Cuộc trở về Nga của Lênin năm 1917 để lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười

Lênin về tới Nga vào tháng 4/1917 (Ảnh: bolshevik.info)

Nửa năm trước khi cuộc Cách mạng tháng Mười Nga bùng nổ và thành công, Lênin đã từ nơi sống lưu vong là Thụy Sĩ trở về Nga. Không có sự trở về này của Lênin thì không có “Mười ngày rung chuyển thế giới” cách đây một thế kỷ. Và không nhờ cục diện chính trị và quân sự thế giới khi ấy, đặc biệt ở châu Âu, thì Lênin không thể an bình trở về nước Nga. Để trở về Nga, lãnh tụ Lênin buộc phải quá cảnh ở Đức. Nếu không hồi hương kịp, ông có thể bỏ lỡ cơ hội lãnh đạo cuộc cách mạng Tháng Mười lịch sử.

 Cuộc Cách mạng tháng Hai ở Nga

Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ, nhiều nhà hoạt động chính trị và xã hội của Nga phải ra nước ngoài để tránh bị truy sát. Họ tập trung rất đông ở Thụy Sĩ bởi nước này trung lập. Lênin và vợ cũng đến Thụy Sĩ, lúc đầu ở Berne, sau đó chuyển về Zurich. Nước Nga của Sa hoàng liên minh với Anh và Pháp trong cuộc chiến tranh với nước Đức. Nước Mỹ đứng ngoài cuộc và về sau mới nhảy vào cuộc chiến.

Tháng 2/1917, nạn đói ở nước Nga và sự sa lầy của nước Nga vào cuộc chiến tranh đã làm dân chúng tuyệt vọng và phẫn nộ tới mức bùng phát phong trào đấu tranh đòi Sa hoàng thoái vị. Sự kiện này lịch sử gọi là cuộc Cách mạng tháng Hai ở Nga. Lênin đã ghi lại tâm trạng của mình khi đó: “Hôm nay, chúng tôi vui mừng không thể tưởng tượng nổi. Tôi bức xúc đến tột độ khi không thể trở về nhà được”.

Ở Zurich, các nhà hoạt động chính trị và xã hội Nga thành lập Uỷ ban trung ương về hồi hương những người Nga lưu vong ở Thụy Sĩ. Nhà hoạt động xã hội Thụy Sĩ Robert Grimm được giao nhiệm vụ tiếp xúc với chính quyền Thụy Sĩ và Đức để được phía Đức cho phép quá cảnh nước này trở về Nga. Tất cả số này đều không có con đường hồi hương nào khác ngoài đi qua nước Đức bởi cả Anh lẫn Pháp đều là đồng minh của Nga nên sẽ cản trở họ hồi hương hoặc bắt giữ họ trao cho chính quyền Nga. Vì quá sốt ruột và không thật sự tin tưởng Robert Grimm, Lênin chủ trương tự thân vận động và nhờ cậy nhà hoạt động xã hội Thụy Sĩ Fritz Platten thu xếp mọi thủ tục cần thiết cho mình và cộng sự. Lênin nhận ra rằng cơ hội để làm cuộc đại cách mạng có một không hai cho nước Nga và thế giới đang đến nên phải nắm bắt bằng mọi giá và nếu không kịp thời có mặt ở trong nước để trực tiếp chỉ đạo thì sẽ bị lỡ mất cơ hội ấy.

Nhọc nhằn chuyến hồi hương

Thụy Sĩ trung lập trong cuộc chiến nên đón tiếp người lánh nạn chính trị hay để họ hồi hương không có vấn đề gì. Vấn đề là nước Đức. Khi ấy, nước Đức chẳng biết rồi sẽ thắng hay thua trong cuộc chiến tranh. Nhưng nếu Mỹ tham chiến thì tương quan lực lượng và cục diện chiến trường sẽ thay đổi cơ bản và vô cùng bất lợi cho nước Đức. Vì thế, chính quyền nước Đức không chỉ thấy nhẹ nhõm khi ở nước Nga bùng phát cuộc Cách mạng tháng Hai. Nước Nga càng hỗn loạn và bất ổn nội bộ thì càng suy yếu, nước Đức càng có cơ trong cuộc chiến tranh thì nước Mỹ sẽ càng ngần ngại trước quyết định có nhảy vào cuộc chiến hay không. Sự hồi hương của bộ phận người Nga phải lánh nạn ở nước ngoài để tránh sự truy sát chính trị của chính quyền ở Nga trong suy tính của chính quyền Đức sẽ làm cho nội tình nước Nga thêm phức tạp, tình hình nước Nga thêm mất an ninh và ổn định. Với suy tính như thế, chính quyền Đức đồng ý để Lênin và vợ cùng các đồng chí của mình quá cảnh qua nước Đức trở về Nga. Tuy nhiên, phía Đức cũng muốn tránh tiếng là “tiếp tay” cho lực lượng người Nga lánh nạn ở nước ngoài và Lênin cũng hết sức tránh mọi ngờ vực, đồn thổi và dựng chuyện là nhờ cậy phía Đức để hồi hương và phục vụ cho chính quyền Đức.

