“Chính quyền về tay các Xô-viết” – khẩu hiệu bất hủ của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại

Để chuẩn bị cho cuộc cách mạng này, Lênin cũng các đồng chí của mình đã tích cực hoạt động, không quản hy sinh sương máu vì nền độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc Nga đang bị áp bức, bóc lột bởi chính chế độ tư bản phong kiến Nga Hoàng và các thế lực đế quốc tư bản đang xâm lược nước Nga lúc bấy giờ.

Ngày 14/9/1917, Lênin đã viết bài “Một trong những vấn đề căn bản của cách mạng” đăng trên Báo Con đường công nhân[1]. Trong bài báo này, Lênin đã nhấn mạnh: “Vấn đề chính quyền nhà nước nhất định là vấn đề chủ yếu nhất của mọi cuộc cách mạng. Giai cấp nào giữ chính quyền? Điều đó quyết định tất cả”. Sau khi phê phán sự do dự của những người thuộc phái Mensêvích và phái của “những người xã hội chủ nghĩa – cách mạng” đã làm chậm quá trình cách mạng, Lênin đã dứt khoát khẳng định: “Chỉ có một cuộc khởi nghĩa thắng lợi của giai cấp vô sản mới có thể cứu vãn được cách mạng. Nếu có, thì nên thành lập ngay một chính quyền vững chắc và kiên quyết. Trong một cuộc cách mạng nhân dân, nghĩa là một cuộc cách mạng đã thức tỉnh quần chúng, thức tỉnh đại bộ phận công nhân và nông dân, thì chỉ có một chính quyền dựa một cách công nhiên và dứt khoát vào đa số nhân dân mới có thể vững chắc được”. Và Lênin đã chỉ đích danh “chỉ có chính quyền Xô-viết là có thể vững chắc và có thể công nhiên dựa vào đa số nhân dân”. Cuối bài viết, Lênin một lần nữa nhấn mạnh và khẳng định: “Chính quyền về tay các Xô-viết: đó là con đường duy nhất để đảm bảo cho tình hình phát triển một cách tuần tự, hòa bình, yên ổn”.

Vậy là từ sau bài báo này, “Chính quyền về tay các Xô-viết” đã trở thành khẩu hiệu tiên quyết, là một trong những động lực mạnh mẽ dẫn đến chiến thắng của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại.

 

Lực lượng cách mạng Nga đang tiến công vào Cung điện Mùa Đông

 ở Pêtơrôgrát trong Cách mạng tháng Mười Nga (Ảnh tư liệu)

Thực hiện khẩu hiệu đó, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lênin và các đồng chí của Người, đêm ngày 6 rạng sáng ngày 7/11/1917 (tức đêm 24 rạng sáng ngày 25/10/1917 theo lịch cũ, lịch Julius của Nga), toàn thể tầng lớp vô sản bị áp bức, bóc lột bao gồm công nhân, binh sĩ và nông dân đã nhất tề vùng đứng lên bao vây Cung điện Mùa Đông (Xmônưi) ở thành phố Pêtơrôgrát (là thành trì của Chính phủ tư sản lâm thời) bắt đầu cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, Đúng 9 giờ 45 phút sáng ngày 7/11/1917, chiến hạm Rạng Đông đã nổ loạt súng lệnh báo hiệu tấn công. Lực lượng Bạch vệ đang bảo vệ Cung điện Mùa Đông đã bị rối loạn. Chớp được thời cơ đó lực lượng Hồng vệ binh gồm thủy thủ, chiến sĩ Cận vệ đỏ và binh sĩ cách mạng đã tràn vào Cung điện. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, nhưng cuối cùng thì lực lượng cách mạng đã giành được chiến thắng. Toàn bộ Chính phủ tư sản lâm thời bị bắt.

Đến 10 giờ sáng, ngày 7/11/1917, Ủy ban Quân sự – Cách mạng, trực thuộc Xô-viết đại biểu công nhân và binh sĩ Pêtơrôgrát đã ra tuyên bố “Gửi các công dân nước Nga” với nội dung: “Chính phủ lâm thời đã bị lật đổ. Chính quyền nhà nước đã chuyển qua tay cơ quan của Xô-viết đại biểu công nhân và binh sĩ Pêtơrôgrát; cơ quan đó là Ủy ban Quân sự – Cách mạng, đứng đầu là giai cấp vô sản và đội quân bảo vệ Pêtơrôgrát. Sự nghiệp mà nhân dân đã đấu tranh để thực hiện: đề nghị ngay tức khắc một hòa ước dân chủ, xóa bỏ quyền sở hữu ruộng đất của bọn địa chủ, thiết lập chế độ công nhân kiểm soát sản xuất, thành lập Chính phủ Xô-viết, sự nghiệp đó đã được bảo đảm! Cuộc cách mạng của công nhân, binh sĩ và nông dân muôn năm!”[2].

Ngay trong đêm 7/11/1917, Đại hội Xô-viết toàn Nga lần thứ hai đã khai mạc tại chính Cung điện Mùa Đông và tuyên bố thành lập Chính quyền Xô-viết với cơ quan điều hành là Hội đồng Bộ trưởng do Lênin làm Chủ tịch Hội đồng và 12 vị Bộ trưởng khác là các thành viên[3]. Các sắc lệnh đầu tiên của Chính quyền Xô-viết đã được thông qua là Sắc lệnh hòa bình và Sắc lệnh ruộng đất. Cũng ngay trong phiên đại hội này, trong báo cáo về kết quả của cuộc cách mạng do Ủy ban Quân sự – Cách mạng soạn thảo, được chính Lênin trình bày đã khẳng định: “Cuộc cách mạng công nông mà những người Bônsêvích không ngừng chứng minh là cần thiết, đã thành công. Cuộc cách mạng công nông đó có ý nghĩa gì? Trước hết, ý nghĩa của cuộc cách mạng đó là ở chỗ chúng ta sẽ có một Chính phủ Xô-viết, cơ quan chính quyền riêng của chúng ta, không hề có một sự tham gia nào của giai cấp tư sản. Quần chúng bị áp bức sẽ tự mình đứng ra thành lập chính quyền. Bộ máy nhà nước cũ sẽ bị phá hủy đến tận gốc và một bộ máy quản lý mới sẽ được thành lập dưới hình thức các tổ chức Xô-viết. Từ nay một giai đoạn mới mở ra trong lịch sử nước Nga, và cuộc cách mạng này, cuộc cách mạng thứ ba ở nước Nga rốt cuộc phải dẫn đến thắng lợi của chủ nghĩa xã hội”[4].

