nhân. Bác đã kịch liệt phê phán chủ nghĩa cá nhân, cho đó là một thứ vi trùng phá hoại cơ thể người cán bộ, đảng viên làm cho họ không thể làm việc gì cho sự nghiệp cách mạng, dù người đó tài giỏi mấy.
PHONG CÁCH LÀM VIỆC KHOA HỌC
Bác Hồ dạy: "Gặp mỗi vấn đề phải suy tính kỹ lưỡng, chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy".
Muốn quyết định đúng mọi vấn đề, trước hết phải "điều tra nghiên cứu rõ ràng". Có nắm chắc tình hình thì đề ra chính sách mới đúng. Và mỗi khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại, phải biết tổng kết rút kinh nghiệm để làm "khuôn phép" cho những công việc khác, coi đó là "chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới".
Để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác, Bác dạy phải biết lựa chọn cán bộ và sử dụng cán bộ. Bác căn dặn phải chí công vô tư trong tuyển chọn, xem xét cán bộ, bố trí cán bộ. Bác phê phán gay gắt những bệnh ưa nịnh hót, ghét những người chính trực...Khi giao công tác cho cán bộ thì phải làm cho họ yên tâm công tác, vui thú công tác. Quá trình người cán bộ thực hiện nhiệm vụ thì phải tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường xuyên từ trên xuống và từ dưới lên một cách có hệ thống. Có như vậy mới đánh giá được hoạt động của cán bộ, đảng viên và còn đánh giá được những chủ trương, chính sách đề ra có đúng hay không?
PHONG CÁCH LÀM VIỆC THIẾT THỰC,CỤ THỂ
Bác Hồ nghiêm khắc lên án bệnh "hữu danh vô thực", bệnh hình thức, khi ra chỉ thị, nghị quyết thì không gắn với điều kiện thực tế, không gắn với quần chúng và cơ sở. Trong chỉ đạo thực hiện thì không có kế hoạch cụ thể, biện pháp cụ thể, không kiểm tra, kiểm soát, không tổng kết rút kinh nghiệm.
Bác chỉ rõ: Khi ra quyết định công tác hay khi định ra cách tổ chức thực hiện, không được ngồi trên bàn giấy, nghe người dân báo cáo rồi vẽ vời, do chủ quan tưởng tượng mà không đi sâu sát thực tế. Người kịch liệt phê phán những lối làm việc không thiết thực, làm cho có chuyện, làm được ít suýt ra nhiều, "để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại rỗng tuếch".
PHONG CÁCH NÊU GƯƠNG
Bác Hồ nói: "Nói chung thì các dân tộc phương Đông giàu tình cảm và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo. Thực tế cho thấy, nếu một cán bộ, đảng viên "nói một đằng, làm một nẻo" thì trước con mắt của nhân dân, họ không còn là người chiến sĩ tiên phong nữa, họ tuyên truyền sẽ chẳng ai nghe nữa. Và thực chất, họ đã tự tước mất vai trò của người lãnh đạo.
Bác Hồ còn rất coi trọng việc xây dựng làng, xã, huyện, tỉnh kiểu mẫu, những "người tốt, việc tốt". Từ những nhân tố mới làm gương mẫu nhân rộng ra, dấy lên phong trào thi đua học tập và làm theo, tạo nên khí thế cách mạng hào hùng trong sản xuất công tác. . . rộng khắp trong cả nước.
Bác Hồ, ngay từ những ngày đầu hoạt động cách mạng, rất quan tâm rèn luyện cho cán bộ, đảng viên không những về mặt phẩm chất, đạo đức mà còn rèn luyện về phong cách làm việc.
Trong tác phẩm "Đường kách mệnh" (năm 1927) và "Sửa đổi lối làm việc" (10-1947), Bác Hồ đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải là người có phẩm chất đạo đức cách mạng, vừa phải có năng lực mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, trong đó phong cách làm việc là một nhân tố quan trọng cấu thành phẩm chất và năng lực cán bộ. Và suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ nêu tấm gương sáng ngời về phong cách làm việc. Phong cách và đức độ của Người đã làm cho quần chúng nhân dân tự đáy lòng mình , đã đặt cho Người cái tên gọi hết sức thân thương người Bác, người Cha.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến tất cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng. Chính phẩm chất cao đẹp đó, Người đã xây dựng cho mình phong cách làm việc mà Đảng ta đã trân trọng gọi là phong cách Hồ Chí Minh.
Nguyễn Xuyến