Phía Đức cử hai sĩ quan tháp tùng Lênin và đoàn trong suốt hai ngày quá cảnh nước Đức, coi những toa tàu dành cho Lênin và đoàn là “lãnh thổ riêng bất khả xâm phạm” như vẫn được quy định trong thế giới ngoại giao, không kiểm tra, kiểm soát những toa tàu ấy, không cho Lênin và đoàn tiếp xúc bất cứ ai khác và cũng không để cho bất cứ ai khác tiếp xúc với đoàn, không đưa tin gì trên báo chí. Lênin cũng yêu cầu như vậy và cả đoàn mua vé (hạng 3) để tránh tiếng dính dáng tài chính tới chính quyền Đức.

Ngày 9/4/1917, Lênin cùng vợ và các cộng sự bước lên con tàu hoả và rời nhà ga Zurich. Đến biên giới giữa Thụy Sĩ và Đức, đoàn chuyển sang chuyến xe lửa được phía Đức chuẩn bị sẵn và đi xuyên nước Đức về phía bắc. Ngày 11/4, cả đoàn đến Sassnitz trên đảo Ruegen của Đức.

Sáng ngày 12/4, đoàn của Lênin xuống tàu thủy rời nước Đức đi Thuỵ Điển. Con tàu cập bến cảng Trelleborg. Tại đây, Lênin và đoàn được những người đồng chí hướng Thụy Điển đón tiếp nồng nhiệt và tổ chức cho đi tiếp về Thủ đô Stockholm. Lênin và đoàn nghỉ lại ở đây lâu hơn. Thuỵ Điển cũng trung lập trong chiến tranh như Thụy Sĩ nên không gây khó khăn gì cho Lênin. Stockholm cũng là nơi duy nhất có được những bức ảnh còn lưu lại đến nay về hành trình hồi hương làm nên lịch sử này của Lênin. Từ thủ đô Thụy Điển, Lênin và đoàn đi về phía bắc đến biên giới giữa Thụy Điển và Nga. Từ đó, Lênin và đoàn đi tiếp về Petrograd.

Những nhân tố làm nên Cách mạng tháng Mười Nga

Khoảng 23h ngày 16/4/1917, Lênin và đoàn đến nhà ga xe lửa trung tâm của Thủ đô Petrograd. Lênin và đoàn được đảng viên Đảng Bolshevik và người dân nồng nhiệt chờ đón rất đông đảo. Dàn nhạc chơi giai điệu Quốc tế ca. Người dân và binh lính xếp hàng đứng ở hai bên lối đi. Lênin xuống tàu, bước ra ngoài và đứng trên một chiếc xe bọc thép có bài phát biểu đầu tiên trước đông đảo quần chúng. Ngay ngày hôm sau, trước Xô viết của Thủ đô Petrograd, Lênin tuyên cáo Luận cương Tháng 4 nổi tiếng với những nội dung trọng tâm là kêu gọi lật đổ chính phủ lâm thời, chấm dứt chiến tranh và thành lập nhà nước Xô viết. Cuộc cách mạng Nga chính thức chuyển giai đoạn.

Một thế kỷ đã trôi qua kể từ cuộc trở về nước Nga ấy của Lênin. Ngày nay ở trước nhà ga chính của thành phố này có tượng đài Lênin để ghi khắc vào lịch sử sự kiện xưa. Nhà ga bị phá huỷ hoàn toàn trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Khi xây dựng lại, các kiến trúc sư đã chủ ý thiết kế mở 17 cửa sổ nhìn ra tượng đài.

Những gì đã xảy ra ở nước Nga và trên thế giới sau khi Lênin trở về Nga không cần phải nhắc lại nữa. Nhưng không thể không khẳng định và nhấn mạnh rằng, không có Lênin thì sẽ không có được cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917 và nếu không trở về nước Nga kịp thời thì Lênin khó, nếu như không muốn nói là không thể lãnh đạo thực hiện thành công cuộc cách mạng. Thời cơ xoay vần, lịch sử mở ra cho Lênin nhưng chắc chắn không chờ đợi Lênin mãi. Những tình tiết và uẩn khúc chính trị liên quan đến cuộc trở về nước Nga năm xưa của Lênin phản ánh thế sự và thời cuộc khi ấy ở Nga, ở châu Âu và trên thế giới. Với thiên tài trí tuệ và lãnh đạo của mình, Lênin đã hội tụ được đầy đủ những nhân tố quyết định nhất để làm nên lịch sử là đúng người, đúng thời và đúng chỗ./.

 

Sa Thảo/Tuần báo Tiếng nói Việt Nam

(bài đăng trên VOV.VN, ngày 30/10/2017)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website