Cũng ngay sau khi kết thúc, Đại hội toàn Nga các Xô-viết đại biểu công nhân và binh sĩ, đại biểu các Xô-viết nông dân đã ra một Thông báo “Gửi công nhân, binh sĩ và nông dân”, trong đó nhấn mạnh đến quyết nghị của Đại hội là: “Toàn bộ chính quyền ở các địa phương đều nhất luật chuyển về tay các Xô-viết. Đại biểu công nhân, binh sĩ và nông dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự cách mạng thật sự”[5].

 

Lênin diễn thuyết trước các chiến sĩ cách mạng Hồng vệ binh

tại Quảng trường đỏ Mátxcơva trong Cách mạng tháng Mười Nga (Ảnh tư liệu)

Vậy là sau một thời gian ngắn, chỉ chưa đầy hai tháng, từ ngày 14/9/1917, khi bắt đầu có khẩu hiệu “Chính quyền về tay các Xô-viết” cho đến ngày 7/11/1917, cuộc Cách mạng tháng Mười Nga đã thành công rực rỡ. Sự thành công của Cách mạng tháng Mười Nga còn được khẳng định bằng các cuộc đấu tranh trong những ngày về sau khi nhân dân Nga chống lại các thế lực đế quốc phương Tây lăm le xâm lược hòng đè bẹp Chính quyền còn non trẻ và lực lượng cách mạng Nga. Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy tài tình của Lênin, của Đảng Bônsêvích, lực lượng Hồng vệ binh và nhân dân Nga đã bảo vệ thành công những thành quả của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. Chính quyền Xô-viết trên khắp nước Nga ngày càng được củng cố. Quần chúng lao động ở thành thị và nông thôn, trước hết là nông dân nghèo đã đoàn kết lại xung quang giai cấp vô sản, lực lượng lãnh đạo của cuộc cách mạng. Đứng đầu phong trào nhân dân hùng mạnh ấy là Đảng Bôsêvích, đảng đã trở thành đảng cầm quyền của Nhà nước XHCN công nông đầu tiên trên thế giới.

Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại đã gắn chặt với tên tuổi của V. I. Lênin. Dưới sự lãnh đạo của Người, Đảng Bônsêvích đã biết hòa cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân vì chủ nghĩa xã hội, phong trào toàn dân vì hòa bình, cuộc đấu tranh của nông dân vì ruộng đất, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của những dân tộc bị áp bức ở Nga vào cùng một dòng thác cách mạng và Đảng Bônsêvích đã biết hướng toàn bộ những lực lượng ấy vào việc đánh đổ chủ nghĩa tư bản. Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga là một tấm gương sáng ngời của việc áp dụng trong thực tiễn học thuyết Lênin về cách mạng xã hội chủ nghĩa, là sự xác nhận tính đúng đắn của kết luận mà Lênin đã nêu ra cho rằng chủ nghủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi trước tiên trong một nước tư bản chủ nghĩa riêng biệt.

Cách mạng tháng Mười Nga còn có một ý nghĩa quốc tế lớn lao. Nó đã cổ vũ công nhân và nông dân toàn thế giới đấu tranh kiên quyết và quả cảm chống chiến tranh đế quốc chủ nghĩa, chống lại chủ nghĩa tư bản, vì hòa bình giữa các dân tộc, vì dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Cách mạng tháng Mười Nga đã gây một cuộc cách mạng hóa lớn lao đối với giai cấp công nhân châu Âu và trên toàn thế giới, nó đã nâng toàn bộ phong trào công nhân thế giới lên một trình độ mới.

Dưới sự ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa (trong đó có Việt Nam) đã bắt đầu hành động. 28 năm sau, vào tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh – một học trò xuất sắc của Lênin đã vận dụng sáng tạo và thành công học thuyết của Lênin và kết hợp với chủ nghĩ Mác – Ăngghen vào cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam. Hồ Chí Minh đã cùng với các đồng chí của mình lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam, mà nòng cốt là liên minh giai cấp công nhân, nông dân đánh đổ đế quốc thực dân phong kiến, giành lại độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam, lập ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, góp phần cổ vũ lớn lao cho phong trào giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức và thuộc địa trên toàn thế giới./.

 

––––––––––––––––––––

[1] Lênin – Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia. Năm 2006, Tập 34, trang 268-277;

[2] Lênin – Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia. Năm 2006, Tập 35, trang 1;

[3] Lênin – Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia. Năm 2006, Tập 35, trang 31-32;

[4] Lênin – Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia. Năm 2006, Tập 35, trang 2;

[5] Lênin – Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia. Năm 2006, Tập 35, trang 12.

 

 

ThS. Trần Hồng Quỳnh, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dạy và người học.

Điều chỉnh quy định về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý

(ĐCSVN) – Ngày 26/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 99/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm p khoản 1 Điều 2 Nghị định số 83/2022/NĐ-CP ngày 18/10/2022 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website