Chỉ thị số 25/CT-TTg, ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường
  • Về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường
  • 25/CT-TTg
  • Chỉ thị
  • Tài nguyên - Môi trường
  • 31/08/2016
  • 31/08/2016
  • Thủ tướng Chính phủ
  • Nguyễn Xuân Phúc
Nội dung:

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/CT-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 08 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẤP BÁCH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

 

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, là một trong ba trụ cột phát triển bn vững, đã tạo được sự chuyển biến và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, xảy ra nhiều sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức, ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế. Nhiều địa phương còn chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường; chưa phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng, người dân. Hệ thống pháp luật, quy chuẩn còn nhiều bất cập, thiếu khả thi; thiếu quy định, tiêu chí, công cụ để sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư, công nghệ sản xuất, xử lý môi trường, kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp. Năng lực quản lý nhà nước còn hạn chế; một bộ phận công chức còn thiếu trách nhiệm, có biểu hiện tiêu cực; trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ còn yếu và thiếu. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng chống tội phạm và sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa chủ động, thiếu quyết liệt, kém hiệu quả; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Đầu tư cho môi trường còn hạn hẹp, dàn trải, hiệu quả thấp; chưa có cơ chế, chính sách đột phá thu hút nguồn lực trong xã hội.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ môi trường hết sức nặng nề, nhiều vấn đề môi trường tích tụ chưa được giải quyết, áp lực lên môi trường ngày càng lớn, nguy cơ nước ta trở thành bãi thải công nghệ lạc hậu, các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường đang hiện hữu; biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, phức tạp, đặt ra nhiều thách thức lớn đối với công tác bảo vệ môi trường.

Để khắc phục những hạn chế, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Thu hút đầu tư phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường; không cho phép đầu tư vào các loại hình sản xuất, sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu có nguy cơ cao gây ô nhiễm. Các địa phương khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch hành động về bảo vệ môi trường.

2. Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường từ khâu xét duyệt, thẩm định đến triển khai thực hiện và vận hành dự án. Chủ đầu tư, cơ quan quyết định, phê duyệt đầu tư, thẩm định công nghệ sản xuất, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường phải chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường của dự án. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về các vấn đề môi trường trên địa bàn. Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của các Bộ, ngành, địa phương.

3. Tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan tổng hợp, đề xuất sửa đổi các quy định về bảo vệ môi trường trong các luật về môi trường, tài nguyên, thuế, ngân sách, đầu tư, xây dựng, khoa học và công nghệ, năng lượng... bảo đảm thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, hoàn thành trong năm 2017.

- Rà soát, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường, khắc phục những bất cập hiện nay, nhất là các quy định về các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước, biện pháp kỹ thuật kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp. Rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường phù hợp với điều kiện trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế, kết hợp thải lượng chất ô nhiễm và sức chịu tải của môi trường, hoàn thành trong năm 2017.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư, hoàn thành trong năm 2017.

b) Các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường theo hướng ngăn chặn các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, quy định cụ thể tỷ lệ vốn đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường đối với các loại hình dự án đầu tư.

d) Bộ Xây dựng ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành suất đầu tư, giá dịch vụ trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hoàn thành trong năm 2017.

đ) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện nghiêm túc tiêu chí về bảo vệ môi trường trong việc công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành trong năm 2016.

e) Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ liên quan rà soát, trình Chính phủ quy định giao Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

g) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường của địa phương, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao và các đô thị đông dân cư, khu vực có hệ sinh thái nhạy cảm cần được bảo vệ.

4. Tăng cường và chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường:

- Tập trung thanh tra, kiểm tra các đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên trên phạm vi cả nước; rà soát đánh giá tác động môi trường, công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án lớn, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; rà soát, chấn chỉnh công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoàn thành trong năm 2017.

Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các Bộ, địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra môi trường, bảo đảm không chồng chéo, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải trên phạm vi cả nước; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải, hoàn thành trong năm 2018.

- Tăng cường trách nhiệm, có cơ chế phù hợp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông.

- Xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo về môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, khu vực nhạy cảm về môi trường trước năm 2020.

- Ban hành bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương trong năm 2016 để thực hiện từ năm 2017.

b) Các Bộ, ngành, địa phương rà soát báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, các công trình biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường để có điều chỉnh kịp thời, hoàn thành trong năm 2017.

c) Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng đề xuất các giải pháp tăng cường hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường theo hướng tập trung vào đấu tranh, phòng chống tội phạm về môi trường; xử lý các vụ việc vi phạm nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật hình sự.

d) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các Bộ liên quan tăng cường công tác đánh giá tác động của công nghệ nhập khẩu đến môi trường; rà soát các dự án nhập khẩu dây chuyền, công nghệ xử lý rác thải; đề xuất công nghệ, thực hiện thí điểm xử lý chất thải rắn bằng công nghệ của Việt Nam, hoàn thành trong năm 2017.

đ) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch liên quan đến xây dựng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm rõ những nội dung bảo vệ môi trường và từng công trình bảo vệ môi trường; rà soát, kiểm tra việc tuân thủ quy hoạch xây dựng chi tiết đối với các dự án đầu tư lớn, có tác động xấu đến môi trường; rà soát định mức, chi phí cho bảo vệ môi trường trong tổng mức đầu tư của dự án xây dựng; hoàn thành trong năm 2017.

e) Bộ Công Thương rà soát và tổ chức kiểm tra việc tuân thủ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật do Bộ phê duyệt hoặc chủ trì tham gia góp ý kiến trong quá trình thẩm định, phê duyệt đối với các dự án đầu tư lớn, có tác động xấu đến môi trường, hoàn thành trong năm 2017.

g) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Tập trung xử lý triệt để, di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, chuyển vào các khu công nghiệp; yêu cầu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; buộc đối tượng có quy mô xả lớn lắp đặt ngay các thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải theo quy định của pháp luật và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.

- Hoàn thành việc phê duyệt, rà soát phê duyệt lại theo thẩm quyền quy hoạch quản lý chất thải rắn trong năm 2017; tổ chức thực hiện ngay quy hoạch đã được phê duyệt; điều tra, đánh giá, khoanh vùng và có kế hoạch xử lý các khu vực ô nhiễm tồn lưu trên địa bàn.

h) Cơ quan quyết định, phê duyệt đầu tư tăng cường kiểm tra, đôn đốc chủ dự án, nhà đầu tư tuân thủ các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ vận hành dự án.

5. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và huy động nguồn lực cho bảo vệ môi trường

a) Bộ, ngành, địa phương rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực quản lý môi trường, ưu tiên cấp huyện, xã; sử dụng nguồn sự nghiệp môi trường để bố trí cán bộ hợp đồng phụ trách công tác bảo vệ môi trường cấp xã; tăng cường đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cân đối, bố trí vốn đầu tư cho các dự án xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại theo quy hoạch đã được phê duyệt ngay trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và dài hạn.

c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phương án bảo đảm kinh phí cho bảo vệ môi trường theo hướng: tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, cân đối kinh phí thường xuyên sự nghiệp môi trường hàng năm không dưới 1% tổng chi ngân sách Nhà nước và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; tính đúng, tính đủ giá dịch vụ môi trường; đề xuất phương án để dành 100% tiền xử phạt vi phạm hành chính về môi trường để đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường.

d) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về cơ chế đột phá huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa bảo vệ môi trường, thực hiện đúng nguyên tắc: “người được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường; người gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại”.

đ) Các Bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm chi đúng, chi đủ nguồn ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

6. Các Bộ, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, phân loại rác tại ngun và thu gom rác thải; tạo điu kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp, phản biện, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường; chủ động cung cấp thông tin, phát huy vai trò của báo chí trong công tác bảo vệ môi trường.

7. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 



THỦ TƯỚNG

(Đã ký)

Nguyễn Xuân Phúc

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File
19/2016/TT-BTNMT
24/08/2016
10/10/2016
1672/QĐ-TTg
26/08/2016
26/08/2016

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website